Năn nỉ mãi vẫn dùng dằng không lấy chồng dù tuổi đã quá thì con gái, rồi bỗng dưng ngày kia, cô ấy khiến cha mẹ và người thân trố mắt sửng sốt khi đùng đùng bế một thằng cu lạ hoắc về nuôi. Hiện tượng trên không xa lạ gì ở phương Tây, nay bắt đầu phổ biến tại Hàn Quốc…

Ngay phần đầu bài viết mình (Korea Times), tác giả Bae Ji-sook cho biết nhiều câu hỏi liên quan đạo đức và pháp lý đang được đặt ra trước hiện tượng phụ nữ không chồng nhưng có con – qua quan hệ tình dục bình thường hoặc bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. Cách đây vài năm, phát ngôn viên Her Soo-kyung cho biết mình sắp có con và không tiết lộ danh tính cha đứa bé. “Tôi đã ly dị hai lần và tôi tin rằng sức mạnh tình mẫu tử có giá trị hơn bất kỳ điều gì khác” – Her Soo-kyung nói. Trường hợp tương tự Her Soo-kyung bắt đầu phổ biến và xã hội Hàn Quốc đang đứng trước câu hỏi rằng, liệu điều này có thể được chấp nhận như một dạng gia đình hiện đại hay không?

Phụ nữ hiện đại Hàn Quốc: Xinh hơn, độc lập hơn và trình độ cao hơn so với các thế hệ trước

Khác với bà mẹ độc thân (sống độc lập nuôi con sau khi ly dị), “Miss Mom” là người có chủ ý có con nhưng không kết hôn chính thức (thuật từ này xuất hiện lần đầu trên phim truyền hình “Cặp vợ chồng xấu” trong đó có một phụ nữ có việc làm ổn định phải liên tục vật lộn với định kiến xã hội để có con mà không cần cha đứa bé, cốt tránh cuộc sống hôn nhân nhiều phiền toái). Không chỉ Her Soo-kyung, ngôi sao opera Cho Soo-mi và diễn viên Kim Cheong cũng từng tuyên bố thích có con mà chẳng cần chồng. Theo thăm dò của công ty môi giới hôn nhân Sunoo, 17,7% trong 316 cô gái độc thân được phỏng vấn cho biết họ cảm thấy hạnh phúc được trở thành Miss Mom. Hiệp hội Sản khoa Hàn Quốc cho biết thêm, trong 49.875 ca thụ tinh nhân tạo thực hiện năm 2014, có 1,5% trường hợp sử dụng tinh trùng từ đối tượng không thuộc người chồng.

Tại sao Hàn Quốc bùng nổ Miss Mom? Theo Hwang Eun-sook thì các phụ huynh độc thân, trình độ cao và khả năng độc lập tài chính là vài nguyên nhân nảy sinh hiện tượng “mẹ không chồng”. “Họ không cần nương tựa phái nam và họ nghĩ mình thà độc thân còn hơn theo đuổi một cuộc hôn nhân không hạnh phúc”. Tuy nhiên, một số ý kiến tin rằng Miss Mom sẽ mang lại gánh nặng cho tương lai đứa bé. Dù thế nào, ngôi nhà vắng bóng đàn ông là mô hình gia đình không hoàn chỉnh và sự suy nghĩ về giai đoạn trưởng thành không có cha sẽ mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho đứa bé sau này, đặc biệt từ sự đối xử dè dặt hoặc thậm chí mỉa mai bởi định kiến xã hội. Những người lớn tuổi tất nhiên có cái nhìn ác cảm và chất chứa nhiều phiền muộn hơn trước hiện tượng Miss Mom. “Đôi khi các cô ấy (Miss Mom) bị ảnh hưởng bởi điện ảnh hoặc học đòi bắt chước phương Tây.

Mà ngay cả tại những nơi đó, việc trở thành người mẹ độc thân đã luôn khó khăn và làm Miss Mom chắc chắn đón nhận nhiều bi kịch bội phần” – phát biểu của một giáo sư đại học 61 tuổi… Thời điểm trước mắt, yếu tố pháp lý là vấn đề đang được đặt ra. Luật hiện tại chỉ cho phép thụ tinh nhân tạo đối với phụ nữ kết hôn trong khi chưa có qui định cụ thể cho phụ nữ hoàn toàn độc thân. Trong thực tế, 64 ngân hàng giữ tinh trùng từ 5.544 đối tượng hiến tặng đều có hướng dẫn riêng nhưng tất cả đều không hạn chế đối tượng. Từ khi Luật đăng ký gia đình được hiệu chỉnh (cho phép con mang họ mẹ), các chuyên gia xã hội và gia đình tin rằng thật ra không có rào cản pháp lý gì lớn, trừ định kiến xã hội, đối với các cô Miss Mom. Hơn nữa, cấm Miss Mom chẳng khác gì chạm đến nhân quyền – như nhận xét của dân biểu Kim Choong-whan thuộc Đảng Đại quốc.

Cần nói thêm, đúng là nữ giới đang mạnh dần tại Hàn Quốc. Trên chính trường, Park Geun-hye thuộc Đảng Đại quốc (con gái cựu Tổng thống Park Chung-hee) hiện ngồi ghế tổng thống. “Tôi chưa bao giờ hình dung phụ nữ Hàn Quốc lại tiến nhanh và tiến xa đến như vậy” – nhận xét của Lee Eun-young, nhà hoạt động nữ quyền kiêm nghị sĩ thuộc đảng Uri – “Thế kỷ XXI sẽ thuộc về họ”. Thời Lee Eun-young học tại Đại học quốc gia Seoul thập niên 70 của thế kỷ trước, nữ sinh ít đến mức thậm chí không có phòng vệ sinh nữ tại khu học xá! Thế nhưng, tháng 2-2005, nữ sinh tại chính ngôi trường đại học trên đã giật bằng tốt nghiệp hạng ưu tại 11 trong 16 phân viện thuộc Đại học Quốc gia Seoul. Tỷ lệ chính khách nữ cũng tăng hơn gấp đôi trong 5 năm qua. Trong 110 thẩm phán được bổ nhiệm cách đây 2 năm, 54 người – tức 49% – là gương mặt nữ. Tỷ lệ viên chức cấp cao nữ tại các cơ quan công sở đã tăng từ 2% năm 1990 lên 34% hiện tại. “Nói đến nữ quyền, Hàn Quốc đã đạt được kỳ tích chỉ trong một thế hệ so với một thế kỷ tại phương Tây” – phát biểu đầy tự hào “kiểu Hàn Quốc” của nhà báo Park Mi-ra, người thành lập tờ IF, một trong những tạp chí phụ nữ ảnh hưởng nhất Hàn Quốc.

Theo Newsweek, giáo dục là nền tảng của “kỳ tích” nữ quyền theo cách nói của Park Mi-ra. Thập niên 70, chỉ 25% phụ nữ Hàn Quốc vào đại học. Tỷ lệ này hiện nay là 72% (cao nhất thế giới!). Đại học nữ Ewha, với khoảng 150.000 nữ sinh, hiện là đại học toàn nữ lớn nhất thế giới; theo sau là Đại học nữ Sookmyung (cả hai đều có bề dày lịch sử hơn một thế kỷ). Sự cải tổ hệ thống hoju (chủ gia đình) tồn tại hàng thế kỷ cũng giúp phụ nữ dễ bước ra ngoài và chiếm vị thế xã hội. Theo truyền thống hoju, đàn ông luôn là chủ gia đình. Tất cả thành viên gia đình phải mang họ người này. Thậm chí góa phụ cao niên cũng phải mang họ con trai cả (!); và con của bà mẹ ly dị không được xem là con của cha dượng. Theo luật điều chỉnh (xóa bỏ hoju), “bất kỳ cá nhân nào cũng có thể đại diện cho chính mình, bất luận nam – nữ” – lời kể của Youn Young-sook, Tổng giám đốc Cơ quan Bình đẳng giới (thành lập năm 2001). Cùng luật điều chỉnh hoju và một điều luật 1996 quy định tất cả cơ quan nhà nước phải sử dụng ít nhất 30% nữ, Hàn Quốc đã qua mặt Nhật và nhiều nước châu Á về chính sách bình đẳng. Chẳng trách tại sao nữ giới Hàn Quốc ngày càng “có thá” và một khi họ thích làm Miss Mom thì ai có thể cản họ được!

Ngọc Trí

Theo Báo Năng Lượng Mới

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc