Người Việt mình có truyền thống nhân ái, bao dung. Đặc điểm đó xuyên suốt qua các thế hệ, ở các vùng miền. Chuyện dân gian kể rằng: một người đàn bà ăn trộm gà, nhưng trước nghi ngờ của hàng xóm, đã thề độc: “Nếu tôi ăn cắp gà thì cho thành hoàng vặn cổ tôi chết đi!”. Thành hoàng biết hết, nhưng không trừng phạt. Thổ địa thấy thế mới hỏi: “Sao ngài không vặn cổ người đàn bà đó, đã ăn trộm mà còn báng bổ thần thánh nữa!”. Thành hoàng cười đáp: “Ăn trộm một con gà thì đâu có đáng tội chết!”.

8f88f_ktsg_sao_ko_la_long_nhan_ai_200

Câu chuyện đó phản ánh tư duy nhân ái sâu sắc của dân tộc ta. Nhưng thực tế còn có chuyện mang tính nhân ái cao hơn, cụ thể hơn. Anh bạn tôi kể, một lần phát hiện nhà có trộm rình, ông cụ chủ nhà (chú anh) tỉnh ngủ nên kêu mấy con trai thức dậy để canh trộm. Một người chụp lấy cây chĩa (loại công cụ dùng để bắt cá hoặc bắt chuột, thường rất phổ biến ở nông thôn miền Tây Nam bộ), chờ kẻ trộm thò vào là tấn công ngay. Nhưng cha anh ngăn lại, cầm lấy cây chĩa cất đi, rồi đằng hắng mấy tiếng cho kẻ rình ngoài kia chủ động bỏ đi. Người con thắc mắc thì được giải thích: “Đứa rình ngoài kia chắc cũng con cái ở lối xóm thôi. Nó cũng vì túng thiếu mới làm càn, bay phóng chĩa rủi nó thương tật thì tội lắm!”.

Vậy đó, người Việt ta bao đời nay đối xử với nhau luôn nhân ái, nhân đạo. Kẻ thù sang xâm lược, bại trận và đầu hàng được cấp thuyền ngựa, lương thảo về nước; kẻ nào không may vong mạng thì được chôn cất ở một nơi, rồi được làm miếu thờ, không chỉ để oan hồn của họ không làm quỷ làm ma quấy phá người dân mà còn giúp họ sớm siêu thoát, sớm đầu thai làm kiếp khác tử tế hơn, may mắn hơn, theo quan niệm dân gian… Hành động và thái độ đó thể hiện tinh thần “vì con người” rất sâu sắc của cha ông ta.

Nhưng truyền thống đó về sau này dường như không còn nguyên vẹn nữa. Nổi cộm nhất là những vụ hàng trăm, hàng ngàn người vây đuổi đánh những kẻ trộm chó. Đuổi kịp, họ không chỉ chửi rủa, đốt xe mà còn gây ra nhiều câu chuyện thương tâm. Người bị đốt chết, kẻ bị đánh hội đồng…, không mất mạng thì cũng thành thương tật. Dù khập khiễng, nhưng rõ ràng mạng người đem đổi mạng con vật (hoặc ngược lại) liệu có đáng không?

Tôi nhớ một chuyện “bắt trộm” hồi còn nhỏ. Một đêm nghe tiếng ồn ào, tôi thức giấc và ra ngoài xem. Qua câu chuyện mọi người nói với nhau, thì ra một người lang thang chui vào khe hở giữa hai ngôi nhà để ngủ. Nửa đêm chủ nhà mở cửa ra ngoài, cho rằng người này đang canh me để trộm nên hô nhiều người xung quanh bắt trói thanh niên kia lại, rồi đánh đập liên hồi. Con người đáng thương kia khóc lóc van xin, nói rằng chỉ nằm ngủ cho đỡ lạnh, chứ không có ý trộm cắp gì cả. Vậy mà trước sự giận dữ của chủ nhà, vốn đã mấy lần bị trộm trước đó, không ai dám can ngăn cả. Trong lúc tra khảo, người này không may đạp nhầm miểng chai, máu đổ ròng ròng, tức thì ông ta lại càng đánh người thanh niên kia mạnh hơn. May nhờ có sơ hở lúc chủ nhà lo băng bó vết thương, anh ta mới tháo được dây và vùng chạy giữa đêm tối… Câu chuyện đó đi theo tôi suốt mấy chục năm qua, càng xót xa hơn khi tôi hiểu rằng, ngoài tình người còn có pháp luật, vậy mà người ta vô tư sử dụng “luật rừng” để “xử lý” những người bị tình nghi. Hành vi đó không chỉ chà đạp lên luật pháp, làm hoen ố tinh thần nhân ái mà còn “dội nước lạnh vào văn minh loài người”, như ai đó đã nhận xét.

Gần đây, sự hung hãn, bạo lực diễn ra khá thường xuyên. Người ta gần như có đủ lý do để “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” hoặc dùng những cách thức gây thiệt hại cho người khác. Có người đổ cho rượu và các chất kích thích nguy hiểm khác là nguyên nhân. Điều đó đúng nhưng có lẽ chưa đủ. Cái nền tảng giáo dục và văn hóa của người ta dường như quá mỏng hoặc đã bị bào mòn mà thiếu sự tự bồi đắp. Nhiều người lấy bạo lực chế áp người khác hoặc cố ý tranh đoạt bằng mọi cách phải chăng đang thiếu niềm tin vào những điều tốt đẹp trong xã hội?

Dân gian có câu: Oan có đầu, nợ có chủ, ý sâu xa là việc nào ra việc đó, không thể dùng cái lý của việc này để áp đặt, xử lý cho việc khác. Rõ ràng, hành vi trộm cắp thì chỉ đáng được xử theo tội trộm cắp, bị phạt hành chính, phạt tù, bồi thường… chứ đâu phải bị tra khảo, giết chết? Một xã hội văn minh thì tuyệt đối không thể dùng “luật rừng”.

Xét cho cùng, hiện tượng “luật rừng” có biểu hiện lan rộng cho thấy các cơ quan chức năng chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ của mình, như để tình hình an ninh trật tự không được đảm bảo, việc xử lý các vi phạm còn thiếu kịp thời và không đủ nghiêm… Không chỉ vậy, tính nghiêm minh của pháp luật, của việc thực thi pháp luật còn có lúc có nơi chưa đầy đủ nên không đủ tạo nên niềm tin và sự thuyết phục cho người dân, khiến họ thấy rằng “không cần” đến các cơ quan chức năng. Đó quả là điều đáng tiếc!

Vì vậy, bên cạnh việc “siết” lại kỷ cương toàn xã hội, tinh thần nhân ái, bao dung cũng cần được khơi gợi, đề cao, để cho cái ác, cái xấu phải được cảm hóa, thuyết phục bằng cái tốt, cái thiện chứ không phải bị đè bẹp, trấn áp bằng cái ác, cái xấu khác!

Trúc Giang

Theo thời báo Kinh tế Sài Gòn online

Bệnh viện Hạnh Phúc