“Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”, câu nói quá phổ biến mà các bà mẹ, các ông bố thuộc nằm làu mỗi khi nhắc đến, nhưng nhiều người vẫn không hiểu tại sao? Dưới đây là bài viết mà tác giả đã cất công tổng hợp từ các nguồn: Đại học Y dược TP.HCM, AAP (Hội nhi khoa Hoa kỳ), WHO (Tổ chức Y tế thế giới), NCBI (Thư viện quốc gia Hoa Kỳ) để có câu giải đáp thỏa đáng cho quý độc giả.
Theo khuyến cáo của WHO cũng như AAP, trẻ em nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh, nếu có thể tiếp tục đến lúc 1 tuổi và thậm chí có thể kéo dài đến lúc 2 tuổi, nếu sữa mẹ vẫn còn đủ. Tuy nhiên sau 6 tháng, sữa mẹ không đủ nhu cầu năng lượng để giúp cho bé phát triển, nên các khuyến cáo đều khuyên nên cho trẻ ăn dặm sau 6 tháng tuổi, lúc đó hệ tiêu hoá của trẻ đã có thể tiêu hoá được 1 số thức ăn dặm.
Những lợi ích cho bé
Sữa mẹ cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết trong 6 tháng đầu của trẻ bao gồm: chất béo, đường, đạm, vitamin, khoáng chất và nước. Sữa mẹ cũng chứa các yếu tố hoạt tính sinh học làm tăng hệ miễn dịch non nớt của trẻ sơ sinh, các kháng thể giúp trẻ chống lại tình trạng nhiễm trùng và các yếu tố khác giúp cho tiêu hoá dễ dàng và dễ hấp thu. Sữa mẹ giúp làm giảm nguy cơ hen suyễn, dị ứng ở trẻ. Những bé được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm trùng tai, các bệnh lý về đường hô hấp và cả tiêu chảy. Nó cũng giúp cho trẻ giảm số lần nhập viện và đến gặp BS trong 6 tháng đầu sau sanh.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nuôi con bằng sữa mẹ có liên quan đến chỉ số IQ cao hơn cho trẻ về sau. Hơn thế nữa khi cho bé bú, da kề da và việc giao tiếp bằng mắt sẽ giúp bé gắn kết với mẹ và cảm thấy an toàn. Theo Hội Nhi khoa Hoa Kỳ, sữa mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Sữa mẹ cũng giúp cho bé giảm nguy cơ đái tháo đường, béo phì.
Những lợi ích cho mẹ
- Giúp đốt cháy thêm calo, vì vậy sẽ giúp mẹ giảm cân nhanh chóng sau sinh. Đồng thời cũng giúp phóng thích ra hóc môn Oxytocin loại hóc môn giúp co hồi tử cung và làm giảm băng huyết sau sinh. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng giúp mẹ giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng, có thể giúp làm giảm nguy cơ loãng xương cho mẹ.
- Giúp cho các mẹ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc vì các mẹ ko phải mua sữa, bình sữa, pha sữa, tiệt trùng núm vú, làm ấm sữa… giúp cho bạn có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn yên tĩnh bên trẻ sau khi bé đã bú đủ, no và ngủ.
Vậy làm cách nào để sớm có sữa mẹ trong những ngày đầu sau sinh?
Câu hỏi này luôn làm các bà mẹ đau đầu nhức óc, thậm chí có nhiều mẹ stress, dẫn đến tắc luôn sữa mẹ. Thực tế tỉ lệ thất bại trong việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh khá cao. Các mẹ hãy làm theo các bước như sau:
- Để hiểu được cơ chế tiết sữa mẹ 1 cách đơn giản, các bà mẹ quan sát hình số 1.
Khi bé nút vú mẹ, các thụ thể ở vú được kích thích sẽ làm cho vùng hạ đồi tiết ra hóc môn PRH kích thích tuyến yên trước tiết ra Prolactin – một loại hóc môn tạo sữa mẹ (khoảng 20-30 phút sau khi bắt đầu bú) để kích thích tuyến vú tạo sữa sẵn cho lần bú sau. Tuyến yên sau tiết ra Oxytocin (5 phút sau khi bắt đầu bú) sẽ giúp co thắt các tuyến sữa đã có sữa sẵn chảy sữa xuống. Như vậy, bé nút vú càng nhiều chừng nào thì sữa được tạo ra và chảy xuống nhiều chừng đó. Ngược lại nếu bé không nút vú thì sữa sẽ không được tạo ra. Do đó các mẹ cần cho bé bút vú, dù không cảm thấy căng sữa để kích thích tạo sữa và xuống sữa.
- Kích thước dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ. Ngày đầu sau sinh, dạ dày bé như quả cherry chỉ chứa đc 5-7ml sữa/ lần bú (khoảng 1-1,5 muỗng cafe sữa). Ngày thứ 3 sau sinh, dạ dày bé chỉ chứa được khoảng 22 -27 ml sữa/ lần bú (khoảng 4-5 muỗng cafe sữa). 1 tuần sau sinh, dạ dày bé như quả mơ, chứa được 45-60 ml sữa / lần bú (khoảng 3-4 muỗng canh). Tròn 1 tháng tuổi, dạ dày bé như quả trứng gà chứa được 80 -150 ml sữa/ lần bú.
(Hình số 2 minh họa cho kích thước của dạ dày trẻ sơ sinh).
- Vì vậy ngày đầu tiên sau sinh, các bé không cần bú được nhiều sữa, chỉ cần bú được sữa non (Colostrum). Sữa non là loại sữa đặc biệt được tiết ra trong 2 -3 ngày đầu tiên sau khi sinh, với số lượng nhỏ, khoảng 40 – 50 ml vào ngày đầu tiên, nhưng đó là tất cả những gì trẻ sơ sinh thường cần vào lúc này. Sữa non rất giàu tế bào bạch cầu và kháng thể, đặc biệt là IgA và nó chứa tỷ lệ protein, khoáng chất và vitamin tan trong chất béo (A, E và K) nhiều hơn sữa sau này. Vitamin A rất quan trọng để bảo vệ mắt và cho sự toàn vẹn của bề mặt biểu mô và thường làm cho sữa non có màu vàng. Sữa non cung cấp sự bảo vệ miễn dịch quan trọng cho trẻ sơ sinh khi trẻ lần đầu tiên tiếp xúc với các vi sinh vật trong môi trường. Yếu tố tăng trưởng biểu bì giúp chuẩn bị niêm mạc ruột để nhận chất dinh dưỡng trong sữa. Điều quan trọng là trẻ sơ sinh nhận được sữa non, chứ không phải thức ăn khác, tại thời điểm này. Sữa bắt đầu được sản xuất với số lượng lớn hơn từ 2 đến 4 ngày sau khi sinh, khiến ngực cảm thấy căng. Vào ngày thứ ba, một trẻ sơ sinh thường bú khoảng 300 – 400 ml mỗi 24 giờ và vào ngày thứ năm khoảng 500 -800 ml mỗi 24 giờ. Từ ngày 7 đến ngày thứ 14, sữa được gọi là chuyển tiếp và sau 2 tuần được gọi là sữa trưởng thành.
Chính vì lẽ đó các mẹ cần cho bú như sau:
- Cho bé bú vú mẹ càng sớm càng tốt, nhất là trong vòng 1 giờ sau sinh. Việc cho bé bú sớm để kích thích tạo sữa non rất cần thiết cho bé. Đồng thời giúp cho mẹ tăng tiết nhiều Oxytocin giúp co hồi tử cung tốt, giảm mất máu, giảm đau và ngủ ngon hơn. Sau sinh, bà mẹ chỉ việc nằm nghỉ ngơi, nhân viên y tế sẽ giúp mẹ cho bé bú sữa sớm.
- Cho bé bú theo nhu cầu, tức là cho bé bú mỗi khi bé đói, bú thường xuyên, bú mỗi khi bé muốn, cả ngày lẫn đêm mà mẹ ko cần cảm thấy căng vú. Các dấu hiệu bé đòi bú: bé liếm môi, há miệng tìm vú, mút môi, lưỡi, bàn tay, miệng mút, loay hoay, bồn chồn và khóc to.
- Nguyên tắc làm trống bầu vú tức là bú hết 1 bên 1 lần bú, không được bú 1 bên giữa chừng, bỏ vú bên đây, cho bú vú bên kia. Việc này giúp cho mẹ tránh bị tắc sữa, sữa về tốt, cho phép tận dụng tất cả các chất dinh dưỡng từ nguồn sữa của mẹ. Trong suốt thời gian bú 1 bên vú, vào 5 phút đầu khi chưa có hóc môn Oxytocin, sữa mẹ chủ yếu nhiều nước, đường, đạm và ít chất béo. Sau khi có Oxytocin, chất béo trong sữa mẹ ngày càng tăng dần, nên cũng cấp đủ năng lượng cho như cầu phát triển của bé.
- Cho bé bú đúng kỹ thuật. Bao gồm: Hình 3, Hình 4, Hình 5.
- Tư thế bú đúng: Mẹ ở tư thế thoải mái nhất, giữ đầu bé thẳng hàng với thân bé, nâng đỡ toàn bộ thân bé, bụng bé áp sát vào thân mẹ; miệng bé hướng về vú mẹ.
- Ngậm bắt vú đúng: Cằm chạm vú mẹ, miệng há rộng, môi dưới đưa ra ngoài, quầng vú thấy bên trên nhiều hơn bên dưới.
- Ngậm bắt vú sai: Nhiều quầng vú có thể nhìn thấy bên dưới môi dưới của em bé so với môi trên, hoặc số lượng trên và dưới bằng nhau; miệng của bé không mở rộng; môi dưới của bé hướng về phía trước hoặc quay vào trong; cằm của em bé cách xa vú.
- Bú hiệu quả: bú chậm, sâu, thỉnh thoảng nghỉ; tự động bỏ vú khi no; thời gian bú khoảng 15-20 phút; sau bú bé ngủ từ 2-4 tiếng, tăng cân đủ: 20 – 30g/ ngày.
- Dấu hiệu bú không hiệu quả: Nếu bé ngậm bắt vú không đúng có khả năng bú không hiệu quả. Bé có thể bú nhanh chóng mọi lúc, không cần nuốt và má có thể bị hút vào khi bé bú cho thấy sữa không chảy tốt vào miệng bé. Khi bé ngừng bú, núm vú có thể bị kéo dài ra và nhìn bị đè bẹp từ bên này sang bên kia, cho thấy núm vú bị hỏng do nút không đúng cách.
- Không sử dụng núm vú giả: vì làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và biến dạng hàm về sau, đồng thời sẽ làm bé bỏ bú mẹ. Nguyên nhân là do khi bú núm vú giả bé ngậm dễ dàng, ko cần nút mà sữa vẫn chảy và bé no nhanh chóng. Ngược lại khi bú mẹ bé phải há miệng thật to ngậm hết quầng vú và phải nút vú thì sữa mới ra. Do đó các bé đã từng bú núm giả sẽ chê vú mẹ. Đây là nguyên nhân thường gặp của việc nuôi con bằng sữa mẹ thất bại, nhiều mẹ phải vắt sữa bình ra bú.
Sử dụng bình sữa trước khi cho con bú sẽ gây ra hậu quả ngậm bắt vú không đúng, bởi vì cơ chế bú bình và bú mẹ là khác nhau. Những khó khăn về chức năng như núm vú phẳng và đảo ngược. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất là sự thiếu kinh nghiệm của người mẹ và thiếu sự giúp đỡ lành nghề từ các nhân viên y tế tham gia.
- Giữ tinh thần lạc quan, tránh stress và ăn uống đầy đủ, không kiêng khem.
Hậu quả của việc bú không hiệu quả
Khi bé bú không hiệu quả, việc chuyển sữa từ mẹ sang bé không hiệu quả. Kết quả là:
- Vú có thể bị căng cứng, hoặc có thể bị tắc ống dẫn sữa hoặc viêm vú vì không đủ sữa.
- Uống sữa mẹ có thể không đủ, dẫn đến tăng cân kém.
- Bé có thể thất vọng và không chịu bú dẫn đến việc bỏ bú.
- Bé có thể rất đói và tiếp tục bú trong một thời gian dài, hoặc mẹ phải cho bú rất thường xuyên. Do đó, ngực có thể bị kích thích quá mức do bú quá nhiều, dẫn đến tình trạng sữa tiết quá nhiều mà trẻ bú ko được.
BS Nguyễn Viết Thái
Bệnh viện Hùng Vương
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn