Nhiều cử nhân đi học thạc sĩ chỉ để… tránh thất nghiệp! Ở chiều ngược lại, cử nhân “học lùi” về hệ trung cấp chuyên nghiệp hoặc học nghề ở các trường dạy nghề để được làm… thợ! Trường đại học mở ra ngày càng nhiều nhưng kéo theo đó là hàng trăm ngàn cử nhân bị… thất nghiệp!

 PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh trao đổi với phóng viên Năng lượng Mới xung quanh vấn đề giáo dục, chọn ngành nghề trước thềm mùa tuyển sinh đại học năm 2014.

Đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu xã hội

PV: Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì tính đến quý IV/2013 có đến 160.000 lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên thất nghiệp. Nhiều người đánh giá rằng, tình trạng thất nghiệp là do vấn đề của đào tạo. Ông nhận xét thế nào về tình trạng này?

PGS.TS Ngô Minh Oanh: Tình trạng cử nhân, thạc sĩ ra trường không kiếm được việc làm là do nhiều lý do.

Ngo_Minh_Oanh

 PGS.TS Ngô Minh Oanh

Thứ nhất, do tính kế hoạch trong đào tạo chưa được thống nhất, ngày càng xuất hiện nhiều trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) chỉ chú trọng đến đào tạo những ngành được cho là “hot”, những ngành mà có thể có thu nhập cao như kinh tế, công nghệ thông tin…, từ đó dẫn đến tình trạng cung nhiều hơn cầu.

Thứ hai, do nền kinh tế trong thời gian gần đây gặp khó khăn, có rất nhiều doanh nghiệp phải giải thể. Đây chính là một trong những lý do dẫn tới nhu cầu về nguồn nhân lực bị hạn chế.

Thứ ba, do tình trạng đào tạo của chúng ta chưa gắn liền với thực tiễn sản xuất và nghề nghiệp tương lai của sinh viên. Khi ra trường, các em đi phỏng vấn tại các doanh nghiệp, nhưng không đạt yêu cầu. Vì vậy dẫn đến tình trạng thất nghiệp.

PV: Như vậy, xét riêng ở góc độ giáo dục thì một phần cử nhân thất nghiệp là do năng lực của họ không đi cùng với bằng cấp và xã hội không có nhu cầu về lĩnh vực họ được đào tạo, thưa ông?

PGS.TS Ngô Minh Oanh: Đây là một vấn đề rất lớn. Có một hiện tượng tâm lý là tất cả các em học sinh đều muốn sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) đều học lên ĐH. Tuy nhiên, việc học ĐH đòi hỏi các bạn phải có một năng lực nhất định. Có những người sau khi tốt nghiệp THPT với năng lực thực tế thì chỉ có thể vào được các trường nghề, nhưng vì các trường ĐH mở ra nhiều, nhu cầu tuyển sinh có, vì thế dù điểm thi đại học không cao nhưng họ vẫn tiếp tục vào ĐH. Như vậy, rõ ràng là giữa yêu cầu về mặt nghề nghiệp và năng lực thực tế có sự vênh nhau. Nhiều sinh viên đã tốt nghiệp ĐH, nhưng năng lực thì không đáp ứng được yêu cầu xã hội. Điều này góp phần vào việc gia tăng số lượng người thất nghiệp sau khi đã tốt nghiệp ĐH, CĐ.

PV: Thưa ông, qua các khảo sát thống kê gần đây cho thấy xuất hiện một tình trạng: cử nhân “học lùi” – nghĩa là họ đi học hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hoặc học nghề ở các trường đào tạo nghề. Phải chăng đó là một bước đi lùi để tìm việc làm?

PGS.TS Ngô Minh Oanh: Trước hết, về mặt xã hội thì đây là một sự lãng phí rất lớn. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay thì nhiều cử nhân và kể cả thạc sĩ của một số ngành phải đi tìm lại giá trị thực của mình, tìm cách để thay đổi nghề nghiệp cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Việc chuyển đổi nghề nghiệp này về một mặt nào đó cũng có ý nghĩa tích cực. Sự thay đổi đó là sự vận động để phù hợp với yêu cầu về mặt nghề nghiệp, yêu cầu về mặt nguồn lực của xã hội. Và điều này cũng chứng tỏ rằng, việc đào tạo không phù hợp với xã hội nên hoặc là anh bị đẩy ra ngoài guồng quay của nền kinh tế, hoặc là anh phải tự trăn trở, nỗ lực tự đào tạo mình, tự chuyển đổi nghề nghiệp để phục vụ cho nhu cầu của xã hội.

PV: Nhưng hiện nay, tại các tỉnh, thành trong cả nước, các trường đào tạo nghề, trường TCCN ngày càng teo tóp, trong khi đó các trường ĐH, CĐ thì phát triển rầm rộ, có tỉnh có tới 2 trường ĐH. Ông đánh giá gì về xu hướng này?

PGS.TS Ngô Minh Oanh: Gần đây, các trường CĐ nâng lên thành ĐH cộng đồng, các trường ĐH cộng đồng thành ĐH công lập của địa phương, trong khi đó, các trường nghề chưa được đầu tư một cách thích đáng. Điều này thể hiện một xu thế hiện nay là ít chú trọng đào tạo nghề, trường nghề và trường CĐ, ĐH còn có sự mất cân đối. Xu hướng này góp phần dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ.

 Hiện nay, có một điều khó khăn là việc đào tạo nghề tại các trường nghề là do Bộ LĐ-TB&XH quản lý, một bên thì Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dạy nghề trong các trường phổ thông, các trung tâm dạy nghề ở các cơ sở giáo dục. Nếu quản lý việc đào tạo nghề có sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của hai Bộ sẽ ảnh hưởng đến công việc đào tạo nghề. Như vậy, muốn phát triển việc dạy nghề, chúng ta phải có cơ chế thoáng để tạo sự hấp dẫn cho các trường nghề. Chẳng hạn như có thể thống nhất quản lý các trường nghề cho Bộ GD&ĐT quản lý, sau khi học nghề, các em học viên có thể học liên thông các trường CĐ, ĐH khác… Với tình hình hiện nay, cần thiết phải có một sự đổi mới trong phát triển trường nghề, đáp ứng việc phân luồng học sinh sau THCS, THPT và đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu xã hội.

Vẫn là nạn sính bằng cấp

PV: Trước mỗi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đều có các chương trình tư vấn tuyển sinh. Về mặt lý thuyết, lợi ích của chương trình này là điều khỏi phải bàn, song trước tình hình cử nhân ra trường thất nghiệp đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay thì câu hỏi đặt ra là liệu chương trình tư vấn, hướng nghiệp đó đã thật sự sâu sắc, phù hợp tình hình thực tế chưa?! Ông nghĩ gì về điều này?

PGS.TS Ngô Minh Oanh: Tư vấn tuyển sinh là một chương trình rất tốt. Việc tư vấn đó phần nào đã cung cấp cho các em học sinh những thông tin về trường học mà các em có thể sẽ theo học sau này, giúp các em biết được những yêu cầu về mặt nghề nghiệp mà các em phải có khi dự định thi vào trường đó, rồi tình hình tuyển sinh của các năm gần đây. Các em học sinh sẽ có cơ sở để so sánh yêu cầu nghề nghiệp với năng lực của mình, từ đó mới có thể lựa chọn nghề nghiệp một cách đúng đắn, chính xác.

Tuy nhiên, giá mà chương trình này không chỉ dừng lại ở lớp cuối cấp, mà có thể mở rộng ra ở các lớp đầu cấp THPT thì tốt hơn. Bởi việc định hướng phải là việc lâu dài chứ khó có thể trong một lần có kết quả tốt được!

PV: Thưa ông, bệnh sính bằng cấp ở xã hội ta cũng là nguyên nhân góp phần không nhỏ trong việc làm gia tăng con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp? Và có một thực tế ngày nay là, người ta phải chạy đi học đủ chứng chỉ này, văn bằng kia để xin việc nhưng năng lực để đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc thì không có! Ông nghĩ sao?

PGS.TS Ngô Minh Oanh: Nói về bệnh sính bằng cấp này thì chúng ta phải nhìn nhận nó một cách toàn diện. Chúng ta đang kêu gọi mọi người luôn luôn phấn đấu, luôn luôn học tập và vươn lên thì với việc từ trình độ thấp vươn lên trình độ cao là hoàn toàn chính đáng và rất đáng được ủng hộ. Vấn đề ở đây là bằng cấp có thực chất hay không? Nếu học thật, làm thật và năng lực, trình độ tương xứng với bằng cấp mà bản thân người đó có được, đáp ứng nhu cầu công việc thì rất đáng khuyến khích.

Thực tế khi nghiên cứu về nguồn nhân lực cho thấy, một người được đào tạo ở trình độ cao mà làm việc, kể cả khi không đúng nghề thì vẫn còn hơn rất nhiều so với việc không được đào tạo. Việc đào tạo, ngoài mục đích trang bị kiến thức chuyên ngành, nhà trường còn trang bị năng lực về mặt phương pháp, năng lực tiếp cận vấn đề, năng lực giao tiếp xã hội. Các trường CĐ, ĐH trang bị cho người học những điều này. Do đó, việc luôn luôn muốn vươn lên là hoàn toàn chính đáng, nhưng phải vươn lên đúng với năng lực, sở trường và vươn lên một cách thực chất. Điều này hoàn toàn không có gì đáng xấu hổ và hoàn toàn cần được ủng hộ!

Ở nước ta có một hiện tượng là luôn luôn kêu gọi phấn đấu học tập, vươn lên, nhưng khi người ta cố gắng tìm cách học lên, tìm cách đạt được bằng cấp cao lên thì lại phê phán họ. Tôi cho đó là một điều rất vô lý, chúng ta nên tách bạch, rõ ràng về chuyện bằng cấp. Chúng ta chỉ nên phê phán những người có bằng cấp mà trình độ, năng lực bản thân không tương xứng, là học giả, bằng giả hoặc bằng thật nhưng học giả. Còn nếu người ta có bằng cấp thực sự đúng với trình độ năng lực của họ, được xã hội và doanh nghiệp thừa nhận thì cũng là điều đáng hoan nghênh.

PV: Nói sâu về đào tạo ĐH, ở các nước tiên tiến trên thế giới họ thực hiện theo hướng mở rộng đầu vào, siết chặt đầu ra, thậm chí ở nhiều nước họ không thi ĐH, mà chỉ tuyển sinh dựa trên điểm THPT. Song, trong quá trình đào tạo, họ làm rất chặt chẽ, những sinh viên kém sẽ phải học đi học lại và để ra trường thì phải vượt qua những tiêu chí rất khắt khe. Còn ở Việt Nam đầu ra còn khá lỏng lẻo nếu không nói là cứ vào được ĐH thì đều ra được, dù học hành thế nào! Vấn đề này có làm ông trăn trở?

PGS.TS Ngô Minh Oanh: Ở các nước trên thế giới, có một số trường tổ chức thi nhưng cũng có trường tuyển sinh ĐH chọn theo kết quả THPT. Còn ở Việt Nam, đầu vào thì bị siết chặt, đầu ra lại lỏng. Nguyên nhân có thể nói rằng do các trường ĐH ở Việt Nam rất nhiều, tuyển sinh vào rồi cứ đào tạo, nhưng trong quá trình đào tạo và quản lý đầu ra tương đối lỏng lẻo nên sinh viên cứ vào được đại học là có thể tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường đều như vậy.

Đây là một vấn đề chúng ta cần quan tâm trong quá trình đào tạo. Chúng ta cần có sự kiểm tra, giám sát, phải siết chặt hơn nữa việc thi, công nhận tốt nghiệp của các trường ĐH. Nếu cứ có vào học ĐH là có tốt nghiệp mà không siết chặt chất lượng đầu ra thì sẽ dẫn đến tình trạng chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta còn hạn chế. Bằng chứng là rất nhiều cử nhân khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc, mà phải được đào tạo lại. Đầu ra càng dễ thì càng góp phần tăng số người thất nghiệp lên.

PV: Trước tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay, với tư cách là một cơ quan nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Giáo dục có những đề xuất giải pháp khắc phục như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Ngô Minh Oanh: Hiện nay, công tác phân luồng của chúng ta còn rất hạn chế. Sau THPT, chúng ta có định hướng khoảng 30% vào trường nghề, nhưng trên thực tế thì chưa đến 10% vào trường nghề, số còn lại tiếp tục học thêm cấp cao hơn. Lý do của hiện tượng này thứ nhất, là do định hướng nghề nghiệp, tư vấn về nghề nghiệp của chúng ta còn hạn chế; thứ hai, là các trường nghề chưa thu hút được các em vào, kế đến là chế độ chính sách cho những người tốt nghiệp các trường nghề chưa thật sự hấp dẫn.

Vì vậy, sau khi tốt nghiệp THPT thì phần lớn các em chỉ chọn con đường duy nhất là vào ĐH. Nếu như sau khi học trường nghề, có thể tìm được việc làm, có thể tiếp tục học cao hơn – là đào tạo liên thông; tốt nghiệp trường nghề có mức lương đảm bảo cho cuộc sống, cùng các chế độ chính sách khác thì học sinh sẽ vào các trường nghề để học.

Phân biệt đối xử tạo lệch lạc

PV: Dễ thấy là các bạn trẻ hiện nay có xu hướng chọn ngành học một cách vô cùng cảm tính và chỉ chạy theo xu hướng những nghề mang tính hào nhoáng là chính. Được biết ở Viện Nghiên cứu Giáo dục đã có công trình nghiên cứu khảo sát về xu hướng chọn ngành nghề của các bạn trẻ hiện nay. Theo ông thì kết quả từ nghiên cứu ấy đã nói lên điều gì?

PGS.TS Ngô Minh Oanh: Xu hướng chọn nghề của các em hiện nay chịu rất nhiều sức ép và thiên về ngành có thể kiếm được việc làm, có thu nhập cao, những ngành khó kiếm việc làm, thu nhập thấp như các ngành khoa học xã hội – nhân văn thì các em không chọn. Việc chọn nghề của các em cũng đang chạy theo phong trào, đổ xô vào các ngành như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin… Tất nhiên, ngoài việc dựa vào đặc điểm tâm lý, thể trạng, năng khiếu cá nhân, việc lựa chọn nghề nghiệp sẽ có dấu ấn của nền kinh tế. Chừng nào đời sống còn khó khăn, thu nhập giữa các nghề nghiệp khác nhau còn chênh lệch cao thì khi đó vẫn còn sự lựa chọn nghề nghiệp theo phong trào. Chẳng hạn như nghề giáo viên có thu nhập thấp, các ngành nghề kinh tế có thu nhập cao thì các bạn sẽ không lựa chọn ngành sư phạm nữa, mà sẽ vào học trường ngân hàng.

Tóm lại, khi xã hội vẫn còn sự phân biệt đối xử đối với các nghề nghiệp khác nhau thì vẫn có sự lệch lạc trong việc chọn nghề, tập trung chọn vào một số ngành, còn một số ngành khác thì không được lựa chọn.

 PV: Xu thế chọn ngành nghề hiện nay so với 10 năm trước đây chắc chắn đã khác nhiều. Nhưng nếu để ý, chúng ta sẽ nhận thấy rằng, việc chọn nghề hiện tại của các bạn trẻ chịu sức ép rất lớn từ bố mẹ. Và việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập của chính bạn trẻ đó. Ông nghĩ sao?

PGS.TS Ngô Minh Oanh: Trước đây, nghề nghiệp có sự lựa chọn và chủ yếu là do Nhà nước phân công theo học. Bây giờ tự do hơn, các bạn trẻ có thể đăng ký theo nguyện vọng. Trước đây, ranh giới giữa ngành “hot” hay không “hot” không lớn. Bây giờ thì sự lựa chọn rộng hơn và tính thực tế, tính thực dụng cũng rõ hơn.

Xu hướng chọn nghề bây giờ nói là do học sinh nhưng thực tế phần lớn vẫn do tư vấn của phụ huynh học sinh, chạy theo xu thế số đông. Việc chọn nghề của các em chịu nhiều sức ép hơn trước đây. Nhiều khi con quyết định nghề này nhưng bố mẹ không đồng ý bắt đi theo nghề khác. Việc này rất phổ biến.

Vì thế, để thay đổi nhận thức trong chọn ngành nghề thì trước hết là xã hội phải thay đổi, gia đình, phụ huynh, học sinh phải thay đổi để làm thế nào có những tư vấn tốt nhất, chính xác nhất, chọn nghề phù hợp với năng lực và nguyện vọng của con em mình.

PV: Cuối cùng xin hỏi, bản thân ông nghĩ gì về nhiều ý kiến cho rằng, nên gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và CĐ-ĐH làm một để tiết kiệm chi phí xã hội, tránh chuyện thi cử dồn dập và căn bệnh thành tích xảy ra?

PGS.TS Ngô Minh Oanh: Hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH là hoàn toàn khác nhau. Tôi cho rằng, những đề xuất nhập hai kỳ thi thành một kỳ thi là muốn tiết kiệm cho xã hội. Tuy nhiên, hai kỳ thi có yêu cầu khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp THPT thì chỉ đòi hỏi thí sinh đạt được yêu cầu tối thiểu về mặt kiến thức, đủ để góp phần vào lực lượng lao động cho xã hội. Còn đối với kỳ thi ĐH thì phải có sự lựa chọn, trong điều kiện nước ta hiện nay chưa thể đào tạo trình độ cử nhân cho tất cả mọi người, vì thế mà phải lựa chọn người có đủ năng lực, trình độ để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho nền kinh tế – xã hội. Muốn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải có sàng lọc. Nói chung là trong điều kiện hiện nay, việc nhập hai kỳ thi lại cần phải có lộ trình và tính toán thật hợp lý.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Lê Trúc – Thành Ngọc (thực hiện)/ Petrotimes.vn 

Bệnh viện Hạnh Phúc