Dù mới chỉ kết thúc học kỳ một nhưng nhiều bố mẹ có con học cuối cấp (lớp 5, lớp 9) bắt đầu tìm thầy, tìm lớp cho con học tăng ca. Nhiều em luôn trong tình trạng học không có ngày chủ nhật, thậm chí chuyện ăn tối trên xe trở thành chuyện bình thường như cơm bữa.

Học không kịp thở

5h15’, tiếng trống thông báo kết thúc tiết học cuối cùng, Thái Anh (cô bé học lớp 9 một trường THCS ở Hà Nội) vội vàng lao ra cổng trường. Ở đó, bố em đã đợi sẵn. Nhác thấy bóng dáng con, ông đã vội vàng lấy sẵn mũ bảo hiểm, cởi sẵn quai rồi dúi vào tay con túi đồ ăn sẵn. Chỉ chờ cô bé yên vị trên xe, ông vội vàng vít ga đưa em tới một lớp học thêm bắt đầu lúc 5h45’.

Anh Quang (bố của Thái Anh) phân trần, nhà có hai cô con gái. Đứa đầu, anh chị để nó tự bơi, tự học. Ngoài học trên lớp, con không học thêm ở đâu, có lẽ vì thế nên kết quả vào cấp ba không được tốt, cháu phải học dân lập. Điều này khiến cháu cũng không có khả năng vào được trường đại học top đầu… Rút kinh nghiệm với cô con gái thứ 2, ngay từ lớp 6 anh chị đã cho con đi học thêm và đến lớp 9 thì tăng cường thêm. Thậm chí có những môn như Toán, tiếng Anh, vợ chồng anh chị còn cho con học hai nơi.

p-luc-hoc-tp171743689
Ảnh minh họa

“Cháu không quá xuất sắc nên thôi thì đành phải tìm nhiều chỗ học bổ sung những chỗ khuyết thiếu. Tôi chỉ mong cháu vào được lớp chọn của một trường cấp 3 công lập của quận Ba Đình thế là mừng lắm rồi, chứ chẳng mong gì hơn. Nhiều lúc nhìn con đi học cảm giác không kịp thở, xót lắm. Còn mấy tháng là đến ngày thi rồi nên tôi chỉ biết động viên cháu cố gắng”, anh Quang thở dài nói.

Anh Quang cũng chia sẻ, không chỉ mỗi con anh rơi vào tình trạng học không có ngày nghỉ mà hầu hết các bạn trong lớp con gái anh đều trong tình trạng ấy. Cứ tan học là các con lại được đưa thẳng đến lớp học thêm, có bạn nhà xa 21- 22h đêm mới về đến nhà.

Có nên “đày ải” con như thế?

Không đồng tình với quan điểm “con mình học kém nên phải đi học thêm” rồi sau đó thấy chúng học nhiều mệt lại kêu rằng chương trình học nặng và đòi “giảm tải”, chuyên gia giáo dục – TS Vũ Thu Hương đặt câu hỏi “ai là người làm khổ bọn trẻ?”. Vị chuyên gia giáo dục cho rằng áp lực không đến từ chương trình, mà nó đến từ chính những bậc phụ huynh.

“Từng là phụ huynh học sinh lớp 12, tôi vẫn kiên nhẫn không cho con đi học thêm dù cháu đang gần cận với kì thi chung quốc gia để kiếm chỗ vào đại học. Bởi vì tôi không nghĩ đến việc tranh giành, giành giật 1 vị trí trong trường đại học. Đơn giản vì tôi nghĩ rằng nếu con đủ sức, chắc chắn con sẽ vào được. Còn nếu không, tốt nhất con hãy kiếm vị trí khác phù hợp với mình hơn. Vậy nhưng, rất ít phụ huynh giống tôi”, TS Vũ Thu Hương thốt lên.

Bà Hương hết sức lo lắng khi “không hiểu lý do làm sao mà khi trẻ lên cấp 2, 3, các cha mẹ đã cuống cuồng tìm lớp học thêm cho con như vậy. Rõ ràng, thi đại học bây giờ không hề khó. Trường nổi danh lâu đời còn vất vả chứ có vô khối trường khác đơn giản lắm mà. Tại sao cuộc chiến lao đầu vào học thêm vẫn cực kì gay cấn?”.

Theo bà Hương, thày cô giáo dạy trẻ trên lớp theo sách giáo khoa nhưng đâu cấm con em mình tìm hiểu kiến thức ở các nguồn tài liệu khác. Tại sao bọn trẻ không thể chủ động tìm hiểu kiến thức các nguồn để bổ sung cho mình mà nhất thiết phải chạy tới lớp học thêm hòng nhặt nhạnh những kiến thức cô dạy cho mà có ở khắp mọi cuốn sách tham khảo?

Trước lo ngại của các bậc phụ huynh nếu bỏ bẵng, con sẽ đuối, khi đuối thì chúng sẽ sợ, chán học, TS Vũ Thu Hương cho rằng nếu con đuối, “tại sao không cho con đúp lớp để con học vững vàng hơn?”. Bởi vì, “thêm 1, 2 năm học đâu phải đứa trẻ sẽ không thể ngóc đầu lên nổi. Ngồi nhầm lớp để luôn đuối nếu không học thêm sẽ không bao giờ là tốt đẹp với bọn trẻ. Phải chăng cho con đúp lớp đòi hỏi một sự dũng cảm mà nhiều cha mẹ không có?”, TS Vũ Thu Hương nêu.

Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng trẻ con không tự giác nếu như không ép vào khuôn khổ và việc đưa trẻ đến lớp học thêm như là một cứu cánh, TS Vũ Thu Hương nêu vấn đề, nếu như vậy “tại sao chúng ta không tập trung rèn tính tự giác cho trẻ. Tại sao cứ nhắc chúng học để rồi lớn lên chúng phải đi học thêm mới chịu học?”. Bà Hương kết luận “không, không có lời ngụy biện nào hết cho tình trạng trẻ ăn trên xe máy”.

“Tôi không biết những đứa trẻ này về sau có thành công và hạnh phúc hay không nhưng chắc chắn rằng chúng nó hiện giờ đang vô cùng khổ sở và bất hạnh. Còn gì hại sức khỏe hơn là phải ăn trong khói bụi trên đường với những cái xóc xe máy nẩy người. Còn gì đáng thương hơn là bữa ăn đàng hoàng ngồi bên cha mẹ cũng không có? Còn gì khổ sở hơn là một cuộc sống tù túng mệt mỏi chỉ toàn ăn, ngủ, học?

Tôi đọc được một câu rất hay đại ý rằng, nếu muốn tham gia cuộc đua, tại sao không nuôi một con ngựa mà đẻ con làm gì? Vì thế, tôi hy vọng nếu các bậc phụ huynh biết rằng việc chạy đua cho con học thêm chỉ làm khổ con thì mong hãy dừng lại”, TS Vũ Thu Hương kết luận.

 

HUYỀN ANH (Kiến thức gia đình số 52)
https://nongnghiep.vn/sao-day-ai-con-nhu-the-post233496.html

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc