Vợ cháu không siêng nội trợ, luộm thuộm hơn cả chồng. Không dứt nhau được nhưng cấm chán nhau cũng không được. Lại còn mê mạng miếc hơn con và chồng thì cháu hy vọng sao đây? 

Thưa cô! Cháu tự nhận là mình không gương mẫu với vợ con trong việc nhà, hoặc trong sở thích với những tiện nghi điện tử. Cháu là đứa rất thích kiến tạo gia đình cho kịp với cuộc sống hiện đại, computer bàn có trước bạn bè, laptop hồi còn đắt lắm cũng mua luôn, sau thì iPad và sau nữa là smartphone cho cả vợ chồng.

Để con trai không nghiện game, cháu qui định giờ chơi cho nó. Nhưng với vợ thì cháu thả rông, cháu tin vào tự giác. Nhưng cô ơi, cháu có nhiều việc với điện thoại và cả iPad nhưng vợ cháu thì chỉ kết nối với bạn bè và lướt web, vậy mà cô ấy nghiện nặng thì cứu vãn làm sao đây cô? Phàm là phụ nữ thì khi chồng con về nhà, ai chẳng phải lăn và bếp, đúng không cô? Nhưng chúng cháu không ăn trưa với nhau như mọi đôi sống bằng lương công sở. Có nghĩa là cô ấy cũng đủ thời gian buổi trưa với bạn bè và facebook.

Thế mà về đến nhà, trong khi cháu lo cho con trai thì cô ấy ở trong bếp vừa làm vừa nghịch iPhone. Vợ chồng cháu giao hẹn với nhau: Nhiệm vụ của cháu mỗi chiều là đón con về, nó mới học lớp 2, cháu tắm táp, xem tập vở con và chơi với con cho tới lúc ăn cơm. Cơm xong, sau chương trình thời sự, cháu đi thể dục nửa giờ, về kèm con học bài. Mọi chuyện trong nhà là của vợ, cơm nước, dọn dẹp. Cô thấy phân công như vậy có hợp lý không, cháu thấy việc kèm con và chơi với con thời buổi này lại quan trọng không thua gì chuyện chợ búa và nấu ăn. Điều khó chịu nhất ở vợ cháu là nấu cháo điện thoại, mọi chuyện, với mẹ mình, em gái mình, hai cô bạn gái của mình. Và chuyện gì cũng đưa lên “phây” rồi ý kiến ý cò và canh like.

Váy áo cũng lấy mẫu trên mạng, mua gì cũng tin ở mạng, ăn ngủ cùng với những thứ mà lẽ ra cô ấy phải ngấy khi ngồi bên bàn giấy mỗi ngày. Người đâu có người nghiện ngập đến thế. Cháu chống lại, cháu không thèm facebook, cháu không nhìn vào màn hình vi tính khi ở nhà. Cháu chỉ lướt qua mạng xã hội, không để tâm nhiều, vì cháu còn đứa con trai đang nhìn vào cháu. Vợ cháu thuộc tuýp phụ nữ không siêng nội trợ, luộm thuộm hơn cả chồng.

Không dứt nhau được nhưng cấm chán nhau cũng không được. Lại còn mê mạng miếc hơn con và chồng thì cháu hy vọng sao đây? Mẹ cháu bảo nhà phải có hai con thì mới an tâm và cân bằng. Cháu sợ mình sẽ thành ôsin khi vợ sinh thêm đứa nữa. Nhưng không sinh thì cũng phải khiến vợ ra vợ chứ cô. Cô mách cho cháu mấy chước đi cô.

nghien-fb-1_ww150

——————– Cháu thân mến!

Thời của đồng đẳng, đồng tiến, đồng phát triển, cô thấy phụ nữ cũng có mọi quyền như đàn ông. Làm sếp, làm chủ, làm ra đồng tiền, làm ra địa vị. Và dĩ nhiên, bếp núc bị xếp xuống hàng thứ, trong đó, không ít người nghiện cuộc sống ảo qua các tiện nghi điện tử. Cô là phụ nữ cổ điển dù cô cũng hay bị phê bình là tân thời so với lứa của cô.

Nhưng dù có bận viết văn viết báo, cô vẫn dành thời gian đủ cho mọi nghĩa vụ của người nội tướng, người nội trợ và người tha thiết giá trị gia đình. Vì vậy cô rất chối với những cô nàng coi cuộc đời là một cõi tạm bợ. Sống ở nhà mà hồn gởi ở ngoài đường hay ở trên mạng, ở cơ quan thì tâm trí sẵn sàng cho chuyện buôn dưa lê trên điện thoại.

Bữa cơm đơn điệu, nhà cửa lộn xộn như chuồng trại, chồng kém thì trừng mắt quát, chồng giỏi thì ỷ lại luôn, con cái được xếp sau váy áo, giày dép và mua sắm…

Cháu đã vướng phải cô vợ gần như thế. Không phải do smartphone hay những thứ “phụ tùng” điện tử khác đâu, mà nếu sống ở thời bao cấp thì cô ta vẫn cứ đại khái với gia đình và nhà cửa. Ấy là người luôn tìm niềm vui ở những chỗ không gắn với hạnh phúc gia đình. Vợ đoảng thì chồng phải siêng năng nếu muốn con cái không chịu cảnh cha mẹ lìa tan. Nhưng vẫn phải cầm trịch nhịp nhà, tốt nhất là không nên chiều vợ trong việc mua sắm iPad, iPhone. Điện thoại cục gạch thì đã sao, đồ cổ, càng quý.

Cũng như cháu, không có tài khoản trên “phây” thì cháu lạc hậu như người rừng à? Cô đây, cô ở ẩn, cô không đi chợ “phây”, cô từ chối chen chân, bận rộn và ảo iếc. Cô không có thời gian cho niềm vui chưa cần thiết ấy. Cô thấy cháu rất nam nhi trong trách nhiệm với con. Vậy thì, với cô vợ nghiện ngập này, cháu tìm cách “khống chế”, điều chỉnh và đối thoại thẳng đi.

Bữa cơm vì sao dở, người mẹ cần làm gì cho một tấm gương, người vợ ra vợ là phải thơm, nhà cửa phải sạch, bếp núc phải tinh tươm, thế thôi. Muôn đời chồng phải ra chồng và vợ phải ra vợ, sai công thức là hư bột hư đường ngay thôi mà. Cố lên cháu nhá.

 Theo DẠ HƯƠNG/NongNghiep.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc