Nhiều năm giữ cương vị Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, Chủ nhiệm bộ môn Tai Mũi Họng Trường ĐHYD TP HCM, Hiệu trưởng Trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch, PGS. TS. BS Nguyễn Thị Ngọc Dung đã cùng đồng nghiệp có nhiều đóng góp cho ngành y tế trong điều trị cũng như trong việc đào tạo BS tương lai, đặc biệt BS Tai Mũi Họng. Tạp chí Sức khỏe có buổi trò chuyện thú vị cùng PGS Ngọc Dung về tâm nguyện, quan điểm trong công tác đã qua và hiện nay.

1/ Thưa BS, trong thời gian BS làm giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện đã phát triển được rất nhiều kĩ thuật chuyên sâu, là Bệnh viện chuyên khoa Tai mũi họng đầu ngành của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, đồng thời cũng là cơ sở đào tạo thực hành cho nhiều thế hệ Bác sĩ Tai Mũi Họng. Đặc biệt, kĩ thuật cấy ốc tai điện tử đã được Bệnh viện Tai Mũi Họng là đơn vị đầu tiên triển khai. Với nhiều khó khăn về nhân lực và cơ sở vật chất, việc triển khai kĩ thuật này quả là một bước đột phá, xin BS chia sẻ cho độc giả về thành tựu này?

Việc cấy ốc tai điện tử được triển khai thí điểm từ 1998 nhờ sự hỗ trợ chuyên môn của đoàn bác sĩ phẫu thuật người Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tuy nhiên vì chưa được chuẩn bị chu đáo về tâm lý bệnh nhân và qui trình thực hiện Cấy điện ốc tai một cách hệ thống nên sau đó phải ngưng lại một thời gian dài.  Khi nhận nhiệm vụ Giám đốc bệnh viện, tôi quyết tâm phải phát triển kỹ thuật này để đem lại âm thanh cho người điếc hoàn toàn, đặc biệt đối với trẻ em bị điếc bẩm sinh, nỗi đau khổ tột cùng của cha mẹ. Kỹ thuật cấy điện ốc tai ở các nước

Hội thảo về cấy điện ốc tai

họ đã thực hiện rất lâu, người Việt Nam muốn cấy điện ốc tai phải sang nước ngoài, tốn kém rất nhiều, xa gia đình mà còn phải qua lại nhiều lần vì phải luyện nghe và luyện nói bởi những chuyên viên âm ngữ trị liệu lúc đó cũng chưa có ở Việt Nam. Quyết tâm là vậy nên chúng tôi bắt đầu từ đào tạo nhân sự: đào tạo chuyên gia thính học để phát hiện điếc bẩm sinh và theo dõi quá trình phát triển thính lực sau phẫu thuật, đào tạo phẫu thuật viên để có thể thực hiện tốt kỹ thuật đưa điện cực vào ốc tai, đào tạo chuyên viên âm ngữ trị liệu để luyện nghe và luyện nói cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Chúng tôi cử các bạn này đi tập huấn ở nước ngoài, mời chuyên gia về cầm tay chỉ việc và chuyển giao kỹ thuật dần dần. Song song đó, chúng tôi thực hiện các báo cáo khoa học để thuyết phục Bộ Y tế xét duyệt đưa phẫu thuật cấy điện ốc tai vào danh mục kỹ thuật của Tai mũi họng và qui trình Cấy điện ốc tai được đưa vào sách hướng dẫn thực hành Tai mũi họng do Bộ phát hành. Từ đó việc nhập khẩu các điện cực ốc tai cũng được thực hiện một cách thuận lợi hơn và bệnh nhân có nhiều điều kiện để tiếp cận với kỹ thuật này. Tất cả những việc trên kể lại thì đơn giản thì con đường đi thật nhiều khó khăn phải vượt qua. Đã vậy lúc ấy, đa số phụ huynh đều nghĩ rằng cấy điện cực ốc tai xong là trẻ phải nghe và nói được ngay nên chúng tôi bị áp lực và phải luôn luôn sát cánh với Phụ huynh và các Thầy Cô giáo, theo dõi từng bước phát triển ngôn ngữ của trẻ. Đến nay, phẫu thuật Cấy điện ốc tai đã trở thành thường quy tại bệnh viện Tai Mũi Họng thành phố Hồ Chí Minh với hơn 400 ca có lại âm thanh và giọng nói, các bác sĩ trẻ trong những ca phẫu thuật đầu tiên ngày nào nay đã là những người thầy, những người đàn anh đang chuyển giao kỹ thuật lại cho thế hệ trẻ và cho các cơ sở y tế Tai mũi họng khác trong toàn quốc. Những gì tôi ước mơ khi thuyết phục và động viên các đồng nghiệp ngày ấy vượt qua khó khăn nay đã thành sự thật.

2/ Ngoài phát triển kỹ thuật cấy ốc tai điện tử thì Bác sĩ cũng nổ lực phát triển ngành Âm ngữ trị liệu tại Việt Nam, nguyên nhân từ đâu mà bác sĩ quan tâm đến một lĩnh vực không thuộc về chuyên khoa của mình?

Năm 1993, khi tôi theo khóa học nội trú ở bệnh viện Edouard Herriot, Lyon, Pháp, tại đây có đào tạo cho các kỹ thuật viên về âm ngữ trị liệu. Tôi hơi tò mò, thấy người ta tập luyện cho các bệnh nhân bị bệnh lý về Tai mũi họng giống như bị hạt dây thanh, polyp dây thanh hết bệnh mà không cần phải phẫu thuật (lúc ấy, ở Việt Nam, hạt dây thanh hoặc polyp dây thanh đa số là phải phẫu thuật). Ngoài ra, các trẻ em sau cấy điện ốc tai, sau phẫu thuật sứt môi chẻ vòm, các bé tự kỷ hoặc rối loạn ngôn ngữ đều được các chuyên viên âm ngữ trị liệu hướng dẫn tập luyện hàng tuần. Nói chung, vai trò của kỹ thuật viên âm ngữ trị liệu rất lớn, đóng góp nhiều cho sự

Âm ngữ trị liệu

phục hồi chức năng về nuốt và nói, nhưng mà ở Việt Nam thì chưa có đào tạo ngành kỹ thuật này. Mặc kệ sự châm chọc của các bác sĩ nội trú Pháp, tôi theo các học viên Âm ngữ trị liệu học được 1 số phương pháp điều trị và tự nghiên cứu thêm trong sách vở. Khi về nước, tôi bắt đầu triển khai tại phòng soi thanh quản, hướng dẫn cho một số điều dưỡng để luyện tập cho những bệnh nhân bị nói giọng ái nam ái nữ, bị liệt dây thanh, hạt hoặc polyp dây thanh. Vì hạn chế về kiến thức chính qui để dạy thêm cho điều dưỡng, mà nhu cầu của bệnh nhân thì ngày càng nhiều, tâm huyết của tôi lúc bấy giờ là làm sao để có những khóa đào tạo chính thức về âm ngữ trị liệu tại Việt Nam. May mắn lúc đó có đoàn BS người Úc đến Việt Nam thực hiện phẫu thuật chỉnh hình sứt môi chẻ vòm tại BV Răng hàm mặt TP Hồ Chí Minh, họ có nhu cầu tìm người tập nói cho trẻ sau phẫu thuật, tôi có nhu cầu mở lớp đào tạo, thế là “những tư tưởng lớn gặp nhau”, tổ chức phi chính phủ Trinh Foundation Australia ra đời, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch của TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Newcastle của Úc vào cuộc cùng với Bệnh viện Tai mũi họng TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi vất vả xây dựng chương trình đào tạo dài

Lễ tốt nghiệp Khóa 2  Âm ngữ trị liệu

hạn 2 năm (nội dung tương đương chương trình đào tạo thạc sĩ) hoàn toàn được điều phối và giảng dạy, hướng dẫn lâm sàng bởi chuyên viên người Úc. Khóa 1(2010-2012) và khóa 2 (2012-2014) đã đào tạo được 33 chuyên viên, nay là các trưởng phó các đơn vị âm ngữ trị liệu trong các bệnh viện và các trung tâm và là các trợ giảng đắc lực cho khóa 3 (ANTL Nhi 1- 10 tháng) và là giảng viên chính của các khóa ANTL Nhi 2, 3 và 4. Giai đoạn đầu xin phép tổ chức lớp, xây dựng chương trình và điều phối lớp học vô cùng vất vả nhưng sự thành công của các học viên ngày hôm nay với những đơn vị âm ngữ trị liệu ngày càng phát triển, sự ra đời của nhiều trung tâm can thiệp sớm dành cho trẻ tự kỷ, nhiều trung tâm giáo dục đặc biệt cho trẻ rối loạn phát triển ngôn ngữ đã là một phần thưởng rất lớn cho tôi.

Và trên cả mong đợi, ước mơ của tôi về một ngành âm ngữ trị liệu tại Việt Nam đang dần thành hiện thực. Với sự nỗ lực không ngừng, TFA, tôi và các bạn chuyên viên âm ngữ trị liệu tại Việt Nam đã và đang tiếp tục hỗ trợ cho một tổ chức phi chính phủ tài trợ mở ngành đào tạo âm ngữ trị liệu tại Việt Nam. Dù bước đầu âm ngữ trị liệu vẫn còn nằm chung trong mã ngành đào tạo Phục hồi chức năng nhưng nội hàm vẫn sẽ là kiến thức về âm ngữ trị liệu, sẽ có thêm rất nhiều bệnh nhân được điều trị phục hồi lại giọng nói, nhiều trẻ em được phát triển về phát âm và ngôn ngữ, và đặc biệt các trẻ tự kỷ sẽ được giáo dục và hướng dẫn đúng kỹ thuật, nhanh chóng hòa nhập với học đường và xã hội. Đến cuối năm 2019, nêu nhận được thông tin tuyển sinh thạc sĩ âm ngữ trị liệu và cử nhân âm ngữ trị liệu từ các trường đã được chọn thí điểm ban đầu, chắc tôi phát khóc vì vui mừng. Ước mơ 26 năm nay đã thành hiện thực.

 

3/ Bên cạnh phát triển chuyên môn Tai Mũi Họng, BS còn có thời gian làm Phó chủ nhiệm bộ môn Tai Mũi Họng của Trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Chủ nhiệm bộ môn Tai Mũi Họng của Trường ĐHYD TP HCM, sau đó là Hiệu trưởng của Trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch, BS có những kỉ niệm hoặc những kinh nghiệm cần chia sẻ trong lĩnh vực đào tạo?

Trước hết tôi muốn nói về vấn đề đào tạo một bác sĩ đa khoa nói chung.

Khi về làm Hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tôi mới nhận thấy rằng, tuy thi đậu vào trường Y rất khó khăn, vất vả, nhưng một số em sau đó vẫn bỏ học vì thấy không thích hợp, một số em cố gắng theo đuổi để không phụ lòng mong muốn của cha mẹ nhưng không yêu nghề. Từ đó tôi có suy nghĩ, có thể một ngày nào đó, chúng ta nên có một chế độ tuyển sinh riêng cho sinh viên ngành Y, ở đó chúng ta có thể hiểu được tâm tư nguyện vọng của các em khi vào trường và chúng ta sẽ thật sự có những bác sĩ thật sự tâm huyết với nghề, và có đủ nghị lực để vượt qua sáu năm đại học vất vả và sau đó thêm ba, bốn năm đào tạo sau đại học. Tại nhiều nước phát triển, tuyển sinh vào ngành Y có phỏng vấn và chúng tôi cũng thực hiện như thế với khoa Y Việt Đức và thật là lý thú khi nghe các em nói lý do chọn ngành Y và mong ước được phục vụ trong lĩnh vực nào.

Trong thời gian này, tôi cũng nhận thấy, việc đào tạo sinh viên y khoa để ra thành một bác sĩ không phải đơn giản là chỉ cung cấp kiến thức. Một người sinh viên y khoa phải được đào tạo toàn diện cả ba mặt: lý thuyết, thực tập và thực hành. Ngoài ra, còn phải được phát triển kỹ năng giao tiếp và kỹ năng mềm để làm việc hiệu quả trong việc trao đổi thông tin với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các chuyên viên y tế khác. Phải được đào tạo tính chuyên nghiệp để biết làm việc theo hệ thống, tuân thủ các điều lệ và qui tắc làm việc, trong đó có các qui tắc về y đức.

Để thực hiện được những điều này, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã phát triển nhiều trung tâm đi sâu vào thực tập và nghiên cứu, đã xây dựng được phòng khám đa khoa thực hành của trường, đã triển khai được hợp tác Viện – Trường với các bệnh viện trong thành phố và trong tương lai rất gần, sẽ có một Viện – Trường kiểu mẫu tại Bình Chánh để các sinh viên y khoa được đào tạo trong một môi trường ngang tầm quốc tế, giúp cho việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả.

Riêng đối với việc đào tạo bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng, tôi lưu ý đến việc luyện kỹ năng phẫu thuật, không nên thực hành những ca đầu tiên trên bệnh nhân mà cần phải thực hành trên xác trước. Nung nấu ý tưởng này, khi về làm Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tôi đã cho thành lập phòng phẫu thuật thực hành trực thuộc bộ môn Giải phẫu và kêu gọi mạnh thường quân tài trợ mua hộc lạnh để xác tươi phục vụ cho việc thực hành trên xác của các bộ môn liên quan đến phẫu thuật ngoại khoa, trong đó có Tai mũi họng. Ngày càng có nhiều lớp tập huấn phẫu thuật được tổ chức phối hợp giữa các bệnh viện và Bộ môn giải phẫu của trường khiến tôi thấy an tâm hơn về tay nghề của phẫu thuật viên.

4/ Ngoài nhiệm vụ công tác được phân công, BS còn tham gia công tác Hội, cụ thể từng là Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, hiện nay là Phó chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, Ban thường vụ Hội Y học thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Nhi Thành phố Hồ Chí Minh và còn là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Pháp Thành phố Hồ Chí minh. Vì sao BS đã quá nhiều việc như vậy mà vẫn tích cực tham gia công tác Hội?

Có lẽ bởi vì tôi là con người của xã hội, thích những nơi tụ tập, hội hè đông vui (cười). Nói vậy thôi, chứ theo tôi nghĩ, ai làm trong ngành gì cũng muốn tham gia vào một tổ chức gồm có những người cùng ngành nghề với mình.

Vai trò của Hội là tập trung và phát triển tay nghề của hội viên, là nơi cập nhật kiến thức chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm với nhau, thông qua hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn… và qua các lần hội họp chuyên môn này là giao lưu về văn hóa văn nghệ, là gặp lại bạn cũ và làm quen bạn mới. Làm công tác Hội vui như vậy sao tôi không thích được? Tuy nhiên, mỗi lần nhận một nhiệm vụ đứng đầu trong Ban chấp hành Hội là mỗi lần tôi lo lắng vì tôi biết mình sẽ nghĩ ra một điều gì đó, ước mơ một điều gì đó để vươn tới và phát triển hơn.

Trong thời gian là Chủ tịch Hội Tai mũi họng Việt Nam, tôi đã cùng Ban chấp hành tổ chức hai lần hội nghị quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh, vất vả vô cùng nhưng sự thành công của hai hội nghị này đã để lại dấu ấn không quên cho các đồng nghiệp Tai mũi họng trong nước, trong khu vực và trên thế giới. Sau hội nghị, Việt Nam đã được các nước quan tâm và công nhận, các bài gửi đi được đồng ý cho tham gia báo cáo, các bác sĩ Việt Nam được mời ngồi Chủ tịch đoàn trong trong các hội nghị quốc tế. Tôi cảm thấy tự hào khi tên Việt Nam được đưa lên trên các website hội nghị quốc tế và khi ngồi nghe một bác sĩ Việt Nam báo cáo tại hội trường quốc tế. Một niềm tự hào dân tộc rất lớn với một đóng góp nhỏ bé của mình.

5/ Đi đến cùng trong nghề nghiệp và đạt được kết quả cao nhất ở mọi vị trí công tác, có bao giờ BS cảm thấy mệt mỏi và muốn dừng chân không?

Thực ra không chỉ là trong công tác mà cuộc sống của ai cũng vậy. Có đôi lúc mình cũng mệt mỏi vì sức khỏe không đủ kham, vì không có thời gian để thực hiện hết những điều mình mong muốn, nhưng mệt mỏi nhất là phải đối phó với những tư tưởng tiêu cực, buông xuôi hoặc chống đối. Bây giờ, đã nghỉ hưu và nhìn lại về một quá trình hoạt động của mình, tôi cảm thấy vui vì mình được làm việc với những đồng nghiệp cùng chí hướng với mình, hài lòng với những gì mình đã đóng góp trong thời gian công tác và cảm thấy rất phấn khởi khi thấy đồng nghiệp của mình cùng các thế hệ trẻ đã phát huy giỏi hơn, làm hiệu quả hơn nữa những việc mà mình đã xây dựng lúc đầu. Bên cạnh công việc của xã hội, tôi may mắn được sự hỗ trợ độngviên

của đại gia đình hai bên, được sự thông cảm chia sẻ của chồng và con gái, và cho đến hôm nay, đáng lẽ “vui thú điền viên” với gia đình và hai cháu ngoại, tôi vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy đào tạo và tham gia tích cực vào công tác của các Hội. Và tôi lại tiếp tục được sự hỗ trợ động viên của chồng con và gia đình. Tôi thật là hạnh phúc. Tôi nghĩ, những điều nhỏ lớn trong cuộc sống, giúp cho mình đi đến cùng những công việc mình thực hiện, là rất quan trọng. Và điều quan trọng nhất, nếu chúng ta có ước mơ thì chúng ta phải nuôi ước mơ đó và phải nỗ lực để đạt được. Bởi, nếu chỉ mơ mà không làm, thì không bao giờ ước mơ có thể trở thành hiện thực.

 Cám ơn BS!

PGS. TS. BS Nguyễn Thị Ngọc Dung

Nguyên Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP HCM

Nguyên Hiệu trưởng Trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM

PV BTV Kim Ánh

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc