(Phụ Nữ Hiện Đại) – Phỏng vấn là cơ hội để nhà tuyển dụng và ứng viên gặp gỡ, tìm hiểu nhu cầu của đối phương và quyết định có tiếp tục cộng tác hay không. Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ là người chủ động dẫn dắt cuộc trò chuyện bằng cách đặt câu hỏi, đưa ra tình huống để bạn xử lý. Tuy nhiên, bạn không nên đặt mình ở vị trí bị động trong suốt buổi phỏng vấn xin việc. Hãy chủ động tham gia và khéo léo biến buổi phỏng vấn thành cuộc trao đổi, trò chuyện. Việc này sẽ giúp bạn nổi bật, khác biệt và chinh phục được nhà tuyển dụng.

Dưới đây là 5 lợi ích đủ để thuyết phục bạn nên chủ động dẫn dắt cuộc trò chuyện trong buổi phỏng vấn tuyển dụng ở Vĩnh Long, Trà Vinh hay bất cứ nơi nào khác.

Khiến buổi phỏng vấn nhẹ nhàng hơn

Bạn có thể hình dung, nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi, ứng viên thụ động “hỏi gì đáp nấy” thì buổi phỏng vấn vô cùng tẻ nhạt, nhàm chán. Và không khí lúc đó thì căng thẳng khiến cả bạn và nhà tuyển dụng đều mệt mỏi.

Ngược lại nếu bạn cởi mở, chủ động giao tiếp linh hoạt ngay từ phút đầu tiên sẽ khiến cuộc trao đổi trở nên thoải mái. Chưa nói tới năng lực, trình độ, nhà tuyển dụng sẽ thiện cảm hơn với một ứng viên vui vẻ, thân thiện biết cách lan tỏa năng lượng tích cực. Và họ sẽ đáp lại bạn bằng sự cởi mở, chân thành hơn. Khi đó buổi phỏng vấn như cuộc nói chuyện thân mật, trao đổi bình đẳng. Điều này giúp bạn giảm bớt hồi hộp, bình tĩnh thể hiện mình một cách tốt nhất.

Giúp bạn thể hiện sự tự tin và khác biệt

Để tạo sự nổi bật so với ứng viên khác, bạn hiểu bản thân có gì và nhà tuyển dụng cần gì. Bạn cũng cần hiểu, giỏi là chưa đủ mà phải nổi bật hơn so với đối thủ. Sự chủ động trong quá trình phỏng vấn xin việc sẽ giúp bạn tạo ra khác biệt đó.

Bạn biết cách đưa ra câu hỏi, cởi mở chia sẻ quan điểm về các vấn đề, tự tin khẳng định “màu sắc” riêng của mình. Khi nhà tuyển dụng đưa câu hỏi, thay vì trả lời “Có” hoặc “Không” thì bạn mạnh dạn: “Theo em nghĩ …”, “Ở góc độ khác có thể hiểu/ có thể giải quyết…”.

Với cách thể hiện như vậy, bạn thậm chí đã điều hướng nhà tuyển dụng theo cách của mình một cách tự nhiên. Đó là lý do vì sao một ứng viên chủ động thường được nhà tuyển dụng lựa chọn.

Giúp nhà tuyển dụng “hiểu rõ” bạn

Bạn biết rằng, nhà tuyển dụng không đơn giản tìm một nhân sự để lấp chỗ trống hay chỉ để hoàn thiện bộ máy. Họ tìm một người đồng hành để cùng chia sẻ lợi ích và gắn bó lâu dài nên cần hiểu sâu về ứng viên.

Khi bạn chủ động, cởi mở với câu chuyện bản thân, về các vấn đề nhà tuyển dụng “cần” và “muốn” nghe, chắc chắn sẽ giúp họ trong thời gian ngắn hiểu rõ về bạn. Họ hiểu phong cách làm việc, hình dung bạn là người như thế nào trong doanh nghiệp, có khả năng gắn bó lâu dài hay không, phù hợp với vị trí này hay vị trí khác…

Điều này vừa có lợi cho bạn, vừa có lợi cho nhà tuyển dụng khi cả hai bên đều hiểu rõ về nhau.

Làm chủ thời gian và câu chuyện

Không phải nhà tuyển dụng nào cũng dẫn dắt buổi phỏng vấn xin việc hiệu quả. Trường hợp họ mệt mỏi, hoặc mất kiểm soát, có thể sẽ đưa buổi phỏng vấn đi lan man, không tập trung vào vấn đề chính.

Ví dụ, thay vì tìm hiểu về bạn, họ nói quá nhiều về doanh nghiệp, chia sẻ sự không hài lòng về nhân sự cũ… Điều này khiến buổi phỏng vấn kéo dài mà không đạt hiệu quả như mong muốn.

Là người chủ động dẫn dắt câu chuyện, bạn có thể khéo léo đặt câu hỏi: Công việc yêu cầu kinh nghiệm, kỹ năng gì? Kỳ vọng của anh/chị khi tuyển nhân sự mới là gì?… Thậm chí đề nghị: Tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình để anh/chị đánh giá mức độ phù hợp của tôi với vị trí này không?

Đây là cách giúp bạn đưa buổi phỏng vấn về đúng trọng tâm, kiểm soát được cả thời gian và đạt được mục đích buổi phỏng vấn.

Thể hiện sự quan tâm đến nhà tuyển dụng

Nhà tuyển dụng tham gia buổi phỏng vấn không chỉ với tâm thế “được hỏi”. Họ còn muốn “bị hỏi”, muốn được chia sẻ vấn đề của họ. Sự chủ động của bạn khiến họ thấy được tôn trọng, lắng nghe và quan tâm.

Hãy bắt đầu bằng một số chuyện nhỏ. Đôi khi chỉ đơn giản là khi gặp họ, bạn mỉm cười, làm quen bằng câu chuyện liên quan đến mối quan tâm, sở thích… Khi họ chia sẻ điều có ý nghĩa, bạn hãy ghi nhớ và thể hiện sự biết ơn. Khi họ tâm sự vấn đề cá nhân như sức khỏe, con cái… thì kết thúc buổi phỏng vấn hoặc trong thư cảm ơn sau đó bạn hãy để lại lời chúc với mong muốn điều tốt đẹp cho họ.

Sự chủ động này giúp bạn tạo dựng mối quan hệ với người phỏng vấn. Chắc chắn họ sẽ đánh giá cao, thậm chí giúp bạn có cơ hội công việc tốt hơn trong tương lai.

Trong bất cứ cuộc trò chuyện nào thì tương tác qua lại luôn mang lại kết quả tốt. Nhà tuyển dụng luôn bị thu hút bởi ứng viên cởi mở, thân thiện; luôn đánh giá cao ứng viên làm chủ tình huống, tự tin giao tiếp và thể hiện bản thân. Vậy nên bạn hãy rèn luyện mình để chủ động dẫn dắt câu chuyện trong buổi phỏng vấn xin việc sắp tới nhé!

 

B.C.M

 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc