Những cư dân đầu tiên đến Sài Gòn lập nghiệp thời các chúa Nguyễn cần có sự đoàn kết, nhân ái, dũng cảm, khỏe mạnh và không thể thiếu người tài giỏi. Chính những yêu cầu ban đầu kể trên đã hình thành dần tính cách của con người Sài Gòn. Những tính cách quý báu ngày một nảy sinh thêm trong quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này.
Tính cách người đi mở cõi
Nồng hậu, thân thiện, hiếu khách, vui vẻ, phóng khoáng, thẳng thắn bộc trực, ngang tàng và dễ tính là những tính cách quý báu, mà người Sài Gòn có được nhờ cái đặc thù của những người đi mở cõi. Đến Sài Gòn, nếu không thạo đường, bạn cứ hỏi những người đang bán hàng quán bên đường, những người nhàn tản trên phố, những người bán vé số… họ sẽ chỉ cho bạn một cách tận tình. Vì họ là người Sài Gòn, hoặc ít ra cũng đã nhiễm “máu Sài Gòn”. Người Sài Gòn luôn có ý thức giúp đỡ bè bạn chứ không hề “lãnh cảm”.
Nông, công, thương, và trí ở Sài Gòn sớm được phát triển trong suốt quá trình hình thành đô thị. Mà nông, công, thương, trí là nền tảng chính của một nền kinh tế, nhờ thế mà cuộc sống của người dân nơi đây ổn định, giàu có hơn nhiều vùng khác trong nước. Sự ổn định và giàu có giúp cho tính cách người Sài Gòn rộng rãi, hào phóng… Phần đông dân Sài Gòn rất sẵn sàng “chơi hết mình”. Đây chính là “máu giang hồ” của những người đi khai phá vùng đất mới, truyền lại đến ngày nay. Thêm vào đó, vùng đất hào phóng này ban cho con người rất nhiều thứ, làm cho con người ở đây cũng dễ dãi, rộng rãi, đôn hậu và hiếu khách hơn. Tính cách này rất dễ lây cho những người dân xứ khác đến sống ở đây.
Nói đến Sài Gòn mà không nói đến tính cách giang hồ là một thiếu sót lớn. Một vùng đất có lịch sử hình thành như Sài Gòn mà không chứa đựng tính cách giang hồ mới là lạ. Vùng Gia Định xa xưa kênh rạch chằng chịt, dân trộm cướp hoạt động chính theo các kênh rạch này, rất giống với hoàn cảnh của các anh hùng Lương Sơn Bạc. Người dân gọi bọn trộm cướp này là dân giang hồ, lâu dần mà thành danh từ chung cho giới lưu manh, trộm cướp và những băng nhóm xã hội đen. Giới giang hồ Sài Gòn tồn tại và khét tiếng từ bao đời nay. Họ cũng hung tợn như mọi dân anh chị giang hồ xứ khác. Nhưng đặc biệt, giới giang hồ Gia Định từ xưa ảnh hưởng phong cách hảo hán của các nhân vật tiểu thuyết.
Lần nọ, tôi đến hiệu sách ngoại văn Xuân Thu trên đường Đồng Khởi, chứng kiến một bác trung niên, đi chiếc xe mobylette đến nhà thuốc tây gần hiệu sách. Bác dùng ba ổ khóa để khóa chiếc xe và bước vào tiệm thuốc.
Tiệm thuốc lắp kiếng toàn bộ mặt tiền, nên từ bên trong nhìn ra, thấy rõ chiếc xe. Thế mà khi ra, bác thấy cả ba ổ khóa ngự chình ình trên yên xe, dằn bên trên một tờ giấy. Trong tờ giấy ghi, nét chữ nguệch ngoạc, xấu, nhưng ngắn gọn, đúng ngữ pháp: “Thấy nghèo mà thương, chứ không phải là không lấy được”.
Cũng tại hiệu sách trên, cô bán sách kể rằng, có một bác đến mua sách, đi chiếc xe đạp. Thời đó chưa có chuyện giữ xe và xe đạp còn rất quý giá. Thấy thằng nhỏ đứng xớ rớ trước hiệu sách, bác gửi xe cho nó. Vào hiệu sách, mấy cô nhân viên bán hàng cảnh báo, rằng thằng đó là ăn trộm xe chuyên nghiệp. Bác tỉnh bơ, đáp: “Tôi gửi xe cho nó mà” và lượn lờ mua sách. Đến khi ra, thằng nhỏ trả xe, bác cám ơn nó rồi đi. Buổi trưa, các cô bán hàng ra hỏi thằng nhỏ, sao không lấy xe của ông già. Thằng nhỏ nói tỉnh rụi: “Người ta tin mình, không lẽ lấy xe của người ta”.
Rõ ràng, những kẻ giang hồ này chỉ là hạng tép riu, so với những cái bóng lớn như Trần Đại Cathay, Điền Khắc Kim, Bạch Hải Đường… nhưng cũng ít nhiều mang nét đặc trưng của giới giang hồ Sài Gòn. Phần nhiều, giới giang hồ thường rất khí khái và hảo hán.
Nhịp sống Sài Gòn luôn hối hả từ bao đời nay, hình như không bao giờ ngưng nghỉ, trừ thời gian bị giới nghiêm trong chiến tranh và vài năm sau ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm. Bạn đi chơi thật khuya vẫn cảm nhận được một Sài Gòn đang hoạt động, chỉ tĩnh lặng bớt đi mà thôi. Về khuya, bạn cũng vẫn còn nghe tiếng xe chạy trên đường, tiếng mì gõ, tiếng rao bán các loại hàng ăn uống…
Do sự phát triển của thành phố, dẫn đến các nhu cầu sản xuất, dịch vụ, văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc… cũng phát triển theo. Ngay những bài “tân cổ giao duyên” cũng là sản phẩm của Sài Gòn, được kết hợp khéo léo giữa tân nhạc và cổ nhạc. Nhiều bài tân nhạc mang âm hưởng dân ca Nam bộ cũng xuất phát từ Sài Gòn.
Người dân Sài Gòn dễ tiếp thu cái mới nhờ tính năng động, nhưng không bị đồng hóa, vì người Sài Gòn rất biết chọn lọc. Tính năng động “phổ cập” hầu như toàn thể người dân Sài Gòn. Ở Sài Gòn có khá nhiều anh đạp xe xích lô chở khách ngoại quốc, vừa đạp xe vừa giải thích những danh thắng của thành phố bằng tiếng Anh, tiếng Pháp rất thành thạo như một hướng dẫn viên du lịch vậy. Ra đường, ta thường thấy những cậu bé bán báo, đánh giầy, những ông đạp xích lô, anh chị giữ xe cũng khá thông thạo ngoại ngữ và khi rảnh rỗi còn biết chơi games online, chat chít, dạo Internet…
Chất giọng Sài Gòn do pha trộn âm điệu cả ba miền mà nên. Cái nền là giọng Nam bộ, mạnh mẽ, cứng rắn và hơi có nét dễ dãi đến mức làm biếng, tạo nên đặc thù không trộn vào đâu được. Chính cái nét dễ dãi làm cho cách phát âm của người Sài Gòn có vài từ sai âm cuối. Các cặp từ “nhạc và nhạt”, “gòn và goòng”, “ít và ích”, “năn và năng” hay phụ âm đầu “v và z”,… thường bị nghe như đồng âm. Người Sài Gòn phát âm cũng hay lầm lẫn giữa dấu “hỏi” và “ngã”. Nhưng do sự pha trộn, chỉnh sửa trong quá trình hòa nhập các cộng đồng dân cư, thêm vào đó là mặt bằng văn hóa trên đất Sài Gòn cũng tăng dần, nên các sai sót này ngày càng giảm dần.
Nhờ vậy, dân mọi miền đến đây, nghe giọng Sài Gòn đều thấy dễ hiểu. Và cũng chính vì vậy mà đài phát thanh, truyền hình chọn các MC có chất giọng Sài Gòn trong chương trình. Ngôn từ Sài Gòn rất đa tạp, pha trộn nhiều phương ngữ trên khắp mọi miền đất nước, kể cả tiếng lóng, tiếng nước ngoài. Dân Sài Gòn ở mọi tầng lớp, khi nói chuyện hay đệm vài từ tiếng nước ngoài, như Anh, Pháp, Hoa. Chẳng phải họ muốn khoe, mà là do nghe riết, nói riết rồi thành thói quen.
Đất của người tứ xứ
Sài Gòn càng phát triển, càng lôi cuốn bao nhiêu nhân lực, tài lực từ các nơi đổ về. Đồng thời, nhân lực, tài lực đổ về làm cho thành phố lại phát triển thêm, như một vòng nhân quả bất tận. Sự phát triển của Sài Gòn hầu như không do áp đặt, mà do nhu cầu tự nhiên. Sự phát triển này cứ như cơn lốc, cuốn hút bao cuộc đời, bao con người từ mọi nơi đến đây để sống và làm việc, để tìm sự bình an hoặc để thử thời vận. Người ta đến từ mọi miền đất nước, thậm chí từ nhiều quốc gia trên thế giới. Dù có những lúc khó khăn, nhưng dòng chảy nhân vật, tài lực vẫn cứ ồ ạt đổ về Sài Gòn. Chính cái dòng chảy này, làm hòa trộn nhiều nền văn hóa, truyền thống của mọi miền đất nước, trong khu vực và trên thế giới, khi du nhập vào Sài Gòn, giúp cho Sài Gòn vừa có nét đặc thù, vừa có nét hài hòa giữa các nền văn hóa, truyền thống.
Sài Gòn là mảnh đất dễ cắm rễ, dù giàu hay nghèo, dù giỏi hay dở, mọi người đều có thể tìm được chỗ đứng ở đây, để mà đơm bông kết trái. Rất nhiều dân tứ xứ đến Sài Gòn đã ăn nên làm ra trên mảnh đất giàu lòng hiếu khách này. Dễ nhận thấy có nhiều tài năng từ các địa phương khác được phát hiện và phát triển tại mảnh đất Sài Gòn trong suốt quá trình hình thành và phát triển.
Người Sài Gòn rất thực tế, sống đúng thực chất của mình, không giả tạo, không se sua, không đua đòi quá phận. Nhìn một người dân Sài Gòn, người nơi khác khó có thể đoán được, người đó thuộc hạng nào, trí thức hay bình dân, công nhân hay viên chức, giàu hay nghèo, đang đi chơi hay đi làm việc… Một người nghèo cũng có thể bước chân vào nơi sang trọng để thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn. Ngược lại, một người cực kỳ giàu có, cũng có thể ngồi chung với đám bình dân trong quán ăn của người lao động. Đó là nét rất riêng của người Sài Gòn. Công việc dễ tìm, cuộc sống dễ dãi, thời tiết dễ chịu, lòng người dễ hòa nhập, khiến Sài Gòn trở thành miền đất hứa.
Người Sài Gòn ít chú ý đến trang phục, trừ những trường hợp đặc biệt. Ra đường, dân Sài Gòn đa số thường mặc quần áo, đi giày dép rất tùy tiện, miễn sao không quá tệ. Trẻ hay già, trai hay gái, thích sao thì mặc vậy, chẳng thèm quan tâm xem mọi người xung quanh như thế nào, thậm chí đa số đều không thích ăn mặc giống người khác. Bạn khó nhìn thấy một lúc hai người bận quần áo giống hệt nhau, nếu không phải là đồng phục.
Nhiều người thích bận quần jean và áo pull, chỉ vì sự tiện lợi và bản tính dễ dãi, chứ không phải vì mode. Họ bận quần jean, áo pull kể cả trong tiệc cưới mà không sợ bị xem là bất nhã.
Người Sài Gòn ăn uống cũng dễ dãi, vì họ ăn chỉ cầu no và đủ chất, không cầu kỳ. Nếu không thích, thì lần khác không ăn món đó, không vào quán đó. Tiện thì góp ý vài câu, nếu chủ quán tỏ ra biết lắng nghe. Nhưng khi cần đi nhà hàng đãi bạn, đãi người thân… thì lại tỏ ra rất “sành điệu”, dù là không khá giả gì. Từ người giàu đến kẻ nghèo đều biết chọn nhà hàng, chọn món ăn, món uống rất kỹ, tất nhiên là theo túi tiền của mình. Ở Sài Gòn, bạn là người có thu nhập thấp, nếu chịu khó tìm hiểu, vẫn có thể tìm được những chỗ ăn hợp với túi tiền mà ai cũng chấp nhận được. Ngược lại, mọi món ăn ngon nhất, đắt nhất, ở khắp nơi trên mọi miền đất nước, đều có mặt ở Sài Gòn. Hầu như các món ăn ở các nơi du nhập vào Sài Gòn đều được điều chỉnh khẩu vị cho phù hợp với cư dân nơi này.
Có một nét đặc thù của Sài Gòn, nên nói ra để làm kết luận. Đó là, hầu hết mọi người đến sống và làm việc ở Sài Gòn vài năm đều cảm thấy mình như người dân của thành phố này.
Tống Quang Anh – Đông Xuân
Theo Thời bao Kinh tế Sài Gòn online