Nhu cầu tuyển dụng lớn, môi trường làm việc lý tưởng, mức lương hấp dẫn… cơ hội cho điều dưỡng viên Việt Nam làm việc tại các nước phát triển (Đức, Nhật) đang rộng mở. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm bắt được cơ hội này, bởi cùng với quyền lợi, những tiêu chuẩn đối với điều dưỡng viên đi làm việc ở nước ngoài cũng ngặt nghèo.

Rộng mở cơ hội

Sang Nhật từ 6 năm trước theo diện thực tập sinh, chị  Nguyễn Thanh Vân đã nỗ lực học tập chuyên môn, trau dồi ngoại ngữ, rèn giũa kinh nghiệm làm việc tại các cơ sở y tế của Nhật Bản. Với những cố gắng, Thanh Vân thi đạt chứng chỉ Y tá quốc gia của Nhật Bản. Hiện, chị làm y tá tại bệnh viện Sashusidai, Nhật Bản, hưởng mức lương và các chế độ đãi ngộ hấp dẫn như các lao động người Nhật (thu nhập trên 50 triệu đồng/tháng). “Sang đây làm việc môi trường mới, chỉ cần nỗ lực và quyết tâm thì có thể làm việc được và có thể thi đỗ chứng chỉ quốc gia Nhật để làm việc lâu dài”, Nguyễn Thanh Vân chia sẻ.

Cũng như Nguyễn Thanh Vân, bằng nỗ lực và quyết tâm, anh Nguyễn Bách (23 tuổi) hiện đã trở thành điều dưỡng của một bệnh viện vùng ngoại ô nước Đức. Trước đó, khi ở Việt Nam, Bách từng có 2  năm kinh nghiệm làm điều dưỡng. Thông qua Facebook, Bách biết được thông tin  về cơ hội làm việc hấp dẫn tại Đức nên quyết định nộp đơn. Để thực hiện ước mơ, Bách đã tham gia khóa học tiếng Đức 6 tháng ở Hà Nội. Sau vòng sát hạch cuối cùng, chàng trai này được tuyển chọn Đức. Mức thu nhập hiện nay của Bách là gần 2000 euro mỗi tháng (khoảng 60 triệu đồng).

Hiện nay, cơ hội làm việc tại nước ngoài với môi trường làm việc lý tưởng, thu nhập hấp dẫn  như Vân và Bách đang mở rộng với các điều dưỡng viên Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, nhu cầu điều dưỡng viên chăm sóc người già của Đức là rất lớn trong khi thị trường lao động của nước này không thể đáp ứng được và Đức đã chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên ngoài châu Âu để thiết lập quan hệ hợp tác trong lĩnh vực di cư lực lượng lao động chuyên môn trong ngành y tế. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng là một nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới, thường xuyên thiếu hụt khoảng 50.000 điều dưỡng viên mỗi năm.

Ước tính, trong vòng 10 năm tới Nhật Bản cần khoảng 600.000 hộ lý chăm sóc người cao tuổi. Từ hai năm nay, Việt Nam chính thức có thỏa thuận hợp tác đưa ứng viên điều dưỡng và hộ lý sang làm việc và học tập tại Nhật Bản. Đây là cơ hội lớn cho các ứng viên Việt Nam bởi sau khi được chọn sang Nhật vừa học vừa làm (3 năm đối với ứng viên điều dưỡng và 4 năm với ứng viên hộ lý, mỗi năm gia hạn một lần), các ứng viên sẽ được tham  dự kỳ thi cấp chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý, nếu đạt, họ sẽ được phép ở lại làm việc dài hạn với mức lương 2.000-3.000 USD/tháng.

co-gai-9x-dam-me-hoat-dong-tinh-nguyen-bb-bab7OLsh
Cơ hội làm việc tại nước ngoài với thu nhập cao đang mở rộng với điều dưỡng Việt Nam

Trình độ phải cao

Mới đây, nghe thông tin Bộ LĐ-TB&XH tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản (khóa III năm 2014); Nguyễn Thu Hà (phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa) tỏ ra rất tiếc nuối: “Em tốt nghiệp khoa Điều dưỡng Cao đẳng y tế Hà Nội và đã đi thực tập, học việc ở một số bệnh viện trên địa bàn thành phố hơn một năm nay, nhưng vì không tự tin với trình độ ngoại ngữ nên em đã không nộp hồ sơ”. Thực tế, những ứng viên thấy cơ hội mà không thể nắm bắt như Hà rất nhiều. Rất nhiều trường hợp, dù có trình độ cao đẳng, đại học y nhưng vẫn chưa đủ tự tin để nộp hồ sơ tại điểm tiếp nhận ứng viên dự tuyển điều dưỡng, hộ lý làm việc tại Nhật Bản. Nguyên nhân là ứng viên còn e ngại trước những thách thức đặt ra từ các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới về dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe.

Theo các chuyên gia, thách thức với lao động có mong muốn đi làm việc tại các quốc gia này là họ phải đảm bảo 3 yếu tố: Trình độ chuyên môn, tính kỷ luật và khả năng giao tiếp ngoại ngữ. Ông Ichikawa Tomotake, Giám đốc Trung tâm đạo tạo tiếng Nhật ARC Academy tại Việt Nam cho biết: “Đối với một lao động chất lượng cao, kỹ năng công việc là tiên quyết, tuy nhiên, với chúng tôi, quan trọng nhất lại là khả năng giao tiếp. Với người lao động ở nước ngoài thì ngôn ngữ cũng như khả năng giao tiếp của họ tại nơi làm việc là vấn đề quan trọng. Đây cũng chính là yếu tố để các doanh nghiệp tại Nhật Bản đánh giá cao các thực tập sinh Việt Nam so với lao động của các quốc gia khác”.

Cục Quản lý lao động ngoài nước thì cho biết, luật pháp của Nhật Bản rất nghiêm khắc trong việc cấp chứng chỉ quốc gia cho người lao động nước ngoài. Trong khi đó, thực tập sinh Việt Nam chỉ được tạm trú tại Nhật Bản 3 năm và rồi phải tham gia kỳ thi chứng chỉ quốc gia Nhật Bản, nếu không thi đỗ sẽ phải về nước. Vì vậy, lao động Việt Nam chỉ có thể đảm bảo năng lực cạnh tranh đối với các quốc gia phái cử khác và có cơ hội làm việc lâu dài tại Nhật Bản bằng việc chứng tỏ năng lực ngoại ngữ, tay nghề tốt.

Để phát triển việc đưa  lao động chất lượng cao, nhất là lao động ngành y đi làm việc ở nước ngoài trong tương lai, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh- Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, ngoài việc đào tạo chuyên môn, hệ thống các trường đào tạo cũng phải có thêm các chuyên ngành ngoại ngữ phù hợp để học viên có thể định hướng ngay khi còn trên ghế nhà trường

Ngọc Tú

Theo Lao Động Thủ Đô 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc