“Hãy cho tôi xem ngôi nhà của bạn và tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai”. Một số người có thể không nhận ra điều này, nhưng nội thất căn nhà hay đồ nội thất một chỗ cư ngụ luôn nói lên khá nhiều về chủ nhân của chúng. Nó không chỉ đơn thuần bộc lộ sự bừa bộn hay ngăn nắp, sang trọng hay giản dị, mà còn nói lên phong cách và thái độ sống của gia chủ.

Câu 1: Làm sao để có thể tạo nên một nội thất mang cá tính riêng của mình mà không cần tốn quá nhiều chi phí? Tôi có nên đi theo các trào lưu phong cách thiết kế nội thất đang phổ biến hiện nay không? Độc giả Lê Tuấn Anh, Q.3, TP.HCM

Câu 2:

Dù mua nhà có phần thô làm khá tốt, tôi vẫn thấy khó khăn khi tìm kiếm, phân định được những món đồ nội thất, kiểu thiết kế phù hợp, mà ít bị lỗi thời theo thời gian. Có nên giao hết chuyện này cho nhà chuyên môn xử lý?

Độc giả Mai Lê Như Quỳnh, TP.Biên Hòa, Đồng Nai.

Chọn phong cách nào, theo xu hướng gì tối ưu dường như luôn là các băn khoăn thường thấy của gia chủ khi chuẩn bị xây nhà hay sửa chữa nội thất. Quá trình tương tác giữa nhà chuyên môn và chủ đầu tư luôn cũng là câu chuyện làm nhà không phải là phép cộng của các dữ liệu tham khảo, mà cần thêm phép nhân của cảm xúc và phép chia, trừ bớt đi những lo toan, ưu tư. Với những gia chủ đã tin tưởng nhà chuyên môn, phần ưu tư vẫn luôn tồn tại khi chạm vào khía cạnh cá tính, bản sắc, sở thích riêng của chính mình.

*Chuyện của các “thượng đế” 

Ngày nay, khi lựa chọn kiểu dáng và phong cách cho nội thất nhà ở, các nhà thiết kế chuyên nghiệp không chỉ dựa vào sở thích và xu hướng đang thịnh hành, mà còn dựa trên đặc điểm tâm lý, cá tính của khách hàng. Khá nhiều gia chủ khi bắt đầu vào phần nội thất hay đặt câu hỏi, hoặc xác định luôn, với nhà chuyên môn rằng: “Em xem hiện nay đang có xu hướng gì nổi trội thì làm”. Và dù biết rằng xu hướng nào đạt đỉnh thu hút càng nhanh thì độ lỗi mốt cũng càng cao, hiếm gia chủ nào kiềm chế được trước những mẫu mã được giới thiệu là “đang hot hiện nay, sang trọng, đẳng cấp…”.

Vậy thì chọn thôi, chần chờ gì nữa. Không, điều cơ bản mà dân trong nghề luôn nhớ, chỉ có gia chủ là có thể quên: một thiết kế nội thất có chất lượng trước tiên phải phù hợp với nhu cầu và khả năng đáp ứng của gia chủ.

Bạn muốn tạo không khí như thế nào cho căn phòng? Bạn thật sự muốn không gian đó kể câu chuyện của bạn như thế nào? Các yếu tố tùy theo thực tế hiện trạng và thói quen sử dụng thì cân nhắc ưu tiên danh mục nào quan trọng hơn? Món đồ nội thất, hay trang trí đó đem lại cho bạn cảm giác gì? Hàng loạt câu hỏi sẽ được đặt ra. Và các “thượng đế” phải trả lời, nếu không muốn nhà chuyên môn làm sai ý mình.

Đây là lúc mà các trang tham khảo có phân tích, tạp chí chuyên ngành chính thống, ý kiến tư vấn chuyên gia… trở nên hữu ích. Thay vì cứ mải lướt theo những trào lưu video 30 giây của 500 anh em miễn phí, hay những mẫu nội thất chỉ có 1 tấm hình; hãy nhìn lại mình và nhà mình, rồi ghim lại những món đồ, kiểu bài trí hợp với sở thích chung và riêng. Ghi ra những từ khóa thích hợp với sở thích như “sự thư giãn, ấm cúng, tinh tế, tối giản, mạnh mẽ…”, rất nhiều nhưng phải hợp với mình và gia đình. Khâu “dịch thuật” từ hình dung bằng ngôn ngữ sang hình ảnh dữ liệu này rất quan trọng. Nếu không biết gì về nghệ thuật trang trí Art Deco mà cứ chọn đại những tấm hình bắt mắt, rất có thể bạn sẽ không chịu nổi không gian đó khi nó hoàn thiện; vì thần thái, không khí của một căn phòng, hay điều bạn muốn người khác cảm nhận khi bước vào không gian đó là điểm mấu chốt, chứ không phải những chi tiết đã được “trang điểm” bắt mắt trên mạng mà bạn thấy.

Tiếp theo, cố gắng tránh những gì khiến không gian nội thất nhà bạn giống như không gian trưng bày. Lời khuyên này có vẻ làm buồn lòng các nhà sản xuất, showroom, nhưng thực ra khá sát với thực tế. Vì có ngôi nhà nào tương tự không gian trưng bày đâu, trừ khi đó là căn hộ mẫu tại dự án chung cư được thiết kế tại chính mặt bằng điển hình mà khách hàng sẽ mua. Ngay cả khi các thông số mặt bằng, chiều cao phòng, điều kiện cảnh quan có tương đồng, thì độ rủi ro vẫn luôn đến từ người sử dụng, kịch bản sinh hoạt diễn ra và văn hóa của mỗi gia đình vốn khác nhau.

  • Tính cá nhân và mạch xuyên suốt 

Để tránh lạc lối khi tham khảo, nên có “bản đồ định vị cá tính” của bạn trong nội thất và bám sát nó. Ví dụ, nếu cá tính bạn gần với yếu tố hoài niệm, truyền thống, thì việc chọn những chiếc ghế da màu đen bóng với kiểu hiện đại và khung thép thẳng tắp sẽ gây ra sự không hài hòa, thậm chí là xung đột. Rồi việc giữ lại vài món đồ nội thất cũ? Đó chính là giữ giá trị cảm xúc, kỷ niệm của nó và của bạn trong không gian. Có thể là chiếc gương, chiếc bàn nhỏ, hoặc cả bộ sofa. Chúng mang theo câu chuyện cũ, tạo nên hơi thở, sự gắn kết, là nguồn an ủi và nuôi dưỡng tâm hồn con người qua tháng năm. Ta ở đâu, ký ức theo đó, logic này thậm chí còn mang tính chữa lành, làm nên giá trị văn hóa truyền thừa và trong mức độ nào đó, đồ vật mang ký ức là vô giá, vì không thể mua lại được.

Thu thập nhiều rồi sẽ đến lúc phải làm một thứ gọi là moodboard. Nôm na đó là cái bảng mà bạn bày ra điều mình thích, ghim lên đấy hệ thống hình ảnh, vật liệu, màu sắc tham khảo hợp với cá tính và nhu cầu của mình. Không chỉ hỗ trợ cho người thiết kế, thi công, nó giúp bạn xây dựng chủ đề mình chọn và xem những mẫu đó khi kết hợp với nhau trông sẽ thế nào, có tương thích với không gian căn nhà không. Bạn có thể bắt đầu với một bức tranh trừu tượng thể hiện cảm xúc mà bạn muốn căn phòng truyền tải. Rồi bạn có thể thêm màu sơn chủ đạo, rồi tông màu điểm xuyết, rồi thêm những mẫu vải rèm, nệm gối… để trông hiệu quả kết hợp với nhau ra sao. Tập trung vào ý tưởng đã đề ra ban đầu và giữ cái “mạch” xuyên suốt ấy. Không quên nhấn nhá những chỗ mà chỉ riêng bạn, nhà bạn mới có. Chỗ thể hiện niềm đam mê của bạn với âm nhạc chẳng hạn. Thậm chí không cần phải cả một căn phòng, chỉ một góc nhỏ nhưng đủ để kể một câu chuyện riêng mình.

Tóm lại, chìa khóa để tạo phong cách nội thất độc đáo và cá tính nằm ở việc thử nghiệm, bày thử ra và tham khảo đúng chỗ đáng tin tưởng. Đừng ngại khám phá và thể hiện phong cách riêng, thay vì cứ phải nhìn ngó xem có ai làm giống như vậy không. Dĩ nhiên, bạn rất cần có trợ giúp của nhà chuyên môn dù trực tiếp hay gián tiếp.

  • Chuyện chưa có hồi kết

Mình bày ra rồi thì cũng phải để nhà chuyên môn phát biểu, nhất là những khúc mắc “khó nói” của nhà chuyên môn, bởi cái họ ngao ngán nhất chính là chuyện gia chủ thay đổi xoành xoạch kiểu cách, hình thức sau khi đã chốt. Thôi thì vì chi phí hạn chế, hoặc giới hạn cấp phép, đặc thù kỹ thuật… thì đành chịu, nhưng mà đụng chạm đến phong cách, kiểu dáng… với nhà thiết kế giống như một sự phủ nhận chuyên môn. Không ít nhà thiết kế từng than thở rằng: chúng tôi vốn đã bị mang tiếng là dân “vẽ kiểu nhà”, vậy mà ngay đến cái… kiểu nhà cũng không được chấp nhận, phải vẽ theo ý gia chủ, chắc… cắn lưỡi!

Tâm lý “ngại khác biệt nhưng thích nổi bật” đi cùng tâm lý tự tôn bản thân kiểu sở hữu “nhà của tôi, tôi muốn làm gì thì làm” dẫn đến thái độ áp đặt ý của gia chủ lên nhà chuyên môn và nhân danh các trải nghiệm cá nhân. Ví dụ hội chứng làm nhà có mái “chóp củ hành củ tỏi” rộ lên khoảng thập niên 90 vốn xuất phát từ nhóm gia chủ đã từng biết kiểu thức nhà cửa vùng Trung Á, Liên Xô cũ và cổ điển châu Âu, mang về đầy rẫy. Vấn đề này ngày càng khó hạn chế trong thời thông tin tràn ngập, ai cũng có thể tìm kiếm “tài liệu tham khảo” mà ít có định hướng, sàng lọc chuyên môn rõ ràng, khiến “virus học đòi” dễ dàng lây lan.

Do đó, vấn đề không phải là phong cách nào, theo xu hướng gì thì hay hơn, mà là yếu tố nhận thức để trở thành những “chủ đầu tư khôn ngoan” sẽ chi phối, quyết định khả năng sáng tạo của giới chuyên môn. Tức là trong mối quan hệ song phương, thậm chí đa phương giữa các bên làm nhà, thì vai trò nhận thức của chủ đầu tư rất quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định then chốt. Kiến trúc sư nào dám thay đổi khi chủ nhà không đồng ý? Nhà thiết kế nào tự nhiên làm nên kiểu này kiểu kia nếu chẳng được gia chủ duyệt? Ngay cả khi tự mình xây nhà cho mình thì lúc đó người có chuyên môn cũng thành… chủ đầu tư rồi, kiểu nhà của anh kệch cỡm hay nhã nhặn cũng đều do văn hóa sống của anh, đâu thể đổ lỗi cho người làm chuyên môn!

Ở khía cạnh văn hóa ở, cần bình tâm suy xét: liệu những thứ ta đang làm có đáp ứng thực vấn đề gì của gia đình ta, bản thân ta, hay nó chỉ là một cách thể hiện khác của cái tôi, mà cái tôi đó thường không ra ngoài thói quen nhìn ngó nhau, khoe người và khoe nhà trên không gian mạng, một thói quen đang dần khó bỏ của con người thời “ăn ngủ cùng mạng xã hội” hiện nay.

Như Kahlil Gibran từng viết trong tác phẩm kinh điển Ngôn Sứ: “Hãy cho tôi biết, các bạn đang có cái gì trong nhà mình? Và với cánh cửa khép chặt, các bạn đang canh giữ điều gì?”. Một câu hỏi, nét tự sự, ý thiết tha, lời kêu gọi, tuy vang lên gần 100 năm trước nhưng vẫn hàm súc nguyên vẹn giá trị khi sang thế kỷ XXI này đã hơn 20 năm. Bởi thế mà câu chuyện “nhà cũng là người” chắc chắn sẽ còn tiếp diễn và rộng mở cho các quan điểm đa chiều cùng tham gia chia sẻ. 

01
02

Hai ô cầu thang của 2 căn nhà có ý tưởng phong cách nội thất rõ từ phần kiến trúc tổng thể, cần tôn trọng và phát triển

03
04

 Cũng là phòng tắm có bồn, nhà này theo tân cổ điển chỉn chu đồng bộ, nhà kia phá cách phối hợp nhiều đồ khác nhau, đều thể hiện rõ tính cách gia chủ

05

Góc phòng ngủ của một họa sĩ, nơi những món đồ kỷ niệm làm nên cá tính riêng

06
07

 Một “xó xỉnh” riêng cho bản thân thư thái, tại sao không?

08
09

Nên tạo điểm nhấn khác biệt từ một chút xanh, vật dụng cũ, hay thiết bị chuyên dụng

Bài: KTS NHAN HÀ PHƯƠNG LINH 

Ảnh: THÁI KHƯƠNG 

Theo Tạp Chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – Chuyên mục Nhà ++ Số Tháng 11.2023

Link https://www.tcnhadep.com/nha-khac-gi-nguoi/

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc