Ngày 09/9/2023, nhân dịp ra mắt sách “Ước vọng về quốc gia lập trình” và Ra mắt “Quỹ Code for Vietnam”, MindX đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Từ tiếng Anh đến tiếng Code’ tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TP.HCM.

Các diễn giả đã có mặt và cùng chia sẻ như: tác giả Nguyễn Thanh Tùng, Đồng sáng lập và CEO MindX, Nguyễn Thị Thu Hà, Đồng sáng lập và COO, MindX, Bà Trần Hoài Phương, Quản lý đầu tư tại Việt Nam của Quỹ Wavemaker Partners, với người dẫn chuyện là anh Lang Minh, Cố vấn giáo dục cao cấp, MindX.

Buổi giao lưu thu hút nhiều bạn trẻ

Chủ đề buổi giao lưu xoay quanh: Câu chuyện khởi nghiệp “kiểu loài gián” bền bỉ và độc đáo trong lĩnh vực giáo dục công nghệ của một startup Việt Nam đã vươn lên tầm vóc lớn ở Đông Nam Á; Thông điệp Khuyến học 4.0++ cho người Việt Nam khi công nghệ và các kỹ năng đặc thù của nó đang trở thành ngôn ngữ mới của toàn nhân loại; Ra mắt Quỹ Code for Vietnam – cây cầu tri thức nối những bạn trẻ Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn với các kiến thức về công nghệ, lập trình.

Cuốn sách “Ước vọng về quốc gia lập trình” của CEO MindX đã tái bản ngay khi vừa ra mắt. Sách dành cho người khởi nghiệp, dân công nghệ và những ai muốn dõi theo những bước tiến trong công nghệ.

TRÍCH DẪN: ƯỚC VỌNG VỀ QUỐC GIA LẬP TRÌNH – TỪ TIẾNG ANH ĐẾN TIẾNG CODE

“Tôi rất hạnh phúc khi bạn đang cầm cuốn sách này.

Cuốn sách này ghi lại hành trình cá nhân của tôi từ một sinh viên Bách Khoa bỏ học giữa chừng (tôi phải dành riêng chương đầu tiên để khẳng định mình không noi theo “tấm gương” Bill Gates) đến giám đốc điều hành hệ sinh thái giáo dục – khởi nghiệp MindX. Một hành trình đầy tính ‘hải tặc’, tức là không bao giờ dừng lại và luôn đi tìm một kho báu chưa bao giờ tồn tại sẵn trên bản đồ.

Tôi mong đem đến cho bạn niềm hứng khởi mà tôi có sau khi trải qua nhiều thăng trầm, giờ đây sự nghiệp của tôi là sự kết hợp cân bằng giữa tinh thần khởi nghiệp mạo hiểm – tính thực nghiệp của công nghệ – sứ mệnh phụng sự cộng đồng với giáo dục (đặc biệt là giáo dục sớm các kỹ năng sơ học về công nghệ – digital literacy).

Tôi cũng mong chúng ta, qua từng câu chuyện, chia sẻ với nhau viễn kiến về một quốc gia lập trình – nơi mọi người dân đều trở thành các công dân số có hiểu biết và năng lực về công nghệ để khơi dậy tiềm năng to lớn của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh vĩ đại chưa từng thấy trong lịch sử – Cách mạng công nghiệp 4.0; thay vì trở thành những công dân tiêu thụ hạng hai – nô lệ cho các sản phẩm công nghệ thương mại.”

“Cảm nhận về một điều gì đó mới mẻ và lớn lao, dự phần vào đó. Đấy là phẩm chất của một người làm công nghệ trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Những bậc thầy trên bỏ học không phải vì họ coi thường trường lớp mà họ vội vã muốn dự phần vào việc thay đổi thế giới.”

“Điều làm tôi thực sự thấy thiếu là nơi dung dưỡng và khuyến khích cho cái cảm giác về một điều lớn lao sắp tới trong một thế giới đang đổi thay từng ngày, bởi tuổi trẻ và công nghệ là để theo đuổi cảm giác đó.”

“Học để theo đuổi thời đại, trở thành một phần của ngọn thủy triều của chính đời mình.”

“Kỹ sư phần mềm, trong bối cảnh công nghệ chiếm lĩnh mọi ngõ ngách của cuộc sống, sẽ ít giống một anh thợ cao cấp được đặt hàng làm ra món đồ tinh xảo, mà càng ngày càng giống một chuyên gia giải quyết vấn đề thực tiễn bằng cách giải pháp công nghệ.”

Ông Khan tổng kết: “Ngày nay, ai nắm được công nghệ số, người đó sẽ bắt cả thế giới ‘chơi’ theo luật của mình.”

“Lần đầu tiên, những thị dân nhàn rỗi, ngồi ì và dán mắt vào truyền hình mỗi cuối tuần giờ đã dành thời gian đăng tải những câu chuyện cá nhân thường nhật lên Internet, thay vì tiếp tục thụ động tiêu thụ nội dung được phân phối sẵn bởi các ông trùm truyền thông muốn chiếm giữ Internet làm của riêng.

Internet thay vì thành miếng đất cho các ông trùm truyền thông nắm giữ, đã thành vườn hoa muôn sắc mà mỗi người đóng góp những gì cá nhân nhất của mình: một bữa sáng lạ mắt, một bài cảm nhận về phim vừa xem tối qua, cho đến quan điểm về chính sách mới có hiệu lực.

Blog đã trả lại cho Internet ý nghĩa ban đầu của nó: chia sẻ và hợp tác thông tin ngang hàng với nhau (thay vì một “máy chủ” đầy quyền năng phân phối thông tin đến những người dùng nhỏ bé). Bắt đầu từ blog (và ngay sau đó là Wikipedia), quá trình dân chủ hóa thông tin đánh dấu kỷ nguyên Internet “lấy người dùng làm trung tâm”.

Niềm cảm hứng lớn nhất mà Williams mang lại cho tôi là khao khát dùng công nghệ để đem thông tin hữu ích đến cho những người nhỏ bé và kết nối họ lại. Đó chính là linh hồn của Internet.”

“Kết nối với một cộng đồng là một trong những mong muốn cơ bản dẫn đến thế giới số”. Williams đã chia sẻ với sử gia Walter Isaacson như vậy.

“Bài học được rút ra từ MYSTORY là: không có bài học nào hết. Kinh nghiệm thành công của người đi trước chỉ mang tính truyền cảm hứng và tham khảo, còn một sản phẩm khởi nghiệp cụ thể phải dựa trên những vấn đề riêng mà nó muốn giải quyết.”

“Một số sử gia cho rằng sau thời Phục hưng, giới trí thức của châu Âu phát triển cực thịnh một lần nữa vào thế kỷ XIX, khi các trí thức bắt đầu tụ họp tại các không gian công cộng như quán cà phê để thảo luận cùng nhau. Khi tri thức được mở rộng đến các không gian đại chúng nằm ngoài Viện hàn lâm, nó thực sự trưởng thành, đi vào cuộc sống, và ảnh hưởng đến tiến trình chung của xã hội.”

Ban lãnh đạo MindX và các cộng sự cùng chụp hình lưu niệm tại buổi giao lưu

“Nhóm học tập của tôi đã hỗ trợ việc ôn luyện các kỳ thi bằng các “giáo viên nghiệp dư”, chính các bạn đã thi thành công chia sẻ lại kinh nghiệm cho người sau cùng mức giá rất “sinh viên”. Huy động được sức mạnh của cộng đồng thì việc khó nào cũng có thể giải quyết được.”

“Những người không quen kia là “dân chợ” năm xưa, dù bố đã nghỉ hưu sớm bao năm thì trong mắt họ, ông vẫn là người công an nhân dân không gì thay thế được, vĩnh viễn trở thành một phần của khu chợ ấy – với đức tin không gì lay chuyển nổi là phải làm một điều gì đó vượt lên trên bản thân mình, trở thành một phần trường tồn của cộng đồng.”

“Công việc không chỉ là công việc, mà bất kỳ những gì mình làm sẽ dội lại thành những đợt sóng đến cộng đồng xung quanh mình, đến tâm tưởng của người thân mình, và đến hành động của những thế hệ tương lai.”

“Với trẻ em, [trò Mario] đó không chỉ là giải trí, mà là cả một thế giới mới.”

“Tôi cũng muốn tự tạo ra một trò chơi như thế, ấn bàn phím rồi cả một chuyến phiêu lưu bắt đầu.”

“Phương pháp học tập lấy sáng tạo sản phẩm làm trung tâm, lấy cộng đồng tương tác để học hỏi lẫn nhau”

“Với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, chúng ta sẽ có nhiều kiểu giao tiếp hơn kiểu giao tiếp người – người truyền thống: người – máy (người dạy AI vẽ tranh), người – người thông qua máy móc (dạy học trực tuyến), máy – người (máy dùng dữ liệu lớn để thông báo tình trạng sức khỏe của chủ nhân)… mà trung tâm của những giao tiếp đó là ngôn ngữ lập trình.”

“Học tập để đuổi kịp không phải là chiến lược hay chính sách mà nó phải là tinh thần của các thế hệ tiếp bước nhau vì một cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 không thể thiếu cái tên Việt Nam.

Tác giả Nguyễn Thanh Tùng (áo đen) giao lưu cùng độc giả

Tác giả Nguyễn Thanh Tùng hiện là CEO của hệ sinh thái giáo dục – khởi nghiệp MindX, đã hoàn thành vòng gọi vốn series A từ quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế ngay giữa cao điểm dịch Covid-19 và vòng gọi vốn series B hơn một năm sau đó, đối tác triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 (giai đoạn 2022-2025)” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Triết lý giáo dục của MindX cũng là những giá trị phổ quát cho người làm khởi nghiệp công nghệ: kiên tâm – lì lợm với niềm đam mê của cá nhân, liên tục đổi mới sáng tạo, chủ động chia sẻ tri thức để biến mỗi lớp học thành một cộng đồng thực học – thực nghiệp, và tâm thế về một quốc gia lập trình – nơi mỗi học viên công nghệ là một mảnh ghép cho chiến lược cạnh tranh quốc gia.

 

My My

(CLB Phụ Nữ Hiện Đại)

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc