Doanh nghiệp của bà Thùy Linh (Hà Nội) hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Thời gian vừa qua do đại dịch COVID-19, Công ty của bà Linh buộc phải dừng hoạt động của trung tâm tiếng anh trên toàn hệ thống, không có doanh thu trong khi vẫn phải trả các chi phí cố định hàng tháng như tiền lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng…

Bà Linh hỏi, Công ty bà có thuộc trường hợp bị ảnh hưởng và được gia hạn tiền thuế theo Công văn số 897/TCT-QLN không? Hàng tháng Công ty phát sinh tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tạm khấu trừ phải nộp vào NSNN khá lớn. Vậy thì theo Công văn số 897/TCT-QLN của Tổng cục Thuế, Công ty bà có được gia hạn tiền thuế TNCN phải nộp hay không?

Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời như sau:

Đối tượng được gia hạn thuế

Căn cứ Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, tại Điều 2 quy định đối tượng áp dụng:

“1. Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế sau:

…2. Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế sau:

a) Vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản;

… Danh mục ngành kinh tế nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được xác định theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Phân ngành kinh tế theo Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg gồm 5 cấp và việc xác định ngành kinh tế được áp dụng theo nguyên tắc: Trường hợp tên ngành kinh tế nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thuộc ngành cấp 1 thì ngành kinh tế được áp dụng quy định gia hạn bao gồm tất cả các ngành kinh tế thuộc phân cấp 2, cấp 3, cấp 4, cấp 5 của ngành cấp 1; trường hợp thuộc ngành cấp 2 thì ngành kinh tế được áp dụng quy định gia hạn bao gồm tất cả các ngành kinh tế thuộc phân cấp 3, cấp 4, cấp 5 của ngành cấp 2; trường hợp thuộc ngành cấp 3 thì ngành kinh tế được áp dụng quy định gia hạn bao gồm tất cả các ngành kinh tế thuộc phân cấp 4, cấp 5 của ngành cấp 3; trường hợp thuộc ngành cấp 4 thì ngành kinh tế được áp dụng quy định gia hạn bao gồm tất cả các ngành kinh tế thuộc phân cấp 5 của ngành cấp 4.

… Ngành kinh tế, lĩnh vực của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này là ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát sinh doanh thu trong năm 2019 hoặc năm 2020.”

Điều 3 Nghị định số 41/2020/NĐ-CP quy định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất:

“1. Đối với thuế giá trị gia tăng (trừ thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu)…

2. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp…

3. Đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh…

4. Đối với tiền thuê đất…”

Điều 4 Nghị định số 41/2020/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục gia hạn:

“1. Người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (bằng phương thức điện tử hoặc phương thức khác) theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ các kỳ của các sắc thuế và tiền thuê đất được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế theo tháng (hoặc theo quý) theo quy định pháp luật về quản lý thuế. Trường hợp Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tháng (hoặc theo quý) thì thời hạn nộp chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm 2020, cơ quan quản lý thuế vẫn thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất của các kỳ phát sinh được gia hạn trước thời điểm nộp Giấy đề nghị gia hạn.

…2. Người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm về việc đề nghị gia hạn đảm bảo đúng đối tượng được gia hạn theo Nghị định này. Nếu người nộp thuế gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho cơ quan thuế sau ngày 30 tháng 7 năm 2020 thì không được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định này.”

Căn cứ Phụ lục I và Phụ lục II hướng dẫn nội dung hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ:

“P: Giáo Dục Và Đào Tạo

Ngành này gồm: Các hoạt động giáo dục, đào tạo ở mọi cấp độ cho mọi nghề được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp bằng lời nói hoặc chữ viết cũng như qua phát thanh và truyền hình hoặc thông qua các phương tiện khác của truyền thông. Các hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục khác nhau trong hệ thống trường học phổ thông ở các cấp khác nhau cũng như các chương trình xóa mù chữ, dạy học cho người đã trưởng thành…

…85: Giáo Dục Và Đào Tạo

…855: Giáo dục khác

…8559 – 85590: Giáo dục khác chưa được phân vào đâu

Nhóm này gồm: Việc đưa ra và cung cấp việc hướng dẫn và đào tạo đặc biệt, thường là cho người đã trưởng thành và không thể so sánh được với giáo dục thông thường ở nhóm 852 (Giáo dục phổ thông), 853 (Giáo dục nghề nghiệp), nhóm 854 (Giáo dục đại học). Không kể các trường học viện, các trường cao đẳng và các trường đại học. Việc giảng dạy có thể tiến hành ở nhiều môi trường khác nhau như ở các đơn vị hoặc theo điều kiện học của khách hàng, các tổ chức giáo dục, nơi làm việc hoặc tại nhà, có thể thông qua thư, tivi, internet, ở các phòng học hoặc qua các phương tiện khác. Việc dạy học này không dẫn đến được cấp bằng tốt nghiệp trung học, hoặc bằng tốt nghiệp đại học.

….- Dạy ngoại ngữ và dạy kỹ năng đàm thoại;”

Trường hợp được gia hạn nộp thuế

Căn cứ khoản 1 Điều 31 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính (văn bản hợp nhất 14/VBHN-BTC ngày 15/5/2017) quy định trường hợp được gia hạn nộp thuế như sau:

“a) Bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.

Thiệt hại vật chất là những tổn thất về tài sản của người nộp thuế, tính được bằng tiền như: máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư, hàng hóa, nhà xưởng, trụ sở làm việc, tiền, các giất tờ có giá trị như tiền.

Tai nạn bất ngờ là việc không may xảy ra đột ngột ngoài ý muốn của người nộp thuế, do tác nhân bên ngoài gây ra làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế, không phải do nguyên nhân từ hành vi vi phạm pháp luật. Những trường hợp được coi là tai nạn bất ngờ bao gồm: tai nạn giao thông; tai nạn lao động; mắc bệnh hiểm nghèo; bị dịch bệnh truyền nhiễm vào thời gian và tại những vùng mà cơ quan có thẩm quyền đã công bố có dịch bệnh truyền nhiễm; các trường hợp bất khả kháng khác.”

Theo hướng dẫn tại Công văn số 897/TCT-QLN ngày 3/3/2020 của Tổng cục Thuế về việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp, căn cứ các quy định trên, Cục Thuế thành phố Hà Nội có ý kiến nguyên tắc như sau:

Trường hợp Công ty hoạt động kinh doanh trong ngành giáo dục và đào tạo thì thuộc đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP nêu trên. Công ty phải thực hiện gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP) cho cơ quan thuế quản lý theo hướng dẫn tại Điều 3 Nghị định số 41/2020/NĐ-CP để được gia hạn nộp thuế. Thuế TNCN của người lao động mà Công ty khấu trừ và nộp vào NSNN hàng tháng thì không thuộc trường hợp được gia hạn theo quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP.

Trường hợp Công ty bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính thì Công ty lập hồ sơ theo hướng dẫn tại Công văn số 897/TCT-QLN gửi cơ quan thuế xử lý.

Nếu còn vướng mắc cụ thể, đề nghị bà Thùy Linh liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp và cung cấp các tài liệu, hồ sơ liên quan để được hỗ trợ.

Nguồn: baochinhphu.vn

http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Trung-tam-tieng-Anh-co-duoc-gia-han-thue-do-anh-duong-COVID19/394658.vgp

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc