Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc của văn minh nhân loại trong thời đại khoa học công nghệ phát triển “chóng mặt” ngày nay. Sự phát triển như vũ bão ấy đã mang lại cơ hội rất lớn cho các quốc gia biết nắm cơ hội để phát triển đất nước mình.

Bên cạnh đó, nhờ khoa học công nghệ mà nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội tiến hóa và phát triển tốt hơn, đồng thời cũng có những tác động ngược lại theo chiều hướng “xấu” đi ít nhiều. Đáng chú ý là lĩnh vực văn hóa, luôn được coi là giá trị bền vững nhất, lâu bền nhất và mang tính truyền thống nhất cũng đang bị tác động một cách “xấu” đi, đặc biệt là với giới trẻ.

songao.jpg
Một biếm họa về sống ảo của họa sĩ DAD
Chúng ta đã và đang chứng kiến các bạn trẻ là đối tượng hưởng thụ, tiếp thu nhanh nhất những tiến bộ này. Bên cạnh phần lớn các bạn trẻ đang tận dụng rất tốt sự tiến bộ của công nghệ để học tập, khởi nghiệp… cho mình, thì một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ khác lại đem những giá trị ảo ra ứng xử trong cuộc sống đời thực. Và những ứng xử này không những đã mang lại hậu quả không tốt cho văn hóa mà còn để lại hệ lụy rất xấu cho đời sống xã hội.

Gần đây, chúng ta đang chứng kiến những con người trẻ ngông cuồng rồ dại lang thang trên các trang mạng kiếm tìm sự giải tỏa bế tắc nào đó. Tiếc thay, sự loay hoay tìm kiếm ấy lại càng đẩy con người vào con đường bế tắc hơn. Một khi lao vào học đòi mà không  suy xét cân nhắc, thậm chí chỉ vì sự bốc đồng nông nổi hay do kích động từ một tác nhân nào đó mà đẩy kẻ “ham chơi” vào con đường tha hóa một cách tự nguyện. Chỉ vì sự thách thức, dè bỉu, câu like… của bạn học mà học sinh đánh hội đồng bạn, lấy xăng đốt trường v.v… Hiện tượng này càng ngày càng diễn biến trầm trọng và phổ biến hơn.

Trước đây, tuổi trẻ đến với học đường luôn thuộc nằm lòng và ý thức rất sâu sắc câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Còn nhớ, thời tôi vào lớp sơ học, dù chỉ mới bập bẹ 24 bốn chữ cái nhưng câu thành ngữ trên đã được thầy cô giáo treo trang trọng chính diện ở bên trên tấm bảng đen giữa lớp học, bất cứ ai khi bước vào lớp là nhìn thấy ngay.

Ngày ấy, chúng tôi học tập và sinh hoạt nghiêm túc lắm. Buổi sáng sau khi vô lớp, lớp trưởng làm “thủ tục” điểm danh sĩ số học sinh hiện diện hoặc vắng mặt rồi báo cáo cho thầy giáo biết. Thầy ghi vô sổ điểm danh để theo dõi sát học sinh hàng tháng… Bên cạnh đó, thầy dành một góc trên bên phải của bảng đen ghi lại sĩ số có mặt, vắng mặt được cập nhật suốt tuần lễ học tập.

Xong phần thủ tục ấy, thầy giảng giải “Tiên học lễ, hậu học văn” rất cặn kẽ và đưa ra những ví dụ sinh động để học sinh dễ dàng tiếp thu ghi nhớ. Thầy còn dạy cho trò cách đối nhân xử thế, lễ phép chào thưa và luôn kèm theo là động tác khoanh tay trước ngực, cúi đầu chào. Cách ứng xử này luôn được học trò thực hiện khi ra đường cũng như lúc về nhà, biết kính trên nhường dưới tùy theo tuổi tác mà xưng hô cho phải phép.

Tôi còn nhớ, khi ở nơi công cộng gặp tang ma phải cất mũ nón đứng nghiêm trang hướng về quan tài để tỏ lòng kính tiễn… Lời huấn giảng của thầy trao truyền cho học trò trong suốt niên học (thời gian ở bậc tiểu học và trung học), chúng tôi đã khắc cốt ghi tâm. Ngày nay, tuy câu thành ngữ ấy vẫn còn hiện hữu trong học đường, nhưng theo trực quan của tôi có lẽ phải hiểu ngược lại là “Tiên học văn, hậu học lễ”. Bởi lẽ nền giáo dục cũng như thị hiếu ngày nay chú trọng trau dồi “người tài hơn người đức”.

Sống ảo! Có thể xem nó là dị biệt hay trào lưu tiến hóa của thời đại văn minh, nhà nhà người người ganh đua chăng (!?). Hiện tượng sống ảo có vẻ bắt nguồn từ những tham vọng của người lớn chúng ta, nó như vết dầu loang ngày càng lan rộng ra.

Biết bao gia đình cha mẹ đẩy con trẻ đang độ tuổi học mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở… suốt một ngày dài chôn chân trong lớp học chính khóa ở trường, chiều đón về nhà cho trẻ ăn vội ăn vàng xong lại ép vào “lò luyện” chữ, ngoại ngữ, học thêm đàn, hát, nhạc, họa… Việc này đã tạo cho con trẻ nhiều áp lực, không có thời gian thư giãn nghỉ ngơi, vui chơi… đúng với tuổi thơ của các em; lại gieo vào đầu óc trẻ thơ non nớt ấy những “tham vọng” làm người của công chúng, người nổi tiếng quá sớm, từ đó gia tăng phân hóa đẳng cấp.

Cha mẹ chẳng cần biết tài năng thiên hướng của con trẻ như thế nào, chỉ nhằm thỏa mãn đam mê, cao vọng của cha mẹ, buộc con trẻ phải vào lò luyện miễn cưỡng như ép trái chín non… Có thể xem đây là những toan tính thiếu chất nhân văn, sống ảo của cha mẹ góp phần đẩy con trẻ vào ngõ cụt của cuộc đời.

Theo Thanh Phương/ Giác Ngộ

Bệnh viện Hạnh Phúc