Mong muốn tới năm 30 tuổi sẽ mở một tiệm trà ở vùng đất lạnh như Bảo Lộc nhưng “cuộc sống đưa đẩy” khiến cho Võ Thị Phương Linh (sinh năm 1994) hiện thực hóa giấc mơ sớm hơn với “Tiệm trà của Linh”, tọa lạc tại một con hẻm nhỏ thuộc quận 5, TPHCM…

 

Võ Thị Phương Linh. Ảnh: Nhân vật cung cấp. Võ Thị Phương Linh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ý tưởng nhen nhóm từ sở thích uống trà

Trước đây, “cô chủ nhỏ” từng học báo chí và làm báo ba năm rồi chuyển sang mở tiệm trà vào đúng ngày mùng 10 Tết Âm lịch năm 2018.

Chia sẻ về việc bén duyên với trà, Linh nói: “Mỗi người có một cái nghiền riêng. Linh thích uống trà từ nhỏ. Mỗi ngày không được uống trà như thiếu năng lượng. Ba Linh thích uống trà, mỗi sáng mẹ thường pha một ấm để Linh uống chung với ba. Lúc đầu, Linh chỉ uống loại trà đắng, lớn lên bắt đầu tìm hiểu mới thấy có rất nhiều loại trà khác nhau”.

Trước khi quyết định mở “Tiệm trà của Linh”, Phương Linh từng đi uống ở nhiều tiệm trà khác nhau trong Sài Gòn và thấy đa số đều bán trà châu Âu, trà Anh, còn trà phương Đông hay trà Việt rất hạn chế. Từ đây, Linh có ý tưởng giới thiệu với mọi người các sản phẩm trà thuần Việt, song song đó, giới thiệu thêm một số loại trà đặc sản Trung Hoa. Do đất nước Trung Hoa là cái nôi của trà.

“Thực ra, các loại trà này có bán online, thậm chí một vài tiệm còn có trà hoa mang về. Tuy nhiên, gần như chưa có ai pha trà cho khách tại chỗ. Linh mong muốn mở một tiệm trà nhỏ như vậy. Có vài tiệm mở ra có khoảng 10 loại trà, riêng tiệm của Linh đã có khoảng 40 loại trà”, cô chủ nhỏ nói.

Theo quan sát, ở Sài Gòn vẫn có các quán trà Việt do những người đã có tuổi thành lập. Hướng đi của họ là trải nghiệm trà đạo, trà cụ. Từ đó, đối tượng khách hàng cũng rất hạn chế. Giới trẻ cũng ngại đến uống trà ở những không gian mà “nghề chơi cũng lắm công phu”, có nhiều hương trầm và biểu tượng Phật pháp…

Riêng ở “Tiệm trà của Linh”, Phương Linh muốn dung hòa các nhu cầu đó với nhau. Khách hàng của Linh có thể là người trẻ, người già, người sành uống trà hoặc người chưa biết về trà. Với người lần đầu đến, Linh sẽ tư vấn cho họ về các loại trà dễ uống, tạo điều kiện để khách quay lại nhiều lần, thử nhiều loại trà khác nhau.

 Không gian nhỏ xinh tại tiệm trà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Tiệm trà của Linh” có gì hấp dẫn ?

“Tiệm trà của Linh” được thiết kế theo hướng cổ điển pha lẫn nét hiện đại. Đến tiệm trà, giới trẻ vẫn có không gian để làm việc, trò chuyện, check-in Facebook…

Ở Sài Gòn, khu vực quận 5 có nhiều người Hoa sinh sống, gắn liền với một không gian văn hóa truyền thống Trung Hoa, điều này rất phù hợp với quan niệm của Linh. Đối với cô chủ nhỏ, tiệm trà phải thực sự yên tĩnh, đặt trong những hẻm nhỏ, đủ sức phục vụ tầm 15 – 20 khách.

Nhờ có anh trai đang làm kiến trúc sư, Phương Linh nhận được sự tư vấn đắc lực trong việc set-up quán. Ở tiệm trà, tre và mây là những chất liệu chính được dùng làm bàn ghế, vật dụng trang trí nhằm bảo đảm tính thuần Việt. Mặc dù không gian nhỏ, nhưng quán có rất nhiều cây xanh.

Về trà, Linh chia sẻ rằng: “Ví dụ, ô long là trà nổi tiếng ở vùng Bảo Lộc, Cầu Đất. Còn trà hoa và thảo mộc như đào, lưu ly, mẫu đơn thì tìm nguồn ở khu vực phía Bắc, nơi có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp. Một số hoa trà phải nhập từ Trung Quốc như Thiết Quan Âm, Phổ Nhĩ…”.

Linh còn có một người thầy chuyên bốc thuốc Đông y, thầy thường giới thiệu những bài thuốc hay để Linh tham khảo khi phối trộn những loại trà với nhau. Đơn cử như là sen có vị đắng, sẽ trộn với hoa lavender cho dịu vị.

Vì thưởng trà cũng “lắm công phu” nên nhiều bạn chưa biết về trà đến tiệm thường hỏi chủ trà nào dễ uống, có vị ngọt tự nhiên. Lúc đó, Linh thường giới thiệu trà thảo mộc có cỏ ngọt. Không ít khách hàng quay lại tiệm nhiều lần và chỉ trung thành với một loại trà.

Cũng có những loại trà đòi hỏi người uống phải có gu cảm nhận tinh tế, ví dụ như bạch trà, có giá hơn 1 triệu đến 2 triệu đồng/kg. Hoăc trà nõn khác với lá trà xanh bình thường, chênh lệch cả về mức giá, đòi hỏi người dùng biết thưởng thức…

 Khách đến thưởng trà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Một lần đến thưởng trà…

Đến “Tiệm trà của Linh”, tôi được cô chủ tận tình hướng dẫn cách pha các loại trà khác nhau một cách tỉ mẩn. Đối với bạch trà, bạn cần tráng cho ấm nóng, vừa bỏ trà vào thì phải đổ nước ra ngay, đó gọi là “rửa trà”.

Sau đó chỉ dùng nước ấm 80 độ, vì lá trà non, dễ bị cháy nếu dùng nước sôi. Đối với ô long nhân sâm, cần có một ấm phụ (tống trà) để đổ nước trà từ ấm chính ra, do những loại trà này khi ngâm nước nóng quá lâu sẽ ra nhiều chất, làm trà không ngon.

Ngoài pha trà cho khách dùng tại tiệm, Linh còn bán trà đóng gói đem về, các sản phẩm đóng gói đều dùng bằng giấy, hạn chế sử dụng chất liệu nhựa. Các loại trà sẽ được đóng thành set túi lọc dùng trong 7 ngày, 14 ngày, 30 ngày. Mỗi ngày sẽ là những loại trà khác nhau.

Vì không gian tiệm trà đẹp, yên tĩnh nên thu hút nhiều khách hàng đến chụp hình sản phẩm, hoăc có cả một nhóm thiền đặt trước một buổi tối trăng tròn để thiền năng lượng trăng, thiền chuông. Không gian của tiệm còn phù hợp cho những bạn trẻ có mối quan tâm đến huyền học phương Đông.

Thỉnh thoảng, họ hay tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi và thực hành Kinh dịch, tử vi… Thậm chí, có những bậc cao niên có kinh nghiệm 40 năm về trà cũng tìm đến quán.

Ở một góc nhỏ gần cửa ra vào của tiệm, tôi còn thấy một giá treo được bày biện gọn gàng. Trên đó là những sản phẩm cổ phong, túi thơm, văn phòng tứ bảo, ngọc bội, bôi uống rượu, ấn triện… dành cho người hoài cổ.

“Đa phần khách hàng đến đây đều là các bạn trẻ, tần suất các bạn quay lại khá nhiều, có bạn còn mang tặng bánh, tặng sách cho chủ quán”, Phương Linh kể về sự quý mến của khách hàng.

Nguồn: giaoducthoidai.vn

https://giaoducthoidai.vn/tre/co-gai-9x-khoi-nghiep-voi-tiem-tra-nho-xinh-4054981-b.html

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc