Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thực phẩm Hoa Sen (Lotus Food) không phải là tên tuổi lớn trong ngành hàng tiêu dùng của Nhật Bản. Thế nhưng, nó lại là “cửa ngõ” cho bất cứ nhà sản xuất thực phẩm Nhật Bản nào muốn thâm nhập thị trường Việt Nam. Đứng sau Lotus chính là “nữ tướng” Lê Vân Mây, 47 tuổi.

Bà Lê Vân Mây thành lập Lotus năm 1997, khởi đầu là xuất khẩu hàng thủ công sang Nhật

Được thành lập năm 1997, Lotus hiện có 1.500 nhân viên chính thức. Năm 2017, doanh thu của công ty đạt 49,6 triệu USD. Theo kế hoạch, doanh thu năm 2018 của Lotus đạt 71,5 triệu USD. Lotus đang hợp tác với những tên tuổi lớn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng Nhật Bản như hãng sữa Morinaga, Nichirei, tã giấy Daio Paper và Toridoll Holdings.

Câu chuyện của Lotus được viết nên bởi “nữ tướng” Lê Vân Mây, 47 tuổi

Bà Mây đã biến Lotus từ một cửa hàng buôn đồ gia dụng nhỏ thành một công ty phân phối chính thức các sản phẩm tã, sữa bột và thức ăn Nhật Bản ở các nước Đông Nam Á có doanh thu hàng chục triệu USD/năm.

Bà Mây chia sẻ rằng mục tiêu của Lotus là đưa lối sống Nhật Bản đến với người tiêu dùng Việt Nam. Người tiêu dùng trong nước có thể dễ dàng tiếp cận các tiện ích Nhật mà không cần phải rời khỏi đất nước.

Bà Lê Vân Mây đã từng học tiếng Nga và có thời gian du học ở Liên Xô. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu vào năm 1991 đã thúc đẩy bà chuyển sự chú ý của mình sang quốc gia khác.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, bà Mây làm việc cho Trung tâm thương mại Nissho Iwai của Nhật Bản, nay là Trung tâm Sojitz. Khi đó, bà làm ở một chi nhánh địa phương và giữ vị trí trợ lý chủ tịch.

Sau khi nghỉ việc tại Nissho Iwai, bà Mây vẫn giữ liên lạc với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản bằng cách tham gia hiệp hội thương mại địa phương. Theo Yukio Mutsuda, một đối tác kinh doanh lâu năm của Lotus, lúc 26 tuổi, bà Mây đã thành lập một công ty bán sỉ đồ gia dụng, xuất khẩu các mặt hàng như đũa, thực phẩm và sản phẩm thủ công thêu thùa của Việt Nam đến Nhật Bản.

Khi ấy, các sản phẩm Việt Nam có giá thành rẻ nhưng chất lượng cao đã nhanh chóng được người tiêu dùng Nhật Bản ưa thích.

Bước thứ hai trong kế hoạch thâm nhập thị trường Nhật Bản của bà Mây là bắt đầu xuất khẩu tôm thẻ sang Nhật. Để đảm bảo số lượng lớn cho thị trường Nhật Bản, bà Mây đã lăn lộn ở chợ cá thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều đêm dài.

Sự siêng năng và uy tín đã giúp bà Mây ngày càng có nhiều khách hàng

Với lợi nhuận thu được từ việc bán hàng hóa sang Nhật, bà Mây đã dùng để nhập khẩu ngược những mặt hàng ở Nhật về Việt Nam. Khi đó, nhóm khách hàng trẻ tuổi trong nước chính là mục tiêu mà bà nhắm tới.

Đến năm 2002, Lotus đã phân phối tã Daio Paper của Nhật Bản tại Việt Nam. Vị thế của công ty được nâng lên.

Năm 2010, Lotus bắt đầu phân phối sữa công thức Morinaga tại Việt Nam, đưa thương hiệu Nhật Bản cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn khổng lồ phương Tây như Abbott, Nestle và FrieslandCampina.

Lotus đã giúp Morinaga Milk vượt qua bất lợi của “người đến sau” bằng cách thu hút trực tiếp các bà mẹ thông qua mạng xã hội và các chiến dịch tại cửa hàng.

Bà Mây đã cùng nhau tổ chức một đội ngũ bán hàng trực tiếp tới các bệnh viện và cửa hàng bán đồ sơ sinh để tăng mực độ nhận diện thương hiệu. Đồng thời, bà cũng mời những người nổi tiếng quảng bá cho Morinaga trên mạng xã hội. Morinaga Milk đã chứng kiến lượng tiêu thụ trong nước tăng đều đặn..

Theo Bộ Thương mại Nhật Bản, xuất khẩu sữa bột trẻ em của Nhật Bản vào Việt Nam vào năm 2017 đạt 511 triệu USD. Trong khi con số này là 0 vào năm 2013.

Ngoài ra, Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu thực phẩm lớn thứ 6 của Nhật Bản với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 22%.

Sau sữa bột và tã giấy cho trẻ em, Lotus bước vào lĩnh vực kinh doanh nhà hàng và bắt đầu nhượng quyền cho các chuỗi cửa hàng của Nhật Bản. Năm 2014, Lotus mở cửa hàng bánh mì Udon đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí. Sau hơn 3 năm, số lượng cửa hàng đã tăng lên đến 8. Hiện, Lotus đang đàm phán để thiết lập chuỗi nhà hàng cà ri Ichibanya.

Tham vọng của nhà sáng lập Lê Vân Mây là đưa Lotus trở thành “cửa ngõ” vào Việt Nam cho các công ty Nhật Bản và độc quyền phân phối các mặt hàng Nhật Bản đến người tiêu dùng trong nước.

Trong số hàng nghìn gian hàng tại hội chợ thương mại Foodex ở Tokyo, bà Mây quan tâm nhiều nhất đến các sản phẩm là thực phẩm chức năng bổ sung vitamin cho trẻ em do công ty Unimat Riken sản xuất. Ngoài ra có các sản phẩm ăn kiêng và thực phẩm bổ sung collagen của công ty Fine.

Các sản phẩm của Unimat đã xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, hãng này cho biết vẫn sẵn sàng hợp tác với một đối tác địa phương nếu việc này giúp tăng doanh thu.

Vài năm trở lại đây, hàng tiêu dùng Nhật Bản ngày càng len lỏi vào đời sống người tiêu dùng Việt và dần trở nên quen thuộc. Xu hướng lựa chọn hàng Nhật Bản đang được người tiêu dùng Việt ưu tiên số 1 hiện nay bởi sản phẩm an toàn, chất lượng đảm bảo kèm giá cả cạnh tranh. Các siêu thị, cửa hàng bán lẻ và nhà hàng Nhật Bản như AEON, Ministop, Family Mart, Tokyo Deli, Gyu kaku, Oshaka Ohsho đã liên tiếp được mở ra nhằm mở rộng thị phần và đáp ứng nhu cầu người dân.

 

Theo Hoàng Lan/ http://vietnamfinance.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc