[Phụ Nữ Hiện Đại] – Đối với những vị trí có tính cạnh tranh cao và đòi hỏi ứng viên phải có khả năng chịu áp lực công việc, nhà tuyển dụng sẽ thăm dò ý kiến của bạn ngay trong buổi phỏng vấn. Để có thể vượt qua được câu hỏi này, bạn cần phải chia sẻ thực về kinh nghiệm làm việc cũng như thể hiện tinh thần sẵn sàng vượt qua thử thách.

Cụ thể, bạn nên chia sẻ những điều sau khi tìm việc làm ở Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM…

Tinh thần sẵn sàng đối diện và vượt qua thử thách

 

Đầu tiên, bạn cần thể hiện được tinh thần sẵn sàng đối diện cũng như thái độ tự tin khi được hỏi về khả năng chịu đựng áp lực công việc. Bạn có thể bày tỏ quan điểm rằng bạn luôn hiểu công việc nào cũng có áp lực riêng. Đôi khi chỉ giỏi chuyên môn hoặc cứng tay nghề vẫn chưa đủ mà còn cần phải có bản lĩnh để vượt qua những tình huống khó khăn. Hãy cho thấy bạn luôn chuẩn bị tâm thế cho những thử thách có thể xảy ra, không để bản thân bị động và cố gắng tìm giải pháp để vượt qua chứ không dễ chùn bước.

Đề cập đến áp lực công việc thực tế mà bạn từng trải qua

Để tăng sức thuyết phục cho câu trả lời của mình, bạn cũng đừng quên đưa ra ví dụ cụ thể, thực tế về những áp lực công việc bạn đã trải qua. Chẳng hạn như: “Vào năm trước khi tôi còn làm việc ở công ty A, tôi và đôi nhóm phải làm việc gấp 2 năng suất vào dịp cận Tết để có thể đáp ứng được nhu cầu khách hàng trong giai đoạn này. Trong tuần đầu, mọi người khá căng thẳng khi phải đi sớm về khuya; tuy nhiên, sau khoảng nửa tháng thì chúng tôi đã quen với nhịp độ công việc khẩn trương và lên kế hoạch làm việc hợp lý hơn. Điều này giúp chúng tôi nhanh chóng hoàn thành mục tiêu và nhiều năm liền được giao những dự án áp lực cao. Do đó, đối với tôi áp lực trong bất cứ vị trí nào đều là vấn đề chúng ta có thể đối diện và vượt qua nếu đi đúng hướng”.

Nhấn mạnh khả năng xử lý các tình huống áp lực cao

Tất cả các nhà tuyển dụng đều hiểu rằng áp lực công việc là điều rất khó tránh khỏi, đôi khi cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng cũng như cách làm việc của nhân viên. Song, họ vẫn mong muốn bạn có thể tự xoay sở và sẽ không bị suy sụp với sức nặng của trách nhiệm hoặc chuyển giao công việc cho người khác. Do vậy, nhà tuyển dụng luôn mong muốn tìm kiếm những người sở hữu sự lanh lợi, khôn khéo và có phương pháp xử lý tình huống hiệu quả chứ không phải chỉ là thụ động chịu áp lực.

Chẳng hạn tiếp tục ví dụ bên trên, bạn đang kể về những dự án áp lực cao khi còn làm ở công ty A, bạn có thể nói thêm về cách mà bạn đã giúp đội nhóm của mình đạt được mục tiêu (lập kế hoạch chi tiết, chia việc ra cho từng người theo đúng chuyên môn, chia nhỏ mục tiêu theo từng giai đoạn để dễ dàng đạt mức chỉ tiêu đặt ra khiến mọi người thoải mái, lạc quan hơn, hỗ trợ nhau những việc khó,…).

Nếu bạn là ứng viên mới tốt nghiệp, chưa từng đi làm ở các công ty doanh nghiệp và va chạm công việc chính nhiều thì cũng đừng quá lo lắng bởi bạn vẫn có thể đề cập đến công việc bán thời gian. Những công việc part-time cũng có những áp lực giúp bạn rèn luyện khả năng vượt qua căng thẳng nên hãy tự tin chia sẻ với nhà tuyển dụng. Ví dụ nếu làm nhân viên phục vụ, bạn có thể kể về những áp lực khi quán đông khách, khi bạn nhận order nhiều bạn cùng một lúc hoặc lúc dọn dẹp vệ sinh quán khi có sự cố xảy ra,… Và sau đó nhấn mạnh bạn đã có thể xử lý những tình huống đó như thế nào.

Đề cập đến lợi ích của các áp lực trong công việc

Đây cũng là điều mà các nhà tuyển dụng muốn nhìn thấy ở một ứng viên trong buổi phỏng vấn. Chẳng hạn, những kỹ năng mềm mà bạn đã gặt hái được sau khi trải qua áp lực công việc như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp thương lượng, kỹ năng lập kế hoạch theo giai đoạn, kỹ năng quản lý thời gian,… Trong một số trường hợp, bạn cũng có thể nhắc đến việc bản thân mình đã thay đổi ra sao sau khi trải qua áp lực công việc.

Ví dụ như: “Sau khi trải qua một khoảng thời gian tương đối áp lực khi làm việc với dự án B, tôi thấy mình đã có nhiều sự thay đổi theo hướng tích cực. Tôi đã kiên trì và mạnh mẽ hơn rất nhiều để hoàn thành dự án, đặc biệt điều này sẽ mang đến cho tôi nhiều cơ hội hơn. Tôi không còn nghi ngờ về năng lực bản thân vì tôi nghĩ tôi hoàn toàn đủ khả năng để vượt qua mọi áp lực. Không thể phủ nhận rằng những áp lực công việc đã trải qua đã mang đến nhiều lợi ích cho tôi.”

Thái độ cởi mở và tự tin khi đối diện với câu hỏi về khả năng chịu áp lực công việc cũng là một trong những cách thể hiện giúp nhà tuyển dụng đánh giá phẩm chất này rõ ràng nhất. Đừng quên giữ thần thái vui vẻ và lời tạm biệt lịch sự với người phỏng vấn dù kết quả như thế nào, điều này phần nào cũng chứng minh cho bản lĩnh vượt qua áp lực của bạn trong công việc và cuộc sống.

Pha Lê

 

 

 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc