Người ta bảo “bệnh tòng khẩu nhập”, thành ngữ này soi từ cổ chí kim chưa bao giờ sai và đến bây giờ thì càng đúng. Bởi những gì được coi là kinh dị nhất, độc hại nhất trong bồi bổ sức khỏe xưa kia thì nay lại xem là “khoái khẩu”,  “bí quyết” mang lại “sức mạnh vô song” cho con người như món chuột bao tử, rắn bao tử, trứng ung.


Trứng ung, chuột bao tử trở thành món ăn “khoái khẩu”

Vì theo dân săn lùng chuột bao tử hay chính xác hơn chính là dân Gia Đông cho biết: phải ăn tái như vậy thì mới có hiệu quả mà phải tái đến nỗi khi ăn phải còn huyết. Còn đun sôi nấu chín thì bao nhiêu chất dinh dưỡng sẽ bay hơi hết. Còn dân ở thôn Tam Á, Thuận Thành, Bắc Ninh còn bảo, chuột bao tử là thần dược giữ gìn sức khỏe của Từ Hy Thái hậu và vua Càn Long ở Trung Quốc nên không chỉ phái mày râu mà cả phụ nữ nếu càng ăn được nhiều chuột bao tử càng tốt cho sức khỏe!?

Tuy nhiên, khác với sự đồn thổi của dân Tam Á trong khi đáng lẽ phải là chuột đồng mới phát tác hiệu quả thì đằng này, do không thể lúc nào cũng có chuột bao tử đồng vì không phải mùa nên họ bắt… chuột cống thay cho chuột đồng. Khách phát hiện ra thì bảo chuột nào chả là chuột, đều có công hiệu như nhau. Còn khách không phát hiện ra thì cứ “nói đại” là chuột đồng. Miễn sao bán được tiền là xong.

Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, trong cuộc đời nghiên cứu và điều trị của ông, chưa bao giờ ông biết chuột bao tử lại có tác dụng cho sinh lý. Thật vớ vẩn.

Như vậy là những quý ông thay vì bỏ tiền bồi bổ lại đi “tiệt” sinh lực đàn ông bằng mầm mống bệnh tật từ “thức quý”!

… Đến rắn bao tử

Như chuột bao tử, rắn bao tử chẳng biết từ khi nào và cũng chẳng hiểu sao lại được đồn đại là “viagra” không những hiệu quả mà còn sành điệu. Bởi mỗi quả trứng có rắn bao tử được bán với giá “cắt cổ”: khoảng 500 nghìn đồng/quả. Mà mỗi lần ăn phải chục quả mới “nghiệm”. Cho nên chỉ dân “lắm tiền nhiều của” mới dám ăn. Cũng theo giới này thì nguồn gốc của món ăn “thời thượng” rắn bao tử xuất phát từ Trung hoa cổ đại với quan niệm rắn là loài động vật dũng mãnh, vì vậy nếu ăn rắn bao tử sẽ “cực tốt” cho sinh lực đàn ông do những gì tinh túy nhất của rắn đều tập trung khi nó còn ở dạng bào thai.

Và người ta ăn món này giống như thời… nguyên thủy. Với một nồi nước lẩu đang sôi, họ đập trứng cho bào thai rắn vào đó rồi để từ khi rắn con từ màu đen, đang cuộn tròn chuyển sang thẳng đơ và thành màu vàng ngà thì vớt lên ăn được. Một quý ông chuyên ăn bào thai rắn nói như đinh đóng cột: “Ăn bào thai rắn, không biết hậu quả lâu dài thế nào nhưng chỉ biết tối về thấy hiệu quả ngay”.

Không chỉ chuột bao tử, trứng thối, ung mà trong quan niệm của nhiều người cứ cái gì bao tử đều tốt nếu không cho sức khỏe thì cho… sinh lý như rắn bao tử, hổ, báo bao tử… Chỉ có điều, những động vật bao tử này hiếm hơn, đắt hơn so với chuột, rắn bao tử hay trứng thối. Nhưng từ xưa đến nay, có cái gì dù mới chỉ nghe đồn là tốt mà con người không tìm cách có được!

Một “chuyên gia” ngâm rượu các loại “bao tử” cho biết: chỉ cần đặt cọc khoảng hai chục triệu là bạn có thể có hổ bao tử. Báo bao tử rẻ hơn chút ít. Với những động vật bao tử ấy chỉ có cách duy nhất để “hiệu quả” là ngâm rượu sau khi đã được làm sạch. Ngâm xong, hạ thổ khoảng hơn 1 năm rồi pha lẫn với rượu ngâm thuốc bắc để khi uống không bị tanh và đã “bổ” càng “bổ”.

Độc hại hay bổ dưỡng?

Theo Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, không phủ nhận những động vật bao tử thường rất nhiều chất bổ dưỡng nhưng không phải động vật bao tử nào cũng như vậy, nhất là chuột. Bởi chuột dù sống ở đâu cũng đều là chốn bẩn thỉu, chui rúc dẫn đến chất lượng thịt không bảo đảm, kể cả khi đã nấu chín. Chưa nói đến là nó còn mang bao nhiều vi khuẩn gây bệnh như dịch hạch, sốt vàng, sốt xuất huyết với hội chứng thận do hanta virus, nhiễm trùng đường tiêu hóa, bệnh dại… Người ta đã thống kê chuột có thể lây nhiễm cho con người 35 bệnh nguy hiểm với nhiều loại vi khuẩn khác nhau.

Còn bác sĩ Phan Bích Nga, Phó giám đốc Trung tâm Khám dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định: “Trứng ung là loại trứng đưa vào ấp nhưng không nở thành con do không được thụ tinh hoặc là bị hỏng trong quá trình ấp do nhiệt độ và môi trường. Do vậy protein trong lòng đỏ trứng đã bị biến chất, có độc vì lưu huỳnh trong trứng đã biến thành sulfur hydrogen.

Bên cạnh đó, vỏ trứng không còn tác dụng bảo vệ nên có nhiều vi khuẩn dễ xâm nhập vào bên trong bao gồm các ký sinh trùng và vi khuẩn thương hàn, sinh ra nhiều độc tố rất nguy hiểm cho cơ thể. Do đó, người ăn trứng ung không thể tốt cho sinh lý được mà chỉ có bị chướng bụng, nôn mửa, đau bụng đi ngoài…”. Bác sĩ Phan Bích Nga cũng giải thích thêm: “Trong trường hợp người ăn không bị phản ứng lập tức như vậy và vẫn tiếp tục ăn lâu dài trứng ung thì về sau các chất độc tích tụ dễ gây bệnh nghiêm trọng cho sức khỏe của con người”.

Tương tự, các động vật bao tử khác cũng vậy. Và đáng lưu tâm là đối với những động vật bao tử nếu được nuôi dưỡng trong môi trường đầy mầm mống bệnh tật của mẹ chúng thì chúng còn nguy hiểm hơn bởi vi khuẩn khu trú trong cơ thể chúng rất khỏe.

Cũng cần nói đến ở đây, thói quen của người Việt Nam đến thời điểm này khi mà y học phát triển vượt bậc có thể khẳng định là rất xấu ấy là sử dụng thuốc theo truyền khẩu. Nếu như xưa kia trong lịch sử, khi y học hiện đại chưa tiến bộ như bây giờ, bệnh tật cũng không diễn biến phức tạp thì việc truyền khẩu trong y học, đặc biệt là đông y có thể tạm chấp nhận dù xét đến cùng vẫn là “lợi bất cập hại”. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã khác, thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn so với trước nhưng cùng với đó, như tỷ lệ nghịch, các biến chứng về bệnh tật lại biến chứng phức tạp hơn, cụ thể như các dịch bệnh H7N9, H1N1, H5N1… con người đang phải đối mặt.

Trong khi chưa có vắc-xin phòng ngừa phần lớn những bệnh này. Cho nên, để bảo vệ sức khỏe một cách thiết thực, để không mất tiền theo kiểu “vô tiền khoáng hậu” thì thay vì dùng thuốc theo truyền khẩu nên đến bệnh viện điều trị, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia y tế… Còn trong trường hợp nghe người khác “mách nước”, cũng phải biết phân tích tìm hiểu, chọn lọc chứ không thể mách gì dùng nấy để rồi rước họa vào thân.

Theo Nguyễn Bách – báo Năng Lượng Mới

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc