Bộ luật Hình sự năm 2015 (“BLHS 2015”) đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 chính thức thông qua ngày 27/11/2015 và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016. Trong đó, BLHS 2015đã bổ sung tội danh về sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm.

Các phụ gia thực phẩm là các chất được bổ sung thêm vào thực phẩm để bảo quản hay cải thiện hương vị và bề ngoài của thực phẩm, nó có thể cung cấp dinh dưỡng hoặc tăng cường chất lượng của sản phẩm… Khi chúng ta tiêu thụ các thực phẩm thì có thể đồng thời đã “ăn” một lượng phụ gia thực phẩm nhất định. Do đó, nếu phụ gia thực phẩm đó là hàng giả, hàng kém chất lượng thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã ban hành danh mục phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm và giới hạn tối đa đối với các chất phụ gia trong các sản phẩm thực phẩm được ban hành kèm theo Thông tư 27/2012/TT-BYT.

Tuy nhiên, tình trạng sản xuất, buôn bán phụ gia thực phẩm như bột ngọt, bột nêm giả,… như hiện nay không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất phụ gia thực phẩm chính hãng mà người tiêu dùng cũng bức xúc vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Nguyên nhân của tình trạng này phải chăng là do pháp luật chưa có hình thức chế tài đủ mạnh cho các trường hợp vi phạm này?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đi tìm câu trả lời

Thực tế, trong Bộ luật Hình sự 1999, được sửa đổi, bổ sung 2009 (“BLHS”) hiện hành chưa có quy định rõ về tội danh sản xuất, buôn bán phụ gia thực phẩm. Vì vậy, hiện nay, tuy cùng một hành vi làm giả phụ gia thực phẩm như bột ngọt… nhưng có nơi xử lý hình sự về tội sản xuất hàng giả, có nơi lại xử lý về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

BLHS năm 2015 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2016 đã giải quyết triệt để những bất cập nêu trên bằng quy định tại Điều 193. Từ nay, các cơ quan chức năng đã có thể mạnh tay xử lý triệt để các trường hợp vi phạm, các vấn nạn về hàng giả là phụ gia thực phẩm.

Theo đó, người nào có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm sẽ bị phạt tù ít nhất từ 2 – 5 năm, không tính đến số lượng và giá trị hàng hóa. Với mức vi phạm cao hơn, người sản xuất sẽ phải đối mặt với án tù 20 năm hoặc cao nhất là chung thân. Đây là điểm cải tiến rõ nét nhất trong BLHS 2015, cho thấy sự quan tâm của cơ quan lập pháp cũng như là các cơ quan bộ, ngành trong việc chăm lo cho đời sống nhân dân.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm thì bị phạt từ 1 tỷ đồng đến 18 tỷ đồng. Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra hoặc được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Với mức xử phạt hình sự trong BLHS mới có tính chất răn đe mạnh mẽtới bất kì đối tượng tổ chức, cá nhân nào vi phạm các vấn đề sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm.Tin rằng với những quy định cấp tiến trong BLHS 2015, các vấn nạn về an toàn vệ sinh thực phẩmsẽ bị đẩy lùi, người dân giờ đây có thể an tâm hơn khi tin rằng những phụ gia thực phẩm giả như bột ngọt giả, phẩm màu bẩn v.v. sẽ không còn cơ hội đe dọa sức khỏe của người tiêu dùng như trong thời gian qua.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh – Công ty Luật TNHH Đức Chánh

(Đoàn Luật sư TP.HCM)

Bệnh viện Hạnh Phúc