(Phụ Nữ Hiện Đại)-Phần lớn các nhà tuyển dụng chỉ dành chưa tới một phút để “lướt” qua một CV ứng tuyển. Nếu CV thu hút và có nhiều điểm nhà tuyển dụng tìm kiếm, họ sẽ dành thêm thời gian để cân nhắc chọn bạn vào vòng tiếp theo. Ngược lại, nếu xuất hiện lỗi ngay lập tức CV của bạn sẽ bị nhà tuyển dụng “bỏ qua” để họ bắt đầu với một CV khác tốt hơn. 

Vậy những “lỗi” nào trong CV khiến nhà tuyển dụng bỏ qua bạn? Hãy tham khảo bài viết dưới đây để tránh bạn nhé.

“Nhảy” việc quá nhiều

Trong CV, phần chiếm nhiều không gian hơn cả là kinh nghiệm làm việc. Bạn thường sẽ liệt kê quá trình làm việc theo thời gian từ gần nhất tới xa.

Cách làm CV xin việc này là đúng, nhưng với điều kiện bạn không liệt kê tất cả các công việc đã trải qua trong quá khứ. Bạn nghĩ việc đưa đầy đủ thông tin là trung thực, được nhà tuyển dụng đánh giá là nhiều kinh nghiệm. Nhưng thực tế, họ lại suy nghĩ, bạn là nhân sự thường xuyên “nhảy” việc.

Yếu tố “nhảy” việc liên tục dễ khiến CV của bạn bị nhà tuyển dụng đánh giá thấp. Họ thậm chí ngay lập tức bỏ qua CV đó. Bởi hiếm có công ty nào muốn tuyển nhân sự có quá khứ làm việc tại nhiều công ty chỉ trong thời gian ngắn. ‏

Hành động nhảy việc phản ánh nhân sự là người có khả năng thích nghi kém, thiếu mục tiêu, thiếu sự kiên định và nỗ lực. Chưa kể, mọi công sức của công ty “đổ sông đổ biển” hoàn toàn, bởi chi phí đầu tư cho một nhân sự mới, từ tuyển dụng tới quy trình đào tạo, trang thiết bị làm việc… là rất nhiều.

Do đó, khi viết CV, bạn cần hết sức lưu ý để không mắc sai lầm này. Hãy chọn lọc những công việc thực sự phù hợp với vị trí ứng tuyển. Sau đó nếu được chọn vào vòng phỏng vấn, bạn nên chuẩn bị kỹ lý do vì sao phải thay đổi công việc để thuyết phục nhà tuyển dụng.

Không đáp ứng đúng yêu cầu tuyển dụng

Nhiều ứng viên, học rộng, nhiều bằng cấp nhưng CV ứng tuyển vẫn bị loại ngay ở vòng đầu. Rất có thể là bởi khi viết CV, bạn đã không đưa ra năng lực đáp ứng, phù hợp với yêu cầu công việc.

Bạn ứng tuyển vị trí nhân viên kế toán nhưng lại viết điểm yếu của mình là thiếu cẩn thận, trí nhớ kém. Bạn ứng tuyển vị trí nhân viên bán hàng nhưng lại chia sẻ là ngại giao tiếp, khả năng lắng nghe kém…

Lời khuyên là, bạn nên đề cập đến năng lực phù hợp với vị trí ứng tuyển, chỉ viết những kinh nghiệm giúp bạn giải quyết bài toán mà công ty đang mắc phải. Hơn nữa, bạn cần viết cụ thể, đừng để thông tin chính bị che lấp bởi những điều thừa thãi. Đừng bắt nhà tuyển dụng phải “đi tìm” năng lực hay đi “điều tra” dấu vết thông tin chứa năng lực cần có của ứng viên.

Bạn càng chỉ rõ ràng năng lực phù hợp bao nhiêu thì khả năng CV lọt vào mắt nhà tuyển dụng càng lớn bấy nhiêu.

CV quá dài nhưng không có điểm nhấn

Rất nhiều ứng viên đến nay vẫn nghĩ: CV là một bản tường thuật về quá trình làm việc. Với một người có khoảng 3 – 5 năm kinh nghiệm thì CV dài 2-3 trang A4 là chưa đủ để nói kể “sự nghiệp” quá khứ của họ.

Chính quan điểm này khiến CV của bạn rất dễ bị loại. Bởi CV không phải là bản tường thuật để bạn kể chi tiết về con người, công việc quá khứ. Chưa kể, nhà tuyển dụng có hàng trăm CV cần đọc, họ sẽ không dành quá 1 phút cho bất kể ứng viên nào khi CV đó không có gì nổi bật.

Bạn vừa kể lể, vừa liệt kê mà không đúng mục tiêu, càng không có những điểm khác biệt thì thường chỉ đọc 1/2 trang CV, nhà tuyển dụng đã dừng lại. Cho dù phần sau CV có hấp dẫn thì nguy cơ bạn bị loại là rất lớn.

Chính vì vậy, muốn “giữ chân” nhà tuyển dụng, bạn hãy chắt lọc thông tin, câu từ để CV thật ngắn gọn. Thêm vào đó, bạn cần trình bày có chủ đích để tạo sức hút cả về hình thức lẫn nội dung với nhà tuyển dụng ngay ở những phần đầu tiên.

CV sai chính tả

Có thể bạn chưa biết, không phải nội dung mà chính những lỗi sai tưởng nhỏ nhất về hình thức lại là thứ khiến CV của bạn mất điểm nhiều nhất. Nhiều thống kê chỉ ra, nhà tuyển dụng sẽ loại một CV nếu họ gặp trên 3 lỗi chính tả. Thậm chí họ sẵn sàng ấn CV của bạn vào mục thùng rác nếu chiếc CV đó căn lề không chuẩn, màu sắc lòe loẹt, phông chữ, kích thước không đồng nhất.

Những lỗi sai này không chỉ đánh giá năng lực yếu kém, sự cẩu thả của bạn mà còn cho thấy sự thiếu nghiêm túc và không tôn trọng nhà tuyển dụng. Do đó, bạn cần đặc biệt lưu ý tới phần trình bày. Hãy đọc đi đọc lại CV, chỉnh sửa chuyên nghiệp, chỉn chu trước khi gửi cho nhà tuyển dụng.

Trên đây là 4 sai lầm rất dễ khiến CV ứng tuyển dễ bị nhà tuyển dụng loại thẳng tay, bạn cần tránh để không vuột mất cơ hội có được công việc phù hợp với bản thân.

Nguyễn Lý

 

 

 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc