Cuốn truyện tranh “Thiện và Ác và Cổ tích” do NXB Kim Đồng ấn hành, vừa ra mắt đầu năm 2019 của Thủy Nguyên đã nhanh chóng thu hút người đọc với lối tiếp cận và diễn đạt cổ tích theo hướng hiện đại, mới mẻ cùng với những tranh vẽ minh họa sinh động, bắt mắt. Tác giả Thủy Nguyên chia sẻ với bạn đọc của các họa sĩ để tạo ra cuốn artbook giá trị này. 

PV: Cơ duyên nào đưa chị đến với việc kể chuyện cổ tích theo một cách hoàn toàn mới?

Mình tiếp cận với văn học dân gian từ rất sớm bởi sinh ra trong gia đình có ông bà là cả một kho tàng những truyện cổ, lời ru phong phú. Ông nội biết rất nhiều truyện cổ, bà nội thuộc rất nhiều ca dao, dân ca. Cha mẹ biết con có tình yêu cho văn học, văn hóa nên luôn tạo điều kiện cho con bồi đắp kiến thức. Khi vào Đại học, chuyên ngành học vẫn là văn học, sau Đại học là chuyên ngành văn hóa, được các thầy cô truyền thêm kiến thức, tìm hiểu thêm về văn học dân gian, văn hóa dân gian sâu hơn. Khi làm mẹ, mình cũng muốn cô con gái nhỏ được tiếp cận với những giá trị đẹp của văn hóa dân tộc – khởi đầu đơn giản từ những lời ru, thế giới truyện cổ.

Ở nhà có rất nhiều sách truyện cổ tích cho con và hầu như ngày nào con cũng đòi mẹ kể. Khi kể cho con, vẫn là những truyện cổ đó, mình muốn con thêm hứng thú nên thường nhấn nhá, đóng vai nhân vật, có khi diễn kịch cho con xem. Vì vậy, có truyện cổ con nghe đi nghe lại nhiều lần nhưng vẫn không thấy chán vì mẹ thay đổi cách kể hơn một chút. Mình cũng từng nghĩ truyện cổ đã rất quen thuộc với các bé, nhưng nếu thay đổi hướng kể đi một chút, trẻ em sẽ hào hứng hơn. Chính vì vậy, khi nhận được lời mời từ phía nhà xuất bản cùng dự định làm truyện cổ cho trẻ mình đã rất vui bởi đây là cơ hội để mình thực hiện một cuốn sách với hướng đi mới cho truyện cổ, phần nào gửi gắm được mong muốn bồi đắp thêm tình yêu cho các con dành cho văn học dân gian, văn hóa dân tộc.

Bìa sách “Thiện và Ác và Cổ tích”

PV: Tại sao lại là 16 truyện cổ, mà không phải một con số ít hơn hay nhiều hơn? Khi bắt tay vào thực hiện, bạn chọn truyện theo tiêu chí nào?

Truyện cổ Việt Nam rất nhiều nhưng ở “Thiện và Ác và Cổ tích” chỉ chọn lọc những truyện thật đặc sắc trong kho tàng truyện cổ. Đó là những truyện được trẻ em yêu thích nhất, biết đến nhiều nhất, nổi bật bởi những tuyến nhân vật Thiện – Ác đối đầu nhất như: Thạch Sanh – Lý Thông, Tấm – Cám, Sơn Tinh – Thủy Tinh,… Cũng có những truyện không đối kháng tuyến nhân vật Thiện – Ác mà nổi bật những cặp nhân vật trong mối tương quan để từ đó làm bật ý nghĩa, giá trị truyện như: Lạc Long Quân – Âu Cơ, Mai An Tiêm – Vua Hùng,… Qua thống kê tìm hiểu trong kho truyện cổ mình chọn lọc được số lượng 16 câu chuyện như trên.

Cuốn sách này để cho cả hai phe Thiện và Ác cùng cất tiếng nói kể lại câu chuyện của mình một cách công bằng nhất. Độc giả, những em nhỏ sẽ là người đánh giá, đúc rút ra ý nghĩa bài học từ chính câu chuyện hai tuyến nhân vật kể. Phe Ác vẫn thường bị lên án, khi kể bằng ngôi thứ 3 trong truyện cổ thông thường chúng ta vẫn thường nghe những từ mà dân gian lồng vào truyện khi nhắc đến họ như: “có tên bán rượu Lý Thông gian xảo”, “Cám độc ác”,… Với cách kể cho phe Ác lên tiếng, tuyến nhân vật Ác được tự kể lại chuyện của mình, tự biện hộ cho mình. Độc giả có thể hiểu tâm lý của tuyến nhân vật phản diện này hơn.

PV: Khi biên soạn phần nội dung, bạn có hình dung về mỹ thuật của cuốn sách như thế nào? Và thực tế chị nhận thấy ra sao?

Khi biên soạn nội dung, mình cũng có hình dung về nội dung sách sẽ có những tranh vẽ minh họa cốt truyện nhưng thực tế khi ngắm tranh thì mọi thứ vượt xa cả trí tưởng tượng của mình. Vì phần minh họa tranh vẽ quá đẹp. Mỗi truyện là một họa sĩ phụ trách và phần tranh lớn nằm trung tâm với những nét vẽ chăm chút tỉ mỉ.Chính vì vậy, bạn bè mình và không ít độc giả đã khen đây thực sự là một cuốn sách đẹp, một artbook giá trị. 

Tác giả Thủy Nguyên

PV: Chị có thể tiết lộ một vài dự định trong thời gian tới?

Năm 2019 này mình cũng tiếp tục kết hợp với Nhà xuất bản Kim Đồng làm thêm những đầu sách cho thiếu nhi. Bên cạnh đó mình tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của CLB Truyền thông-MC nhí để tạo sân chơi kỹ năng cho các bé giúp các bé tự tin trong giao tiếp. Mình tiếp tục tổ chức các buổi Workshop hướng dẫn bé trồng cây định kỳ hàng tháng tại khu vườn “Thuốc Quý Việt” ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Và ngoài ra công việc làm vườn cũng vẫn được mình vẫn tiếp tục. Nó sẽ giúp mình có thêm thu nhập, tạo nguồn cảm hứng viết sách và cân bằng được cuộc sống gia đình.

Một trong những dự án mà mình tâm đắc và sẽ triển khai trong năm 2019 này đó là “Tủ sách cổ tích”. Dự án sẽ vận động các bé, các ba mẹ cùng chung tay tặng sách truyện cũ để tặng lại các em nhỏ ở các mái ấm nhà mở còn nhiều khó khăn về điều kiện học tập. Hy vọng dự án này sẽ được nhiều người đón nhận và cùng ủng hộ.

Tác giả tặng sách cho bạn đọc trong một chương trình thiện nguyện

PV: Chúc cho những dự định của bạn sớm hoàn thành!

Nguồn: Hạnh  Chi (Báo Giáo Dục và Thời Đại – số ra ngày 11.03.2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc