Trước hết, Tạp chí Sức Khỏe kính gửi đến chị và gia đình lời chúc mừng năm mới Hạnh phúc và An Khang. Cám ơn chị đã dành cho Tạp chí cuộc Trò chuyện khi không khí Tết đang về với mọi gia đình.

BS tại phòng mạch

1/ Hình như “thời gian đã bỏ quên chị”, khi chị lúc nào cũng xinh đẹp, tràn đầy năng lượng bất chấp tuổi tác, thời gian, áp lực công việc… Có bí quyết gì không ạ?

Cũng chẳng có bí quyết gì đâu, có lẽ là một phần là do may mắn, bố mẹ đã “chắt lọc” và trao cho mình những gene thật tốt, còn lại là sự cố gắng tuân thủ những nguyên tắc chính trong làm việc, ăn uống, sinh hoạt và cả trong lúc vui chơi giải trí (mặc dù khá là ít ỏi). Ví dụ, trong ăn uống hạn chế đường, bột, muối và chất béo, uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, ăn cá nhiều hơn ăn thịt. Trong sinh hoạt, vận động thì duy trì một lối sống tích cực, dành thời gian để chơi tennis (2 giờ mỗi tuần), tranh thủ mọi giờ rảnh để vận động, tranh thủ tập trên mỗi bước đi… Còn trong làm việc, ngoài những lúc phải ra ngoài, đi dạy, đi công tác, tham gia hội chẩn, tham gia hội nghị, hội họp… mình còn rất nhiều việc phải làm trên máy tính, tại nhà. Có những lúc phải hoàn thành công việc (vì trong ngày không có thời gian để làm) mình phải thức khuya vì thói quen “không thích đi ngủ khi việc chưa xong”. Bù lại, giữa các giờ ngồi trên máy đó, mình cũng tìm cách để relax như nghe nhạc, coi một vài chương trình giải trí, xem đá banh hay đánh banh (tennis)… Nói chung, là không có bí quyết gì đâu, cái chính là cha mẹ thương và Trời thương thôi!

Cả nhà tại nhà BS Thu, Tết 2017

2/ Kim Ánh hơi tò mò là thường ngày, công việc đã kín hết thời gian của chị, còn ngày Tết của chị thì như thế nào?

Đúng rồi, thường ngày, công việc của mình khá bận rộn, công tác giảng dạy, đào tạo ở các Trường, ở các Hội chuyên khoa, công việc truyền thông sức khỏe cho cộng đồng, làm cố vấn chuyên môn ở một số cơ sở điều trị tại TP.HCM và duy trì một phòng mạch ngoài giờ nho nhỏ tại nhà. Nhưng Tết thì phải nghỉ chứ, người bệnh cũng nghỉ mà, trừ những trường hợp bệnh cấp cứu, đã có đội ngũ chuyên môn trực tại các cơ sở y tế đảm nhiệm!

Mà việc chuẩn bị Tết bây giờ đơn giản và dễ dàng hơn “ngày xưa”, nhu cầu thì ít đi mà nguồn cung cấp thì nhiều lên. Ngày xưa, thời bao cấp, mình nhớ là mẹ phải chuẩn bị Tết trước cả tháng, phải mua dần từng thứ: bột, đường, bột ngọt, hạt tiêu, gạo nếp, đậu xanh, nước mắm, đồ làm mứt, vải may đồ mới cho từng người trong nhà, có khi còn nuôi gà, nuôi heo để có thịt ăn Tết nữa… Bây giờ, hầu hết đều có thể mua được và mình cũng chẳng mong Tết nữa … vì thêm Tết là già thêm mất rồi!

Bây giờ, vào dịp Tết mình tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, đi thăm hỏi một số Thầy Cô và người thân, chuẩn bị một ít rượu ngon và đồ ăn ngon để quây quần tối 30 Tết tại nhà bà ngoại. Mẹ mình năm nay 93 tuổi, bà còn khỏe và minh mẫn, hiện bà đang ở cùng gia đình cậu em trai út của mình tại Quận 7. Tối 30 Tết, cả nhà sẽ quây quần ở đây, trưa Mồng Một Tết, cả nhà sẽ sang nhà anh cả (người nam gọi là anh hai) ở Quận 8, tối Mồng Một sẽ đến nhà mình ở Quận 5, vậy là phần chính của Tết đã xong. Như thường lệ, ngày Mồng Hai là mình cùng cô con gái sẽ khởi hành một chuyến đi chơi xa. Năm nay, hai mẹ con sẽ đi một tour 7 ngày thăm bờ Tây nước Mỹ (năm trước nữa, hai mẹ con đã đi một tour bờ Đông nước Mỹ rồi, còn năm vừa rồi hai mẹ con đã có một tour 5 ngày đi các tỉnh Tây Bắc rất vui và thú vị).

BS Anh Thu va Bố Mẹ 12-1957

3/ Với chị, có phải nghề y như là “mối lương duyên tiền định”, khi có bố mẹ – PGS Lê Thân và PGS Đỗ Thị Hoàng Dung – Học viện Quân y, đã dành cả đời cho nghề này? Chị đã yêu công việc này ngay từ nhỏ? Và cũng thật tự hào khi tiếp nối truyền thống gia đình là Anh Chị Em, đến các cháu và bây giờ là cô con gái của chị: đang học BS nội trú ngành Mắt, bộ môn mắt ĐHYK PNT và BV Mắt TP.HCM. Hạnh phúc là đây, phải không chị?

“Đến với y học như một lẽ tự nhiên mà ông trời “định sẵn” cho mình, PGS. TS. BS Lê Anh Thư đã làm dày thêm trang sử truyền thống y học của gia đình. Suốt hơn 40 năm qua, dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, gặp phải khó khăn gì, cô vẫn luôn giữ vững niềm tin, tâm đức, không ngừng trau dồi, học tập, nghiên cứu để kịp thời lĩnh hội những tinh hoa y học mới trong lĩnh vực Thấp khớp học phục vụ cho đời. Cô xứng đáng là tấm gương sáng cho lớp sau tiếp bước, soi mình…”. Đây là một đoạn mà trong bài 40 năm một hành trình tâm huyết viết về mình. Mình là con thứ 3, trong gia đình có 4 người con. Cả bố và mẹ đều tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1947, đều là những viên gạch đầu tiên xây dựng nên ngành Quân y Việt Nam, đều trở thành bác sĩ quân y, đều là thầy thuốc, thầy giáo công tác tại Học viện Quân y, đều mang quân hàm Đại tá Phó giáo sư Bác sĩ quân y, đó là Đại tá Phó giáo sư Bác sĩ quân y Lê Thân và Đại tá Phó giáo sư Bác sĩ quân y Đỗ Thị Hoàng Dung. Mình được sinh ra lúc đã hòa bình (cuối năm 1956), đúng thời điểm mà bố và mẹ đều được chọn đi học, lúc đó mẹ đã có 2 con, và sắp có mình, đứa con thứ 3. Bố đã nhường để mẹ đi học trước một khóa, vậy là ngay ở những ngày tháng đầu tiên của cuộc đời, mình đã được theo mẹ đi học ngành Y.

Thế rồi khi lớn lên, mặc dù lúc đầu bố mình rất thích cho con theo đuổi ngành nghệ thuật nhẹ nhàng, phù hợp với con gái hơn như hội họa hay âm nhạc … thế nhưng, như một định mệnh mình đã thi vào Đại học Y Hà Nội và cùng hướng trọn cuộc đời theo con đường của bố mẹ. Mình có một cô con gái, lúc đầu cháu muốn thi kiến trúc, và sau đó, cháu lại bước tiếp con đường của mình. Hiện nay, cháu đang là BS Nội trú Mắt năm thứ 2, tại Bộ môn Mắt trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Mắt TP HCM. Trong thế hệ tiếp nối mình còn có hai cô cháu gái, bé Phương Trang, con của chị cả, đang học nội trú năm cuối ngành Gây mê, hồi sức tại TP Houston – Mỹ và bé Quỳnh Anh, con của em trai út, vừa tốt nghiệp Y khoa tại Hungary.

Bé Quỳnh Châu và Mẹ tại lễ tốt nghiệp 10-2018

Tháng 5/2019 vừa rồi, mình đã cùng mẹ, thay mặt bố (vì bố mới mất 11/2018) đến dự kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Học viện Quân Y tại cơ sở 2 của Học viện tại TP.HCM.

Cùng mẹ ở cơ sở 2 HVQY (5/2019)

4/ Nhìn lại hơn 40 năm mà chị đã dành cho lĩnh vực xương khớp, điều làm chị vui nhất là gì, thưa chị?

Đó là việc Ngành Thấp khớp học đã được quan tâm nhiều hơn, các đồng nghiệp và người bệnh đã thay đổi nhận thức về nhóm bệnh này, đó là việc các nhà Thấp khớp học Việt Nam đã tiếp cận được với các tiến bộ của Ngành và có cơ hội ứng dụng các tiến bộ này và thực tế Việt Nam.

Mọi người ngày càng nhận thức được rằng các bệnh lý Cơ Xương Khớp rất phức tạp, đa dạng, phổ biến, đang có xu hướng gia tăng rất nhanh và ngày càng trở nên quan trọng đối với sức khỏe con người. Nếu các bệnh Tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho con người, thì các bệnh Cơ Xương Khớp lại là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tàn phế cho loài người. Và trên thực tế các bệnh Tim Mạch và các bệnh Cơ Xương Khớp là thường đồng hành. Nhu cầu khám và chữa bệnh cho các bệnh lý này còn rất lớn và hầu hết các cơ sở y tế ở phía Nam vẫn chưa đáp ứng được. Việc thành lập một Khoa Nội Cơ Xương Khớp tại bệnh viện Chợ Rẫy là một bước ngoặt quan trọng không chỉ với cá nhân mình, mà còn đối với sự phát triển và hoàn thiện của Bệnh viện Chợ Rẫy, sự phát triển và mở rộng phạm vi hoạt động của Hội Thấp khớp học Việt Nam tại các tỉnh phía Nam và là tin vui cho những bệnh nhân không may bị mắc các bệnh Xương Khớp.

Do vậy, việc thành lập và phát triển Khoa Nội Cơ Xương Khớp tại bệnh viện Chợ Rẫy cũng là một món quà vô giá, mà mình kính tặng người Thầy kính yêu, GS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam, viên gạch đầu tiên của Ngành Thấp khớp học Việt Nam. Trải qua chặng đường gần 20 năm hình thành và phát triển, khoa Nội Cơ Xương Khớp của Bệnh viện Chợ Rẫy ngày càng phát triển và lớn mạnh, mở rộng về quy mô và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống các chuyên khoa sâu của Bệnh viện Chợ Rẫy, đáp ứng được nhu cầu điều trị ngày càng cao của người dân.

Cùng với hoạt động trong bệnh viện là một loạt các hoạt động chuyên môn với các trường Đại học, với các Hội chuyên khoa, với cộng đồng… về lĩnh vực chuyên ngành Khớp.

Chuyên khoa Cơ Xương Khớp là một trong các thế mạnh của bệnh viện Chợ Rẫy

Hòa cùng xu thế phát triển chung của y học, đặc biệt trong lĩnh vực Thấp khớp học. Từ khi thành lập tới nay, mình đã cùng các đồng nghiệp ứng dụng nhiều thành tựu của Ngành Thấp khớp học vào thực tế Việt Nam, kể cả những thành tựu mang tính cách mạng – điều trị sinh học,  cho hàng trăm bệnh nhân bị các bệnh viêm khớp hệ thống nặng, không đáp ứng với các điều trị kinh điển, tạo nên những thay đổi lớn về quan niệm bệnh, diễn tiến và tiên lượng của nhóm bệnh này, đặc biệt là vấn đề chẩn đoán sớm, điều trị tích cực ngay từ đầu để tận dụng tối đa“cửa sổ cơ hội” giúp cho nhiều bệnh nhân tránh khỏi tàn phế.

5/ Duyên nào đã đưa chị đến với ngành xương khớp và gắn bó đến tận bây giờ – một ngành “khô – khó – khổ”, nhất là vào thời điểm của những năm 2000-2001, khi mà ngành xương khớp vẫn còn chưa được quan tâm?  Những khó khăn nào vào thời điểm đó mà chị đã vượt qua để thành lập khoa Nội Cơ – Xương – Khớp ở Bệnh viện Chợ Rẫy, thưa chị? Chặng đường đó, chắc hẳn là không dễ dàng?

Đúng là chuyên ngành Khớp trước đây rất ít được các thầy thuốc lựa chọn. Theo lời kể của GS Trần Ngọc Ân, vào thập niên 60 của thế kỷ trước, khi GS Đặng Văn Chung tổ chức hệ thống Nội khoa tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, hầu hết các chuyên khoa như Tim mạch, Nội tiết, Thận, Huyết học, Hô hấp, Tiêu hóa… đều có các BS đảm nhiệm (sau này đều là các Thầy, đứng đầu các ngành), riêng chuyên khoa Khớp được hình thành sau cùng và do BS Trần Ngọc Ân đề đạt với GS Chung và xung phong đảm nhiệm.

Với mình thì mọi việc hơi khác một chút. Năm 1987, khi đang công tác tại khoa Y học dân tộc, Bệnh viện Bạch Mai, mình phải từ giã mảnh đất Hà Nội thân thương, chuyển công tác vào bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cùng cả gia đình (lúc bấy giờ, bố mẹ mình được điều vào công tác tại Trung tâm truyền máu quân đội ở TP.HCM, chị gái là BS Lê Thị Đỗ Hương đang làm việc ở khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy). Cũng vẫn trên dãy đất hình chữ S, nhưng giữa Hà Nội và TP.HCM, giữa bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Chợ Rẫy, có rất nhiều điều khác biệt, xa các thầy, xa các bạn, xa các đồng nghiệp, tới một nơi với nhiều điều mới và lạ… Vì vậy, với mình, mọi thứ đều phải bắt đầu lại từ đầu, phải nhanh chóng bắt nhịp với công việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Được cố GS. Trịnh Kim Ảnh giao nhiệm vụ xây dựng khoa y học cổ truyền tại bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng trong quá trình làm việc, nhận thấy chưa thể làm được điều đó trong thời điểm này, đổi lại có một chuyên ngành khác đã thực sự thu hút mình từ rất lâu, đó là ngành Thấp khớp học. Lúc đó, bệnh viện Chợ Rẫy không có khoa Khớp và sự quan tâm đến chuyên ngành này ở các tỉnh phía Nam còn rất ít. Nung nấu ý tưởng thành lập một Khoa Cơ Xương Khớp tại bệnh viện Chợ Rẫy, một bệnh viện hàng đầu ở các tỉnh phía Nam, mình đã chủ động liên hệ GS. TS Trần Ngọc Ân, chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam, một trong những bậc thầy hàng đầu về Thấp khớp học ở Việt Nam. Thầy Ân đã nói một câu, mà mình luôn ghi nhớ và biết ơn “… nếu cô quyết tâm, tôi sẽ đào tạo cho cô trở thành chuyên gia hàng đầu về Thấp khớp học tại các tỉnh phía Nam…”. Được sự ủng hộ và động viên của Thầy, mình đã bắt tay ngay vào việc học hỏi, nghiên cứu tài liệu, sách vở, áp dụng các kiến thức học được vào thực tế điều trị, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và đặc biệt thi đỗ vào Nghiên cứu sinh để có cơ hội thực hiện bằng được ước mơ của mình.

Bảo vệ Luận án TS (1/1997)

Vào BVCR năm 1987, thi đỗ Nghiên cứu sinh năm 1992, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tháng 1 năm 1997, hình thành nhóm điều trị các bệnh Khớp trong khoa Nội Tổng quát năm 1998 và thành lập khoa Nội Cơ Xương Khớp tháng 1/2001… là một chặng đường gần 15 năm với biết bao thử thách, có lẽ không thể nào kể hết được, chỉ xin kể sơ một vài thử thách.

Việc thi đậu vào Nghiên cứu sinh của Bộ môn Nội trường Đại học Y Dược TP.HCM thời điểm 1991 – 1992, là một thách thức rất lớn vì rất ít người có thể vượt qua. Rồi việc hoàn thành và bảo vệ luận án, nhiều người bạn đã hỏi tôi: “…làm thế nào…?” , vì thời điểm đó, có rất nhiều khó khăn. Trước đó, đa số các luận án tiến sĩ đều được bảo vệ ở nước ngoài và trước lớp Nghiên cứu sinh của tôi, chưa ai bảo vệ thành công ở Bộ môn Nội trường Đại học Y Dược TP.HCM! Giống như “điếc” không sợ súng, mình chỉ nghĩ đơn giản: đang làm điều mình muốn, mọi hành trình cần được bắt đầu với một đích đến rõ ràng, phải bước đi, phải nghiêm túc và quyết tâm thì mới tới đích và mình đã tới đích của mình sau đúng 4 năm.

Sau khi bảo vệ xong, mình bắt đầu việc xây dựng nhóm điều trị Khớp, tích lũy thêm kinh nghiệm lâm sàng, kiến thức và thuyết phục thành công vị Giám đốc của mình, PGS Trương Văn Việt, ký thành lập Khoa Nội Cơ Xương Khớp vào tháng 1/2001. Mình còn nhớ như in, lúc lên gặp Giám đốc để trình bày nguyện vọng của mình, nghe xong PGS Việt đã nói rằng: “…vậy là Thư đã tự phong cho mình chức trưởng khoa rồi đấy…”.

Hội nghị Thấp khớp học Châu Âu 2019 (EULAR 2019) tại Madrid

6/ Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tàn phế cho bệnh nhân, đó là các bệnh về xương khớp. Chưa kể để lại gánh nặng cho gia đình, xã hội. Nhưng ở Việt Nam, ngành xương khớp thời gian dài vẫn chưa được đầu tư cơ sở vật chất lẫn nhân lực xứng tầm. Còn hiện nay, ngành xương khớp đã có những chuyển biến như thế nào, thưa BS?

Đúng là ngành Thấp khớp học đã được quan tâm nhiều hơn, các đồng nghiệp và người bệnh đã thay đổi nhận thức về nhóm bệnh này, đó là việc có thêm nhiều chuyên gia giỏi và các nhà Thấp khớp học Việt Nam đã có thêm nhiều điều kiện để tiếp cận được với các tiến bộ của Ngành Thấp khớp học thế giới (Châu Âu, Châu Á – Thái Bình dương và Mỹ) và có thêm cơ hội ứng dụng các tiến bộ này vào thực tế Việt Nam. Tuy nhiên, những chuyển biến này chưa đủ và chưa đều, các cơ sở y tế có các chuyên gia giỏi chỉ tập trung ở các thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Huế, đa số các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh vẫn chưa được đầu tư cơ sở vật chất lẫn nhân lực tương xứng để đáp ứng với nhu cầu.

Báo cáo tại Hội nghi KH Hội Y học 9/2019

7/ Những vấn đề nào của bệnh lý xương khớp làm BS quan tâm nhất hiện nay?

Có nhiều vấn đề cần quan tâm trong các bệnh lý xương khớp. Tuy nhiên, tại Hội nghị khoa học của Hội Y học TP HCM tháng 9/2019 vừa rồi, mình đã báo cáo 4 vấn đề tâm huyết nhất, đồng thời cũng nêu lên những thành tựu chính của ngành Thấp khớp học 20 năm đầu thế kỷ 21 cho 4 nhóm bệnh quan trọng này:

  1. Thoái hóa khớp: Đây là bệnh lý khớp viêm thường gặp nhất, đang gia tăng, liên quan đến tuổi tác và nhiều vấn đề phức tạp khác của từng người, gây đau đớn, mất khả năng vận động và giảm chất lượng sống của con người, hiện còn đang là một thách thức lớn với con người vì cho đến hôm nay, con người chưa tìm ra giải pháp nào mong tính đột phá để chữa trị.
  2. Loãng xương: Là bệnh lý của hệ thống xương làm cho sức mạnh của xương bị suy giảm gây gia tăng nguy cơ gãy xương. Bệnh được coi là một vấn đề lớn của cộng đồng vì thường gặp và gia tăng theo tuổi, liên quan tới nhiều bệnh lý khác, gây đau đớn, tàn phế, gia tăng chi phí y tế và gia tăng nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, vì bệnh diễn biến âm thầm nên cộng đồng và giới chuyên môn chưa quan tâm đúng mức.
  3. Bệnh Gút và tăng acid uric máu: Là bệnh lý khớp viêm liên quan đến nhiều bệnh lý chuyển hóa và bệnh mạn tính khác (Đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh thận mạn, béo phì…), đang gia tăng rất nhanh và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng. Bệnh đang rất cần sự quan tâm hơn nữa từ cộng đồng để có những giải pháp can thiệp toàn diện hiệu quả hơn để tránh các tổn hại có thể của bệnh lên khớp, thận và tim mạch.
  4. Các bệnh viêm khớp hệ thống (bao gồm viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, viêm khớp cột sống…) là các bệnh lý khớp viêm nặng nề nhất, gây tàn phế sớm và nặng nề cho con người. Trong hai thập niên vừa qua, đã có những tiến bộ mang tính cách mạng trong hiểu biết về bệnh, trong chẩn đoán sớm và trong hoạch định chiến lược điều trị giúp cải thiện, thậm chí đảo ngược được tiên lượng của bệnh. Tuy nhiên, để có thể đạt được hiệu quả mong đợi, cần tiếp cận điều trị sớm, tận dụng tối đa cửa sổ cơ hội của điều trị.

Hội nghị khoa học của Hội Thấp khớp học Việt Nam tại TP HCM 5/2019

8/ Đi đầu trong công tác thành lập nhiều Hội nhóm chuyên môn: BS cũng là người tiên phong trong Ban vận động thành lập Hội Loãng Xương Hà Nội (2006) và Hội Loãng Xương TP.HCM (2006). Nhờ sự ra đời của những Hội này, người dân được tăng cường tri thức về những căn bệnh xương khớp phổ biến và nguy hiểm. BS có thể chia sẻ với độc giả về những hoạt động hữu ích của Hội trong suốt những năm qua?

Là người dành nhiều tâm huyết, trí tuệ và sức lực trong nhiều năm cho thực tế chẩn đoán và điều trị các bệnh về Cơ Xương Khớp, hơn ai hết, mình hiểu được những di chứng nặng nề của các bệnh lý này nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời – những căn bệnh tưởng chừng không nguy hiểm nhưng thực chất lại là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế và tiêu tốn rất nhiều tiền của của xã hội, nhưng nhiều người, kể cả thầy thuốc vẫn còn xem nhẹ. Việc thành lập và duy trì hoạt động của các Hội chuyên khoa liên quan (Hội Thấp khớp học Việt Nam và TP.HCM, Hội Đau TP.HCM), đặc biệt là Hội Loãng xương TP.HCM vào tháng 8 năm 2006 là một cột mốc quan trọng. Tính đến nay, riêng Hội Loãng xương TP.HCM đã tổ chức thành công 14 kỳ hội nghị khoa học thường niên của Hội Loãng xương TP.HCM (trong đó có 2 hội nghị quốc tế – Strong Bone Asian lần thứ 2 năm 2008 tại TP.HCM và lần thứ 5 năm 2013 tại TP Đà Nẵng). Thông qua các Hội nghị này, các kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên sâu, kiến thức cập nhật, các công trình nghiên cứu… về loãng xương và các bệnh lý liên quan đã được phổ biến và chuyển tải cho các thầy thuốc ở các tuyến từ Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, Bình Thuận, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định đến các tỉnh cao nguyên như Lâm Đồng, Đaklak… Hội cũng tham gia phổ biến kiến thức cho người dân khắp các tỉnh từ TP.HCM, Đà Nẵng đến Cần Thơ, Cà Mau.

Báo cáo tại Hội nghị khoa học của Hội Loãng xương TP.HCM 8/2019

Công tác giảng dạy chuyên ngành Thấp khớp học vẫn còn khá nhiều trở ngại và bất cập, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, vì vậy công tác giảng dạy tại các trường Đại học Y vẫn rất cần được cải thiện hơn nữa. Với vai trò là một giảng viên, mình đã giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội tổng quát, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và đảm nhận giảng dạy phần Bệnh lý về Cơ Xương Khớp tại Học viện Quân y (cơ sở 2), Đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Y Cần Thơ… đảm nhiệm thêm nhiệm vụ là Trưởng khoa Y của Trường Đại học Võ Trường Toản, tỉnh Hậu Giang, trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn lâm sàng, chấm thi, hướng dẫn sinh viên, bác sĩ làm khóa luận, luận văn, luận án…

Học trò BV Luận án Tiến sĩ tại ĐH Y Dược TP.HCM 2017

Học trò bảo vệ Luận án Tiến sĩ tại ĐH Huế 12 – 2019

9/ Thông điệp mà BS muốn gửi đến cho cộng đồng là gì?

Các bệnh lý Cơ Xương Khớp rất thường gặp, thường tiến triển mạn tính, phức tạp và đang gia tăng, ảnh hưởng tới chức năng vận động, một chức năng không thể thiếu hay yếu của mỗi con người, chăm sóc, bảo vệ, giữ gìn sức mạnh của hệ thống Cơ Xương Khớp, duy trì khả năng vận động là trách nhiệm của mỗi người cùng với sự trợ giúp của các thầy thuốc. Như mọi nhóm bệnh, bệnh Cơ Xương Khớp cần được chẩn đoán sớm, điều trị đúng ngay từ đầu, người bệnh cần được theo dõi, quản lý một cách hệ thống để việc điều trị đạt được hiệu quả cao nhất, an toàn nhất và kinh tế nhất. Việc điều trị tùy tiện, thiếu hiểu biết, nghe đâu, chữa đó, bác sĩ “Google”… sẽ làm bệnh nặng thêm cùng với nhiều hệ lụy lên sức khỏe chung liên quan đến việc sử dụng thuốc không đúng.

10/ Trong ngôi nhà tràn ngập ánh sáng tự nhiên, thoáng đãng, thường chị làm gì sau 1 ngày với lịch công việc dày đặc?

Mình rất yêu căn nhà của mình, mọi cách bài trí đều theo ý thích nên luôn làm cho mình cảm thấy thoải mái, vì thoáng và rộng nên mọi chỗ đều có thể sử dụng để vận động, vừa vận động vừa thư giãn, vừa vận động vừa nghe thời sự, nghe nhạc hay xem phim và các chương trình giải trí… Ngoài ra, bất cứ lúc nào có thể, mình cũng sắp xếp công việc để có những chuyến công tác hay du lịch (xa hay gần tùy yêu cầu hoặc thời gian sắp xếp được), tìm hiểu và khám phá những miền đất lạ, đồng thời cho đầu óc được nghỉ ngơi và cho đôi chân được rèn luyện.

Hạ Long 5-2019

Dù bận rộn đến đâu, bản thân cũng vẫn thực hiện đầy đủ những nguyên tắc giúp cho sức khỏe chung và sức khỏe của hệ Cơ Xương Khớp của mình:

  1. Bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường vitamin và khoáng chất (từ rau xanh, trái cây tươi, sữa tươi và các sản phẩm chế biến từ sữa), ăn nhiều cá hơn thịt, giảm chất béo, bột, đường và muối.
  2. Duy trì một chế độ vận động đều đặn, bao gồm vận động vào buổi sáng (khi thức dậy), vận động giữa các giờ làm việc hoặc bất cứ lúc nào có thể, luôn luôn điều chỉnh và giữ các tư thế khi làm việc hợp lý.

Cám ơn cuộc đời

  1. Tự theo dõi sức khỏe của mình, lắng nghe mọi sự thay đổi của cơ thể để có các biện pháp thích hợp.
  2. Duy trì một thái độ sống tích cực và lạc quan. Đúng như những điều tôi đã tâm niệm: “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương”.

Xin cám ơn chị đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện thú vị và ý nghĩa này.

PGS. TS. BS Lê Anh Thư

 Phó chủ tịch hội Thấp khớp Việt Nam

Chủ tịch hội Loãng xương TP.HCM

Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học TP.HCM

Nguồn: tcsuckhoe.com

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc