Sức khỏe Dù mới là đầu mùa nóng song thời điểm này các bệnh truyền nhiễm đã gia tăng mạnh, đối tượng mắc không chỉ là trẻ em mà còn xuất hiện nhiều ở người lớn và phụ nữ mang thai.

Số liệu thống kê cho thấy trung tuần tháng 2/ 2014 lượng bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là bệnh hô hấp tăng khoảng 20% – 30% do thời tiết bắt đầu thay đổi. Ở Bệnh viện Nhiệt đới số bệnh nhân tiêu chảy, nhiễm trùng đường ruột do ăn thức ăn ôi, thiu cũng bắt đầu nhích lên.
Viêm hô hấp
Vào mùa nóng, người lớn lẫn trẻ dễ bị nhiễm lạnh do nằm quạt thường xuyên, uống nước đá nhiều, liên tục. Uống như vậy, vùng hầu họng bị nhiễm lạnh, giảm sức đề kháng gây cảm lạnh, viêm họng, viêm amidan. Đi bơi cũng là nguyên nhân viêm đường hô hấp do nước hồ ô nhiễm. Trong những bệnh này, đáng sợ nhất là viêm phổi. Lúc này người bệnh ho, khạc ra đàm, khó thở, da xanh xao do thiếu ôxy, biếng ăn… Bệnh có thể dẫn đến suy hô hấp và nếu không được nhập viện kịp thời có thể tử vong. Vì vậy không để quạt điện thổi thẳng vào người, nhất là trẻ nhỏ, vì sẽ dễ bị cảm lạnh; không bật quạt lúc đi nằm sau khi vừa tắm xong; không đột ngột ra – vào phòng có gắn máy điều hòa đang hoạt động để tránh cảm lạnh. Với người bệnh cao huyết áp càng phải thận trọng. Cần uống nước nhiều để bù vào lượng nước đã mất qua mồ hôi.
5a-560x439

Đối tượng mắc các bệnh truyền nhiễm không chỉ là trẻ em mà còn cả ở người lớn.

Rối loạn tiêu hóa
Thời gian nắng nóng là lúc tiêu chảy gia tăng cao nhất trong năm do điều kiện thuận lợi cho vi trùng phát triển, thức ăn dễ ôi thiu, biến chất. Dù số người nhập viện do tiêu chảy không cao nhưng thực tế, số người bị tiêu chảy cấp trong mùa nắng nóng cao hơn rất nhiều. Do họ thường tự điều trị khi có triệu chứng tiêu chảy, chỉ đến khi quá nặng mới vào viện. Tiêu chảy trong mùa nóng khác với mùa lạnh. Tiêu chảy trong mùa lạnh là do siêu vi, bệnh nhân dễ mất nước, ít khi chuyển biến nặng, sau 3 – 5 ngày có thể tự khỏi. Còn tiêu chảy trong mùa nóng do vi trùng. Bệnh có các triệu chứng nặng hơn như: sốt cao, tiêu phân đàm máu, nếu thêm tả có thể dẫn đến tử vong. Điều quan trọng nhất là bệnh nhân phải được bù nước.
43-560x375

Để phòng các bệnh nhiệt đới, nên cho trẻ em đi chích ngừa, tiêm trước khi có dịch.

Viêm não
Mùa nóng cũng là mùa của bệnh viêm não. Đây là một trong những bệnh nguy hiểm đối với trẻ em, vì nếu không gây tử vong thì cũng để lại di chứng nặng nề (liệt, sống thực vật…) Khi mới khởi bệnh, trẻ không có biểu hiện rõ rệt, chỉ có sốt nhẹ, mệt mỏi nên dễ bị nhầm lẫn với viêm họng. Sau đó sẽ sốt cao đột ngột, 39 – 40 độ C, kèm theo đau đầu và buồn nôn. Nếu bị nhẹ, trẻ sẽ hồi phục sau 3 – 4 ngày, nếu nặng có thể dẫn đến co giật và hôn mê). Vì vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu nghi ngờ (sốt cao, đau đầu, nôn ói) thì đưa ngay đến cơ sở y tế, không nên tự ý mua thuốc. Để phòng bệnh, nên cho trẻ đi chích ngừa, tiêm trước khi có dịch để sớm tạo kháng thể.

Ngoài ra mùa nóng cũng là điều kiện tốt để các dịch bệnh như sốt xuất huyết (SXH), dại, đau mắt đỏ phát triển. Riêng sốt xuất huyết Thống kê của Bộ Y tế tính đến giữa tháng 4 cho thấy, cả nước ghi nhận 8.000 trường hợp mắc SXH, trung bình mỗi tuần ghi nhận thêm 500 ca mắc mới, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2010 và diễn biến khá phức tạp với nhiều ca biến chứng nặng dù mới là đầu hè. Ở trẻ nhỏ, trời nắng nóng còn dễ làm phát sinh hâm, nhọt, nấm do đổ mồ hôi nhiều (có thể nặng thêm do người lớn ủ ấm hoặc mặc tã giấy lâu). Cha mẹ cần giữ vệ sinh sạch sẽ, tắm rửa và thay quần áo cho trẻ thường xuyên, hạn chế mặc bỉm, tã.

Bạn cần biết
Dịch cúm trên gia cầm đang lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bộ NN&PTNT đã phải lên kịch bản đối phó với tình huống dịch cúm trên gia cầm bùng phát mạnh. Bộ Y tế thì tỏ ra lo ngại cúm gia cầm lây lan sang người, cùng đó là dịch sởi chưa có dấu hiệu chững lại. Ngày 16/2, Cục thú y (bộ NN&PTNT) cho biết, hiện cả nước có 9 tỉnh Quảng Ngãi, Nam Định, Kontum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Long An, Đắc Lắc và Phú Yên có dịch cúm gia cầm. Ngoài ra, một số địa phương khác có xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ (một vài hộ chăn nuôi) nhưng đã được phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch lây lan. Chỉ trong 1 tuần trở lại đây đã có thêm 7 tỉnh, thành có ổ dịch cúm gia cầm.

Nguồn: BS Trương Hữu Khanh – Tạp chí Thời Trang Trẻ 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc