Người phụ nữ sau giai đoạn chín tháng mười ngày mang thai và sau khi trải qua một cuộc vượt cạn đầy cam go, cơ thể, đặc biệt là cơ quan sinh sản cũng đã bị thay đổi rất nhiều.

Rất nhiều chị em trong giai đoạn hậu sản, sau khi bao lo lắng trong thời kỳ mang thai và sinh con qua đi, khi họ tự nhìn lại chính mình, họ lại thấy sao mọi thứ thay đổi nhanh chóng như vậy. Những khuôn mặt xinh tươi, vóc dáng thắt đáy lưng ong “ngày xưa đó” đi đâu mất rồi và cả việc sinh hoạt “gối chăn” cũng không còn như xưa. Không ít chị em phụ nữ rơi vào các trạng thái lo lắng đến mức trầm cảm. Không phải chỉ về một phía chị em phụ nữ cảm nhận điều đó mà cả những người đồng hành với chị em phụ nữ cũng vẫn cảm thấy hình như có cái gì đó nó không không giống như hồi xưa ấy…

Thẩm mỹ “cô bé” là gì?

Thẩm mỹ “cô bé” là một trong những đề tài gây tranh cãi nhiều nhất cả trong những người dân cũng như trong giới y khoa. Trong giới y khoa cả bên chuyên ngành sản phụ khoa và thẩm mỹ cũng có tranh cãi nhau về chuyện này. Bên ngành phụ khoa cho rằng chuyện thẩm mỹ “cô bé” là không cần thiết, trong khi bên chuyên ngành thẩm mỹ cho rằng chuyện làm đẹp “cô bé” cũng như làm đẹp các bộ phận cơ thể khác là nhu cầu của mỗi người. Tuy nhiên, dù có tranh cãi nhau như thế nào thì các thống kê cho thấy số lượng các trường hợp đi phẫu thuật thẩm mỹ “cô bé” ngày càng tăng không chỉ ở các nước châu Á mà còn cả các nước Âu Mỹ.

Thẩm mỹ nói chung là làm sao cho các bộ phận trong cơ thể quay trở lại giống như thời kỳ trước đây, hoặc làm sao cho các bộ phận trong cơ thể tương xứng với nhau. Bên ngành thẩm mỹ học có một chỉ số gọi là chỉ số sắc đẹp 1,618. Một khuôn mặt được xem là đẹp khi các bộ phận trong khuôn mặt tuân theo tỷ lệ 1,618. Ví dụ như tỷ lệ giữa chiều cao và chiều ngang của khuôn mặt, tỷ lệ giữa chiều dài của môi và chiều ngang của mũi ở những người phụ nữ có khuôn mặt được gọi là đẹp, đa phần tuân theo tỷ lệ ấy.

“Cô bé” như thế nào gọi là đẹp? Cho đến ngày nay vẫn chưa có những tiêu chuẩn đưa ra cho vấn đề này. Tuy nhiên, xu hướng của con người là làm sao cho mình trẻ lại và thẩm mỹ “cô bé” là làm sao để cho “cô bé” trở lại như xưa. Nhiều nhà thẩm mỹ cho rằng người phụ nữ đẹp nhất là lúc tuổi “trăng tròn” tức là tuổi dậy thì. Do đó, xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ “cô bé” là làm sao cho “cô bé” trở lại như lúc tuổi dậy thì hoặc khi chưa từng sinh con…

Tại sao “cô bé” lại thay đổi sau khi người phụ nữ mang thai và sinh con?

Khi người phụ nữ mang thai, các thay đổi về nội tiết và tình trạng tăng tưới máu vùng cơ quan sinh sản làm cho “cô bé” của người phụ nữ sậm màu hơn. Khi sinh, thai nhi có kích thước lớn đi qua đường sinh sản của người phụ nữ làm cho “cô bé” căng dãn tối đa để chào đón đứa con thân yêu của người phụ nữ. Sau sinh, về mặt lý thuyết, các bộ phận nơi “cô bé” sẽ từ từ hồi phục trở lại giống như trước đây. Tuy nhiên, mức độ hồi phục thường không hoàn toàn. Điều này có thể được cảm nhận rõ không chỉ bởi bản thân người phụ nữ mà cả người bạn đời của họ qua cuộc sống “gối chăn”. Vấn đề đặt ra ở đây là không phải ai cũng dễ dàng để nói ra điều tế nhị này, cả người phụ nữ và cả người bạn đời, đặc biệt là với tâm lý của người phụ nữ Á Đông.

Thẩm mỹ “cô bé” gồm những gì?

Thẩm mỹ “cô bé”, “thẩm mỹ phụ khoa” hay “thẩm mỹ vùng kín” là những từ rất chung chung trong việc mô tả việc làm đẹp vùng khó nói này. Để hiểu được “cô bé”, cần phải hiểu “cô bé” gồm những bộ phận nào và những can thiệp thẩm mỹ trên từng bộ phận có những phương pháp nào.

  • Âm đạo là vùng cấu trúc giải phẫu thường hay được can thiệp phẫu thuật nhất. Đây là ống sinh dục của người phụ nữ khi quan hệ và cũng là bộ phận bị căng dãn nhất khi người phụ nữ trải qua cuộc sinh thường tự nhiên ngã âm đạo. Ở những trường hợp sinh có can thiệp thủ thuật, sinh khó, con to… cấu trúc của cơ quan này còn dãn ra nhiều hơn nữa.

Có hai phương

pháp giúp cho việc thu nhỏ âm đạo là việc phẫu thuật và sử dụng laser. Hiệu quả của việc sử dụng laser trong thu nhỏ âm đạo vẫn còn hạn chế. Laser chỉ áp dụng trong những trường hợp mức độ dãn tối thiểu, dãn ít… Việc sử dụng các thuốc trôi nổi trên thị trường được quảng cáo làm thu nhỏ âm đạo không có hiệu quả và nguy cơ gây viêm nhiễm phụ khoa…

Trong phẫu thuật thẩm mỹ thu nhỏ âm đạo, các bác sĩ chuyên khoa sẽ cắt bỏ phần mô niêm mạc dư thừa, khâu phục hồi lớp cơ và cả lớp niêm mạc vùng âm đạo.

  • Tầng sinh môn là vùng mô da giữa lỗ âm đạo và hậu môn. Sau khi sinh, nhất là sinh thường tự nhiên ngả âm đạo, mô da tầng sinh môn bị dãn rộng, có thể có sẹo xấu. Việc cắt bỏ mô da dư thừa vùng tầng sinh môn thường được kết hợp với phẫu thuật thẩm mỹ âm đạo.
  • Môi nhỏ “cô bé”. Đây là hai nếp niêm mạc ở hai bên lỗ âm đạo mà một số người hay gọi là “mép” hay “cánh”. Môi nhỏ “cô bé” như một lá chắn ở lỗ âm đạo. Khi môi nhỏ “cô bé” bị phì đại, không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt của người phụ nữ. Người phụ nữ sẽ cảm thấy “vướng”, khó chịu, nhất là trong những ngày “đèn đỏ” khi phải đặt băng vệ sinh phụ nữ liên tục. Một số người phụ nữ lại cảm giác khó chịu khi phải mặc những bộ đồ bó sát, khó chịu khi đi xe đạp. Khi môi nhỏ bị phì đại, một số người thấy hay bị huyết trắng liên tục hoặc đau khi quan hệ “gối chăn”. Môi nhỏ “cô bé” có thể bị phì đại không chỉ do sinh nở mà còn có thể bị từ lúc dậy thì, và thường có tính gia đình. Khi môi nhỏ “cô bé” bị phì đại, do bị cọ sát liên tục sẽ trở nên bị “sừng hóa”, biến từ mô niêm mạc hồng hào trở nên thâm đen.

Các can thiệp trên môi nhỏ “cô bé” có thể phối hợp cả phẫu thuật thu nhỏ và laser làm hồng môi nhỏ.

  • Mũ chụp âm vật. Đây là cấu trúc mô niêm mạc bao phủ âm vật của người phụ nữ tương tự như bao quy đầu của người đàn ông. Một số người phụ nữ, mũ chụp âm vật phì đại gây cảm giác như âm vật phì đại (như dương vật của người đàn ông) gây mất thẩm mỹ. Ngoài ra việc mũ chụp âm vật phì đại làm cho âm vật của người phụ nữ kém được kích thích trong lúc quan hệ “gối chăn”. Các phẫu thuật thu nhỏ mũ chụp âm vật không chỉ cải thiện về mặt thẩm mỹ mà còn giúp tăng cường cảm giác của người phụ nữ, giúp người phụ nữ dễ “đạt đỉnh” hơn. Phẫu thuật thu nhỏ mũ chụp âm vật thường được thực hiện cùng lúc với phẫu thuật thu nhỏ môi nhỏ “cô bé”.
  • Can thiệp vào điểm G của người phụ nữ. Điểm G của người phụ nữ là một cấu trúc cũng gây không ít tranh cãi trong giới y khoa. Đây là điểm gây kích thích của người phụ nữ nhất, người phụ nữ dễ đạt đến “đỉnh” nhất. Đến hôm nay, đa phần các nhà tình dục học xác định điểm G là một cấu trúc ở thành trước âm đạo, cách lỗ ngoài âm đạo khoảng 1,5 cm. Các nghiên cứu cho thấy tại điểm này, khi người phụ nữ đạt đến “đỉnh”, mạch máu tại vùng này tăng sinh rất nhiều.

Người phụ nữ sau sinh, bên cạnh các lo toan về việc nuôi và chăm con, các thay đổi cấu trúc giải phẫu học ở “cô bé” ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm giảm ham muốn tình dục của người phụ nữ. Sau khi các can thiệp về mặt tâm lý không cải thiện cảm xúc của người phụ nữ trong quan hệ “gối chăn”, việc can thiệp làm lớn điểm G là một thủ thuật có thể được xem xét. Các Bác sĩ chuyên ngành thẩm mỹ phụ khoa sẽ xác định điểm G của người phụ nữ và tiêm chất làm đầy vào vùng này. Khi đó, điểm G của người phụ nữ dễ được kích thích hơn lúc quan hệ tình dục, người phụ nữ cũng sẽ đạt đến “đỉnh” hơn.

  • Laser điều trị “tiểu són- tiểu không tự chủ”. Tiểu són – tiểu không tự chủ là tình trạng người phụ nữ không thể điều khiển khả năng đi tiểu tự chủ của mình. Những người này có thể có cảm giác bị són tiểu khi gắng sức, ho, hắt hơi, cười… và cả khi sinh hoạt “gối chăn”. Tình trạng này rất hay gặp ở những người phụ nữ đã sinh con lần thứ 2,3… sinh con to, sinh con phải can thiệp thủ thuật… Rối loạn khó nói này làm cho người phụ nữ không dám đến những nơi đông người… và cả không dám quan hệ “gối chăn” và dần dần rơi vào tình trạng giảm hoặc mất “ham muốn” của mình.

Laser chuyên dụng trong điều trị tiểu són được chứng minh là hiệu quả và an toàn trong thực hành y khoa. Laser giúp phục hồi lớp cơ và các mô nâng đỡ tại cổ bàng quang, giúp phục hồi lại khả năng co thắt theo ý muốn của lớp cơ này. Nhờ đó, khả năng tiểu tự chủ của người phụ nữ được cải thiện.

TS. BS Nguyễn Hữu Trung

Giảng viên Đại học Y Dược TP HCM

GĐ chuyên môn Phòng khám Hoàng Gia

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc