Sốt ở trẻ em luôn được các bậc cha mẹ quan tâm, hiểu biết đúng về sốt có thể giúp cho người lớn chúng ta yên tâm chăm sóc trẻ tại nhà hoặc cho trẻ đến khám sớm tại các cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Sớm phát hiện bệnh
Khi trẻ bị viêm phổi, phổi của trẻ không thể giãn nở dễ dàng nên khiến trẻ bị thiếu oxy và cần thở nhanh hơn để bù đắp lại sự thiếu hụt này. Do đó, theo WHO, cách tốt nhất để chẩn đoán sớm khi trẻ bị viêm phổi là đếm nhịp thở trong một phút bằng một chiếc đồng hồ có kim giây đơn giản. Chúng ta có thể đếm được nhịp thở của trẻ trong tròn một phút, khi trẻ ở trạng thái yên tĩnh, tốt nhất là khi ngủ vì khi vận động, quấy khóc, nhịp thở của trẻ thường tăng nhanh. Gọi là thở nhanh khi: Nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên ở trẻ dưới 2 tháng. 50 lần/phút trở lên ở trẻ từ 2 – 11 tháng. 40 lần/phút trở lên ở trẻ từ 12 tháng – 5 tuổi. Khi đó trẻ đã có triệu chứng viêm phổi, cần được đưa đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị ngay. Ngoài ra, khi trẻ hô hấp mà bụng phải hóp vào sâu khi hít vào, hoặc trẻ có triệu chứng sốt cao, lạnh chân tay, co giật… thì bệnh đã khá nặng, cần phải đưa ngay đến các cơ sở Y tế để cấp cứu và điều trị. Đặc điểm trẻ mắc bệnh viêm phổi cấp thường không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt, hoặc hình ảnh X-quang không cho thấy tổn thương phổi. Cha mẹ thường chủ quan trong việc khám và điều trị cho con, khiến bệnh trở nặng và không ít trẻ đã tử vong. Trẻ chỉ bị sốt nhẹ hoặc trung bình, ho dai dẳng; nhưng có trẻ lại suy hô hấp rất nhanh. Chính điều này làm cho cả bác sĩ và cha mẹ dễ chủ quan, không đánh giá hết tình trạng bệnh. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh không tương xứng với hình ảnh X-quang phổi. Ở một số trẻ, hình ảnh X-quang cho thấy phổi tổn thương nặng, trẻ thở nhanh, co lõm ngực, nhưng vẻ mặt ngoài lại bình thường. Những trẻ khác có biểu hiện bên ngoài rất nặng nhưng hình ảnh X-quang phổi lại không có tổn thương đáng kể. Để phát hiện sớm viêm phổi cấp các bậc cha mẹ đưa con đi khám ngay khi thấy trẻ sốt khác thường, bỏ bú, bỏ ăn, khó thở, thở bất thường.
Sốt có nguy hiểm?
Sốt là tình trạng tăng nhiệt độ cơ thể. Nhiệt độ cơ thể bình thường là 37 độ C. Gọi là sốt khi nhiệt độ đo ở hậu môn cao hơn 38 độ C. Nhiệt độ đo ở các vị trí khác trên cơ thể thường thấp hơn nhiệt độ ở hậu môn. Vì vậy, nếu nhiệt độ ở nách đo được từ 37,5 độ C trở lên là có sốt. Sốt có các mức độ: từ 37,5 – 37,9 độ C gọi là sốt nhẹ, từ 38 – 38,5 độ C là sốt vừa, trên 38,5 độ C là sốt cao (phân độ này có thể thay đổi nhưng không đáng kể). Sốt là phản ứng tự vệ của cơ thể, chống lại các tác nhân gây nhiễm vì làm cho virus hay vi trùng không có điều kiện sinh sản và chết, nghĩa là góp phần tiêu diệt nguồn bệnh khiến nhanh hết bệnh. Do đó, sốt là một dấu hiệu chứng tỏ cơ thể còn khả năng chống lại tác nhân gây bệnh. Trẻ suy dinh dưỡng hay suy giảm miễn dịch nặng có thể không sốt dù có bệnh.
Cha mẹ nên đưa con đi khám ngay khi thấy trẻ sốt khác thường.
Tuy nhiên, nếu sốt cao quá thì lại có tác động ngược, có hại cho cơ thể, đặc biệt ở trẻ nhỏ có khả năng điều nhiệt kém. Nhiệt độ tăng cao có thể làm trẻ co giật, nặng hơn là làm cho các cơ quan trong cơ thể bị rối loạn hoạt động và có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ em đều bị co giật khi sốt cao mà chỉ xảy ra ở những trẻ có não nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ cơ thể. Các trường hợp này thường có tính gia đình, nghĩa là nếu có người thân đã bị sốt cao co giật thì trẻ cũng dễ bị như thế. Sốt không phải là bệnh, mà chỉ là một triệu chứng của nhiều loại bệnh khác nhau. Có 2 nguyên nhân chính gây ra sốt: 1/ Các bệnh nhiễm: Sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết, tay chân miệng… Phần lớn các trường hợp sốt ở trẻ em là do bệnh nhiễm. 2/ Các bệnh không phải bệnh nhiễm: Bệnh tự miễn, say nắng, thiếu nước, tác dụng phụ của thuốc, ung thư, rối loạn trung tâm điều nhiệt của cơ thể. Nếu trẻ sốt trên hai ngày phải đưa đi khám, uống thuốc theo toa bác sĩ, uống nhiều nước, ăn nhiều bữa nhỏ, thức ăn lỏng, dễ tiêu và tái khám theo lịch hẹn bác sĩ. Cần để ý những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng như đau bụng bứt rứt lăn lộn, chảy máu cam, máu răng, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, ói ra máu, đi cầu phân đen để kịp thời đưa trẻ đi cấp cứu.
Sốt không phải là bệnh mà chỉ là triệu chứng của nhiều loại bệnh khác nhau.
Làm gì khi trẻ bị sốt?
Lau trẻ với nước ấm có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của trẻ 2 độ C, mỗi 30 phút kiểm tra lại nhiệt độ cho đến khi nhiệt độ của trẻ = 38 độ C thì ngưng lau, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, không ủ ấm trẻ. Dùng thuốc hạ sốt. Thuốc hạ sốt an toàn là paracetamol với nguyên tắc sử dụng như sau: không cho hơn 6 lần/một ngày, không cho hơn 60mg/kg cân nặng một ngày, không cho hơn 15mg/kg cân nặng/mỗi lần, khoảng cách giữa 2 lần cho thuốc ít nhất là 4 giờ. Nếu sử dụng thuốc bằng cả đường uống và đặt hậu môn, nếu sử dụng nhiều thuốc có tên khác nhau nhưng đều là paracetamol thì tổng cộng 2 đường dùng với các thuốc nêu trên cũng phải tuân thủ nguyên tắc trên. Nếu không, trẻ có thể bị ngộ độc dẫn đến suy gan, suy thận.
BS Trần Phủ Mạnh Siêu
Địa chỉ của bạn: http://www.thuocbietduoc.com.vn
Nguồn: Tạp Chí Thời Trang Trẻ