Xây dựng hình tượng nghệ sĩ đa năng đã không còn là mới và thực tế hệ lụy đã sản sinh ra nhiều “thảm họa” trong đời sống nghệ thuật. Nhưng đến nay, khi được hỏi thì nhiều nghệ sĩ vẫn không ngại ngần bày tỏ tham vọng muốn “nối dài” danh xưng.
“Tôi muốn xây dựng hình ảnh nghệ sĩ đa năng” – dường như đã là câu nói cửa miệng của đông đảo Sao Việt. Nên không lạ khi vừa mới vào nghề, những gương mặt này mải mê tung hoành từ sàn diễn này, sang sân khấu kia… Đương nhiên với tâm thế bất chấp là thử nghiệm không cần biết có “kham” nổi hay không.
Vậy nên chẳng còn ai ngạc nhiên khi thấy diễn viễn này cầm mic lên hát, chân dài kia đi đóng phim, người mẫu khác lấn sân sang MC… Hệ quả kéo theo, công chúng cứ gọi là “hụt hơi” khi đọc một “mớ” danh xưng kéo dài thườn thượt.
“Kinh điển” mà đến giờ vẫn còn giai thoại như trường hợp của Phi Thanh Vân trong lần chia sẻ về việc phát hành album đầu tiên khi lấn sân sang lĩnh vực ca hát cô từng chia sẻ:“… Đến thời điểm này tôi chưa bao giờ nói mình là ca sĩ chuyên nghiệp. DVD đầu tay sắp phát hành tôi cũng sẽ đề rõ là diễn viên, người mẫu, ca sĩ Phi Thanh Vân…”
Phi Thanh Vân ở vị trí nào cũng mờ nhạt, gây thảm họa!
Thời gian sau đó, người đẹp này còn xuất hiện với vai trò là người dẫn chương trình… Nếu chỉ nhìn vào bảng thành tích những danh xưng thì khỏi phải nói, đáng ngưỡng mộ đến nhường nào. Nhưng xét trên thực tế những sản phẩm mà cô nàng “da nâu” cho ra mắt thì quả là “thảm họa” không hơn. Dù với vai trò diễn viên, hình ảnh Phi Thanh Vân chỉ bó gọn trong những vai diễn cong cớn, chua ngoa… là vốn “sẵn có” thì vẫn còn tạm chấp nhận hơn là khi phải nghe nàng hát…
Từ “thảm họa” không bỗng dưng lại được gắn mác cho Phi Thanh Vân. Bởi với những sản phẩm âm nhạc kinh hoàng như “Làn da nâu” khiến công chúng liên tưởng đến những clip mua vui hơn là một sản phẩm âm nhạc.
Trường hợp của người mẫu Trúc Diễm cũng để đời không kém khi ngay từ giai đoạn đầu lấn sân sang lĩnh vực ca hát, cô đã bị “dội một gáo nước lạnh” trước lời chê thẳng thừng từ nhạc sĩ Trần Tiến. Rõ ràng sau này, sự nghiệp của Trúc Diễm có khởi sắc trong vai trò người mẫu, diễn viên… hơn là một ca sĩ. Rồi la liệt những cái tên khác như: Chung Thục Quyên, Bảo Anh, Nguyên Vũ, Hoàng My…
Thực trạng Showbiz hiện tại, đúng là nhìn trước ngó sau thì dường như không còn nghệ sĩ nào là không chịu “đa năng” cả. Từ người mẫu, diễn viên, ca sĩ… đến thương gia, doanh nhân. Sự “kiêm nhiệm” này phần nào sản sinh ra một showbiz quá nhiều rối ren, thảm họa.
Những nghề “tay ngang” đem đến không ít tai tiếng cho nghệ sĩ. Có lẽ Trúc Diễm sẽ không phải buồn rầu nếu không thử sức ca hát, hình ảnh của Nguyên Vũ sẽ đẹp hơn khi không nhận làm MC còn, Hoàng My thì nên ngồi yên với danh vị Á hậu của mình… Vậy mới nói, biết được khả năng của mình đến đâu, mới có thể thành công.
Xét cho cùng thì sự dấn thân không phải là xấu. Dấn thân để biết con đường mình đi phù hợp với lĩnh vực nào còn đáng biểu dương. Nhưng nó không đồng nghĩa với sự kiêm nhiệm quá nhiều vai trò và ở vai trò nào cũng mờ nhạt, nếu chưa nói là thảm họa vì thiếu kiến thức chuyên môn.
Hồ Ngọc Hà khá thành công trong bước chuyển của mình
Thực tế nghệ sĩ Việt cũng đã có không ít những gương mặt lấn sân thành công như: Hồ Ngọc Hà, Đỗ Hải Yến, Thanh Hằng, Ngô Thanh Vân… Đều là những gương mặt biết lấn sân để thấy đâu mới là lãnh địa dành cho mình. Hồ Ngọc Hà, từng là một người mẫu, diễn viên… nhưng mốc cuối cùng mà cô chọn dừng lại là một ca sĩ. Điều đáng ghi nhận ở Hồ Ngọc Hà là dù chuyển qua ngành nghệ thuật nào cũng được Hà tập trung đầu tư và lao động nghiêm túc. Vậy nên, khi lần lượt trình làng những album, giải thưởng âm nhạc danh tiếng, phần nào đã khẳng định nỗ lực và hướng đi đúng đắn của cô gái này.
Vậy nên, chuyện nghệ sĩ “kiêm nhiệm” đã không còn là mới và cũng không đáng chê trách. Đây còn là xu thế chung tiếp cận xu hướng hiện đại của nền nghệ thuật thế giới. Tuy nhiên, cách làm việc và lấn sân của các nghệ sĩ Việt hiện tại lại “đi ngược” khi đa phần chỉ ở trạng thái “cưỡi ngựa xem hoa” và làm để cho biết, chứ chưa thực sự có đầu tư.
Dường như, điều tối thiểu cần biết ở một nghệ sĩ chuyên nghiệp và chân chính, thật sự dấn thân với nghề thì cần phải biết rèn luyện nhiều kỹ năng để bổ trợ cho chuyên ngành chính của mình thì ở nghệ sĩ Việt chưa có.
Xét cho cùng công chúng sẽ là “trọng tài” khách quan nhất cho những đóng góp của nghệ sĩ. Nên thành công của một nghệ sĩ với lao động nghệ thuật, không phải căn cứ vào số lượng những danh xưng nối dài mà họ cố khoác cho mình. Ghi dấu ở một nghệ danh đã là thành công của người nghệ sĩ!
Nguồn: Báo Năng Lượng Mới