“Gia đình tôi hạnh phúc. Chồng tôi chưa bao giờ to tiếng với tôi, tôi cũng chưa một lần cầm roi đánh con. Tôi rất phẫn nộ khi có người sẵn sàng gây thương tích khủng khiếp trên cơ thể người vợ đầu gối tay ấp với mình” – Những suy nghĩ đó khiến GS-TS Lê Thị Quý (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới và phát triển, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) miệt mài tìm kiếm lẽ phải, miệt mài đấu tranh cho những hạnh phúc bình dị của những người phụ nữ trong suốt cuộc đời mình.

 nu-giao-su-suot-doi-benh-vuc-cho-phai-yeu-bb-bab7Kc5L

Gia đình mẫu mực

GS. Lê Thị Quý vinh dự được có tên trong danh sách 1000 phụ nữ tham gia đề cử giải Nobel Hòa Bình năm 2015, được tôn vinh là người phụ nữ đặt nền móng cho các mô hình phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) ở các địa phương và là người đầu tiên gióng hồi chuông nghiên cứu lĩnh vực phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em sang biên giới.

Ở cái tuổi ngoài 60 nhưng GS Quý vẫn say sưa nghiên cứu khoa học. Chồng bà – GS-TS Đặng Vũ Cảnh Khanh (con trai GS Vũ Khiêu, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên) luôn là điểm tựa và giúp đỡ bà trong suốt chặng đường đòi quyền cho phụ nữ. Cả hai được biết đến là những GS, TS đầu ngành, có nhiều thành công trong khoa học, là những người sẵn sàng lên tiếng vì quyền lợi của phụ nữ.

Nhiều người nể phục bảo “cặp đôi hoàn hảo” vợ chồng GS. Khanh – Quý thuộc “số hiếm” trong các gia đình ở nước ta. Hồi GS Khanh còn làm Viện trưởng Viện Thanh niên, ông đã không ngần ngại đề nghị làm dự án đầu tiên về đề tài “Phòng chống buôn bán phụ nữ qua biên giới” ở Việt Nam năm 1996  giúp vợ và in cuốn sách “Các vấn đề về buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới” năm 2000. Ngay sau đó, đề tài buôn bán người được hội thảo và kế hoạch bảo vệ, giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán người hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống mới được xã hội quan tâm hơn. Cuốn sách “Gia đình học” tập hợp các bài nghiên cứu về gia đình mà vợ chồng GS Khanh – Quý làm chung trong suốt mấy chục năm đã trở thành một cuốn tài liệu giá trị cho giới nghiên cứu các vấn đề về gia đình. Con trai bà, Th.S Đặng Vũ Cảnh Linh cũng tham gia viết chung cuốn sách nghiên cứu: “Bạo lực gia đình, một sự sai lệch giá trị”, đồng thời giúp bà hoàn thành các mô hình phòng chống Bạo lực gia đình (BLGĐ) ở Thái Bình, Nam Định.

Cơ duyên khiến GS Quý gắn bó với nữ quyền cũng bắt nguồn từ hạnh phúc của gia đình. Suốt đời cống hiến cho sự nghiệp khoa học, cũng có lúc gia đình phải tạm sống xa nhau, nhưng chồng bà vô cùng tâm lý và yêu thương vợ. Ông chưa từng to tiếng nặng lời với vợ con một lần nào. Chính cách dạy con của hai vợ chồng khiến cho bà luôn đặt câu hỏi: “Tại sao có người đã từng thừa sống thiếu chết quyết bảo vệ tình yêu, đến khi lấy nhau rồi còn phũ phàng đánh đập nhau? Tại sao người ta có thể nhẫn tâm với người vợ bao nhiêu năm đầu ấp tay gối?… ” bà quyết tâm tìm ra nguyên nhân và ngăn chặn bạo lực trong gia đình, bảo vệ những người phụ nữ yếu đuối trước nạn bạo hành gia đình.

nu-giao-su-suot-doi-benh-vuc-cho-phai-yeu-bb-bab7Kc82
GS-TS Lê Thị Quý và chồng

Luật phòng chống BLGĐ có sự tham vấn của GS Quý về những vấn đề lý luận khoa học và thực tiễn, trong đó, mô hình thành lập các địa chỉ tin cậy ở các địa phương trực tiếp giúp nạn nhân bạo hành chính là sáng kiến áp dụng từ mô hình của dự án phòng chống BLGĐ từ cơ sở của bà thực hiện cách đây 10 năm. “Thực tế còn rất nhiều vụ bạo hành đang âm thầm diễn ra, kể cả những hình thức bạo lực không nhìn thấy được mà vô hình trung, người ta coi đó là thiên chức, trách nhiệm của người phụ nữ khi lấy chồng” – GS Quý trăn trở.

Kêu gọi cộng đồng chống bạo lực gia đình

Từ năm 1990, GS Quý đã đưa ra khái niệm về hai dạng BLGĐ ở Việt Nam: dạng bạo lực nhìn thấy được (đánh đập, gây thương tích trên cơ thể) và bạo lực không nhìn thấy được (bạo lực tình dục, kinh tế, lao động). Bạo lực nào cũng đáng lên án và ngăn chặn, nhưng bạo lực không nhìn thấy được còn nguy hiểm gấp vạn lần, bởi quan niệm của người dân Việt Nam hồi đó, vẫn còn coi việc “chiều chồng”, chăm sóc chồng là nghĩa vụ của người phụ nữ. Quan niệm đó khiến người phụ nữ luôn bị ràng buộc, tự chịu đựng mà không biết cách tự giải phóng mình. “Phải nhận diện BLGĐ mới chống được BLGĐ. Phụ nữ cần biết thông tin về giới và nắm rõ luật để bảo vệ mình và dạy bảo con gái trong tương lai” – GS Quý chia sẻ.

Quá trình đấu tranh cho phụ nữ, không ít lần, bà thương cảm cho số phận của các chị em. Có người bị đánh vì bận nấu nướng mà chưa kịp… mat-xa cho chồng, có người vợ bị xích ở giường để chồng thỏa sức hành hạ, có người còn bị chồng “lên lịch” tra tấn cứ đều đặn ba ngày sẽ đánh đập một lần… “Xót thương người phụ nữ, căm phẫn hành vi tàn bạo của chồng họ, tôi còn bức xúc vì thái độ của người phụ nữ khi họ không dám lên tiếng bảo vệ mình, coi đó là chuyện “đóng cửa bảo nhau”, chuyện “chồng dạy vợ”.

Bà mong muốn những mô hình bảo vệ phụ nữ bạo hành ở Việt Nam sẽ được công khai, thúc đẩy cả cộng đồng vào cuộc để “áp đảo” kẻ bạo hành phải thay đổi hành vi, thái độ. Năm 2002, trong một lần thực hiện đề tài nghiên cứu, khảo sát các trường hợp bạo hành gia đình ở Phú Thọ, GS.Quý được tiếp xúc với trường hợp chị C. – nguyên phó chủ tịch hội LHPN của một xã. Chuỗi ngày bất hạnh của chị C bắt đầu khi chị kết hôn với người chồng nghiện ngập. Anh ta coi vợ như người ở và “cái máy đẻ” không hơn không kém.

Sau khi ly hôn, cứ tuần ba buổi, anh ta “mò” về giở thói giang hồ với người vợ tội nghiệp. Thậm chí, anh ta “lôi” chị ra giữa sân, giáng những trận đòn tơi tả xuống thân thể vợ. Vậy nhưng khi ấy, không có ai dám đến bênh vực, giúp đỡ chị C. Thấy cảnh đó, GS Quý vô cùng bức xúc, xã hội vô tâm thế ư? Vai trò của chính quyền và các tổ chức xã hội ở đâu để nạn nhân cô độc trước tội ác? Tình làng nghĩa xóm ở đâu, sao im lặng thế? Bà nghiệm ra chân lý, chính nam giới mới là lực lượng quan trọng và cơ bản để thay đổi, làm giảm nạn bạo lực trong cuộc chiến phòng chống BLGĐ và phải đưa “chuyện vợ, chuyện chồng” này ra toàn xã hội cùng chung tay giải quyết.

Nghĩ là làm, GS. Quý kêu gọi tổ chức, dự án, để thành lập các mô hình phòng chống BLGĐ ở các tỉnh Thái Bình, Phú Thọ, Hà Nội. Tại Thái Bình, một số ban quản lý phòng chống BLGĐ được thành lập ở thị trấn Thanh Nê, xã Vũ Lạc, TP Thái Bình, chính quyền địa phương ký cam kết tham gia. Người dân bị bạo hành hoặc phát hiện vụ bạo hành, địa phương sẽ có trách nhiệm thông báo kịp thời để xử lý. Hành động của GS. Quý đã phát huy tác dụng, có ông cụ ngoài 60 tuổi đón nhận và chăm sóc một người vợ bị bạo hành, một mình đối phó với gã chồng say rượu, tay lăm lăm cái rựa chỉ chực lao vào vợ và những người đang cưu mang vợ gã; rất nhiều người sẵn sàng có mặt nửa đêm để giải quyết vụ bạo lực của gia đình trẻ; các CLB phụ nữ, CLB nam giới, CLB những người chồng yêu vợ… được thành lập; 79 địa chỉ tin cậy đặt tại từng nhà dân dành cho phụ nữ bị bạo hành được thành lập. Đến nay, ở các xã dự án đã giảm đến 85% vụ BLGĐ, chấm dứt hoàn toàn các vụ BLGĐ gây thương tích nặng…

Đáng trân trọng hơn, GS. Quý còn là người đầu tiên nghiên cứu nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em sang biên giới. Ngày đó, sự kỳ thị tăng cao, những người bị buôn bán sang biên giới được giải cứu trở về đều bị miệt thị, xa lánh. Nhưng có ai thấu nỗi đau mà họ phải gánh chịu hằng ngày: có người về nhà với những vết thương chằng chịt trên cơ thể do bị bạo hành, có người ôm con trốn về đất mẹ, có chị đau đớn nhìn chồng xúng xính đồ lễ cưới vợ mới…

Năm 1994, bà cùng với một số nhà nghiên cứu của Hà Lan, Campuchia, Thái Lan đã thành lập dự án nghiên cứu về phụ nữ bị buôn bán qua biên giới giúp họ ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Thành công được ươm mầm từ càng nhiều khó khăn, thử thách lại càng nhân lên giá trị. Dự án của bà đã giúp đỡ các chị vay vốn không thế chấp, động viên chia sẻ tinh thần… đồng thời, tuyên truyền thay đổi nhận thức của cộng đồng, đưa vấn đề buôn bán người lên bàn hội thảo trong nước và quốc tế. Nhiều người giờ đã có chồng, sinh con, có gia đình hạnh phúc, làm giàu và tham gia BCH của xã…

Hồng Nhung

Nguồn: baolaodongthudo.com.vn 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc