Dân gian ta thường hay ví von về gia đình – một đơn vị tế bào trong xã hội, rằng “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, điều này góp phần khẳng định vai trò tinh thần quan trọng của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, là linh hồn của mỗi mái nhà, nơi ta luôn muốn quay về tìm sự bình an và hạnh phúc. Để có được tinh thần đã trở thành biểu tượng “người mẹ” này, mỗi người phụ nữ trải qua nhiều đoạn đời, mà mỗi giai đoạn đều tạo ra những biến đổi cả về thể chất, lẫn tinh thần trong mỗi người phụ nữ. Và thật thú vị, nếu nhìn vòng đời này dưới góc độ tái sinh từ sự lão hóa!

 Nhìn dưới góc nhìn y học

Về thể chất, cơ thể người phụ nữ gắn liền với sự sản xuất, phát triển, điều hòa, của 2 nội tiết tố là Estrogen và Progesteron do buồng trứng tiết ra. Hai nội tiết tố này tạo nên chu kỳ kinh nguyệt báo hiệu sự dậy thì ở cô gái từ 10 đến 15 tuổi. Đây là giai đoạn quan trọng của sự phát triển về thể chất – hoàn thiện chức năng duy trì nòi giống, sinh con cái ở người phụ nữ. Chu kỳ kinh nguyệt diễn ra đều đặn trung bình mỗi tháng một lần, cho thấy sự hiện diện của hai nội tiết tố sinh dục nêu trên, với estrogen được sản xuất và lưu thông trong máu, đến từng bộ phận giúp phát triển cơ thể người phụ nữ  như giúp da đàn hồi mịn màng tươi sáng, giúp răng xương chắc khỏe, giúp ngực mông nở nang… Với progesteron cùng estrogen phối hợp tạo nên nội mạc tử cung và hằng tháng lớp nội mạc này tróc ra gây hiện tượng chảy máu khi hành kinh và quan trọng là phát triển tử cung và bộ phận sinh dục ngoài để chuẩn bị cho thiên chức mang thai, nuôi dưỡng bào thai và sinh nở. Khác với estrogen, nội tiết tố progesterone có tính giữ nước và tăng thân nhiệt cơ thể, khi tăng cao trong máu vào những ngày cuối của chu kỳ chuẩn bị hành kinh, thuộc tính này làm cho người phụ nữ cảm thấy cơ thể nặng nề hơn, hâm hấp sốt, mệt mỏi, đau tức ngực và lưng bụng do sự co thắt cơ tử cung để làm tróc lớp nội mạc và chảy máu kinh ra ngoài, đó là hiện tượng đau bụng khi hành kinh.

Đến giai đoạn trưởng thành, mang thai, sinh con, duy trì nòi giống, đây là đoạn đời quan trọng và dài, trung bình hơn 20 đến 30 năm, không chỉ mang nặng đẻ đau mà còn góp phần cùng chồng nuôi dạy con cái thành người, vun đắp tổ ấm gia đình, làm được nhiều việc có ích hơn cho gia đình và xã hội.

Giai đoạn trung niên trải qua như thế, trước mắt là giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.

Tiền mãn kinh là khoảng thời gian mà cơ thể bắt đầu quá trình chuyển đổi tự nhiên đến kỳ mãn kinh, đánh dấu sự kết thúc của tuổi sinh sản ở nữ giới, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ thường bị rối loạn, chức năng của buồng trứng ngày càng yếu đi, lượng estrogen trong cơ thể tiết ra bắt đầu giảm dần dẫn đến tình trạng tắt kinh. Mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp lần thứ hai trong đời sống sinh dục của một người phụ nữ, xảy ra do sự ngưng hoạt động của buồng trứng, ngừng tiết các nội tiết tố nữ là Estrogen và Progesteron, dẫn đến việc ngưng hành kinh mỗi tháng và chấm dứt khả năng sinh sản của người phụ nữ. Cuối giai đoạn này, buồng trứng sẽ bị teo nhỏ, xơ hóa và mất chức năng nội tiết. Đây là giai đoạn phụ nữ rất dễ mắc bệnh khi buồng trứng của phụ nữ bị xơ hoá, cơ thể giảm lượng lớn nội tiết tố nữ gây ra nhiều nguy cơ bệnh tật khác nhau.

Đây có thể nói là giai đoạn khó khăn nhất ở người phụ nữ, với sự thay đổi về thể chất, nội tiết tố sinh dục giảm dần do lão hóa buồng trứng, da bắt đầu nhăn, tóc bắt đầu bạc, bắp thịt nhão bệu, xương rỗ dần dẫn đến loãng xương. Và quan trọng hơn là do sự thiếu vắng và mất cân bằng nội tiết tố gây ra những cơn bốc hỏa, vã mồ hôi, khô mắt, khô dịch nhờn âm đạo làm cho hoạt động tình dục khó khăn hơn và khó đạt được khoái cảm. Ngoài ra còn là điều kiện nguy cơ xuất hiện nhiều bệnh khác, như dễ nhiễm trùng tiểu gây đau rát khó tiểu, tiểu lắt nhắt, tiểu đêm làm ảnh hưởng giấc ngủ, rồi đau nhức xương khớp… Đó là chưa kể đến việc nếu có một bệnh nền sẵn có như tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm khớp sẽ làm trầm trọng hơn mức độc liệt kê trên… Tất cả có thể ảnh hưởng đến tính tình người phụ nữ dễ bực bội, dễ cáu gắt, dễ giận hờn… giai đoạn này tùy thuộc thể chất mỗi người, có thể kéo dài từ 2 đến 5 năm.

Tuy nhiên một điều may mắn là không phải tất cả mọi phụ nữ đều khốn khổ trong giai đoạn này. Một số phụ nữ hoàn toàn không phải chịu những khó khăn dường ấy, có thể nhờ tự nhiên, nhưng đa phần là cách sống, chế độ ăn uống, cùng sự luyện tập và tinh thần hiểu biết về hoạt động sinh lý cơ thể người, giúp người phụ nữ đi qua đoạn đời này một cách tích cực hơn.

Giai đoạn hậu mãn kinh là điều đáng nói. Đây là giai đoạn chín muồi của mỗi cuộc đời, tùy thuộc vào Nhân – Quả, nhân quả ở đây không mang thuộc tính của mê tín dị đoan, mà là hành động sống của mỗi người, là cách gieo nhân, mỗi người giữ gìn sức khỏe thể chất tốt, tìm hiểu học hỏi văn hóa, kiến thức, xây dựng mối quan hệ tiếp xúc tốt là cách gieo nhân tốt, để tạo quả chín là trái ngọt cho sự hưởng thụ chất lượng sống quý báu của mỗi đời người. Và như vậy, hậu mãn kinh sẽ là cuộc sống được tái sinh, là sự thăng hoa theo nhân cách của mỗi người. Đây là giai đoạn gia đình đã ổn định, con cái đã trưởng thành, quan hệ xã hội đã đuợc duy trì, tài chính cho cuộc sống cũng đã giảm phần lo nghĩ… Có thể nói bản thân mỗi người phụ nữ sẽ được sống cho chính mình…

Và truyền thuyết về việc tái sinh từ sự lão hóa

Có truyền thuyết về con chim phượng hoàng, với sự tái sinh từ đống tro tàn, với sự ca ngợi chim phượng hoàng mang lại tính cách tốt bụng, chân thiện mỹ, gây cảm hứng cho nhiều thế hệ, được hình tượng hóa với chức năng như người phụ nữ.

Theo văn hóa phương Đông

Trong sự phát sinh phát triển loài người trong vũ trụ này, chim phượng hoàng là một trong số những nhân tố chính trong vũ trụ học của phương Đông. Theo thần thoại phương Đông, sau khi vị thần Bàn Cổ nổ thoát ra từ “quả trứng” khổng lồ của sự hỗn loạn, bốn linh vật khác đã theo ông tồn tại. Đó là long (rồng), ly (kỳ lân), quy (rùa), và phụng (phượng hoàng). Những sinh vật tuyệt vời này, được gọi là Tứ Linh (bốn vị thần linh), đã hợp sức với (thần) Bàn Cổ để tạo ra thế giới. Mỗi sinh vật này chịu trách nhiệm đối với một phần năm tạo hóa, trong đó chim phượng hoàng làm chủ lửa (hỏa), mùa hạ và phía nam. Chúng sử dụng thần thông của mình để tạo ra ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa và thổ), tạo ra 5 mùa (xuân, hạ, trưởng hạ và thu, đông) và chia thế giới thành 5 khu (bắc, nam, đông, tây và trung tâm). Một số truyền thuyết mô tả cơ thể của chim phượng hoàng như tương ứng với các thiên thể, với đầu của nó là bầu trời, mắt của nó là mặt trời, lưng là mặt trăng, chân là trái đất và đuôi là các hành tinh. Do đó, phượng hoàng được xem là sự liên kết giữa thế giới của chúng ta và các tầng trời xa xa. Không chỉ đẹp mắt, bộ lông sặc sỡ của chim phượng hoàng bao gồm 5 màu cơ bản của triết học phương Đông: vàng, trắng, đỏ, đen, xanh lá cây, tương ứng với 5 giá trị Nho giáo là: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.

Khiêm tốn, trung thành, tốt bụng và chính xác, chim phượng hoàng hiện thân cho những tính cách mà nó định rõ mẫu người phụ nữ lý tưởng truyền thống.

Theo văn hóa phương Tây

Người ta nói rằng, phượng hoàng có thể sống tới 500 hay 1.400 năm (tùy nguồn), là loại chim với bộ lông màu vàng và đỏ rất đẹp. Phượng hoàng là sinh vật bất tử. Vòng đời của chúng không bao giờ kết thúc. Khi bị thương nặng hoặc cảm thấy mình quá già yếu (không dưới 500 tuổi), phượng hoàng sẽ tự xây một cái tổ bằng lông của mình, rồi tự thiêu bằng chính nguồn nhiệt của bản thân. Và, từ trong đám tro tàn, nó sẽ tái sinh dưới hình dạng một chú chim non. Vì khả năng tái sinh này mà phượng hoàng là biểu tượng của cả sự sống và cái chết.

Với truyền thuyết này, ta thử so sánh với cuộc đời người phụ nữ, có những nét tương đồng trong sự sống và sự tái sinh. Ngoài mầm sống mới là những đứa con, người phụ nữ có thể tái sinh cuộc đời mình sau giai đoạn mãn kinh bằng cách sống, chế độ dinh dưỡng, tập luyện và thái độ tâm lý hiểu biết bằng sự trải nghiệm chính mình.

Tóm lại: Các vấn đề sức khỏe bị ảnh hưởng trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh sẽ được cải thiện rất nhiều nhờ vào chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập luyện thể dục thể thao một cách khoa học. Dinh dưỡng cho phụ nữ giai đoạn mãn kinh cần bổ sung đủ các nhóm chất cần thiết, đặc biệt là chất xơ, các vitamin và khoáng chất quan trọng để tăng sức đề kháng, giảm tình trạng mệt mỏi và củng cố hệ xương chắc khỏe hơn, đồng thời đảm bảo các cơ quan ngoài buồng trứng duy trì sự sản xuất tối thiểu estrogen và các nội tiết tố khác. Tập luyện thường xuyên đều đặn mỗi ngày giúp sự lưu thông máu huyết và nuôi dưỡng tốt hơn duy trì chức năng tạng phủ, trong đó có tim, có não, giúp duy trì sự tinh tế, củng cố thiên chức và đức tính người phụ nữ, tạo nên linh hồn cho gia đình, cho xã hội. Đó là điều rất đáng để mỗi người phụ nữ cố gắng tái sinh một cách đẹp nhất cho chính bản thân mình và cho đời.

PGS. TS. BS Nguyễn Thị Bay

Nguyên Trưởng bộ môn Bệnh học

Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y dược TP. HCM

Nguồn: tcsuckhoe.com

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc