Nghiện mạng xã hội, sống ảo là tình trạng ngày càng phố biến với một bộ phận không nhỏ giới trẻ ngày nay. Nó gây ra những hệ lụy cho chính bản thân họ và cho cả xã hội. Xung quanh vấn nạn này, phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với Th.S tâm lý Tô Nhi A – giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương tại TP HCM.

PV: Thưa chị, tại sao các trào lưu mới luôn có sức thu hút lớn đối với nhiều bạn trẻ?

song ao he luy khon luong

Th.S tâm lý Tô Nhi A: Các bạn trẻ ở đây được xác định là những bạn đang tuổi mới lớn, độ tuổi nhạy cảm nhất của cuộc đời. Họ tiếp thu rất nhanh tất cả các tác động của xã hội đến sự phát triển của bản thân. Các bạn trẻ còn là những người hết sức năng động trong việc lựa chọn những xu hướng mới, vấn đề mới, thành quả mới. Đây còn là độ tuổi mà cái mới còn như là một tiêu chuẩn sống, thể hiện giá trị bản thân, họ không cho phép mình tụt hậu. Từ đó lý giải tại sao những người trẻ là nhóm tiếp cận với trào lưu mới nhanh nhất, đồng thời cũng là nhóm tạo ra các trào lưu mới. Dĩ nhiên, trong rất nhiều cái mới đó sẽ có cái tiêu cực, cái tích cực.

PV: Mạng xã hội đã và đang có sức ảnh hưởng rất lớn đối với các bạn trẻ. Đắm chìm trong mạng xã hội, hình ảnh xuất hiện liên tục, đăng tải những nội dung gây sốc, những comment mang tính kích động… đó là cách làm của không ít bạn trẻ hiện nay nhằm thể hiện giá trị bản thân chăng? Chị có nhận xét gì thực trạng đó?

Th.S tâm lý Tô Nhi A: Do thiếu những hoạt động cá nhân thực tế thỏa mãn được mong muốn của mình nên sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội làm cho các bạn trẻ giải tỏa khao khát thể hiện bản thân, được nổi bật trước đám đông, được có những giá trị độc đáo, khác biệt… như các bạn có thể làm cho hình ảnh trở nên đẹp hơn, có thể viết nên những dòng tâm sự thể hiện chính kiến của mình mà bình thường các bạn không thể nói với cha mẹ, thầy cô, bạn bè do e ngại trong giao tiếp xã hội. Chính mạng xã hội làm các bạn tự tin thể hiện mình và tìm đến nó nhiều hơn. Đó cũng là nguyên nhân khiến các bạn sống ảo, bởi các bạn tìm kiếm thấy phương tiện để thể hiện được khát khao của mình mà ở đó các bạn có thể phù phép, tô vẽ bản thân hơn thực tế.

Do thiếu định hướng về giá trị của con người về phát triển nhân cách, không tiếp cận được với những giá trị sống tích cực, sống đẹp, nên một số bạn trẻ lầm tưởng rằng cách làm mình nổi đình nổi đám là cách thể hiện được đẳng cấp, tiếng nói, hình ảnh của mình với xung quanh.

PV: Đã có nhiều bạn trẻ câu like bằng các hành động nguy hiểm như đốt trường hoặc nhảy sông, việc đó thể hiện điều gì?

Th.S tâm lý Tô Nhi A: Có nhiều lý do, nhiều tác động cộng gộp để tạo nên phong trào “nói là làm”.

Thứ nhất là các bạn trẻ không có nhiều hoạt động cá nhân mang tính lành mạnh.

Thứ hai là thiếu định hướng về giá trị của con người trong phát triển nhân cách, không tiếp cận được với những giá trị sống tích cực, sống đẹp, nên nhiều bạn trẻ lầm tưởng rằng cách làm mình nổi đình nổi đám là sự thể hiện được đẳng cấp, thể hiện tiếng nói, hình ảnh của mình với những người xung quanh. Vì nổi tiếng cũng là một nhu cầu có thực của các bạn trẻ. Từ đó các bạn thấy rằng cách thể hiện trên mạng xã hội để gây sự chú ý có vẻ dễ và lao vào làm mà không nghĩ là thật sự có giá trị hay chỉ là những con số ảo và không biết hậu quả nó là gì. Tất cả bởi vì nhận thức kém, giá trị sống không tích cực và không được định hướng đúng.

PV: Vậy theo chị, làm thế nào để các bạn trẻ nhận thức và định hướng tốt cho bản thân, cho cuộc sống của chính mình?

Th.S tâm lý Tô Nhi A: Để giải quyết những vấn đề trên thì các bạn phải nhận được sự tác động rất tích cực từ giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội.

Cha mẹ phải có nhận thức đúng để trao cho con mình những giá trị sống đúng, tạo phương thức sinh hoạt lành mạnh, tích cực trong gia đình, làm cho con cái thấy được sự kết nối của mình với cha mẹ và sống tích cực, phát triển thuận lợi.

Đặc biệt, gia đình là cái nôi đầu tiên của các bạn trẻ, phải có trách nhiệm giúp họ định hướng giá trị sống và theo dõi, đồng hành cùng họ liên tục. Với vốn sống của mình, cha mẹ phải cho con cái thấy tin tưởng, có thể chia sẻ và cảm thấy an toàn khi chia sẻ với cha mẹ. Và cha mẹ phải có nhận thức đúng để trao cho con mình những giá trị sống đúng, tạo phương thức sinh hoạt lành mạnh, tích cực trong gia đình, làm cho con cái thấy được sự kết nối của mình với cha mẹ và sống tích cực, phát triển thuận lợi. Chúng ta cũng dễ dàng nhận ra rằng, hầu hết những bạn trẻ rơi vào trường hợp sống ảo là những bạn thiếu sự quan tâm của gia đình.

Với nhà trường, bên cạnh việc dạy kiến thức, còn cần định hướng hành vi để các bạn trẻ có năng lực thực sự ứng phó với các vấn đề gặp phải trong cuộc sống và phải tổ chức phong phú hơn các hoạt động vui chơi trong nhà trường và các hoạt động đó phải phù hợp với nhu cầu của các em trong độ tuổi đang lớn và rất thích được khám phá cái mới.

Bên cạnh đó, xã hội phải có những biện pháp thực sự hữu hiệu trong quản lý. Cách thức quản lý hiện nay không phù hợp và chưa theo kịp với trào lưu của các bạn trẻ. Các cơ quan quản lý cần có biện pháp hữu hiệu hơn nữa để có thể, góp phần định hướng sống tốt, sống có ích cho các bạn trẻ.

PV: Xin cảm ơn chị!

song ao he luy khon luong

Th.S tâm lý Trần Thị Thu Vân – Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM: Nghiện mạng xã hội có nhiều hệ lụy

Việc tham gia vào mạng xã hội và đăng tải các thông tin cá nhân, trước hết là do nhu cầu tự thể hiện bản thân của chính người đó, tiếp đến là nhu cầu được nhiều người biết đến, được thể hiện, được ghi nhận, khẳng định “cái tôi”, xây dựng hình ảnh bản thân. Đặc biệt, một số bạn trẻ đang trong giai đoạn xây dựng hình ảnh người trưởng thành, nhu cầu được mọi người ủng hộ, chia sẻ, được cổ vũ khá lớn. Do đó, một số bạn sẽ đăng những dòng trạng thái “bất thường” trên Facebook của họ.

Theo nghiên cứu, những ảnh hưởng của việc nghiện mạng xã hội không kém độc hại so với nghiện thuốc lá hay các chất gây nghiện khác. Nghiện mạng xã hội, con người có thể cảm thấy bị mê đắm khi đăng tải các trạng thái, làm giảm tương tác với mọi người xung quanh, gây mất ngủ, học hành kém, hay sao nhãng những hoạt động đời thực, thậm chí có nhiều người có nguy cơ trầm cảm.

Có nhiều phương pháp để tiếp cận tâm lý của người có hành vi bất ổn như vậy. Trong đó, việc đầu tiên phải là tìm hiểu bối cảnh sống của đối tượng như trường học, gia đình, các mối quan hệ ngoài xã hội, các sự kiện đặc biệt trong quá khứ… Từ đó, các chuyên gia tâm lý có thể hiểu được về bản thân đối tượng, hỗ trợ điều trị trên tinh thần giúp đỡ, thực hiện các biện pháp giúp họ bộc lộ bản thân.

song ao he luy khon luong
Gia đình là nơi quan trọng định hướng giá trị sống cho trẻ

Bác sĩ chuyên khoa II Lâm Hiếu Minh – Trưởng Khoa Sức khỏe tâm trí Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng: Thiếu sự nâng đỡ của gia đình và xã hội

Ngày nay, nhiều bạn trẻ lệ thuộc vào Internet, mạng xã hội vì nghĩ rằng những thứ này sẽ giúp họ thể hiện được giá trị của bản thân mình. Đây là một hiện tượng tâm lý và một hiện tượng xã hội.

Người ở độ tuổi chưa thành niên bị ảnh hưởng từ sự nhận xét của người ngoài khá nhiều. Họ chuyển từ giai đoạn phụ thuộc sang giai đoạn độc lập. Vào lứa tuổi này, nhiều bạn trẻ bắt đầu tham gia vào những nhóm có cùng sở thích, đồng trang lứa và có những hành vi bị chi phối bởi nhóm. Vì vậy, nghiện ma túy cũng thường dễ xảy ra ở độ tuổi này, trong nhóm có một bạn hút ma túy sẽ kéo theo cả nhóm nghiện hay nghiện Facebook cũng vậy.

Đáng chú ý là, nhiều bạn trẻ thiếu sự nâng đỡ của gia đình và xã hội. Bởi thiếu sự quan tâm chăm sóc, chia sẻ, nên các em tìm đến những nguồn chia sẻ ảo. Ngoài ra, những người chưa thành niên khi chuyển sang giai đoạn thành niên có nhu cầu tự khẳng định giá trị bản thân rất lớn. Giá trị bản thân có thể là thành tích học tập, công việc, thu nhập… Tuy nhiên, ở lứa tuổi này, những thứ đó hầu như không được như mong muốn nên các bạn tìm đến các giá trị ảo để thể hiện bản thân và tìm sự công nhận của một nhóm người nào đó.

Để giải quyết vấn đề này, vai trò của gia đình rất quan trọng. Nếu thấy con em mình có những biểu hiện bất thường cần phải nói chuyện để biết những nhu cầu của các em là gì, nếu cần thiết thì tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để giúp cho các em có sự định hướng tốt hơn, thoát khỏi sự lệ thuộc vào mạng.

Trường học, xã hội phải có những hoạt động, những nơi vui chơi giải trí thực chất, có chiều sâu để thu hút giới trẻ. Về mặt chuyên môn, cần nhân rộng những khoa tư vấn tâm lý hỗ trợ cho thanh thiếu niên một cách chuyên nghiệp.

song ao he luy khon luong
Tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh để thu hút giới trẻ

TS Nguyễn Hoàn Khắc Hiếu – Trưởng bộ môn Tâm lý học ứng dụng Trường Đại học Sư phạm TP HCM: Hãy ngưng sống ảo, tập trung vào làm việc!

Hành động dại dột để câu like là một minh chứng hùng hồn cho trào lưu sống ảo của một bộ phận bạn trẻ ngày nay. Trào lưu thiếu lành mạnh này đã lên đến đỉnh điểm khi một số bạn bắt đầu bất chấp cả tính mạng của mình để có thể nổi tiếng phút chốc trên mạng xã hội. Nên nhớ, mạo hiểm tính mạng, bạn có thể có số like cao nhất thời, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Đến khi gặp sự cố, tổn thương, mất mạng… thì điều đó có nghĩa là bạn tàn phá cơ thể, phụ công lao nuôi dưỡng của gia đình, tàn phá cả cơ hội tương lai của chính mình.

Vì vậy, cư dân mạng hãy tỉnh táo, đừng bao giờ phí nút like cho những hành động kiểu này, nếu không chính chúng ta là một kẻ tiếp tay cho những cá nhân “thèm khát nổi tiếng đến mức không thể tin nổi” và đưa họ vào vòng nguy hiểm. Ngưng sống ảo, tập trung vào làm việc, cuộc sống của bạn sẽ tốt hơn nhiều. Chỉ lan truyền những trào lưu đẹp, cuộc đời quanh bạn sẽ thú vị hơn nhiều. Đó là điều tôi muốn nhắn nhủ các bạn trẻ trên mạng xã hội.

Thế hệ “iGen” là những ai?

Thế hệ iGen là tên gọi được bà Jean M. Twenge, TS tâm lý Đại học San Diego (Mỹ) đặt cho những người sinh từ năm 1995 đến 2012, thế hệ bị “khủng hoảng sức khỏe tinh thần tồi tệ” mà thủ phạm chính là điện thoại thông minh.

Giới thanh thiếu niên không ngừng lướt mạng, thu mình, đau khổ vì ghen với những người cùng trang lứa có điều kiện thường xuyên phô bày cuộc sống thường nhật trên mạng xã hội. Thậm chí, để không bị thua bè kém bạn, họ không thể rời chiếc điện thoại thông minh ngay cả ban đêm, khi đi ngủ.

TS Twenge cho rằng, cách thế hệ iGen chào đón giai đoạn bước vào “tuổi teen” rất khác với thế hệ những năm 1980 hay 1990. Nếu ngày xưa, trưởng thành là khi người ta háo hức được xa rời vòng tay cha mẹ, tự quyết định một số việc, được lái xe hoặc “nổi loạn” theo kiểu thử hút thuốc, uống rượu, thì ở thế hệ smartphone, những thứ đó dường như không còn quan trọng. Những thiếu niên lớn lên cùng smartphone ít làm thêm, ít ra ngoài gặp gỡ bạn bè hay tương tác với xã hội hơn và cũng yêu đương, hẹn hò ít hơn các thế hệ cha anh.

Qua đó, TS Twenge cảnh báo: Thiết bị điện tử mà cha mẹ đặt vào tay con cái sẽ có tác động sâu sắc lên cuộc đời chúng, theo hướng làm cho chúng cực kỳ kém hạnh phúc.

Theo Thanh Hồ/ Petrotimes.vn 

Bệnh viện Hạnh Phúc