Chị Hà Thị Mơ (51 tuổi, tạp vụ) cứ ba tuần một lần, mỗi lần bốn tiếng lại có mặt tại bệnh viện quận Thủ Đức để chạy thận nhân tạo. Không đủ chi trả cho một ca ghép thận đắt đỏ hàng trăm triệu đồng, những ống dẫn rút máu ra, lọc trong máy rồi đưa máu sạch ngược lại cơ thể khiến sức khoẻ chị liên tục giảm sút, nhưng lại là cái neo duy nhất giúp chị giành giật sự sống ngày qua ngày.
Với phần lớn người bệnh, suy thận mạn tính là bản án tử hình, bởi thời điểm biết mình mắc bệnh cũng là lúc đã đến giai đoạn cuối. Suy thận đặc biệt nguy hiểm bởi bệnh diễn tiến âm thầm, vào giai đoạn sớm không có triệu chứng, chỉ khi mất đến 90% chức năng thận (giai đoạn cuối) cơ thể mới bộc phát các dấu hiệu.
Anh Nguyễn Văn Quân (42 tuổi) đã có thâm niên chạy thận hai năm rưỡi tại bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) cho hay “ Ban đầu chỉ thấy ù tai, hoa mắt, đến khi phát bệnh ra thì y như người bị sốt, ói mửa nặng. Bác sĩ nói không xét nghiệm thường xuyên, những người bị bệnh như tôi nhiều khi một hai chục năm mới phát hiện ra. Để chạy chữa chỉ có thể ghép thận hoặc chạy thận suốt đời. Nhà giàu thì ghép thận, nhưng cũng chỉ xài được mười mấy năm. Tôi gia cảnh khó khăn chỉ còn cách chạy thận thôi.”
Cha mẹ mất, chồng sớm về thế giới bên kia, chị Hà Thị Mơ cũng lặn lội từ Quảng Nam vào Sài Gòn tần tảo nuôi hai con gái ăn học. Sau 15 năm, giờ chị nằm trên giường bệnh và đếm những ngày sống của mình bằng từng lần chạy thận. “Tôi chắt chiu những đồng tiền kiếm được bằng việc dọn vệ sinh và lượm ve chai để chạy thận. Có những khi túng bấn chẳng biết phải làm sao, tôi cũng từng nghĩ buông tay để con cái không phải lo nữa. Nhưng con gái bảo làm gì cũng phải cố để mẹ sống. Nhìn con như thế, tôi không đành lòng.” Khuôn mặt đầm đìa nước mắt, chị vừa khóc vừa nói.
Gánh nặng suốt đời
Cuộc sống của những bệnh nhân chạy thận tại bệnh viện quận Thủ Đức cứ thế quay đều theo vòng xoay của máy lọc máu. Tất cả bệnh nhân suy thận mạn tính đều biết một sự thật, khi không còn khả năng chi trả viện phí, họ phải chấp nhận cái chết. Nếu còn đủ khả năng chi trả cho việc chạy thận, người bệnh vẫn có thể sống và làm việc, hoạt động có ích cho xã hội. Tuy nhiên, những đau đớn của việc rút máu ra, lọc, rồi đưa máu sạch trở lại cơ thể suốt 4 tiếng mỗi lần, 12 tiếng mỗi tuần, 624 tiếng mỗi năm, với họ không đớn đau bằng ý nghĩ phải lìa bỏ những người thân của mình.
Do đó, dù biết đây là căn bệnh không thuốc chữa, và phải mang gánh nặng bệnh tật, kinh tế, tinh thần suốt đời, họ vẫn giành giật sự sống với số phận từng ngày. Phần lớn bệnh nhân đều có bảo hiểm y tế, nhưng chi phí gần 4 triệu/tháng cho việc chạy thận, xét nghiệm đều trở nên quá sức với họ. Có người lượm từng chai nhựa, dọn nhà vệ sinh, bán từng tấm vé số để chắt chiu dành tiền chạy thận. Những khi không có tiền, người thì xin “chạy thận thiếu”, người thì “trốn” luôn dù biết nguy cơ phải cấp cứu là rất cao.
Mới chỉ 27 tuổi, nhưng Nguyễn Văn Thành đã bị suy thận hơn hai năm. Ở độ tuổi thanh xuân nhưng “tôi cũng hoang mang và chán nản lắm, không muốn chạy chữa nữa chỉ muốn để cho chết. Nhưng cha mẹ già, chị gái, em út ở quê vẫn là chỗ dựa, muốn mình chạy chữa, nên tôi nghĩ phải ráng sống để không phụ lòng cha mẹ.” Nghĩ là làm, Thành vẫn chạy thận ba lần mỗi tuần, xin nghỉ làm buổi sáng, đỡ đần được tiền viện phí chừng nào hay chừng đó.
Anh Lê Văn Kế (32 tuổi, công nhân) nhớ lại ngày đầu tiên tay chân bủn rủn, mơ mơ không tin là thật khi biết mình bị suy thận và nói “Nhà đâu có ai, cha mẹ không có, chỉ có mỗi bà xã tôi đi làm nuôi hai đứa con. Nhưng còn nước còn tát, tôi giờ còn hai đứa con nhỏ, cũng phải ráng vài năm nữa cho nó lớn lớn một chút.” Rồi anh cười buồn “Giờ lỡ không có tôi rồi hai đứa con không biết sao. Hai đứa con năm nào cũng được học sinh giỏi, con gái tôi viết chữ đẹp lắm, được cô giáo khen. Đó cũng là niềm vui cho tôi những khi mất niềm tin vào cuộc đời.”
Với ý nghĩa mang lại sự hỗ trợ thiết thực cho người bị suy thận mạn tính, chương trình xã hội “15 giây chia sẻ yêu thương” đã hoàn thành đợt 1 và đang tiếp tục quyên góp để tặng 300 suất chạy thận vào đợt 2 cho bệnh nhân nghèo. Chương trình thăm và hỗ trợ viện phí đợt 2 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12/10/2014.
“15 giây chia sẻ yêu thương” hy vọng sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự chia sẻ và giúp đỡ từ cộng đồng, những người luôn tin rằng sự sẻ chia yêu thương, cho đi là vô điều kiện.
Thông tin chi tiết về “15 giây chia sẻ yêu thương,” vui lòng gọi (08) 38224024 – Gặp Mỹ Hằng hoặc truy cập: https://www.facebook.com/15giaychiaseyeuthuong.
Mai Lan/ TT được cung cấp bởi Công ty Awareness id