Tổ chức các khóa học ngắn và dài hạn, các sự kiện khoa học định kì thường xuyên, cũng như tạo ra các bộ dụng cụ thí nghiệm để mọi lứa tuổi từ mẫu giáo đến hết cấp III đều có thể tự tay làm thí nghiệm tại nhà hay tại trường… , nhóm nhà khoa học trẻ sáng lập viên của Học viện Sáng tạo kỳ vọng sẽ bù đắp sự thiếu vắng các hoạt động khoa học thực hành ở nhà trường phổ thông hiện nay. 
“Cánh đồng Khoa học và Nghệ thuật” mô phỏng  mô hình ngày hội khoa học cho thiếu nhi
“Cánh đồng Khoa học và Nghệ thuật” mô phỏng
mô hình ngày hội khoa học cho thiếu nhi

Trở về sau khi hoàn thành luận án tiến sỹ tại các trường đại học hàng đầu châu Âu, một nhóm nhà khoa học trẻ nhận ra thực trạng nghiên cứu khoa học ở trong nước hiện nay không khác gì nhiều so với mười năm trước khi họ lên đường du học. Ở bậc phổ thông không có bất cứ hoạt động khoa học nào cho học sinh; nhiều sinh viên chọn các chuyên ngành khoa học không phải vì đam mê thực thụ mà có khi chỉ vì học bổng tốt, hoặc đơn giản hơn, do sự thiếu định hướng… Với sức trẻ và ít nhiều liều lĩnh của những người đam mê khởi nghiệp, họ đã ngồi lại cùng nhau để tìm giải pháp, dù là nhỏ. Và thế là Học viện Sáng tạo ra đời với sứ mệnh tạo sân chơi khoa học vui và chuyên nghiệp cho học sinh phổ thông, bù đắp cho sự thiếu vắng hoàn toàn các hoạt động khoa học thực hành ở trường học. 

Hoạt động chính mà Học viện hướng đến là tổ chức các khóa học ngắn và dài hạn cùng các sự kiện khoa học định kì thường xuyên nhằm kích thích và nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học của đông đảo học sinh và phụ huynh, với hy vọng ít nhiều sẽ cải thiện tình trạng “quên lãng” khoa học ở bậc phổ thông. Trong lần ra mắt sự kiện đầu tiên, để tạo cú huých mạnh, nhóm đã kết hợp thêm các hoạt động nghệ thuật và hoạt động vui chơi ngày Tết. 

Tại sự kiện “Cánh đồng Khoa học và Nghệ thuật – Tết sẻ chia” được tổ chức trong trọn ngày 8/2/2015, lần đầu tiên trẻ em Hà Nội có một sân chơi khoa học thú vị và gần gũi đến thế, nơi các em không chỉ được xem các tiết mục biểu diễn khoa học như biến rượu vang thành các loại đồ uống khác, biến dung dịch thuốc tím KMnO4 thành nước không màu, hay biến nước thành Coca-Cola, v.v, mà còn được tự tay làm các thí nghiệm vui như chế tạo robot đơn giản đi được nhờ động cơ rung, tạo núi lửa nhờ phản ứng của thuốc muối (NaHCO3) với axit giấm, hay các trò chơi với đá khô và các thí nghiệm ảo thuật vật lý. Gần 20 nhóm trẻ tham gia say sưa khắp các góc trong sân trường, với các dụng cụ thí nghiệm chuyên nghiệp, với sự tập trung tối đa để đong đếm cho đúng từng ml hóa chất, lắp ráp cho chính xác từng mạch, từng dây. Có bạn vừa làm xong robot “con bọ” vội vàng bò lăn trên thảm cỏ cho hai chú “bọ” thi chạy. Xem ra không bạn nào dửng dưng được với các trò chơi khoa học… “Hay thế mà chúng mình chưa bao giờ được tận tay làm như thế này” – bạn Khôi Nguyên (8 tuổi) thốt lên. Việc tự mình hoàn thành một món đồ chơi công nghệ không chỉ kích thích niềm say mê khoa học ở trẻ mà còn giúp trẻ trở nên tự tin và tự hào về bản thân. Một sân chơi thực sự đem lại niềm vui học, vui chơi cho trẻ – thành công bước đầu ngoài mong đợi này đã ít nhiều khích lệ những người đứng ra tổ chức sự kiện.

Chuỗi sự kiện của Học viện Sáng tạo phỏng theo mô hình ngày hội khoa học (science fair/science camp) vẫn thường được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới dành cho trẻ em lứa tuổi từ mẫu giáo trở lên. Tại ngày hội này, học sinh, có thể là cá nhân hoặc tập thể, sẽ trình bày các dự án của mình. Học sinh cũng có thể tham gia các buổi biểu diễn khoa học ở trường đại học do các giảng viên của trường giới thiệu – cách làm khá phổ biến ở châu Âu. Tất cả các hoạt động này nhằm kích thích trí tò mò, niềm đam mê khoa học hay đơn giản chỉ nhằm giới thiệu thêm về khoa học cho trẻ em. 

Những hoạt động như vậy lâu nay còn thiếu vắng ở Việt Nam. Gần đây, trong Ngày KH&CN Việt Nam (18/5), một số trường có tổ chức cho học sinh tham quan phòng thí nghiệm nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó, trong khi lẽ ra hoạt động này phải được tổ chức thường xuyên hơn, theo quý hoặc theo học kì, và dưới nhiều hình thức phong phú hơn. Chính vì vậy, Học viện Sáng tạo hi vọng sẽ đưa được chuỗi sự kiện khoa học của mình trở thành một hoạt động thường xuyên trong nhiều nhà trường phổ thông. Sự kết hợp giữa trường học và các “đơn vị” bên ngoài là xu hướng phát triển tất yếu của giáo dục trên thế giới, khi không phải trường nào cũng có khả năng xây dựng và điều hành riêng một phòng khoa học với đội ngũ nhân sự là các nhà khoa học.

Với sự cộng tác của một số nhà khoa học tốt nghiệp tại châu Âu (TS. Đặng Văn Sơn, ĐH Birmingham, Anh; TS Bùi Văn Điệp, Ecole Polytechnique, Pháp…) và đội ngũ trợ giảng chuyên nghiệp, ngoài các sự kiện khoa học, Học viện Sáng tạo còn dự định chế ra những bộ dụng cụ thí nghiệm đơn giản được chia làm nhiều cấp độ, từ cơ bản và phổ cập như bộ đồ chơi giúp thực hiện các thí nghiệm với hóa chất nhà bếp, đến các bộ thí nghiệm chuyên sâu dành cho các bạn đam mê khoa học thực sự, từ 14 tuổi trở lên. Với các bộ dụng cụ thí nghiệm của Học viện, mọi đối tượng từ mẫu giáo đến hết cấp III, thậm chí cả sinh viên đại học, đều có thể tự tay làm thí nghiệm tại nhà hay tại trường. Cũng có thể coi các bộ dụng cụ thí nghiệm này như “giáo trình” để đưa môn khoa học vào các trường một cách nhanh chóng, hấp dẫn, và hiệu quả theo phương châm học thông qua hành, thông qua tự nghiên cứu. Khi quen dần với việc thực hiện các dự án khoa học nhỏ, các bạn trẻ sẽ tự tin hướng đến sự nghiệp khoa học thực sự trong tương lai. 

Hiện Học viện Sáng tạo đang tổ chức các khóa học ngắn hạn (năm buổi) để giới thiệu cho học sinh làm quen với khoa học; sau đó, nếu thực sự thích, các em sẽ đăng ký học các khóa học dài hạn, kéo dài cả năm, mỗi tuần một buổi với các bài học theo từng chủ đề, từng bộ môn khoa học. Học sinh sẽ học hoàn toàn qua thực hành, tự tay làm toàn bộ các thí nghiệm, các công đoạn lắp ráp, tham gia làm các dự án khoa học theo nhóm và trình bày các dự án tại các “Science show”.

 

 Bài và ảnh: Hương Nguyễn
Theo Tạp chí Tia Sáng/ tiasang.com.vn 
Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc