Trung tâm CTXH thanh thiếu niên (T.Ư Hội Thanh niên Việt Nam) vừa triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ người lao động nhập cư đang gặp khó khăn tại TP. HCM thông qua hình thức “ATM việc làm” và “ATM nhà trọ”.

Ông Nguyễn Thanh Hân, Giám đốc Trung tâm CTXH thanh thiếu niên cho biết những ngày qua, nhiều người dân nhập cư đang sinh sống, làm việc tại TP. HCM lâm vào cảnh “đi không được, ở không xong”. Trước thực tế đó, TP. HCM đã thành lập Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng thiết yếu phục vụ người khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19 (Trung tâm an sinh TP. HCM) và phát động “Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19”, huy động nhiều nguồn lực ủng hộ, chăm lo cho những người đang khó khăn trong dịch.

“ATM nhà trọ” vừa triển khai đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều chủ nhà trọ.

Theo ông Hân, một trong những giải pháp hỗ trợ hữu hiệu nhất là bảo đảm cho người lao động có việc làm, có nơi ở trong lúc này. Tỉ lệ người lao động tại các doanh nghiệp ở TP. HCM bỏ việc, về quê tăng nhanh trong thời gian gần đây, nhiều chủ doanh nghiệp vừa phải lo chống dịch, duy trì sản xuất – kinh doanh, vừa lo giữ chân người lao động. Ngược lại, một bộ phận người lao động đang mắc kẹt ở quê, không thể quay lại TP. HCM để làm việc.

Mô hình khách sạn cộng đồng được Trung tâm triển khai nhằm hỗ trợ chỗ ở cho y, bác sĩ chống dịch.

“Người lao động về quê vì không có việc làm, không có tiền trang trải chi phí sinh hoạt, thuê nhà trọ. Trong khi đó, hiện có nhiều gia đình hảo tâm sẵn sàng hỗ trợ chỗ ở tạm thời cho những người gặp khó khăn, không có chỗ ở. “ATM nhà trọ” sẽ kết nối, giới thiệu những người cần hỗ trợ chỗ ở với những người có nhà trọ cộng đồng. Trung tâm CTXH thanh thiếu niên thông qua các hoạt động xã hội đang triển khai như bếp ăn từ thiện, trao quà cho người khó khăn… sẽ hỗ trợ thêm thực phẩm, nhu yếu phẩm cho những đối tượng này”, ông Hân chia sẻ.

Trung tâm CTXH đến trao quà cho bà con khó khăn tại các khu vực phong tỏa trên địa bàn TP. HCM.

Cũng như “ATM nhà trọ”, “ATM việc làm” sẽ làm cầu nối để người cần việc và người cần tuyển dụng gặp nhanh nhanh hơn, nhiều hơn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn này.

“Cả hai hoạt động cộng đồng hoàn toàn miễn phí, mục đích góp phần chung tay cùng TP. HCM san sẻ khó khăn, hỗ trợ cho bà con yếu thế để từ đó ổn định đời sống của người dân, duy trì sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp để cùng nhau vượt một tháng thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16” – ông Hân chia sẻ thêm.

Chương trình “Khúc hát đồng lòng” mà Trung tâm CTXH triển khai nhằm động viên tinh thần cho y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch và bệnh nhân đang điều trị COVID-19 trên địa bàn TP.Thủ Đức.

Ngoài “ATM nhà trọ”, “ATM việc làm”, thời gian vừa qua Trung tâm CTXH đã triển khai nhiều chương trình nhằm hỗ trợ người dân khó khăn TP. HCM bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 với tổng gói hỗ trợ hơn 23 tỷ đồng như: Dự án nhà container dã chiến cộng đồng tại 12 điểm cửa ngõ vào TP. HCM, Thực hiện khởi xướng dự án “thực phẩm bình ổn lưu động”, Triển khai chuỗi chương trình “Khúc ca đồng lòng”, Hỗ trợ 50,000 suất ăn cho sinh viên,  Đồng hành hơn 15 bếp nấu phục vụ, Trao 5 xe cứu thương mua tặng, Thành lập 4 “Khách sạn cộng đồng” cho y bác sỹ, Tặng 1,000 túi nhu yếu phẩm cho sinh viên, Tặng thiết bị y tế và nhu yếu phẩm cho lực tuyến đầu thành phố, Mang sách tới khu cách ly Q.10…

Thông tin liên hệ chương trình:

– ATM việc làm cộng đồng: fanpage ATM- Việc làm cộng đồng và số điện thoại tiếp nhận thông tin của người cần việc (0907186069); nhận thông tin của nhà tuyển dụng (0912116668).

– ATM nhà trọ cộng đồng: fanpage ATM – Nhà trọ cộng đồng và số điện thoại tiếp nhận thông tin của người cần nhà trọ (0866111616), số điện thoại nhận thông tin của người có nhà trọ cộng đồng (0828116668)

(Trung tâm CTXH thanh thiếu niên)

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc