Tổ chức Kỷ lục Việt Nam sau thời gian triển khai Hành trình tìm kiếm Top đặc sản quà tặng Việt Nam lần thứ nhất đã nhận được nhiều đề cử từ các địa phương, các đơn vị ngành du lịch, du khách trong và ngoài nước và cộng đồng kỷ lục gia trên toàn quốc.

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trân trọng công bố Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam (lần 1-2013). Bên cạnh đó, tổ chức này cũng đã gửi hồ sơ đề cử 10 đặc sản quà tặng Việt Nam đến Tổ chức Kỷ lục châu Á. Văn phòng Tổ chức Kỷ lục châu Á tại Ấn Độ đã có thư xác nhận 9 đặc sản quà tặng Việt Nam đạt giá trị đặc sản quà tặng châu Á theo bộ tiêu chí đặc sản quà tặng châu Á bao gồm Bánh đậu xanh (Hải Dương), Chè Thái Nguyên, Sâm Ngọc Linh…

Một số quà tặng được công bố trong dịp lần này:

Bánh phu thê – Bắc Ninh

Bánh phu thê được làm từ loại gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon. Gạo đem vo sạch, để ráo nước và dùng cối giã chứ không được xay bằng máy. Sau đó, lọc lấy tinh bột gạo đem xay cho thật nhuyễn rồi phơi hoặc sấy khô để qua 15 ngày mới đem ra làm bánh. Nhân bánh là đỗ xanh ngâm kỹ đãi sạch vỏ. Đem hấp chín, nghiền mịn, thắng với đường và trộn lẫn vài sợi dừa đã được nạo nhỏ. Khi ăn, bánh thường được cắt làm bốn nên trong nhân bánh 4 hạt sen được đặt ở 4 góc.

Kẹo dừa – Bến Tre

 

Kẹo dừa là một loại kẹo được chế biến từ nguyên liệu chính là cơm dừa và đường mạch nha. Đây là loại kẹo đặc sản và là một nghề thủ công truyền thống mang đậm văn hóa xứ sở. Việt Nam có nhiều vùng trồng dừa nhưng Bến Tre chính là nơi ra đời và phát triển nghệ thuật chế biến kẹo dừa.

Mực một nắng – Bình Thuận

Người ta tuyển chọn kỹ loại mực lá, phơi nắng một ngày. Sau đó, mực gói lại kỹ càng rồi ướp đá. Trước đây, mực Phan Thiết được đông lạnh, bán tươi hoặc làm khô. Người ta nói rằng: có lần, ngư dân khai thác mực lấy mực thảy lên mui ghe cho ráo để chế biến. Vô tình, ăn mực phơi này thấy ngon, ngọt nên mới trở thành “đặc sản”. Từ đó mực một nắng được đưa vào bờ, xuất hiện trên mâm cơm của gia đình ngư phủ hoặc lên thực đơn ở những nhà hàng

Táo mèo – Hà Giang


Vùng cao Hà Giang có cây táo rừng, thuộc dạng cây nhỏ, nhiều gai, có hoa màu trắng nở vào mùa Xuân. Trái táo rừng chín vào cuối thu (tháng 9 – 10). Người Mèo và người Mông thường len lỏi trong các vùng núi để thu hái loại trái cây này làm thức ăn, hoặc xắt mỏng phơi khô bán cho người làm thuốc, ngâm rượu. Trái táo rừng còn xanh được gọt vỏ, chẻ tư làm dưa muối, hoặc ngâm đường chắt nước làm nước giải khát, hoặc ướp men cho một thứ rượu nhẹ giống như rượu cần. Trái chín có thể ăn như táo, lê, làm mứt hay ô mai cay.

Bánh đậu xanh

Nguyên liệu để chế biến bánh gồm: Đậu xanh, đường kết tinh, mỡ lợn, tinh dầu của hoa bưởi. Tất cả đều phải được chọn lọc và được chế biến tinh khiết. Bốn nguyên liệu trên pha trộn với nhau theo một tỉ lệ hợp lý, vượt tỉ lệ đó bánh sẽ kém chất lượng. Giấy gói bánh, màu sắc của nhãn, phải được xem xét cẩn thận để bánh giữ được lâu và tôn vẻ đẹp của bánh. Bánh được đóng theo cách: 10 khẩu mỏng xếp 5 hàng (8,5 x 3,2 x1,1 cm) nặng 45 gam.

Theo P.V/ Báo Năng Lượng Mới 

Bệnh viện Hạnh Phúc