Con gái em năm nay lên lớp Một, hiền lành, ngoan, hơi nhút nhát nhưng cũng hiểu chuyện, bé hay xem chương trình của chu chu TV. Mọi lần, trong lúc em đưa con thứ hai sang nhà hàng xóm chơi, bé mượn điện thoại của bố, xem xong 2 bài sẽ chạy sang theo. Lần này lâu không thấy bé sang nên em về nhà thì thấy con gái vẫn đang ngồi trong góc giường xem. Cầm điện thoại lên kiểm tra thì thấy cảnh ôm hôn, lên giường (chưa đến mức xyz), em rất tức giận, cố kiềm chế nhưng vẫn đánh vào chân con hai phát.

Biết làm như thế không đúng nhưng thực sự lúc ấy em không biết phải làm như thế nào nữa, chỉ giải thích “con chưa đến tuổi”. Giờ em phải nói sao cho con hiểu ạ?

(Một người mẹ nhắn tin hỏi)

Kết quả hình ảnh cho school children

Nữ sinh lớp Một ngoan hiền mượn điện thoại di động của ba xem cảnh tươi mát! Chuyện quá giật gân!

Thường thì mẹ sẽ sốc nặng và ngay lập tức cho con ăn 2 “quả vả”, dùng những từ “hư hỏng”, “bẩn thỉu”, “xấu xa”… để nói về hành vi này và tình cảm giữa hai mẹ con sẽ cách xa hàng cây số.

Khi “bắt quả tang” con đang xem phim hoạt hình có yếu tố nhạy cảm hoặc những clip có cảnh yêu đương, ôm ấp, mẹ phải “tỉnh” như không rồi sau đó mới tìm cách “phá án”. Bởi vì, hầu hết trẻ em bị cha mẹ bắt gặp đang dùng “hàng cấm” đều rất sợ hãi, xấu hổ, chắc mẩm sẽ bị trừng phạt và có tâm lý sẵn sàng nhận mọi hình thức kỷ luật… Và khi sự việc diễn ra đúng như vậy, kẻ vi phạm sẽ tự rút kinh nghiệm, lần sau sẽ phải cảnh giác hơn, cẩn thận che giấu hành tung và xóa dấu vết. Ðấy là chưa kể, con bị “tình ngay lý gian” khi vô tình mở điện thoại di động ra, gặp đúng trang mà người dùng trước đó đang xem dở và tò mò xem luôn (ba xem được, mình cũng xem được chứ sao?).

Nếu tịch thu điện thoại, cắt mạng ở nhà thì con vẫn có thể đến chỗ khác xem chung trên điện thoại di động với bạn bè, mượn máy của người quen họ hàng để “chơi games”, vào máy tính của cửa tiệm để “học thêm”… Một khi trẻ đã có sự tò mò, lại có cơ hội tiếp cận với thiết bị kỹ thuật số ở khắp mọi nơi thì việc yêu cầu con không được xem clip “tình cảm nam nữ” là một điều rất khó. Cấm được không? Cấm được bao lâu?

Không cấm và mắng con, không có nghĩa là “cho con xem” thoải mái mà là “xem cùng con”. Thay vì đóng vai “cảnh sát trưởng” thì mẹ sẽ vào vai một người bạn đồng hội đồng thuyền của con, cung cấp thêm những clip về giáo dục giới tính, cùng chia sẻ với con những kiến thức về vấn đề tế nhị này. Dặn dò ông xã nên cẩn thận, trước khi đưa điện thoại cho con gái mượn đừng để sẵn những cái bố đang “ngâm cứu”.

Không cuốn sách nào hay bằng cha mẹ có học dạy con trực tiếp qua câu chuyện hằng ngày. Mẹ nên có những cuộc chuyện trò cởi mở và thoải mái với con theo luật 80/20. Trong đó 80% là khen ngợi, khuyến khích con tìm hiểu, đặt câu hỏi và 20% góp ý phê bình, uốn nắn. Những khi cha mẹ cùng con xem TV, gặp những pha yêu đương, hôn nhau, lên giường, không việc gì phải chuyển kênh, kêu con bịt mắt hoặc tự giác ngoảnh mặt đi chỗ khác (tạo cảm giác bí hiểm, tội lỗi, cấm đoán) mà hãy trò chuyện rất vui vẻ, nói về nét đẹp của thân thể con người, sự riêng tư, điểm khác nhau giữa tình cảm vợ chồng gắn bó với sự khiêu dâm, đứa con mong đợi hay có thai ngoài ý muốn, lợi dụng thân xác hoặc bạo hành tinh thần… Nghĩ học sinh lớp Một chưa đủ nhận thức trước những điều đó và sợ chúng già trước tuổi là nhầm, các bé hiểu hết, thậm chí cảm thấy tự hào vì mình được bố mẹ tin cậy và không thua kém bạn bè.

Khi con bộc lộ công khai suy nghĩ của mình thì cha mẹ mới định hướng được. Nếu cha mẹ trì hoãn không dạy con, mạng xã hội sẽ làm thay.

Hình ảnh tươi mát, phim tình cảm là những sản phẩm văn hóa có từ hàng trăm năm trước. Người trẻ xem phim đó thay cho những trải nghiệm thực sự, người trưởng thành dùng những trải nghiệm thực tế thay cho óc tưởng tượng. Phim yêu đương không xấu, chỉ là cha mẹ dùng sao cho “vừa đủ xài” với tầm hiểu biết của con mình.

Theo THẠC SĨ – BÁC SĨ LAN HẢI

Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc