(Phụ Nữ Hiện Đại) – Cụ bà 72 tuổi bị bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn nguy hiểm vừa được Bệnh viện FV cứu chữa thành công nhờ biện pháp thông tim can thiệp. Trước đây, để điều trị bệnh lý nguy hiểm này, bệnh nhân phải trải qua cuộc đại phẫu; còn hiện nay người bệnh có thể được chữa khỏi nhờ thủ thuật thông tim can thiệp, chỉ mất khoảng 1 tiếng và ra viện sau 48 giờ.

Đây là một kỹ thuật cao, rất hiếm trum tâm tim mạch thực hiện được bởi cần có trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ có kinh nghiệm và vật tư trang thiết bị phục vụ các thủ thuật tim mạch luôn sẵn sàng.

Clip cứu cụ bà 72 tuổi bị cơ tim phì đại tắc nghẹn nặng bằng phương pháp thông tim can thiệp

Cụ bà 72 tuổi phấn khởi sau khi được điều trị bệnh cơ tim phì đại tại FV (Ảnh: FV)

Bệnh khó chữa và nguy hiểm, còn mới mẻ tại Việt Nam

Bà Ngô Thị Kim (72 tuổi, quê Bình Phước) bị những cơn đau tim, khó thở từ năm 2018. Bà đi khám và được các bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc. Thời gian gần đây, các cơn khó thở và tức ngực ngày càng tăng, khiến bà vô cùng mệt mỏi. Khám ở một số bệnh viện tại TP.HCM, các bác sĩ cho biết đây là ca khó. Trước tình hình bệnh nhân ngày càng nặng, các bác sĩ tại bệnh viện bà đang điều trị đã giới thiệu bà qua FV – nơi có chuyên khoa tim mạch với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, có thể thực hiện nhiều thủ thuật can thiệp tim mạch tiên tiến.

Trực tiếp khám cho bà Kim, Ths.BS Hồ Minh Tuấn, Trưởng khoa Tim, Bệnh viện FV xác định cụ bà bị cơ tim phì đại tắc nghẽn nặng, độ nghẽn tới 80mm thủy ngân, dẫn đến suy tim, khó thở. Ngoài ra, bà còn bị béo phì mức độ cao (chỉ số BMI là 35), cao huyết áp. Nếu bà không được điều trị thì diễn tiến nặng hơn sẽ dẫn đến phù phổi, ngưng tim.

Bác sĩ Hồ Minh Tuấn và ekip khoa Tim, Bệnh viện FV thực hiện thủ thuật thông tim can thiệp cho bệnh nhân (Ảnh: FV)

“Bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn xảy ra do đột biến gen, làm vách ngăn tim bị dày lên, gây tắc nghẽn đường lưu thông của máu. Đây là một bệnh khó chữa và nguy hiểm, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về bệnh này, tuy nhiên ở Việt Nam bệnh này còn khá mới”, bác sĩ Hồ Minh Tuấn giải thích.

Trước đây, để điều trị, các bác sĩ sẽ mổ tim, cắt bỏ đi phần dày để làm giảm độ nghẽn – một phẫu thuật lớn và có nhiều nguy cơ biến chứng. Thời gian gần đây, phương pháp thông tim can thiệp, hay còn gọi là can thiệp qua da được sử dụng, tránh cho bệnh nhân phải trải qua ca mổ lớn.

Bệnh nhân được gây tê tại chỗ, bác sĩ luồn ống từ mạch máu ở tay và đùi, một đường để đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, sau thủ thuật sẽ được rút ra. Đường còn lại dùng để đưa vào buồng tim một dụng cụ bóng đặc biệt. Khi xác định được chỗ bị nghẽn, bác sĩ tiến hành bơm cồn sinh học vào, làm cho vách tim mỏng đi, giảm độ nghẽn, từ đó máu được thông, thoát ra để đi nuôi cơ thể tốt hơn, không còn bị nghẽn, nhờ vậy tình trạng suy tim cũng được cải thiện hiệu quả. Thủ thuật này chỉ mất 1 giờ đồng hồ. Đặc biệt, trong lúc thực hiện thủ thuật, người bệnh vẫn tỉnh táo; do không cần đặt ống thở nội khí quản nên có thể xuất viện sau 48 giờ.

Hai ngày sau ca thông tim can thiệp, bà Kim cho biết đã khỏe hẳn. Bà cảm kích nói: “Giờ tôi cảm thấy quá sướng rồi! Không còn những cơn nhồi trong tim nữa, tim đã cho tôi thở bình thường trở lại!”. Cụ bà cho biết tuy không có con cái, nhưng trong thời gian điều trị tại Bệnh viện FV, bà ấm lòng vì được các bác sĩ và hộ lý rất nhiệt tình săn sóc.

Đòi hỏi đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm, thiết bị hiện đại

Cơ tim phì đại, theo bác sĩ Tuấn, là bệnh khó phát hiện và nguy hiểm nếu không được điều trị. Đây là một trong những nguyên nhân gây đột tử cho các vận động viên đang thi đấu.

Bệnh cơ tim phì đại sẽ có những nhóm triệu chứng: khó thở, ngất xỉu (có người bị ngất nhiều lần), đau tức ngực; một số người tuy không có triệu chứng nhưng người nhà có tiền sử cơ tim phì đại nên họ có ý thức đi bệnh viện để kiểm tra, theo dõi. Người bệnh sẽ được khám lâm sàng sau đó siêu âm tim, điện tim, CT hoặc MRI tim. Ngoài ra, ở FV còn có test gen di truyền giúp tầm soát và dự phòng bệnh.

Ths.BS Hồ Minh Tuấn giải thích về việc điều trị bệnh cơ tim phì đại (Ảnh: FV)

Để điều trị bệnh cơ tim phì đại toàn diện, trước tiên người bệnh cần thay đổi lối sống (ăn uống và vận động điều độ, tránh để cơ thể bị mất nước); dùng thuốc và được chỉ định thủ thuật can thiệp khi có triệu chứng tắc nghẽn nghiêm trọng.

“Bệnh cơ tim phì đại có thể bị dày khu trú ở một vài chỗ trong buồng tim, thành tim hoặc có bệnh nhân bị dày toàn bộ buồng tim. Đối với những bệnh nhân được chẩn đoán suy tim do tắc nghẽn buồng tống thất trái của tim, bác sĩ điều trị can thiệp ở ngay vị trí đó sẽ giúp cải thiện suy tim ở người bệnh”, bác sĩ Tuấn đưa ra lời khuyên. Ngoài ra, người bệnh nên tái khám hoặc siêu âm định kỳ mỗi năm 1 lần trong trường hợp được chẩn đoán cơ tim phì đại nhưng không có biểu hiện tắc nghẽn hoặc bị dày thành tim.

Bệnh viên FV trang bị phòng cathlab hiện đại đáp ứng các thủ thuật tim mạch phức tạp (Ảnh: FV)

Theo bác sĩ Tuấn, thông tim can thiệp là một thủ thuật khá ít cơ sở y tế ở Việt Nam có thể làm được do yêu cầu kỹ thuật viên phải có kinh nghiệm và trung tâm tim mạch có đầy đủ dụng cụ chuyên dụng, cũng như cần có loại bóng đặc biệt – thông thường phải đặt từ nước ngoài, ít trung tâm tim mạch có sẵn để dùng trong tình trận khẩn cấp như tại FV. Thậm chí, ngay cả ở các nước phát triển như Mỹ hay Châu Âu cũng chỉ có khoảng vài trung tâm, và yêu cầu bác sĩ thực hiện thủ thuật này phải có kinh nghiệm cùng với đội ngũ y tế hỗ trợ phải chuẩn bị thật tốt cho bệnh nhân, ngăn ngừa các biến chứng.

FV có lợi thế đầu tư phòng cathlab hiện đại, vật tư trang thiết bị phục vụ các thủ thuật tim mạch luôn sẵn sàng và đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao. Bản thân bác sĩ Hồ Minh Tuấn từng thực hiện khoảng 50 ca can thiệp điều trị cơ tim phì đại tắc nghẽn.

Để biết thêm về điều trị bệnh cơ tim phì đại, bạn đọc có thể liên hệ Bệnh viện FV qua số máy: (028) 5411 3333.

 

K.A.M

 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKDK của C.A.M Media

Thông tin thêm về nội dung, vui lòng liên hệ Ms Vy Lê: 0906790896

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc