Vừa qua, Bộ Công Thương tổ chức riêng một gian hàng thật – giả tại Triển lãm quốc tế hàng công nghiệp Việt Nam đã gây chú ý của dư luận. Thật bất ngờ, nhiều nhà sản xuất, phân phối hàng hóa đã bật mí những mánh khóe, thủ đoạn làm hàng giả đầy tinh vi, biến tướng.
Thủ đoạn khó lường
Gian hàng trưng bày nhiều hàng thật và giả của chủng loại hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, điện tử, dụng cụ thể thao, thực phẩm đóng gói, có cả xe đạp nhãn hiệu Honda. Tại quầy trưng bày sản phẩm nước mắm Phú Quốc, ông Tô Văn Hưng, nhân viên bán hàng của Công ty Phúc Lâm phân tích: Người tiêu dùng muốn biết đâu là nước mắm thật – giả thì lấy một cái chảo sạch, đổ một ít nước mắm vào, đun sôi. Hơi bốc lên có mùi khét là nước mắm thật, được ướp trực tiếp từ cá; hơi có mùi khai là nước mắm giả, nước mắm công nghiệp.
Phân tích sâu hơn, ông Phạm Ngọc Thành, chủ doanh nghiệp Phúc Lâm cho rằng: Một số nhãn hiệu nước mắm hiện nay đang dùng viên hóa chất công nghiệp để pha thành nước mắm. Công thức chính thống của nước mắm là cá tươi + muối, được ướp ủ từ 12 – 15 tháng, sau đó được đóng chai, phân phối. Nước mắm công nghiệp được sản xuất rất nhanh, có lẽ chỉ vài ba ngày là cho ra sản phẩm.
Hiện thị trường Việt Nam có nhu cầu hàng năm khoảng 300 triệu lít nước mắm, đa phần là nước mắm công nghiệp. Thực tế, “thủ đoạn” làm nước mắm công nghiệp không khó phát hiện. Đó là, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ mua viên thuốc hóa chất về pha chế, rồi đóng gói vào những nhãn hiệu đã quen thuộc trên thị trường và đưa về các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Do lượng cầu ở các vùng này vẫn lớn, cộng thêm tâm lý ham rẻ của người dân, các cơ sở sản xuất này vẫn “qua mặt” được mọi lực lượng chức năng và dễ dàng tiêu thụ sản phẩm.
Cục Quản lý thị trường xem xét các mặt hàng thật – giả được trưng bày
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, cách làm mắm truyền thống cũng “ăn xổi”, đốt cháy giai đoạn lên men. Cụ thể, với nước mắm xịn, việc ấp ủ phải tuân thủ nghiêm ngặt, cá trộn muối và để nguyên trạng, hơn một năm sau sẽ chưng cất được những giọt mắm. Nước mắm thật có mùi thơm nhẹ, màu sáng, khi nếm có vị ngọt thanh ở cổ. Nước mắm giả cũng được ướp ủ nhưng chỉ vài tháng sau là bị đảo cá để ép lấy nước cốt thật nhanh, khiến phân cá nát ra, làm đen nước mắm. Đây là loại mắm phẩm cấp thấp, được dán thương hiệu nổi tiếng để nâng giá, kiếm lời bất chính hoặc dùng hóa chất tẩy màu cho sáng hơn để “khoắc áo” mắm xịn. Có nhiều cơ sở còn ủ cá chết, máu cá đã đen lại hoặc phế phẩm của cơ sở sản xuất cá đưa vào ướp. Loại nước mắm này giá cực rẻ, thường được bơm vào thùng, phuy rồi bán rong ngoài chợ quê. Ông Phạm Ngọc Thành cho rằng: Mấy chục năm nay, đại bộ phận dân ta dùng nước mắm này, chất lượng tuy có kém hơn nhưng vẫn tốt hơn nước mắm công nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Phòng Makerting Công ty Cao su Sao Vàng phân tích: Hiện nay, cả nước có khoảng gần 30 triệu xe máy. Những trục trặc như nổ săm, thủng săm là phổ biến. Tuy nhiên, theo khảo sát riêng của Công ty Cao su Sao Vàng, một lượng lớn các săm thay vào đều có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc các cơ sở nhỏ lẻ ở Việt Nam và đều là hàng giả.
Thủ đoạn làm giả ngay từ khâu nấu cao su. Họ sẽ cho vào nồi nấu một lượng tạp chất nhất định để thay thế cho hóa chất phải dùng (mua đắt). Cao su dùng để nấu cũng thường là loại cao su thải loại, không phải là cao su nguyên chất từ rừng cao su. Cộng thêm công nghệ lạc hậu, các cơ sở này sản xuất hàng loạt săm giá rẻ nhưng chất lượng rất thấp. Theo chị Thu Hiền, săm giả không có độ đàn hồi khi cầm, ngửi có mùi khét. Hàng thật thì ngược lại, khi cầm sẽ có độ đàn hồi, ngửi không có mùi khét. Mẫu mã, bao bì của hàng thật cũng rõ ràng, in đậm đà; hàng giả thì ngược lại.
Mạnh tay nhưng vẫn lọt
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hồng Dương, Phó trưởng phòng Chống hàng giả, Cục Quản lý Thị trường Bộ Công Thương nhận định: Thủ đoạn làm hàng giả phải tùy thuộc vào từng mặt hàng cụ thể. Cục Quản lý Thị trường biết rõ những thủ đoạn này nhưng nó biến tướng vô cùng tinh vi, khiến lực lượng chức năng không thể kiểm soát hết. Những mặt hàng tưởng chừng khó làm giả như xe đạp điện thì gần đây cũng thu giữ nhiều lô hàng giả. Xe đạp điện giả có ắc quy kém, nạp điện chỉ dùng được 2 – 3 giờ là hết điện. Ắc quy đúng tiêu chuẩn phải sử dụng được 8 – 10 giờ một lần. Người tiêu dùng khi mua hàng cần yêu cầu cửa hàng cho xem hóa đơn chứng từ, xuất xứ của xe, tránh mua hàng giả.
Ông Lê Hồng Dương cũng bật mí thêm, đối với xe đạp điện, khi đi mua cần tham khảo giá, nếu cơ sở nào bán với giá rẻ hơn giá sàn, cần đặt câu hỏi nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ của xe đạp điện đó.
Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Bộ Công Thương cung cấp thêm, từ đầu năm đến nay, Cục đã xử lý trên 13.000 vụ, trị giá hàng tịch thu đạt 15 tỉ đồng, phạt trực tiếp 45 tỉ đồng. Nhóm hàng vi phạm chủ yếu tập trung vào các mặt hàng về điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, hàng thực phẩm… Ông nhận định con số vi phạm thật phải lớn hơn thế bởi lực lượng của Cục quá mỏng, trong khi phương tiện thô sơ, hành vi làm giả ngày càng tinh vi.
Ngay tại gian trưng bày, Bộ Công Thương đã kết hợp với một công ty thương mại cho ra một sản phẩm làm giả. Công ty này sẽ cung cấp cho khách hàng một lượng tem kèm mã nhất định, đã được cơ quan chức năng kiểm duyệt và cấp phép. Các doanh nghiệp mua tem đó về dán vào hàng hóa. Người tiêu dùng mua hàng về và cào lấy mã số, sau đó vào trang www.xacthuc.chinhphu.vn để xác minh hàng hóa. Nếu là hàng thật, người tiêu dùng sẽ nhận được tín hiệu từ trang website. Nếu mã đó không được xác thực, cần báo ngay cơ quan quản lý bằng số điện thoại nóng có ngay dưới trang website.
Đ.Chính
Nguồn: Petrotimes.vn