Đã có hàng loạt chính sách ưu việt được quy định trong Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn dành cho NLĐ nữ như nghỉ ngơi, vắt trữ sữa trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng; nghỉ ngơi trong thời gian hành kinh; quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn thực hiện HĐLĐ trong thời kỳ mang thai… Tuy nhiên, trên thực tế tại rất nhiều DN, các quyền lợi cơ bản này của NLĐ nữ chưa từng được áp dụng!

NLĐ không biết, DN làm ngơ

Bộ luật Lao động 2012 dành hẳn Chương X quy định những điều khoản riêng cho lao động nữ với nhiều chính sách ưu việt, tiến bộ và Nghị định 85/2015/NĐ-CP đã hướng dẫn rất chi tiết vấn đề này. Tuy nhiên, có rất ít DN thực hiện; trong khi NLĐ hầu như không biết để tự bảo vệ quyền lợi cho mình.

Lao động nữ cần được quan tâm chăm sóc

Đơn cử, tại Khoản 2, Điều 7, Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định: “Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu 3 ngày trong một tháng; thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo HĐLĐ”. Thế nhưng, mới đây khi tiếp cận một DN may có tiếng tại TP.HCM (DN này sử dụng hàng ngàn lao động nữ), chúng tôi đều giật mình khi biết hầu hết NLĐ không biết quy định này. Chị Lan (quê Cà Mau) cho biết: “Công ty không hề phổ biến quy định này cho công nhân, trong khi tụi em suốt ngày đầu tắt mặt tối trong xưởng, về nhà còn lo cơm nước, con cái nên không có thời gian để… đọc luật”. Cũng theo chị Lan, trong những ngày bị hành kinh thường rất đau bụng, trong người khó chịu, uể oải, nhưng chị em vẫn phải cố gắng làm việc, cùng lắm cũng chỉ xin đi vệ sinh vài phút. Nếu biết quy định này, được nghỉ chừng 30 phút, cũng là quá tốt để hồi phục sức khỏe.

Đến Công ty TNHH May mặc AV (Đồng Nai), chúng tôi cũng ghi nhận rất đông nữ công nhân không biết quy định ưu việt dành cho mình, nhất là những công nhân đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ. Tại Khoản 3, Điều 7, Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định: “Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi; thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo HĐLĐ”. Chị Minh Anh, một nữ công nhân đang nuôi con 7 tháng tuổi cho biết: “Quy định nghỉ một ngày 60 phút thì em có biết. Tuy nhiên, vấn đề vắt sữa, trữ sữa thì… mù tịt, vì Công ty cũng không nói và cũng không bố trí chỗ nào để chị em vắt, trữ sữa. Công ty chỉ có một nơi kín đáo duy nhất là nhà vệ sinh, nhưng vào đó vắt sữa thì không ổn”.

Hàng loạt các chính sách ưu việt khác dành cho lao động nữ được pháp luật quy định rất rõ như: “Người SDLĐ bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ Y tế; người SDLĐ xây dựng phương án, kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo đối với lao động nữ có con trong độ tuổi gửi trẻ, mẫu giáo bằng tiền mặt hoặc hiện vật; người SDLĐ không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi…”.

Thế nhưng, theo phản ánh của công nhân, nhiều nhà vệ sinh chật chội, hôi hám, nhiều khi đi vệ sinh cũng phải xếp hàng chờ đợi; công nhân không có nơi gửi con; tình trạng sa thải nữ công nhân mang thai… vẫn diễn ra.

Những điểm sáng chăm lo cho lao động nữ

Bên cạnh một số DN thiếu trách nhiệm, cũng có nhiều DN luôn có sự quan tâm chăm lo lao động nữ chu đáo, như Công ty TNHH Samsung Electronics HCMC CE Complex (TP.HCM). Tại đây, lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút. Lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ được phép ra vào Công ty không qua cổng từ và không phải xếp hàng khi đi qua cổng; được sử dụng chỗ đậu xe ưu tiên để tiện cho việc di chuyển; được cung cấp thêm một hộp sữa vào bữa ăn nhằm tăng cường dinh dưỡng và được ưu tiên không xếp hàng khi nhận suất ăn. Trường hợp nhân viên nữ đang mang thai hoặc có con dưới 1 tuổi cảm thấy mệt mỏi, đói bụng có thể sử dụng phòng riêng để nghỉ ngơi. Nhân viên nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi có phòng riêng để vắt, trữ sữa tối đa 2 lần/ngày, mỗi lần 30 phút.

Ngoài ra, mỗi tuần Samsung còn áp dụng 2 suất ăn đặc biệt với chế độ ăn tốt hơn (thêm khẩu phần ăn, sữa, hoa quả…) đảm bảo thai nhi được cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Đáng chú ý, ngoài 6 tháng nghỉ thai sản, lao động nữ mang thai đến tháng thứ 7 sẽ được nghỉ thai sản sớm trước 2 tháng và vẫn được chi trả 70% lương… “Chính những quy định này đã khiến công nhân rất yên tâm làm việc, gắn bó với Công ty”- bà Kiều Ngọc Hoa- Chủ tịch Công đoàn Công ty Samsung chia sẻ.

Tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM), lao động nữ cũng được quan tâm, chăm sóc chu đáo. Khi nhắc đến góc BlueStar- Ngôi Sao Xanh trong phòng khám của Công ty thì ai cũng tường tận. Đây là kết quả dự án “Chương trình Hợp tác Y tế” do tổ chức phi chính phủ Marie Stopes Việt Nam (MSV), Tập đoàn Pou Chen và Bộ Ngoại giao Australia phối hợp thực hiện. Ông Củ Phát Nghiệp- Chủ tịch Công đoàn Công ty PouYuen cho biết: “Trước đây, công nhân thường phải xin nghỉ phép để đi khám ở bên ngoài, làm giảm thu nhập cũng như năng suất lao động, tốn thêm thời gian và chi phí đi lại. Nay với góc BlueStar- Ngôi Sao Xanh, đã giúp tiết kiệm chi phí cho công nhân, tăng năng suất, sức khoẻ và sự hài lòng trong công việc, đồng thời giúp cải thiện tài chính cho họ”.

Dù vậy, số DN chăm lo, quan tâm chu đáo tới lao động nữ như 2 DN trên không nhiều!

Phạm Thọ

Theo Luật sư Hồ Nguyên Lễ- Giám đốc Công ty TNHH Luật Tín Nghĩa (TP.HCM), hiện có tình trạng nhiều DN “vẽ” ra những quy định hà khắc, trái pháp luật, ảnh hưởng đến sức khỏe của lao động nữ. Điều này cho thấy, luật pháp chưa nghiêm, thiếu chế tài xử lý. Bên cạnh đó, nhiều chính sách chỉ mang tính chất vận động, khuyến khích DN thực hiện như: Người SDLĐ lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ, hỗ trợ, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo…  nên DN có thể làm hoặc không. Hoặc, nếu DN vi phạm quy định thời gian nghỉ ngơi của lao động nữ khi hành kinh cũng chỉ bị xử phạt 500.000- 1.000.000 đồng nên không đủ sức răn đe.

 

Nguồn: Báo Bảo hiểm XH VN/baobaohiemxahoi.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc