Cục Quản lý dược – Bộ Y tế vừa bổ sung quy định cấm năm dẫn xuất paraben và methylisothiazolinone trong mỹ phẩm do những chất này có nguy cơ gây nguy hại cho sức khỏe của người sử dụng. Đáng chú ý là hóa chất parabens có trong hầu hết các mỹ phẩm đang bán trên thị trường Việt Nam hiện nay, nhưng không được nhà sản xuất “nhắc” tới trên bao bì.

Chất độc có trong 80% mỹ phẩm, khăn giấy

Năm dẫn xuất paraben bị cấm theo quy định mới nhất này bao gồm Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben.

Hóa chất parabens thường xuất hiện trong các loại lăn nách, kem triệt lông, kem dưỡng da, xịt khử mùi, kem dưỡng thể, sữa rửa mặt, dầu gội đầu, gel cạo râu, khăn giấy cho trẻ em… Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh parabens là chất gây mất cân bằng nội tiết tố, về lâu dài có thể gây ung thư.

Nhiều loại mỹ phẩm bán trên thị trường không ghi đầy đủ thành phần hóa học.        Ảnh: B.A.

Ghi nhận trên thị trường khăn giấy ướt hiện nay có trên 50 nhãn hàng khăn giấy ướt khác nhau với mức giá dao động trong khoảng 15.000-50.000 đồng. Sở dĩ có sự chênh lệch giá quá lớn như thế bởi trên thị trường ngoài một số ít sản phẩm nhập ngoại, còn lại là hầu hết các nhãn hiệu khăn ướt hiện nay đều là sản xuất đóng gói thủ công (hàng cơ sở) hoặc nhập từ các nguồn không rõ ràng. Số nhãn hàng có ghi thông tin về parabens trên bao bì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Việt Nam chưa có quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đối với khăn giấy ướt, nên các đơn vị kinh doanh mặt hàng này chủ yếu chấp nhận công bố về chất lượng của các doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, quá trình sản xuất tại Việt Nam có bảo đảm đúng như công bố, có được giám sát kỹ về điều kiện vệ sinh hay nhà sản xuất có điều chỉnh gì về thành phần, công thức… hay không thì chưa kiểm soát được.

Với các mặt hàng mỹ phẩm, dầu gội, sữa tắm hiện nay được bán trên thị trường, các siêu thị lớn, nhiều nhãn hàng như Hazeline, Clear… đều có ghi thành phần có chứa Methylisothiazolinone, nhưng chất parabens không được nhắc tới.

Phó giáo sư-tiến sĩ Trương Văn Tuấn, giảng viên bộ môn Bào chế – trường Đại học Y dược TPHCM cho rằng, người ta dùng parabens như một chất bảo quản trong mỹ phẩm và thức ăn (mã là E214, E219 trong ngành thực phẩm) để ngăn ngừa sự biến chất của sản phẩm.

Một cán bộ phòng Quản lý dược, Sở Y tế TP HCM cho biết, rất nhiều loại mỹ phẩm có sử dụng parabens và methylisothiazolinone đã có mặt trên thị trường cả nước một cách chính thống. Tức chúng được cấp phép lưu hành. Nhưng tất nhiên mỗi loại sản phẩm đều có liều lượng ở mức cho phép.

Phó giáo sư, dược sĩ Nguyễn Hữu Đức – trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết, hầu hết các mỹ phẩm, dược phẩm, ngay cả mỹ phẩm được gọi là thiên nhiên 100% đều dùng chất bảo quản. Trong đó, hóa chất parabens có chức năng sát khuẩn, diệt các loại vi nấm, vì thế không có gì ngạc nhiên khi parabens có mặt ở nhiều sản phẩm đòi hỏi sự bảo quản trong thời gian lâu.

Bắt đầu cấm từ ngày 1-8

Cục Quản lý dược quy định các sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu có chứa các thành phần này chỉ được phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30-7-2015. Còn đối với các sản phẩm chứa Methylisothiazolinone chỉ được phép lưu thông trên thị trường đến hết ngày 30-4-2016.

Song song đó, Cục Quản lý dược cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp rà soát lại thành phần công thức các sản phẩm mỹ phẩm, cập nhật các danh mục để đảm bảo chỉ đưa ra lưu thông phân phối và sử dụng các sản phẩm an toàn. Đồng thời giám sát việc thực hiện quy định về thời hạn áp dụng đối với các sản phẩm mỹ phẩm chứa các chất đã cảnh báo để đảm bảo sản phẩm lưu thông trên thị trường được an toàn.

Theo các nghiên cứu tại châu Âu, chất parabens vẫn thường được sử dụng làm chất bảo quản trong 80% mỹ phẩm, nhiều loại thực phẩm và dược phẩm để chống nấm mốc phát triển và vi sinh vật có hại cho con người. Mỹ phẩm chứa parabens, là thành phần chất bảo quản có khả năng gây ung thư vú và vô sinh ở nam.

Chất methylisothiazolinone là một hóa chất ăn mòn cao đã được tìm thấy là độc khi nuốt phải, hít vào, hoặc áp dụng cho da hoặc mắt, nghi ngờ là một chất độc thần kinh. Liên quan đến việc sử dụng trong mỹ phẩm, hạn chế này đã được đưa ra ở các nước, chẳng hạn như Canada và Nhật Bản.

Cục Quản lý dược nhận định, parabens và methylisothiazolinone là các chất có mặt trong nhiều sản phẩm mỹ phẩm. Trong đó được sử dụng phổ biến trong kem dưỡng da, mascara, nước tẩy trang, kem cạo râu và nhiều sản phẩm dùng cho trẻ em như khăn ướt, sữa tắm. Tuy nhiên gần đây đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy các chất này có thể nguy hiểm cho sức khỏe và tác động đến hệ nội tiết của người dùng.

Theo Bình An/ báo Sài Gòn Tiếp Thị

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc