Giao lưu trực tuyến: Bảo vệ học sinh trên không gian mạng

Internet là một thế giới mở, với vô vàn những thông tin đa dạng. Sự hấp dẫn của công nghệ số có thể ảnh hưởng tới bất cứ ai, đặc biệt là trẻ nhỏ và các em học sinh, đối tượng chưa có đủ nhận thức để làm chủ hành vi.

Sự phát triển của CNTT đã tác động đến nhiều mặt đời sống xã hội và mọi đối tượng tiếp cận. Để tránh được những tác động tiêu cực, rủi ro từ môi trường mạng, trẻ em cần được bảo vệ, hỗ trợ tiếp cận thông tin “sạch” khi tham gia không gian mạng.

Cùng với đó, để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cần giáo dục, tuyên truyền trang bị những kỹ năng, kiến thức để các em sẵn sàng trở thành công dân của kỷ nguyên số. Đồng thời, các em cần được hướng dẫn những kỹ năng để truy cập vào môi trường mạng một cách an toàn, giúp các em trở thành người tham gia vào môi trường mạng một cách thông thái, biết cách tự bảo vệ chính mình, tránh những hệ luỵ đáng tiếc có thể xảy ra.

Khách mời của chương trình gồm:

– Luật sư Bùi Quang Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội

– TS Vũ Thu Hương – Chuyên gia tâm lý

– Thầy giáo Chu Văn Quyền, Trường THCS Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội

Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi tới các khách mời theo form dưới đây, hoặc gửi email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com, hoặc tương tác qua facebook của Báo www.fb.com/giaoducthoidai.

 

 Nội dung buổi giao lưu trực tuyến

Theo luật sư thì các chế tài hiện tại đã “đủ mạnh” để bảo vệ trẻ em khỏi ảnh hưởng bởi không gian mạng?

Nguyễn Thị Thủy (Kim Sơn, Ninh Bình)

Luật sư Bùi Quang Thu

Đoàn Luật sư Hà Nội

Ở Việt Nam ban hành nhiều quy định như Luật Trẻ em 2016, Luật Tiếp cận thông tin 2016, Luật Báo chí 2016 và Luật An ninh mạng 2018 và Luật dân sự, Luật Hình sự đều có quy định về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Tuy nhiên, nếu chúng ta cho rằng các chế tài trong các luật này đủ mạnh để có thể chắc chắn, có thể bảo vệ trẻ em khỏi bị ảnh hưởng xấu từ không gian mạng là không có cơ sở. Bởi tội phạm và những kẻ xấu luôn coi không gian mạng là mảnh đất màu mỡ để có thể lôi kéo mọi người, nhất là trẻ em tham gia vào các hành vi phạm tội của chúng.

Bằng chứng là gần đây chúng ta đã phát hiện và xử lý một loạt các hành vi cờ bạc trên mạng, mại dâm, thậm chí tôi còn tham gia cả một vụ án liên quan đến việc trẻ em liên quan đến việc mua bán ma túy trên mạng. Nhiều cơ sở giữ liệu về trẻ em bị các đối tượng xấu lợi dụng như hình ảnh cá nhân. Cụ thể như: Có trường hợp các đối tượng xấu giả mạo tổ chức một cuộc thi ảnh trên mạng, sau đó đề nghị các em gửi các hình ảnh nhạy cảm của các em cho họ, chắc chắn chúng sử dụng những hình ảnh này với mục đích không trong sáng. Hoặc có những em từ 15 tuổi trở lên có thể mở tài khoản tại ngân hàng, nếu không cẩn trọng kẻ xấu có thể lợi dụng các tài khoản này để nhận và chuyển tiền một cách bất hợp pháp. Điều này không phải tất cả các em đều được trang bị kiến thức đầy đủ để bảo vệ mình.

Do vậy, dù các chế tài hiện tại như thế nào cũng không chắc chắn hoàn toàn có thể bảo vệ trẻ em khỏi ảnh hướng xấu trên không gian mạng được.

Công nghệ là biểu hiện cho sự văn minh, tiến bộ. Tuy nhiên, một số quốc gia mà đa phần người dân chỉ sử dụng điện thoại đủ tính năng nghe gọi, nhắn tin… họ vẫn hạnh phúc, có tri thức vì thu nạp kiến thức thông qua các loại hình khác. Theo chuyên gia, điều này là sự không thức thời hay bảo thủ, lạc hậu?

hongphuc@gmail.com

TS Vũ Thu Hương

Chuyên gia tâm lý

 

Chào bạn, tôi cho rằng, đây không phải là sự không thức thời, bảo thủ hay lạc hậu. Việc không bị lệ thuộc vào sự chi phối của các thiết bị điện tử, cho thấy cuộc sống của họ rất thú vị và phong phú.

Khi sự giải trí của họ đa dạng đến từ âm nhạc, thể thao, du lịch và các dạng nghỉ ngơi tĩnh tâm, họ sẽ không có quá nhiều nhu cầu tham gia không gian ảo. Khi người dân có đầy đủ các diễn đàn để than gia ý kiến, được lắng nghe và tôn trọng, họ cũng không có nhu cầu tham gia các cuộc trao đổi trên không gian ảo. Như vậy, họ có thể dễ dàng điều khiển và chọn lọc các hoạt động để xây dựng cuộc sống hạnh phúc mà không bị phụ thuộc vào bất kể điều gì.

Để giúp trẻ an toàn trên môi trường mạng, cha mẹ phải làm gương sử dụng mạng xã hội lành mạnh và an toàn để trẻ noi theo có đúng không thưa thầy?

nguyenhien@gmail.com

Thầy giáo Chu Văn Quyền

Trường THCS Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội

Đúng là cha mẹ phải làm gương cho con em mình, điều này là rất cần thiết để trẻ noi theo cách sử dụng mạng xã hội lành mạnh và an toàn. Nếu cha mẹ cũng nghiện các trò chơi trên điện thoại, máy tính bảng cùng mạng xã hội facebook và sử dụng mọi nơi, mọi lúc sẽ tạo nên một tiền lệ xấu cho con. Vì vậy, chúng ta cần biết tiết chế khi vào mạng xã hội và khuyến khích con vào những hoạt động ngoài trời, học cách chăm sóc bản thân, học kỹ năng sống…

Theo luật sư thì cơ quan quản lý nào của Nhà nước chịu trách nhiệm về việc quản lý, kiểm soát nội dung, hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội?

Đỗ Hữu Nguyên (Bắc Quang, Hà Giang)

Luật sư Bùi Quang Thu

Đoàn Luật sư Hà Nội

Cơ quan quản lý trực tiếp các thông tin trên mạng internet hiện nay là Bộ Thông tin truyền thông

Ở góc độ một chuyên gia tâm lý giáo dục, theo Tiến sĩ, tuổi nào nên cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ?

Mai Xuân – Ninh Bình

TS Vũ Thu Hương

Chuyên gia tâm lý

Dù thời đại phát triển và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào các lĩnh vực đời sống xã hội nhưng do những ảnh hưởng hết sức tiêu cực từ các thiết bị công nghệ đến sức khoẻ tâm sinh lý, cả hành vi và quan niệm sống của giới trẻ nên chúng ta cần hạn chế cho trẻ quá nhỏ được sử dụng các thiết bị công nghệ.

Tôi vẫn giữ quan điểm, lứa tuổi bắt đầu cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ càng muộn càng tốt.

Sau khi đã được hướng dẫn đầy đủ các kỹ năng và đảm bảo các nguyên tắc sử dụng Internet, trẻ từ 14 tuổi có thể sử dụng các thiết bị công nghệ trong sự hướng dẫn, giám sát của cha mẹ và thầy cô giáo.

Xin luật sư tư vấn chúng tôi phải làm gì để giúp con trẻ tránh xa được các nội dung không phù hợp đang tràn lan trên mạng xã hội?

Nguyễn Thành An (TP. Nha Trang, Khánh Hòa)

Luật sư Bùi Quang Thu

Đoàn Luật sư Hà Nội

Nhà nước đóng vai trò quan trọng, không chỉ khuyến khích mà còn hỗ trợ về cơ chế để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam chung tay phát triển các ứng dụng, sản xuất nhiều nội dung bổ ích, xây dựng một hệ sinh thái số lành mạnh, giúp trẻ em tương tác, sáng tạo an toàn trên môi trường mạng. Ðồng thời, các doanh nghiệp viễn thông, internet phải tăng cường trách nhiệm trong việc ngăn chặn chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung nguy hại, xâm phạm trẻ em.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp truyền thống như: nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của gia đình, trực tiếp là cha mẹ và người thân; tăng cường hành lang pháp lý, tăng cường thực thi pháp luật, tăng cường năng lực của các cơ quan bảo vệ trẻ em, cơ quan thực thi pháp luật trong khi điều tra và xử lý các trường hợp xâm hại trẻ em qua internet. Ngoài ra, vai trò của trẻ em cũng cần được đề cao. Các em cần được và cần chủ động trang bị các kiến thức về sử dụng internet an toàn. Sự chung sức của cả cộng đồng, sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, và sự chủ động của chính trẻ em sẽ giúp thiết lập một môi trường lành mạnh ngoài đời cũng như trên không gian mạng, giúp trẻ em phát triển toàn diện.

Nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất ở đây là bố mẹ, người thân trong gia đình và thầy cô giáo cần phải tiếp xúc thân thiện, cởi mở để các em có thể coi chúng ta như là những người bạn thân, qua đó các em có thể chia sẻ các trang thông tin trên mạng thường truy cập là gì. Nhờ vậy chúng ta có thể thấu hiểu, hướng các em đến các trang thông tin bổ ích, phù hợp với lứa tuổi.

Đưa nội dung giảng dạy về an toàn trên môi trường mạng vào giờ học tin học cũng là một trong những giải pháp giúp HS biết được những nguy cơ mất an toàn để phòng tránh?

tuantai@gmail.com

Thầy giáo Chu Văn Quyền

Trường THCS Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội

Điều này là cần thiết trong giai đoạn bùng nổ thông tin như hiện nay. Tại các nhà trường, môn Tin học đã được dạy từ cấp tiểu học đến THPT, tuy nhiên, việc giảng dạy chưa có nội dung giáo dục HS sử dụng mạng an toàn, vì vậy theo tôi việc đưa nội dung giảng dạy về an toàn trên môi trường mạng vào giờ học Tin học là một giải pháp thiết yếu, góp phần giúp HS nhận biết được những nguy cơ có thể xảy ra để phòng tránh.

Xin luật sư cho biết quốc gia nào trên thế giới đang làm tốt về việc bảo vệ trẻ em, học sinh trên không gian mạng?

Phan Văn Quốc (Kiên Giang)

Luật sư Bùi Quang Thu

Đoàn Luật sư Hà Nội

Có nhiều quốc gia trên thế giới đang chú trọng việc bảo vệ trẻ em và học sinh của họ trên không gian mạng. Thường các quốc giá phát triển chú trọng điều này sớm hơn. Một loạt các quốc gia như: Mỹ, các quốc gia Châu Âu, các nước Châu Á như: Nhật Bản, Singapore, Việt Nam cũng đang rất chú trọng về việc quan tâm, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Tôi nhớ có thông tin là một diễn viên của Việt Nam đã bị bắt tại Mỹ vì có hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Thông qua một số bằng chứng trên không gian mạng mà nhà chức trách tại Mỹ đã có đủ căn cứ để bắt giữ người này.

Tại Việt Nam gần đây có một cựu cán bộ Viện kiểm sát đã bị bắt vì có hành vi dâm ô trẻ em. Hành vi phạm tội này đã được camera của tòa nhà ghi lại và lan truyền trên không gian mạng. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để xử lý hành vi của cựu cán bộ kiểm sát này.

Nếu không cấm, cha mẹ cần quản lý con sử dụng mạng như thế nào cho hiệu quả?

thuyvan@gmail.com

Thầy giáo Chu Văn Quyền

Trường THCS Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội

Các bậc phụ huynh cần tạo lập thói quen trực tuyến lành mạnh và an toàn như khuyến khích trẻ nhỏ hoặc các em lứa tuổi “teen” tham gia vào việc xây dựng các quy định trong gia đình về việc sử dụng thiết bị lành mạnh. Tạo lập các khoảng không gian và thời gian không có thiết bị trong nhà (thời gian ăn, ngủ, chơi và học). Hướng dẫn trẻ cách giữ kín thông tin cá nhân, đặc biệt với người lạ – một số họ có thể mang vỏ bọc khác. Nhắc nhở trẻ rằng những gì đăng tải lên môi trường mạng sẽ không thể thu hồi (tin nhắn, hình ảnh và video).

Dành thời gian với trẻ trên mạng: Cùng trẻ khám phá các trang web, trang mạng xã hội, trò chơi và ứng dụng; Nói chuyện với trẻ đặc biệt các em lứa tuổi “teen” về cách báo cáo những nội dung không phù hợp. Cha mẹ có thể tham khảo trang “Common Sense Media” với nhiều lời khuyên hữu ích về các ứng dụng, trò chơi và giải trí phù hợp cho trẻ ở nhiều độ tuổi.

 Việc giao tiếp cởi mở với con sẽ góp phần giúp trẻ an toàn, hãy nói với con rằng nếu trẻ có trải nghiệm trên mạng khiến trẻ cảm thấy khó chịu, không thoải mái hoặc sợ hãi, trẻ có thể nói chuyện với bố mẹ mà không sợ bố mẹ sẽ nổi giận hay phạt trẻ. Chú ý đến các dấu hiệu phiền muộn ở trẻ. Lưu ý nếu con có biểu hiện như thu mình, buồn bã, giữ bí mật hoặc bị ám ảnh bởi các hoạt động trực tuyến. Tạo mối quan hệ tin cậy và giao tiếp cởi mở với trẻ thông qua hỗ trợ và động viên tích cực. Mỗi đứa trẻ là duy nhất và giao tiếp theo những cách khác nhau, do đó, bố mẹ cần điều chỉnh thông điệp phù hợp với nhu cầu và đặc điểm riêng của con mình.

Trên thực tế, rất nhiều bức ảnh cha mẹ chụp con vô tình đăng trên mạng xã hội cung cấp những thông tin đời sống riêng tư của trẻ. Khi những bức ảnh này rơi vào tay kẻ xấu có thể đẩy trẻ đứng trước nguy cơ mất an toàn, vì vậy, các bậc phụ huynh cần phải được hướng dẫn như thế nào để có cách ứng xử đúng đắn bảo vệ con em mình?

maianh@gmail.com

Thầy giáo Chu Văn Quyền

Trường THCS Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội

Học sinh trường THCS Thịnh Quang trong giờ tin học

 

Cha mẹ cần lưu ý những bức ảnh của con không nên đăng trên mạng xã hội như ảnh nơi con em đến trường; Ảnh có đầy đủ họ tên của trẻ, khi đi học, trẻ thường mang những trang phục và ba lô ghi rõ tên tuổi của mình – cha mẹ không nên chia sẻ hình ảnh mà người xem có thể nhìn thấy rõ tên và địa chỉ của con mình.

Ảnh con chụp cùng trẻ khác: Trước khi đăng tải và gắn tên bạn bè của con vào những bức ảnh tập thể như buổi liên hoan, dã ngoại, hãy tôn trọng quan điểm của các gia đình khác về việc chia sẻ hình ảnh của con họ trên các mạng xã hội.

Các bậc phụ huynh cũng phải học kỹ năng tự bảo vệ trẻ em trên internet. Bởi nếu thiếu kiến thức và kỹ năng, chính một số hành động của cha mẹ sẽ đẩy các em đến nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng.

Các hệ quả xấu khi cha mẹ đăng tải hình con trên mạng xã hội là:

– Tạo cơ hội cho những kẻ bắt cóc: Không chỉ ảnh mà nếu cha mẹ còn đưa quá nhiều chi tiết về trẻ như đang đi đâu, làm gì, ăn gì, giờ giấc ra sao, học trường nào… Đây là những thông tin mà bọn chuyên bắt cóc trẻ dựa vào để dễ dàng hành động.

– Bị kẻ xấu lợi dụng: Rất nhiều kẻ xấu thường xuyên săn lùng hình ảnh các em bé trên mạng để trục lợi cho mình.

– Trẻ nhận bình luận xấu, bị chỉ trích.

– Ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ: Những hình ảnh xấu của trẻ hồi bé như khóc nhè… có thể là lí do khiến các em bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt sau này.

Đứng về mặt pháp lý, theo luật sư chúng ta hoàn toàn có thể chặn đứng các nội dung nhảm nhí trên mạng xã hội bằng các chế tài xử phạt hiện hành?

Hà Hải Vân (TP. Biên Hòa, Đồng Nai)

Luật sư Bùi Quang Thu

Đoàn Luật sư Hà Nội

Đứng về mặt pháp lý thì nhiều hành vi phát tán, đăng thông tin trái với quy định pháp luật, ảnh hưởng xấu đến trẻ em thì chúng ta có thể ngăn chặn được phần nào chứ không hoàn toàn có thể chặn đứng được. Đơn cử như khi đối tượng xấu phát tán clip, hình ảnh, nội dung thông tin xấu được gửi đi từ máy chủ ở nước ngoài, mọi người trong nước có thể dễ dàng tiếp cận. Nhưng chúng ta không thể xử lý họ được.

Chào chuyên gia, con gái tôi được sử dụng điện thoại thông minh từ lớp 6, bây giờ cháu chuẩn bị thi lên cấp 3 nhưng tối nào cũng chăm chú xem mạng đến 3 giờ sáng mới đi ngủ, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và học tập của cháu. Tôi phải làm gì? Tôi trân trọng cảm ơn.

phuonganh 78@…

TS Vũ Thu Hương

Chuyên gia tâm lý

Chào bạn, trước hết tôi xin chia sẻ nỗi lo lắng với bạn. Tuy nhiên, hiện nay những lừi lẽ trách mắng và các lệnh cấm sẽ không có tác dụng với cháu. Bạn cần cùng con bố trí lại thời gian biểu, xem xét mức độ áp lực của việc học tập cũng như mối quan hệ của con với bạn bè. Thời gian này bạn rất nên ngủ cùng con, dành thời gian chia sẻ, tâm sự, thậm chí cùng con học (cha mẹ nên đóng vai là học sinh để con giảng lại các kiến thức mà con đã học ở nhà trường).

Cha mẹ tuyệt đối không nên đề cập đến vấn đề sử dụng mạng xã hội của con trước khi thực sự lấy được niềm tin và sự sẻ chia của con. Tuổi 13, 14 đủ khả năng hiểu điều gì tốt và không tốt cho sức khoẻ của mình. Khi các con nhận được sự quan tâm và đồng hành đúng nghĩa (như tư vấn ở trên) thì trẻ sẽ tự biết cách điều chỉnh hành vi và thời gian sử dụng mạng Internet của mình.

Theo thầy, cha mẹ có nên cấm trẻ em tham gia môi trường mạng không?

ngocbinh385@gmail.com

Thầy giáo Chu Văn Quyền

Trường THCS Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội

 

Theo tôi, với những lợi ích mà môi trường mạng mang lại, cha mẹ không nên cấm trẻ em tham gia nhưng cần hướng dẫn con mình biết cách sử dụng mạng an toàn, tôn trọng quyền riêng tư và thường xuyên quản lý chặt chẽ việc sử dụng mạng của các em.

Chúng ta đã có Luật Bảo vệ trẻ em, Luật Báo chí, Luật An ninh mạng… xin hỏi luật sư trong thực tế thì các luật này đã đi vào cuộc sống như thế nào?

Nguyễn Văn Bạch (Đông Triều, Quảng Ninh)

Luật sư Bùi Quang Thu

Đoàn Luật sư Hà Nội

Các quy định của các luật như tôi đã trả lời trong các câu hỏi trước đó, thực tế đã được Nhà nước ta nghiên cứu, có quá trình sửa đổi, bổ sung để phù hợp và thích nghi với cuộc sống hiện nay. Chúng ta mong muốn có đủ các chế tài, quy định của pháp luật để đi vào cuộc sống một cách tốt nhất. Nhưng, theo quan điểm của tôi, xã hội luôn phát triển, đặc biệt là đối với không gian mạng internet, tôi có cảm giác luật của chúng ta thường chậm hơn một nhịp đối với các hành vi đang diễn ra trên mạng internet ngày một phức tạp hơn.

Xin luật sư cho biết trong trường hợp trẻ em là đối tượng được pháp luật bảo vệ, khi bị mạng xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng làm ảnh hưởng (do đăng hình ảnh, nêu tên tuổi địa chỉ, không làm mờ hình ảnh) thì bị hại có thể trình báo với cơ quan nào để được bảo vệ?

Tạ Văn Bắc (Vũ Thư, Thái Bình)

Theo quy định của Luật Trẻ em tại Điều 51 về: Trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em:

  1. Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền.
  2. Cơ quan lao động – thương binh và xã hội, cơ quan công an các cấp và Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác; phối hợp xác minh, đánh giá, Điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em.
  3. Chính phủ thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia thường trực để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em; quy định quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.

Là GV dạy tin học, thầy có thể chia sẻ những mẹo công nghệ giúp cha mẹ bảo vệ con em mình trên môi trường mạng?

baoanh@gmail.com

Thầy giáo Chu Văn Quyền

Trường THCS Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội

Những mẹo công nghệ các bậc phụ huynh có thể sử dụng là:

– Cài đặt chế độ kiểm soát của cha mẹ.

– Bật tính năng tìm kiếm an toàn trên trình duyệt.

– Cài đặt bảo mật riêng tư nghiêm ngặt trên các ứng dụng và trò chơi trực tuyến.

– Che/tắt webcam khi không sử dụng.

Trong trường hợp cơ quan báo chí, mạng xã hội sử dụng hình ảnh trẻ em mà không được phép sẽ bị xử lý như thế nào?

Nguyễn Thị Vân (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu)

Luật sư Bùi Quang Thu

Đoàn Luật sư Hà Nội

Điều 102 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP, những người có hành vi lưu trữ thông tin cá nhân của người khác thu thập được trên môi trường mạng vượt quá thời gian quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên sẽ bị xử phạt với số tiền từ 2 – 5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, theo khoản 3 của Điều 102, hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt với số tiền từ 10 – 20 triệu đồng.

Với quy định trên, việc đăng tải thông tin, hình ảnh của người khác lên mạng xã hội khi không có sự đồng ý của chính chủ sẽ bị phạt nặng, với mức phạt có thể tới 20 triệu đồng.

Đây cũng là mức xử phạt đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác hoặc để quảng cáo, tuyên truyền cho các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bị cấm.

Bên cạnh đó, việc cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục sẽ bị xử phạt với số tiền từ 30 – 50 triệu đồng.

Có quy định của pháp luật về việc sử dụng hình ảnh của người khác khi chưa được sự đồng ý của họ, trong đó có trẻ em thì sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Gần đây, nổi lên những hiện tượng “câu view” trên các kênh như Youtube, có cả nhân vật còn dạy trộm tiền trong heo đất hay biểu diễn màn thắt cổ khiến trẻ em bắt chước theo và bị thiệt mạng. Vậy cha mẹ cần làm cách nào để kiểm soát con trẻ khỏi các thông tin độc hại?

Minh Quý – Hải Phòng

TS Vũ Thu Hương

Chuyên gia tâm lý

Trước hết, các cha mẹ cần biết con mình đã đủ các kỹ năng tìm hiểu và chọn lọc thông tin hay chưa. Với độ tuổi quá nhỏ, khả năng bắt chước quá mạnh mẽ thì không nên cho các cháu tiếp xúc với không gian mạng và các clip được phát tán trên Internet. Khi các con đã có khả năng phân biệt đúng sai, cha mẹ cần thảo luận với con về các hiện tượng “câu view”, các nhân vật bất hảo, các hành vi vô văn hoá, vi phạm pháp luật,… để định hướng cho con về quan niệm và cách ứng xử phù hợp trong từng tình huống khi bị tiếp xúc với các clip “câu view”.

Sau khi đã thảo luận đầy đủ và có các quy định trong việc sử dụng thiết bị điện tử, cha mẹ nên yêu cầu con trình bày những suy nghĩ của mình về các hiện tượng mà con tìm kiếm được trên không gian mạng. Hãy liên tục hỏi ý kiến con để biết trước các vấn đề có thể gặp phải, cha mẹ sẽ kịp thời trợ giúp con trước khi những thông tin xấu tác động đến hành vi và suy nghĩ của con.

Tôi xin hỏi trong trường hợp các cơ quan báo chí (đặc biệt là báo điện tử), mạng xã hội sử dụng hình ảnh trẻ em khi không được phép có vi phạm pháp luật về quyền trẻ em hay không?

Nguyễn Thanh Bình (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu)

Luật sư Bùi Quang Thu

Đoàn Luật sư Hà Nội

Nhiều thông tin hữu ích được Luật sư Bùi Quang Thu chia sẻ trong buổi GLTT do Báo GD&TĐ tổ chức

 

Theo tôi đây là hành vi vi phạm về quyền nhân thân của trẻ em. Cụ thể là pháp luật nghiêm cấm việc công bố tiết lộ về hình ảnh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

Xin luật sư cho biết các loại tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng gồm những gì?

Hoàng Minh Đức (quận Hà Đông, Hà Nội)

Luật sư Bùi Quang Thu

Đoàn Luật sư Hà Nội

Nhiều nạn nhân là trẻ em đã bị đe dọa trực tuyến trên internet. Rất nhiều em có những trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng internet như: Tiếp xúc với thông tin, hình ảnh bạo lực, tài liệu khiêu dâm; có trẻ em bị dụ dỗ tình dục qua mạng, yêu cầu gửi thông tin cá nhân… Từ đó cho thấy, những nguy cơ trẻ em phải đối mặt khi sử dụng mạng Internet đã ngày càng nguy hiểm, phức tạp.

Điều 6 của Luật Trẻ em quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Tước đoạt quyền sống của trẻ em; Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; Tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn; Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; Không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền…. Tất cả các hành vi vi phạm các quy định trên đều bị pháp luật nghiêm cấm, và xử lý theo quy định của pháp luật nếu vi phạm.

Các doanh nghiệp viễn thông, Internet cần phải tăng cường trách nhiệm như thế nào trong việc ngăn chặn chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung nguy hại, xâm phạm trẻ em trên môi trường mạng?

doanphuc@gmail.com

Thầy giáo Chu Văn Quyền

Trường THCS Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng phải chủ động rà soát, kịp thời cảnh báo đến các đối tác cung cấp dịch vụ (Facebook, Youtube…) nhằm bảo đảm hoạt động quảng cáo của công ty phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Thiết lập các chế độ để lọc bỏ những web đen…

Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với các trang mạng gỡ bỏ các video hoặc bài viết có nội dung không lành mạnh.

Cùng với gia đình, nhà trường và các tương tác xã hội cũng góp phần quan trọng để định hướng học sinh. Theo Tiến sĩ, các nhà trường đã thực sự làm tốt điều này chưa?

thaian123@…

TS Vũ Thu Hương

Chuyên gia tâm lý

TS Vũ Thu Hương trả lời câu hỏi của độc giả báo GD&TĐ trong buổi GLTT

 

Hiện nay, tình trạng các bậc cha mẹ và thầy cô dồn sự quan tâm vào việc học kiến thức và xem nhẹ việc trau dồi những kỹ năng và phẩm chất đạo đức cho trẻ. Do vậy, việc định hướng học sinh về rất nhiều mặt đang bị thả nổi. Đây là hiện trạng hết sức đáng lo ngại mà nhà trường và phụ huynh cần phải cân đối lại mức độ quan tâm về các mặt trong giáo dục trẻ cho phù hợp.

Cụ thể, trước khi cho trẻ sử dụng không gian mạng, gia đình và nhà trường rất nên mở các cuộc thảo luận công khai và nghiêm túc để cùng trẻ tìm hiểu kỹ càng và đặt ra các nguyên tắc khi sử dụng các thiết bị điện tử và tham gia mạng xã hội. Điều này sẽ giúp trẻ có những quan điểm và suy nghĩ đúng đắn trong các vấn đề được đề cập trên không gian mạng.

Cháu thấy trên mạng internet có nhiều clip quay cảnh các bạn học sinh đánh nhau. Các bạn đánh nhau như thế có bị công an bắt không?

Cháu Trần Thị Thủy, Thái Bình

Luật sư Bùi Quang Thu

Đoàn Luật sư Hà Nội

Việc các cháu học sinh đánh nhau, chúng ta khẳng định đó là hành vi trái pháp luật, cần phải ngăn chặn, phát hiện kịp thời để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu các bạn đánh nhau gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí dùng hung khí gây án chết người thì chắc chắn các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ bắt và xử lý nếu bạn đó đủ độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với trường hợp các bạn học sinh đánh nhau chưa đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, hoặc đánh nhau chưa gây hậu quả thương tật nặng nề cho người bị hại thì cơ quan công an có thể ra quyết định xử phạt hành chính để xử lý về hành vi đánh nhau của các bạn học sinh đó.

Để bảo vệ HS trên không gian mạng, theo thầy chúng ta phải trang bị cho các em những kỹ năng gì?

xuanbach@gmail.com

Thầy giáo Chu Văn Quyền

Trường THCS Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội

Theo tôi để bảo vệ HS trên không gian mạng chúng ta có thể áp dụng những bước sau:

-Trang bị cho HS kĩ năng bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng xã hội: Để bảo vệ con trên môi trường trực tuyến, chính các bậc cha mẹ cũng nên biết cách bảo vệ quyền riêng tư của mình và hướng dẫn con những cách đơn giản và hiệu quả để kiểm soát thông tin cá nhân. Sử dụng mật khẩu mạnh và bảo mật hai lớp cho tài khoản trực tuyến của cả cha mẹ và con là những cách đơn giản nhất để bắt đầu kiểm soát thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, con nên ẩn thông tin cá nhân, không gặp gỡ người lạ trên mạng xã hội, không dùng chung password. Chỉ nên đăng những nội dung và bức ảnh hoàn toàn vô hại không quá gây chú ý của mọi người.

-Trên Facebook, cha mẹ có thể chỉ dẫn con cách kiểm soát những gì con nhìn thấy trên bảng tin bằng cách click vào dấu ba chấm phía trên bên phải của bất cứ bài đăng nào. Nếu con không muốn thấy một bài đăng xuất hiện nữa, con có thể ẩn nó đi. Hoặc nếu con không muốn thấy bài đăng từ một người nào đó, con có thể bỏ theo dõi hoặc tạm ẩn họ. Con cũng có thể phản hồi hoặc báo cáo một bài đăng mà con thấy có nội dung bắt nạt/lạm dụng.

-Thống nhất về thời gian sử dụng mạng internet: Trẻ em thường không quản lý được thời gian của mình,  vì thế, cha mẹ cần giúp trẻ xây dựng kế hoạch quản lý thời gian. Trẻ có thể đề xuất thời gian mà mình muốn nhưng cần hợp lý, sau khi đã hoàn thành các công việc khác và đảm bảo không ảnh hưởng tới bản thân và các thành viên trong gia đình.

-Ngoài việc dạy con có trách nhiệm trên môi trường trực tuyến, các bậc cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ đầu tư nhiều vào trải nghiệm thực tế: Cha mẹ có thể chia sẻ để trẻ hiểu rằng, mạng xã hội là thế giới ảo. Trẻ cũng có thể thực hiện rất nhiều hoạt động ý nghĩa khác như tham gia các hoạt động xã hội. Từ đó, các em sẽ có nhận thức rõ ràng về bản thân, đồng thời xây dựng được các mối quan hệ lành mạnh với người khác trong xã hội, rèn luyện tính tự lập, có những cảm xúc, trải nghiệm thú vị từ những trải nghiệm thực tế. Kĩ năng sống của trẻ cần được xây dựng dần dần và bằng nhiều hình thức khác nhau.

Theo chuyên gia, có nên cấm học sinh đang ở độ tuổi thiếu niên sử dụng các thiết bị kết nối internet trong môi trường nhà trường hay không? Xin chuyên gia nêu quan điểm về vấn đề này. Trân trọng cảm ơn.

Cẩm Nhung – TP. HCM

TS Vũ Thu Hương

Chuyên gia tâm lý

Về phương diện nhà trường, tôi cho rằng việc giới thiệu với học sinh những phương tiện tiếp cận và khai thác thông tin là rất nên làm. Tuy nhiên, chúng ta nên hướng dẫn trẻ tiếp cận các nguồn thông tin chính thống và được kiểm chứng trước khi cho trẻ tiếp cận những nguồn thông tin “trôi nổi” trên không gian mạng.

Ngoài ra, trước khi cho trẻ tiếp cận các thiết bị điện tử, nhà trường nên giáo dục trẻ về ý thức sử dụng mạng thông minh và lịch sự, cách chọn lọc và phân tích thông tin, xác định rõ thông tin nào là chính thống và đáng tin cậy, tìm hiểu các quy định của pháp luật trong việc sử dụng mạng xã hội, cách thể hiện ý kiến một cách văn hoá.

Vì vậy, chúng ta nên quy định độ tuổi cho phép trẻ tham gia không gian mạng. Cha mẹ và thầy cô sẽ cùng bàn bạc và quyết định khi nào trẻ được phép tham gia không gian mạng.

Xin luật sư cho biết hình thức xử phạt cụ thể đối với các chủ tài khoản mạng xã hội sử dụng các hình ảnh, clip độc hại nhằm lôi kéo trẻ em để câu view sẽ bị xử lý như thế nào?

Ngô Văn Mạnh (Đống Đa, Hà Nội)

Luật sư Bùi Quang Thu

Đoàn Luật sư Hà Nội

Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3.2.2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử được ban hành nhằm khắc phục một phần những vướng mắc về mặt pháp luật.

Điều 101 của Nghị định trên có quy định xử phạt đối với vi phạm của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội, tùy từng hành vi vi phạm cụ thể mà có thể bị phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng; đồng thời, có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Có những trường hợp các cơ quan Nhà nước có thể xử phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: Sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên mạng xã hội nhưng chưa được sự đồng ý của cá nhân đó.

 

 

Tại Trường THCS Thịnh Quang, nội dung giáo dục an toàn cho HS trên môi trường mạng được thực hiện như thế nào?

giahung@gmail.com

Thầy giáo Chu Văn Quyền

Trường THCS Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội

Thầy giáo Chu Văn Quyền, Trường THCS Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội

 

Tại trường tôi, GV chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở HS nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng vào tiết Sinh hoạt và Hoạt động ngoài giờ lên lớp. Kịp thời trao đổi với phụ huynh HS về tình hình của con khi có biểu hiện không bình thường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức các buổi ngoại khóa như: Công dân số 4.0 làm chủ cuộc sống, Phòng chống xâm hại trẻ em…, trang bị cho HS những kiến thức cần thiết trong thời đại số, đồng thời tạo không khí cởi mở với HS trong giờ Tin học, qua đó để lồng ghép nhắc nhở các em về nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng.

Tôi cấm con tôi xem điện thoại thông minh. Một hôm cháu đi học về nói, con rất mệt mỏi vì học cả ngày, mẹ cho con xem 1 tí được không? Tôi kiên quyết không cho con xem thì con tỏ thái độ không hài lòng và khóc. Tôi làm vậy có sai không? Nếu trong trường hợp đó, tôi nên làm gì?

Hoàng Hà (nguyenhha…@gmail.com)

TS Vũ Thu Hương

Chuyên gia tâm lý

Nếu tôi trong trường hợp của bạn, thay vì tỏ thái độ cương quyết cấm, tôi sẽ tỏ ra giận dỗi và nói: “Con đi học cả ngày mà không nghĩ đến mẹ rất cần con nói chuyện và chia sẻ với con. Giờ con về nhà lại muốn xem điện thoại để mẹ một mình thì mẹ biết phải làm sao”. Khi đó, chắc chắn con bạn sẽ cảm thấy việc chơi điện thoại không thật sự quan trọng, con sẽ dành thời gian chia sẻ với mẹ mà không nghĩ mình đang bị cấm sử dụng thiết bị điện tử.

Thay vì lúc nào cha mẹ cũng cứng nhắc, tuyên bố cấm con chơi điện tử hoặc điện thoại, cha mẹ nên khéo léo kéo sự chú ý của con sang vấn đề khác thì mọi chuyện sẽ được giải quyết dễ dàng hơn.

Tôi có hai con nhỏ, một cháu 11 tuổi, một cháu 8 tuổi. Do đặc thù công việc, vợ chồng tôi phải đi làm từ sáng đến chiều tối mới có mặt ở nhà. Nhiều lần tôi bắt gặp các cháu vào mạng Internet xem các clip có nội dung nhảm nhí, không phù hợp với lứa tuổi. Xin hỏi, pháp luật Việt Nam hiện tại đã có những quy định như thế nào trong việc ngăn chặn, xử lý những video clip có nội dung xấu, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ nhỏ?

Nguyễn Hải Yến (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh)

Luật sư Bùi Quang Thu

Đoàn Luật sư Hà Nội

Chúng ta cần phải hiểu không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Do vậy những clip không phù hợp với trẻ em trên mạng internet rất dễ bị các đối tượng xấu đưa lên mạng internet một cách dễ dàng nếu chúng ta không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng nguy hiểm đến trẻ em.

Để bảo vệ trẻ em và ngăn chặn những clip xấu trên mạng, Nhà nước ta đã có Luật An ninh mạng năm 2018 quy định rõ về các hành vi bị nghiêm cấm trên mạng internet. Trong đó có việc cấm phát tán và đưa những clip xấu, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, trái quy định của pháp luật Việt Nam. Thậm chí chúng ta có cả Nghị định số 15/2020/NĐ-CP năm 2020 quy định về việc xử phạt một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Chủ các tài khoản mạng xã hội hội sử dụng các hình ảnh, clip độc hại nhằm lôi kéo trẻ em để câu view có thể bị xử lý hình sự hay không?

Ngô Văn Mạnh (Đống Đa, Hà Nội)

Luật sư Bùi Quang Thu

Đoàn Luật sư Hà Nội

Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội

 

Đối với hình ảnh, clip được coi là văn hóa phẩm đồi trụy mà các đối tượng xấu tung lên mạng, Nhà nước Việt Nam có quy định rõ tại Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy quy định phạt tiền 10 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với người có hành vi làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách báo, tranh ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy; hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy như dữ liệu về nội dung khiêu dâm, đồi trụy được số hóa có dung lượng từ 1Gb đến dưới 5Gb, ảnh bản giấy có số lượng 100 – 200 đơn vị, hoặc đã phổ biến nội dung khiêu dâm, đồi trụy 10 – 20 người; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Người phạm tội có thể bị phạt tù 3 – 10 năm khi phạm tội có tổ chức; hoặc dữ liệu về nội dung khiêu dâm, đồi trụy được số hóa có dung lượng từ 5Gb đến dưới 10Gb, sách báo in có số lượng 51 – 100 đơn vị, ảnh bản giấy có số lượng 201 – 500 đơn vị; hoặc đã phổ biến cho 21 người đến 100 người; hoặc trường hợp người bị hại là người dưới 18 tuổi; hoặc người phạm tội sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; hoặc người phạm tội tái phạm nguy hiểm.

Phạt tù 7 – 15 năm đối với trường hợp dữ liệu được số hóa có dung lượng 10Gb trở lên; hoặc sách báo in có số lượng 101 đơn vị trở lên, ảnh bản giấy có số lượng 501 ảnh trở lên; hoặc đã phổ biến cho 101 người trở lên. Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền 5 – 30 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1 – 5 năm.

Xin thầy cho biết, những rủi ro mà HS có thể gặp phải trên môi trường mạng?

kimngan@gmail.com

Thầy giáo Chu Văn Quyền

Trường THCS Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội

HS có thể gặp phải những rủi ro như bị theo dõi hoặc đánh cắp thông tin cá nhân; bị bắt nạt, bôi xấu, rình rập; gặp người lạ bị lợi dụng, xâm hại; tiếp nhận những thông tin sai lệch, những lời khuyên sai trái, phi đạo đức…

Xin luật sư cho biết tinh thần cao nhất trong các quy định của Luật Bảo vệ trẻ em năm 2016?

Vũ Tất Thắng (TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai)

Luật sư Bùi Quang Thu

Đoàn Luật sư Hà Nội

Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Nhằm mục đích phát triển toàn diện của trẻ em là sự phát triển đồng thời cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội của trẻ em.

Gia đình và nhà trường cần phải làm gì để bảo vệ an toàn cho các em?

baokhanh@gmail.com

Thầy giáo Chu Văn Quyền

Trường THCS Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội

Trước hết, bản thân HS và các thành viên trong gia đình phải nhận thức được nguy cơ và biết cách phòng ngừa, tự bảo vệ con em mình khỏi bị xâm hại. Để bảo vệ con trên môi trường mạng, các bậc cha mẹ có thể tham khảo vài gợi ý dưới đây:

– Cho trẻ sử dụng internet theo quy tắc của cha mẹ: Trước tiên, cha mẹ cần có một cuộc thảo luận cởi mở với trẻ về những quy định mà trẻ phải thực hiện khi dùng điện thoại, máy tính vào mạng internet. Cần hạn chế tối đa và chỉ cho phép trẻ sử dụng internet một số giờ nhất định vào buổi tối, sau khi hoàn thành việc học.

– Không cho trẻ có máy tính trong phòng riêng: Cần đặt máy tính, laptop ở nơi mà cha mẹ có thể dễ dàng quan sát con. Như vậy, trẻ sẽ không có cơ hội vào các trang web đen thiếu lành mạnh và cha mẹ có thể kiểm soát được nội dung truy cập của con.

– Kiểm soát những gì trẻ đăng tải trên mạng xã hội: Cha mẹ cần dạy con không nên kết bạn một cách tùy tiện. Đồng thời, phải biết con muốn chia sẻ hình ảnh gì với bạn bè và phân tích cho con nếu đưa những nội dung như hình ảnh cá nhân có tính chất riêng tư, địa chỉ, điện thoại gia đình, trường, lớp của con… lên các trang mạng xã hội thì sẽ gặp những nguy hiểm tiềm ẩn như thế nào.

– Sử dụng công nghệ để làm bạn với con: Việc kết bạn cùng con trên mạng xã hội sẽ giúp cha mẹ hiểu tâm tư của con hơn. Nếu cha mẹ tạo được thói quen làm bạn với con từ bé, con sẽ chia sẻ với cha mẹ mà không cần phải lên mạng xã hội.

Với việc sử dụng mạng, không hẳn cứ cấm thì sẽ an toàn nhưng thế nào là vừa đủ thì không nhiều người biết. Với góc độ một nhà giáo dục, quan điểm của chuyên gia về vấn đề này ra sao?

lehathu@…

TS Vũ Thu Hương

Chuyên gia tâm lý

TS Vũ Thu Hương- Chuyên gia tâm lý

 

Chào bạn, trẻ em không thực sự cần sử dụng các thiết bị điện tử hay chơi game. Các con lao vào những trò chơi này là do cuộc sống của chúng thường tẻ nhạt, chỉ có học và ở nhà, ít tham gia các hoạt động. Hơn nữa, trẻ thường quá nhàn rỗi khi cha mẹ hiện nay ít yêu cầu con làm việc nhà. Nhàn rỗi và tẻ nhạt sẽ khiến trẻ tìm kiếm phương thức giải trí. “Nhàn cư vi bất thiện” không hề sai trong trường hợp này.

Vì vậy, thay vì cấm các con sử dụng các thiết bị điện tử và chơi game, cha mẹ cần giúp con trở nên bận rộn và có cuộc sống phong phú hơn. Đứa trẻ sẽ thích những buổi tối thảo luận với bố mẹ về những vấn đề trong cuộc sống với sự tôn trọng hơn là “chúi mũi” vào chơi game. Do vậy, cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn cho con, giao thêm việc nhà cho con và tôn trọng chúng. Khi đó, với trẻ không gian mạng chỉ là phương tiện học tập và giao tiếp với bạn bè khi cần.

Xin luật sư cho biết những văn bản của Pháp luật Việt Nam hiện hành về bảo vệ quyền trẻ em?

Thành Mai (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc)

Luật sư Bùi Quang Thu

Đoàn Luật sư Hà Nội

Hành lang pháp lý của pháp luật Việt Nam có nhiều quy định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. Thậm chí, Nhà nước Việt Nam còn ra nguyên một bộ luật để bảo vệ trẻ em, đó là Luật Trẻ em năm 2016. Đồng thời nhiều quy định của pháp luật hiện hành như: Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật An ninh mạng… đều có các quy định để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Có thể nói, internet đã mang lại nhiều cơ hội học tập và giáo dục cho HS. Tuy nhiên, trên môi trường mạng, nguy cơ mất an toàn đối với HS ngày càng gia tăng. Thầy nghĩ sao về điều này?

kimanh@gmail.com

Thầy giáo Chu Văn Quyền

Trường THCS Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội

Không thể phủ nhận internet đã mang lại cơ hội học tập và giáo dục cho trẻ em, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, trên môi trường “phẳng” này, nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em ngày càng gia tăng.

Theo tìm hiểu, tôi được biết, Việt Nam thuộc tốp các quốc gia có lượng người dùng internet lớn nhất thế giới, trong đó, 1/3 người dùng ở độ tuổi 15 đến 24. Khi tham gia vào môi trường mạng, trẻ em có nhiều lợi ích nhưng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro. Điều này thể hiện ở chỗ mỗi ngày có hàng trăm nghìn hình ảnh xâm hại trẻ em bị đưa lên mạng, hầu hết về bạo lực, xâm hại tình dục. Trẻ em gái bị bắt nạt trên môi trường mạng cao gấp 3 lần trẻ em trai.

Báo cáo khảo sát tiếng nói trẻ em Việt Nam được MSD (Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững) công bố ngày 2/6 vừa qua cho thấy, bắt nạt qua mạng là một trong 3 vấn đề trẻ em lo lắng hàng đầu và mong muốn Việt Nam cần hành động nhiều hơn để cải thiện và giải quyết. Bởi bắt nạt trẻ em trên môi trường mạng để lại di chứng đặc biệt nặng nề hơn so với bắt nạt học đường.

Do đó, đây là vấn đề rất đáng lo ngại cần phải có những giải pháp đồng bộ để giải quyết.

 

Nguồn: Giáo Dục Thời Đại

https://giaoducthoidai.vn/gltt/giao-luu-truc-tuyen-lam-gi-de-bao-ve-hoc-sinh-tren-khong-gian-mang-wpYfzNtMg.html

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc