Thư rác, phần mềm gián điệp, các chiêu lừa đảo trực tuyến vẫn đang ngày ngày diễn ra trên internet. Trong khi người lớn đã nhận ra và cư xử thông minh hơn với những vấn đề này thì trẻ em dần trở thành đối tượng bị các tin tặc tấn công.
Nếu thường xuyên theo dõi tin tức, chắc bạn vẫn thường nghe về việc nữ sinh bị lừa đảo do gặp gỡ, đi chơi với “bạn chat” quen qua mạng. Những câu chuyện “tiếng sét ái tình” trên mạng ảo dẫn tới mất tiền, mất của thật ngoài đời thường được bố mẹ dặn dò và dạy dỗ con cái không được tiếp xúc với những người không quen biết trên mạng. Mối nguy hại như vậy thường ít nguy cơ tác động tới trẻ em nhưng đó không phải vì thế mà hết lo ngại. Có những nguy hiểm khác mà bố mẹ  thường khó có thể kiểm soát khi trẻ em truy cập vào internet đó là hành vi dụ dỗ trẻ tiếp xúc với nội dung khiêm dâm, bạo lực, các quảng cáo lừa đảo nhằm ăn cắp thông tin và vô số loại virus nhan nhản trên các trang web không chính thống.

%image_alt%

Khi trẻ em chơi game flash trực tuyến trên mạng, rất có khả năng chúng sẽ nhấn vào một nút “Tải về” có hình ảnh sống động và âm thanh hấp dẫn. Và việc đấy có thể sẽ dẫn đến máy tính sẽ bị nhiễm các loại virut, những phần mềm độc hại và người dùng bị ăn cắp thông tin ngay khi đang sử dụng máy tính tại nhà riêng của mình.

Chị Hạnh chia sẻ con trai chị học lớp 3 thường lên mạng chơi game và thường gặp những thông báo kiểu như “Xin chúc mừng bạn là người may mắn của ngày hôm nay đã trúng iPad”, kèm theo đó là yêu cầu kích vào banner để trúng giải hay là “Hãy trả lời câu hỏi sau và bạn sẽ là người trúng thưởng”… Các câu hỏi thường rất dễ và món quà thì cũng rất ư là hấp dẫn. Có lần con trai chị không biết, kích chuột vào và ngay lập tức máy chị đã bị nhiễm virut và khiến cho dữ liệu trong máy bị mất hết. Vừa tức giận, bực mình nhưng cũng không biết làm thế nào vì dữ liệu thì đã mất còn cậu con thì không biết phải “xử lý” thế nào cho cháu hiểu nên chị chỉ biết thở dài.
Các hacker hiện nay thường không gửi liên kết một cách lộ liễu vì người dùng đã cảnh giác hơn rất nhiều với những thông tin đến từ người lạ. Do đó, trẻ em – đối tượng ít biết đến những chiêu lừa đảo này trở thành “lỗ hổng” để những kẻ hacker khai thác.

Xanh xanh đỏ đỏ, em nhỏ sẽ mừng

Một nghiên cứu gần đây được tiến hành bởi Avast – công ty an ninh internet lớn cho thấy rằng mã độc xuất hiện thường xuyên hơn và thường được nhúng trong các trang web chơi game dành cho trẻ em. Trong khi đó, trẻ em thường xuyên kích vào cửa sổ pop-up hoặc các trang liên kết có thể chuyển hướng người dùng đến các trang không phù hợp, tải về các đoạn Javascript nhiễm độc, các phần mềm quảng cáo hoặc phần mềm độc hại. Trong trường hợp nghiêm trọng, việc nhấp chuột như vậy cũng có thể khiến máy tính bị nhiễm độc tạo nên một backdoor (lối sau), khiến cho phần mềm độc hại này vượt qua bức tường an ninh của máy tính và chiếm quyền điều khiển máy. Chỉ cần trẻ em kích chuột, một virus sẽ chuyển hướng người dùng đến một điểm phân phối các phần mềm độc hại, mặc dù người dùng không hề hay biết.

%image_alt%

Trẻ em trở thành mục tiêu của hacker bởi chỉ cần thông qua việc sử dụng các “mồi câu” như các hình ảnh nhấp nháy màu sắc, hình ảnh động và đồ họa khá thú vị, lôi kéo trẻ em kích chuột vào đó là có thể giúp hacker truy cập vào máy tính của bạn. Với một đứa trẻ vấn đề an toàn trực tuyến có lẽ là còn khá xa vời. Và ngay cả khi máy tính có bị nhiễm virus, tốc độ máy có giảm, thư rác được gửi tới máy hay trang chủ của phần mềm truy cập Internet (như IE, FireFox, Google Chrome…) có thay đổi cũng chẳng khiến trẻ em phải bận tâm suy nghĩ và tìm hiểu vì sao.

Sự hồn nhiên nguy hiểm

Trẻ em không phải lúc nào cũng nhận thức được những mối đe dọa ẩn trên internet và do đó chúng không biết được mình phải làm những gì để bảo vệ mình bởi những chiêu lừa đảo trên mạng ngày càng tinh vi như vậy, do đó trẻ em trở thành mục tiêu của bọn tội phạm hoạt động qua mạng.

%image_alt%

Hiếu – học sinh lớp 4, ở Gò Vấp-TPHCM cho biết “cháu cũng thi thoảng lên mạng chơi game ở trang webgame online. Có lần cháu thấy tấm biển ở bên cạnh trang web (banner) giới thiệu trò chơi mới có màu sắc rất đẹp, lại nhấp nháy liên tục. Thấy thú vị nên cháu kích chuột vào đấy, nhưng lại hiện ra đến 4, 5 trang web khác nhau, trong đấy có cả những trang hình ảnh “người lớn”. Chọn một trang web có trò chơi cháu kích chuột vào, nhưng máy tính bị tắt luôn, và không khởi động lại được. Bố cháu bảo cháu đã kích vào một đường dẫn virus và nó đã đánh sập cả máy tính luôn”.

Đây là một trong những trường hợp khi trẻ em sử dụng internet mà không có bất cứ cảnh giác nào về các mối nguy hiểm luôn tồn tại trên mạng. Trong trường hợp tồi tệ hơn, đứa trẻ có thể khiến máy tính bị cài phần mềm ăn cắp thông tin, có thể khiến người lớn bị mất thông tin hoặc cả tiền ở trong tài khoản. Chưa kể, trẻ em là đối tượng rất tò mò, chúng có thể kích vào những trang web có nội dung khiêu dâm, không lành mạnh, chơi những trò chơi bạo lực dẫn tới có thể làm ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của đứa trẻ.

Theo ôngVlcek, kỹ thuật viên trưởng của Avast nói: “Máy tính khi được trẻ em sử dụng dễ bị tấn công bởi vì chủ sở hữu – những đứa trẻ ít có khả năng cài đặt các bản cập nhật bảo mật mới nhất. Còn nếu máy tính được sử dụng chủ yếu cho mục đích giải trí, việc cập nhật các phiên bản mới nhất đôi khi vẫn được thực hiện những không thường xuyên. Do đó, máy tính rất dễ bị tổn hại với các phần mềm gián điệp hoặc virut”.

%image_alt%

Sau tất cả những điều này, có bao nhiêu mối đe dọa luôn “rình rập” một đứa trẻ khi chúng chơi game flash? Catalin Cosoi, người đứng đầu phòng thí nghiệm các mối đe dọa trực tuyến tại Bitdefender cho biết: “Một số trò gian lận có thể làm cho người lớn nghi ngờ – đặc biệt khi chúng tìm cách cài đặt phần mềm trên máy tính hoặc chuyển hướng người dùng máy tính đến các trang web đáng ngờ, do đó trẻ em sẽ trở thành đối tượng dễ lừa hơn. Chúng dễ dàng bị cám dỗ để nhấp chuột vào nút tải lớn màu xanh lá cây hoặc biểu tượng nhấp nháy với hy vọng có nhiều niềm vui hơn.”

Những biện pháp cần thiết
– Cài đặt phần mềm diệt virut cho máy tínhvà thường xuyên cập nhật các phiên bản mới.
– Chặn các trang web biết là có chứa phần mềm độc hại.Nếu bạn truy cập một trang web và được yêu cầu chạy các tập tin đáng ngờ hay phần mềm thì các tốt nhất để giữ an toàn thông tin cho mình là hãy chặn trang web đó lại.
– Cài đặt phần mềm giám sát.Với trẻ em, giám sát hoạt động của chúng là cần thiết. Có một số tùy chọn khác nhau cho các bậc cha mẹ có thể để kiểm soát các hoạt động trực tuyến của trẻ em.
– Giám sát trẻ em khi chúng đang trực tuyến.
– Thiết lập ranh giới. Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ em và những gì mà chúng có thể hiểu, bạn có thể thiết lập một số quy tắc rõ ràng về những gì bọn trẻ được phép làm khi đang truy cập mạng(ví dụ chỉ được chơi game ở trang này, nếu có những thông báo khác hiện ra, không được tự ý làm mà phải gọi người lớn…). Những quy tắc như vậy có thể ngăn chặn trẻ em tiếp xúc với các nội dung không phù hợp và có khả năng ngăn chặn các phần mềm độc hại tấn công máy tính của bạn.
Ngoài ra, người lớn cũng cần cân nhắc những vấn đề như:
– Xem xét việc trẻ em thường vào những trang web nào.
– Có nên yêu cầu bọn trẻ phải cung cấp cho bạn password của tài khoản không?
– Hình phạt nào nếu bọn trẻ phá vỡ quy định?

Theo Nhật Anh/ Thế Giới Số

Bệnh viện Hạnh Phúc