Hồi mới ra trường, tôi cũng có suy nghĩ như nhiều bạn trẻ bây giờ rằng mình sẽ làm việc cho các công ty đa quốc gia, lương tháng mấy nghìn đô. Đi làm một thời gian, cuộc sống rất ổn, sự nghiệp thăng tiến tốt, nhưng tôi cứ cảm thấy đó không phải là mình.

Gia đình tôi có truyền thống giáo dục, tôi đã sống trong môi trường ấy từ nhỏ nên khi đi lệch ra khỏi quỹ đạo ấy, cứ thấy mình không sao thoải mái được. Thế nên, khi trường PACE mở dự án phi lợi nhuận để đào tạo những tài năng trẻ cũng như cổ vũ văn hóa đọc và mời tôi về điều hành, tôi đã quyết định nghỉ việc ở công ty đa quốc gia về làm việc trong ngành giáo dục. Hay tin, ba mẹ lo lắng gọi điện ngay cho tôi “Tại sao con nghỉ việc, công ty cũ có thương hiệu nổi tiếng ai cũng biết, giờ tự nhiên vào làm một nơi không ai biết đến?”.

layer-239-1493227045782-700x466

Rồi đến khi tôi nghỉ việc để khởi nghiệp, ba mẹ còn ngăn cản quyết liệt hơn. “Trời ơi sao vậy con, đang yên đang lành tự nhiên ra làm riêng khổ vậy?”. Nhưng tôi mở trường xuất phát từ câu chuyện của bản thân. Làm ở trường PACE đến năm thứ 6 thì tôi muốn có con. Giai đoạn ấy tôi có khá nhiều trăn trở, vì công việc của người điều hành dự án rất bận rộn, nhưng tôi cũng muốn con mình sau này là một con người đúng nghĩa. Nếu chọn con, tôi phải lùi sự nghiệp xuống một bước; còn chọn sự nghiệp, một ngày chỉ có 24 tiếng, mình có sắp xếp kiểu gì cũng ảnh hưởng tới thời gian chất lượng dành cho con.

Tôi không thích sự đánh đổi. Tôi nghĩ chúng ta cũng không nên ca ngợi sự hi sinh của người phụ nữ như một đức tính hàng đầu. Dưới góc nhìn cá nhân, tôi nghĩ hi sinh bản thân không phải là lựa chọn bền vững vì nó thiếu tính cân bằng. Tôi đã trăn trở một thời gian dài cho đến khi tìm thấy giải pháp là mình sẽ làm trong lĩnh vực giáo dục trẻ em, khi ấy tôi sẽ xóa nhòa được khoảng cách giữa việc nuôi dạy con và phát triển sự nghiệp của bản thân.

Tôi từng đăng trên Facebook bức ảnh chụp cựu Tổng thống Kenedy làm việc trong Nhà trắng khi con ông đang bò dưới gầm bàn. Bố mẹ nào cũng có mơ ước là dù con đang nơi đâu thì họ vẫn có cảm giác như con đang quanh quẩn dưới chân mình. Đó là lý do tôi đặt tên trường là TOMATO Children’s Home (Ngôi nhà của Cà Chua), tôi muốn nơi này như một ngôi nhà mà khi đến đây bé sẽ có cảm giác như đang ở nhà mình.

Chương trình đầu tiên của trường khi mới ra mắt là “Bé thông minh về cảm xúc”. Rất nhiều phụ huynh thắc mắc sao trường không dạy bé về trí thông minh ngôn ngữ mà là thông minh về cảm xúc, nghe lạ lẫm và mơ mộng quá đi. Nhưng ít người biết rằng, chúng ta thường nói trẻ con cần có kỹ năng sống, nhưng kĩ năng sống đến từ nền tảng trí thông minh về cảm xúc. Bé phải có nhận thức tốt về bản thân, nhạy bén với cảm xúc và nhu cầu của những người xung quanh thì mới có thể trở thành con người đúng nghĩa. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để giải thích với mọi người về tầm quan trọng của trí thông minh cảm xúc, dù nhiều bạn bè lo lắng nói với tôi “Phương làm chương trình này chắc chắn thua”.

Đúng là những năm đầu khởi nghiệp tôi ở trong trạng thái đầu bù tóc rối vì khi đó xã hội chưa đón nhận những triết lý giáo dục mới của trường. Nhiều phụ huynh đến đây nói với tôi rằng họ muốn chuẩn bị cho con vào lớp 1, trường có dạy chữ không?

Tôi bảo không, chương trình chuẩn bị bé vào lớp 1 chỉ trang bị những nền tảng bên trong, về năng lực cảm xúc, về ứng xử trong môi trường mới, thế là họ bỏ đi tìm trường khác. Lúc đó tôi cũng nghĩ nhiều lắm “Chết rồi, làm sao đây, mình có nên điều chỉnh để phù hợp với số đông không, mình có nên đưa chương trình dạy chữ vào để kéo phụ huynh đến không?”.

Nhưng rồi tôi nhận ra nếu bắt con học chữ trước khi học về cảm xúc thì bản thân không cảm thấy hạnh phúc. Thế là thôi, không hạnh phúc thì tôi không làm.

Có lần trong một trang nhật ký tâm sự với con gái, tên ở nhà của bé cũng là “Cà Chua”, tôi đã viết “Đôi khi mẹ tự hỏi không biết mẹ chọn con đường này thì có tốt cho những người mẹ yêu thương không? Nếu mẹ vẫn làm ở công ty lớn như trước, mẹ sẽ kiếm được nhiều tiền, con sẽ được sống sung sướng hơn nhiều. Nhưng khi mẹ theo đuổi con đường này, đến giờ, giá trị vật chất giảm sút nhiều, thậm chí năm con ra đời lại là những năm đầu mẹ khởi nghiệp, cuộc sống vất vả hơn. Mẹ cứ nghĩ hoài không biết liệu con có bị thiệt thòi không? Nhưng mẹ tin con sẽ ủng hộ những quyết định của mẹ”.

Câu thần chú của tôi trong những khoảnh khắc chạnh lòng ấy là “Mình có thể làm điều đó bất kỳ lúc nào mà”. Nghĩa là cầm lên được thì đặt xuống được. Người ta sợ mất mới không dám dừng lại, còn sự nghiệp này, tôi thấy dễ mà, thôi thì mình cố thêm tí nữa, nếu cố nữa không được thì ngày mai sẽ dừng. Và cứ mỗi lần tôi cố thêm tự dưng vấn đề lại được giải quyết, bao sóng gió rồi cũng qua hết.

Tôi thường nói với bạn bè khi họ đang phân vân trước ngưỡng cửa phải chọn sự nghiệp hay gia đình rằng “Chọn gì cũng được, miễn là mình đi theo nó đến cùng”. Rất hiếm người trên cuộc đời này có được mọi thứ mình muốn. Bạn không cần phải có cuộc đời hoàn hảo mới hạnh phúc, vì chính những điều không hoàn hảo trong cuộc sống mới cho dạy mình biết trân quý cuộc sống hơn.

cover-1493223199887-300x192

Khi nói đến khía cạnh lựa chọn và chấp nhận đánh đổi, tôi luôn có hai ranh giới cuối cùng. Một là gia đình và những người tôi yêu thương là điều mà tôi sẽ không bao giờ chấp nhận đem ra trả giá. Điều thứ hai là sự bình an trong tâm hồn. Nếu phải hi sinh sự an nhiên để đạt được điều gì đó trong sự nghiệp, tôi sẽ không bao giờ đánh đổi. Tôi luôn nhắc mình nhớ về hai quan niệm sống này. Tôi ít khi nói về gia đình mình để bảo vệ khoảng không gian riêng tư của gia đình và luôn rạch ròi các vai trò của mình trong cuộc sống. Khi ở công ty tôi là sếp, ra ngoài xã hội tôi là người của cộng đồng thì về nhà tôi là mẹ của con, là bạn của ông xã. Tôi tự nhắc mình không là ai cả, những gì tôi đang làm ở đây là vì mình thích chứ chẳng phải cái gì ghê gớm, vậy thôi.

Tôi thường hay nghe mọi người hỏi “Phương làm việc nhiều vậy, bận rộn vậy thì có thời gian dành cho con gái không?”. Họ lo ngại cho đời sống gia đình tôi như thể nếu người phụ nữ chịu trách nhiệm dẫn dắt một dự án hoặc khởi nghiệp một công ty thì một trăm phần trăm cô gái này sẽ không làm tốt việc ở nhà, nên nhiều phụ nữ có khát vọng dấn thân trong sự nghiệp thường ngại bày tỏ những hoài bão cá nhân vì định kiến xã hội. Cá nhân tôi cũng mất một khoảng thời gian để học cách diễn đạt điều mình muốn sao cho phù hợp với sự tiếp nhận của cộng đồng. Tuy nhiên, phải nói rằng tôi may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của nhiều người thân, người bạn, đặc biệt là của những người đàn ông quanh mình mà người đầu tiên chính là người bạn đời của tôi. Họ luôn cho tôi những ý kiến phản biện về những việc tôi đang làm bằng thái độ trân trọng.

Tôi thấy hiện nay truyền thông nói quá nhiều về chuyện đàn ông mê cái đẹp, đàn ông ngoại tình vì thích chân dài này nọ, nhưng tôi không tin đàn ông Việt Nam như thế. Tôi quen biết nhiều người đàn ông tốt và cũng biết cả những người không làm tròn vai trò làm chồng, làm cha, nhưng đó là vấn đề của cá nhân họ chứ không phải của cả giới đàn ông. Và phụ nữ cũng có những vấn đề tương tự chứ không riêng gì nam giới.

Khi ta chọn bước vào hôn nhân là ta chấp nhận hy sinh những xúc cảm, bản năng riêng để gắn bó dài lâu với một người nào đó. Ví như người bạn đời của tôi chọn ở bên tôi trong cuộc hôn nhân này không hẳn vì anh ấy yêu tôi đến mức tuyệt nhiên không còn thấy xúc động với một cô gái nào khác. Nhưng vì anh trân trọng sự đồng hành của tôi trong cuộc đời này đến mức có thể đặt xuống những rung động riêng tư đó. Và ngược lại, tôi cũng thế. Suy nghĩ nhẹ nhàng như vậy, phụ nữ sẽ không phải tốn thời gian ghen với chuyện chồng nhìn theo cô gái xinh đẹp nào đó trên phố, để có thể mỉm cười và nói: “Cảm ơn anh đã hi sinh bản năng của một người đàn ông để ở cạnh em”.

Lê Minh
Hữu Dương, Hoàng Việt, Lê Minh
KingPro
Theo afamily/Trí Thức Trẻ
Bệnh viện Hạnh Phúc