Ngày 15/04/2021 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2017 – 2020. Theo đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ dưới 5 tuổi trên toàn quốc là 19,6% và ở trẻ em tuổi học đường (5 – 19 tuổi) là 14,8%. Những con số biết nói này cho thấy không phải kinh tế gia đình ổn định là chắc chắn cải thiện được chiều cao cho trẻ.

Gen là yếu tố chính quyết định chiều cao của một cá thể và còn rất nhiều yếu tố khác gen tác động đến chiều cao trong suốt quá trình tăng trưởng của trẻ, như dinh dưỡng, sự tiết của các hormone (nội tiết tố), chế độ tập luyện, môi trường sống và cách sử dụng thuốc khi bệnh. Chúng ta sẽ không bàn luận về gen vì không thể tác động đến yếu tố này, các yếu tố còn lại nếu được thực hiện một cách hợp lý và khoa học sẽ giúp trẻ phát triển chiếu cao tối ưu.

Những sai lầm trong nuôi dưỡng ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ

  • Khẩu phần hàng ngày không phù hợp với độ tuổi ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa, hấp thu dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng, thiếu các dưỡng chất cần cho quá trình tăng trưởng của xương, như chất đạm (protein), chất béo, vitamin A, vitamin D, vitamin K, can xi, kẽm, ma nhê…
  • Ăn nhiều các thực phẩm giàu đạm (thịt, cá, tôm, cua…) và ăn mặn sẽ làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu.
  • Uống quá nhiều sữa so với khuyến nghị làm hạn chế hấp thu các khoáng chất có liên quan đến tăng tưởng như sắt, kẽm, ma nhê…
  • Sử dụng hàm lượng chất xơ cao (để điều trị táo bón) làm hạn chế hấp thu các viatmin và khoáng chất.

Những thói quen sinh hoạt của gia đình làm trẻ chậm tăng chiều cao

  • Thức khuya và ngủ không đủ giấc: mối liên quan giữa tăng trưởng chiều cao và giấc ngủ được các nhà khoa học nhắc đến nhiều, ở trạng thái ngủ sâu vào ban đêm (từ 22 giờ đến 3 giờ sáng) tuyến yên sẽ giải phóng hormon tăng trưởng (GH) nhiều gấp 4 đến 6 lần so với trạng thái thức ban ngày. Trẻ thức khuya, ngủ không đủ giấc sẽ không tiết đủ lượng GH dẫn đến chậm tăng chiều cao.
  • Ít tập luyện cơ thể: Khi cơ thể ở trạng thái tĩnh (nằm, ngồi, đứng hoặc hoạt động chậm, nhẹ) thì lượng can xi đưa vào cơ thể qua khẩu phần hàng ngày sẽ bị đào thải qua nước tiểu nhiều hơn đưa vào xương.
  • Tự mua kháng sinh và corticoid đế điều trị các bệnh thông thường dẫn đến biếng ăn, kém tiêu hóa, kém hấp thu các dưỡng chất có liên quan đến chiều cao.

Những thực hành đơn giản giúp trẻ tăng chiều cao tối ưu

  • Chế độ ăn của trẻ cần đa dạng để bảo đảm cung cấp đủ các vitamin, khoáng chất và phù hợp với cân nặng, độ tuổi giúp trẻ tăng cân và chiều cao đúng chuẩn.
  • Tập cho trẻ thói quen dùng khẩu phần ít muối (ít Natri) bằng cách hạn chế sử dụng nước chấm, muối tiêu, thức ăn nhanh, thức ăn đóng hộp…
  • Trẻ cần được tiếp xúc với ánh nắng nhẹ mỗi ngày từ 20 – 30 phút để cơ thể tự tổng hợp vitamin D.
  • Dùng sữa vừa đủ với khuyến nghị của Viện Dinh Dưỡng quốc gia, cụ thể như sau:
  • Ngủ trước 22 giờ và ngủ đủ giấc:

– Trẻ 1 – 3 tuổi: ngủ từ 12 – 14 giờ mỗi ngày.

– Trẻ 3 – 6 tuổi: ngủ đủ từ 10 – 11 giờ mỗi ngày.

– Trẻ trên 6 tuổi: ngủ 8 – 10 giờ mỗi ngày.

  • Luyện tập cơ thể giúp xương chắc khỏe và kích thích cơ thể tiết hormone tăng trưởng (GH). Khuyến nghị về thời gian tập luyện là 60 phút mỗi ngày, nếu không có thời gian, trẻ có thể chọn các môn tập tại nhà, như nhảy dây, chạy bộ, đánh câu lông, aerobic… và tập ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  • Dùng thuốc theo toa bác sĩ khi trẻ bệnh.
  • Theo dõi tốc độ chiều cao của trẻ mỗi tháng, khi trẻ không tăng chiều cao liên tục trong 2 tháng thì gia đình cần đưa trẻ đi khám tư vấn dinh dưỡng để hồi phục chiều cao.

Sự tăng trưởng chiều cao của trẻ

Theo chuẩn tăng trưởng của Tổ Chức Y Tế Thế Giới năm 2006 – 2007

 

BS CKI Nguyễn Thị Ngọc Hương

Theo Tạp chí Sức Khỏe

Bệnh viện Hạnh Phúc