Joseph Goldstein (sinh năm 1944) là một trong những thiền sư vipassana đầu tiên của Mỹ, đống sáng lập trung tâm thiền Insight Meditation Society (IMS) với Jack Kornfield và Sharon Salzberg. Ông đã được gặp và thọ giáo với nhiều thiền sự, đạo sự nổi tiếng ở Miến Điện, Ấn Độ, Tây Tạng như Anagarika Sri Muninda, Sri S. N. Goenka, Nani Bala Barua (Dipa Ma), Sayadaw U Pandita…. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách hướng dẫn thiền vipassana rất quen thuộc với độc giả Việt Nam như Kinh nghiệm thiền quán,  Thiền quán – con đường tuệ giác, Tâm bình an. 

Xem thêm: 30 ngày Thiền quán

 Phunuhiendai.vn xin trích dẫn một phần nội dung trong quyển sách “30 ngày Thiền Quán” của ông do Thaihabooks ấn hành

Thiền quán là một phương pháp để thấy được tâm mình.  Nhưng sự hiểu biết ấy không thể có được bằng lý luận, kiến thức mà bằng sự thực hành.  Những lời dạy của ông Joseph Goldstein rất thực tế và có ích lợi, không những chỉ trong khi ngồi thiền mà còn trong lúc sống ở ngoài đời.  Ðây là một quyển sách thực hành rất giá trị, có thể làm bạn đồng hành hướng dẫn, nhắc nhở ta trên suốt con đường tu học.

Hỏi: Mục đích của thiền định là để làm gì?

Ðáp: Có nhiều cách thiền khác nhau.  Một phương pháp cổ truyền là phải tập trung tư tưởng để phát triển định lực trước, rồi sau đó mới dùng định lực để phát sinh trí tuệ.  Phương pháp này đòi hỏi một thời gian lâu, bởi vì thiền định phải cần có một hoàn cảnh đặc biệt mới có thể phát triển được một định lực mạnh.  Ở Miến Ðiện trong khoảng từ 100 đến 150 năm sau này là sự sống lại của thiền Minh Sát (Vipassana).  Thiền Minh Sát tuệ phát triển định lực và trí tuệ cùng một lúc.  Phương pháp này gồm có sự chánh niệm và tập trung ý trong từng giây phút một, đầy đủ để dẫn đến sự giác ngộ.

Hỏi: Trong cuộc đời này chúng ta có quyền chọn lựa gì không? 

Ðáp: Thường thì những gì xảy đến cho ta trong đời này là do ở nhân chúng ta đã gieo trong quá khứ.  Nghiệp quả thì không tránh được, nhưng phản ứng, cách đối phó của ta thì hoàn toàn tùy thuộc ở mình.  Ở điểm này chúng ta có hoàn toàn tự do.  Chúng ta có thể có chánh niệm hay không, tùy ở ta.  Không có gì bắt ta phải đối phó với nghiệp quả bằng một cách này hay cách khác.  Tự do nằm ở chỗ ta chọn phản ứng bằng cách nào với những sự việc xảy đến trong giây phút hiện tại.

Photo: H.Chi
Photo: H.Chi

Hỏi: Vấn đề tiềm thức trong tâm lý học Tây phương liên hệ với thiền quán ra sao? 

Ðáp: Khi tâm ta trở nên yên tĩnh và tỉnh thức, những gì nằm sâu dưới bình diện ý thức, mà ta gọi là tiềm thức, sẽ được soi sáng bởi ngọn đèn chánh niệm.  Lúc đó ta sẽ thấy được những sự ràng buộc trong tâm ta từ bấy lâu nay.  Sự nhận diện này sẽ đem chúng lên trên bình diện ý thức và được quán sát.

Hỏi: Nhưng lúc nào cũng phải giữ chánh niêm trong hiện tại, có làm ta mất đi sự tự nhiên hay không? 

Ðáp: Sống mà không có chánh niệm đâu phải là sống tự nhiên.  Nếu chúng ta phản ứng một cách máy móc, tức là chúng ta bị cai quản, lệ thuộc vào những chuyện xảy ra chung quanh.  Cái đó đâu phải là tự nhiên, đó là người máy.  Nhận được một tin gì đó chúng ta lật đật phản ứng một cách vô ý thức, không chánh niệm, tâm đó không phải là một tâm tự nhiên mà là một tâm máy móc.  Sự tự nhiên chỉ đến với ta khi tâm ta yên lặng, khi tâm ta tỉnh thức, nhận biết được mọi việc rõ ràng trong từng giây phút.  Khi chánh niệm tiến triển, nó sẽ không làm sinh hoạt của bạn bị đứt đoạn, nó không làm bạn mất tự nhiên.  Trong giai đọan đầu thì ta cần phải chú ý từng cử động một, đến khi nào ta đạt được một ý thức đơn thuần rồi thì mọi sinh hoạt sẽ trôi chảy rất thư thái.

Hỏi: Khi nãy ông có thí dụ về người tập đánh đàn và người tập thiền.  Có nhiều người tập đàn nhưng không phải ai cũng trở thành một nhạc sĩ giỏi.  Cũng vậy, có phải mặc dù ta tập thiền nhưng không phải ai cũng sẽ thành công và có chánh niệm có đúng không? 

Ðáp: Sự tiến bộ của mỗi người khác nhau.  Có người tiến bộ một cách chậm chạp và khó nhọc.  Có người tuy tiến chậm nhưng rất thoải mái và an lạc.  Một số khác tiến bộ nhanh chóng nhưng khổ cực.  Và cũng có người tiến nhanh chóng với sự an lạc.  Sự tiến bộ cũng tùy thuộc vào nghiệp quả của mình, định lực và chánh niệm của mình đã khai triển đến đâu.  Nhưng nếu chúng ta đi đúng hướng thì không chóng cũng chầy ta sẽ đến nơi, điều cần thiết là hãy cứ bước tới (tức là tinh tấn và cố gắng).  Nó có thể là một năm, sáu mươi năm hay năm kiếp nữa cũng chẳng sao, miễn là ta đi về phía ánh sáng là đủ.  Chúng ta muốn đi về hướng giải thoát, tự do, chứ không phải lùi lại mà đi về bóng tối.  Cho nên bất cứ nghiệp quả của ta ra sao cũng vậy, hãy bắt đầu bằng những gì ta đang có.

Hỏi: Ông có nói về nhiều kiếp khác nhau. Cái gì sống qua những kiếp đó, có phải là linh hồn không?

Ðáp: Ðiều này có thể hiểu giống như là những thay đổi xảy ra trong một đời người.  Thí dụ: nếu bạn không nhớ lại khoảng năm, mười năm trước đây, thân thể của bạn hoàn toàn khác biệt với bây giờ, nói trên phương diện tế bào cũng vậy.  Thân thể của bạn chuyển hóa, thay đổi.  Tâm của bạn cũng đã biến chuyển, thay đổi vô số lần hơn thế nữa, sanh ra rồi diệt đi.  Bây giờ bạn không thể chỉ bất cứ một cái gì trong tâm hay thân bạn, và bảo rằng nó cũng giống y như hồi trước không sai khác.  Bởi bạn bây giờ là kết quả, tập hợp của những ràng buộc, điều kiện trong quá khứ và từng giây phút nối tiếp nhau sau đó.  Nói cách khác, giây phút này quyết định điều kiện khởi sanh cho giây phút kế tiếp.  Không có gì được đem qua, nhưng có một mối liên hệ giữa giây phút này và giây phút kế.  Mọi vật chuyển hóa theo một trật tự liên tục.  Trong giờ phút sắp lìa đời, tâm ta sẽ quyết định điều kiện cho giây phút tái sanh.  Không có gì đi theo qua hết, nhưng giây phút kế tiếp tùy thuộc vào giây phút trước đó.

 

Trích sách  “30 ngày thiền quán”

Phunuhiendai.vn hợp tác truyền thông cùng Thaihabooks

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc