(Phụ Nữ Hiện Đại) – Bạn sắp có một cuộc phỏng vấn cho vị trí nhân viên bán hàng? Điều này thật thú vị. Để có cuộc phỏng vấn thành công, chuẩn bị là điều rất quan trọng. Bằng cách tham khảo trước các câu hỏi phỏng vấn nhân viên bán hàng sau đây và thực hành cách trả lời, bạn có thể tự tin hơn và nhận về kết quả tốt hơn.

Điều quan trọng mà mọi nhân viên kinh doanh phải có là gì?

Nhân viên bán hàng cần có một số kỹ năng nhất định để thuyết phục khách hàng tiềm năng và khiến họ chi tiền. Bạn nên nắm vững những kỹ năng này khi cần tìm việc làm nhân viên kinh doanh và cho thấy bạn có thể làm tốt trong thực tế.

Câu trả lời có thể là: Với nhiều năm kinh nghiệm bán hàng của tôi, có một số kỹ năng quan trọng giúp tôi biến khách hàng tiềm năng thành khách hàng trả tiền. Vì vậy, tôi cảm thấy một nhân viên bán hàng nên có các kỹ năng như lắng nghe tích cực, kiên trì, hợp tác, kết nối, giao tiếp và giải quyết vấn đề hiệu quả.

Bạn nghĩ gì về các cuộc gọi bán hàng?

Là nhân viên kinh doanh, bạn sẽ phải thực hiện các cuộc gọi chào hàng vào một thời điểm nào đó. Chào hàng qua điện thoại không phải là nhiệm vụ dễ dàng và cần một bộ kỹ năng đặc biệt để thực hiện nó một cách hiệu quả.

Bạn có thể áp dụng câu trả lời như sau: Dù đã có kinh nghiệm thực hiện các cuộc gọi bán hàng nhưng tôi chưa bao giờ thấy đó là một việc đơn giản. Dù khó nhưng tôi luôn sẵn sàng vì đó là cơ hội để kết nối với khách hàng tiềm năng. Tôi xem các cuộc gọi chào hàng như việc tiếp cận với một người đang cần mình giúp đỡ và tìm cách giải quyết các vấn đề để đôi bên cùng có lợi.

Bạn không thích điều gì nhất ở công việc bán hàng?

Nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu thêm về bạn, nhưng họ không muốn nghe những điều bạn ghét trong công việc của mình. Vì thế, hãy xem đây là cơ hội để nói về điều bạn không thích với cách nhìn tích cực hơn.

Chẳng hạn như câu trả lời sau: Tôi không thích làm việc với các hóa đơn nhưng tôi biết điều đó là cần thiết. Tôi thích ra ngoài tương tác với mọi người, giúp đỡ khách hàng và bán hàng! Vì vậy, ngồi vào bàn làm việc giấy tờ không phải là điều tôi yêu thích, nhưng nó hỗ trợ quá trình bán hàng và thành công của nhóm chúng tôi. Khi làm các báo cáo cũng là thời điểm tuyệt vời để suy ngẫm về những gì đã giúp cho việc bán hàng thuận lợi hơn hoặc những gì tôi cần làm tốt hơn.

Ở công việc gần đây, bạn làm gì để cân bằng giữa việc duy trì các mối quan hệ với khách hàng hiện tại và khách hàng mới?

Cả khách hàng mới và khách hàng hiện tại đều quan trọng đối với doanh nghiệp và họ muốn tìm kiếm một người có thể làm việc với cả hai khách hàng này một cách hiệu quả. Vì vậy, khi nhận được câu hỏi phỏng vấn nhân viên bán hàng này, hãy làm cho nhà tuyển dụng tin rằng bạn có thể khiến khách hàng hiện tại hài lòng cũng như xây dựng mối quan tốt với các khách hàng mới để luôn đảm bảo doanh số bán hàng.

Bạn có thể sử dụng câu trả lời như sau: Tôi có một chút hiểu biết về công nghệ. Tôi đã sử dụng hầu hết các ứng dụng bán hàng phổ biến để kết nối với khách hàng tiềm năng và khách hàng hiện tại. Chẳng hạn như bằng cách tạo chuỗi email trong CRM và chế độ tự động gửi, tôi có thể kết nối với người mua tiềm năng trong thời gian thực. Mặt khác, với sự trợ giúp của ứng dụng khảo sát và tạo biểu mẫu, tôi có thể nhanh chóng tạo khảo sát cho khách hàng hiện tại để hiểu xem họ có hài lòng với sản phẩm hay không. Những ứng dụng này đã giảm bớt khối lượng công việc của tôi để tôi có thể cân bằng cả hai mối quan hệ một cách hiệu quả.

Hãy kể về một lần bạn làm việc chăm chỉ nhưng cuối cùng không bán được hàng, bạn đã xử lý tình huống này như thế nào?

Bị từ chối là một thử thách mà mọi nhân viên bán hàng phải đối mặt trong sự nghiệp bán hàng của họ. Một số người tỏ ra khó chịu và không ai muốn tuyển những cá nhân nóng nảy như vậy. Vì vậy, hãy thể hiện mình là một người biết ứng xử, coi sự từ chối như một khó khăn cần vượt qua và làm việc chăm chỉ hơn.

Đây là câu trả lời mà bạn có thể áp dụng cho câu hỏi phỏng vấn nhân viên bán hàng này: Từ chối là một phần của bán hàng chuyên nghiệp và tôi đã chuẩn bị tâm lý để đối mặt với nó. Nhiều khách hàng sẽ nói “không” vì không có đủ ngân sách hoặc nhu cầu mua sản phẩm. Trên thực tế, tôi xem sự từ chối như một cơ hội để trở nên tốt hơn. Tôi luôn nghe lại các cuộc gọi bán hàng đã ghi âm và xem xét điều gì cần sửa đổi. Tôi thậm chí còn chuẩn bị trước kịch bản để xử lý các lời từ chối có thể xảy ra.

Trâm Nguyễn

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc