Không ít người nghĩ rằng bây giờ bình đẳng nam nữ, ai làm chủ gia đình cũng được, không nhất thiết cứ phải là chồng.Nhưng nói như thế, họ đã không quan tâm đến đặc điểm giới tính nam và nữ. Từ hàng nghìn năm nay, suốt chiều dài lịch sử thời phong kiến, đàn ông thâu tóm mọi quyền hành trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Bởi vậy cái gọi là “nam quyền” đã tồn tại nhiều thế kỷ, truyền từ đời này sang đời khác, khó có thể nghĩ khác đi được.

Thế nhưng một khi “tướng bà” đã lên ngôi thì họ nắm quyền chỉ huy cả gia đình và đã là chỉ huy thì mệnh lệnh của họ phải được chấp hành, ai chống lệnh dĩ nhiên bị quát tháo, mắng mỏ. Trong những gia đình ấy, tâm trạng người đàn ông thế nào? Nói chung họ ủ rũ, buồn rầu, mặc cảm mình “vô tài bất tướng” nên bị vợ coi thường.

Một chị cậy kiếm được nhiều tiền, mỗi buổi sáng trước khi ra khỏi nhà lại phát tiền cho chồng con như phát chẩn. Mỗi đứa con ba chục nghìn, riêng chồng được năm chục, muốn ăn phở, uống cà-phê tuỳ ý. Chị thường khoe với họ hàng rằng chồng mình sướng hơn tiên, ăn chơi thoải mái chẳng phải làm gì. Biết đâu rằng chính ông ta cũng cảm thấy trong con mắt vợ, ông chẳng qua chỉ là một đứa con lớn để vợ phải nuôi “báo cô”. Quả vậy người đàn bà ấy cũng không ngờ từ khi chồng về hưu non ở tuổi 48, thì cũng mất luôn “khí phách đàn ông”, để cho vợ muốn đi nhà hàng khách sạn với ai mặc lòng.

123627458 copy Tướng bà thời nay
Đàn ông luôn cần một người vợ biết chăm lo cho gia đình.

Nói chung khi phụ nữ đóng vai gia trưởng, cái họ được là quyền uy khiến chồng con phải nể sợ nhưng cái họ mất là gì? Đó là sự dịu dàng chu đáo của người mẹ, người vợ, người nhen nhóm và gìn giữ ngọn lửa hạnh phúc gia đình. Đó là hình ảnh người phụ nữ bé bỏng, dễ thương mà người chồng nào cũng muốn dang rộng cánh tay yêu thương, che chở.

Nhưng khi người chồng nhận thấy vợ là tướng bà mà mình chỉ là quân tốt đen, chứ đâu phải tướng ông thì họ lại cảm thấy mình bé bỏng, yếu đuối, thậm chí là người thừa trong gia đình, như một thứ đồ vật cổ lỗ bị bỏ quên. Cho nên người phụ nữ dù có thế mạnh gì chăng nữa vẫn là người vợ.

Mà đã là vợ, thì người chồng nào cũng cần một người vợ biết yêu thương, chăm lo cho gia đình với sự dịu dàng đôn hậu chứ không cần một tướng bà quyền uy, coi mọi người trong nhà như quân lính, dù người ấy có kiếm ra tiền. Có thể đó cũng là một lý do khiến tỷ lệ ngoại tình, ly hôn gia tăng.

Trịnh Trung Hòa

Theo Tạp chí Thời Trang Trẻ

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc