Nhất định phải chịu đựng. Con nhỏ, chồng theo đuôi bố, cháu cần âm thầm chiến đấu với hai sự gia trưởng của hai người. 

Cô kính mến! Chắc cô có biết nguyên do người phụ nữ buộc con vào người rồi quyên sinh chỗ cống nước? Cháu không bà con thân thuộc gì với chị ấy nhưng cháu thấy mình cũng hay có ý nghĩ dại dột như chị ấy. Theo một số tờ báo, nguồn cơn của chị ấy là mấy anh em nhà chồng sẽ ở cùng trong một ngôi nhà ba hay bốn tầng gì đó đang làm móng. Cháu đồng cảm với chị ấy mọi phương diện cô ạ, việc nồi cơm sống và người chồng tát tai chị chỉ là giọt nước tràn ly thôi cô.

460x338_chong-gia-truong-1_ww150 (1)

Cháu lấy chồng cũng như nhiều cô gái thời nay, có tìm hiểu, có yêu và rồi thấy được thì cưới sớm. Chúng cháu cùng làm ở xã, ngày trước là nơi chầu rìa, rồi giao thông phát triển, xóm làng biến thành đô thị. Trung tâm xã lên thị trấn, nhà chồng cháu ở trong diện quy hoạch và được đề bù rất khá. Khi ấy cháu chưa là dâu nhà họ, nhưng cháu biết rõ tình hình giải tỏa và lên đời của địa phương. Chồng cháu là con trai út của gia đình ba người con đều là trai.

Cả ba mỗi người mỗi tính và mỗi nghề. Ngày trước nhà bố mẹ ở giữa, đất rộng, anh cả anh thứ ở hai bên, con trai út ở cùng bố mẹ. Khi con đường nhựa qua vườn nhà, bố của anh muốn gộp các con về một mối để dư đất ra sang bán lại cho mỗi đứa lưng vốn mở hàng quán phía trước. Cô hình dung được không, ngôi nhà bố mẹ cháu xây nằm lùi vào trong, nhà bốn tầng hoành tráng, tầng trệt sinh hoạt chung, tầng hai bố mẹ và con út, tầng ba anh cả và tầng trên cùng, anh thứ.

Cháu bước vào ngôi nhà như vậy đấy. Khi ấy ai cũng bảo cháu tốt số, nhà người ta bề thế nhất thị trấn mới. Bố chồng cháu là nông dân giỏi, hồi trước có công tác ở địa phương, mẹ thì lớn tuổi hơn bố nhưng sợ bố một phép. May là bố chỉ là trai thứ, ông bà nội ở gần đấy với bác cả. Hiện giờ anh cả ở góc trái bán tạp hóa, anh thứ ở góc phải bán lòng lợn và nước giải khát, cả hai rất hoạt và thu nhập rất khá cô ạ. Chỉ có cháu là khổ, mọi việc đổ lên đầu.

Chúng cháu cưới đã ba năm, con trai cháu đã 3 tuổi nhưng cháu vừa làm dâu vừa làm việc, cháu không có đồng ra đồng vào như hai chị nhưng trách nhiệm thì thường trực. Bố khắc nghiệt, mẹ như con ở nhưng mẹ làm lụng nhiều, mẹ mang đủ thứ bệnh trong người, cưới dâu út về coi như mẹ trút gánh. Cháu không hay được về bên đẻ, sinh cũng không được về dù mẹ cháu qua nói chuyện với thông gia hẳn hoi. Chỉ vì hai chị dâu bận bán hàng, cho cháu về mẹ đẻ cháu thì các chị phải lăn vào bếp à? Các chị hành cháu nhưng không thích cháu vì cháu có vị trí xã hội, cháu hay đi họp ở huyện ở tỉnh, cháu biết vi tính, cháu biết lướt mạng, cháu còn bày dạy cho con cái của hai chị ấy nữa.

Nhưng cháu không thấy vinh dự ở đâu cả, càng hiểu biết càng thấy mình mất tự do, mình không sao thoát ra được ngôi nhà bốn tầng tam đại đồng đường này. Chồng cháu giống hệt bố ở cái tính gia trưởng với vợ. Ở chung, lúc nào cũng trong tầm mắt bố mẹ, khi nào anh muốn tình cảm với vợ cũng ngại hai ông bà để ý nhắc nhở. Cháu sẽ không như cái chị buộc con vào bụng để kết thúc kia đâu. Nhưng cái chán ở trong cháu ngày mỗi lớn lên. Mà hai chị thì chỉ là dân lòng lợn và tạp hóa, sao ngồi lên đầu lên cổ cháu được. Làm sao để chấm dứt kiếp nạn làm dâu một đại gia đình xà quần này được hở cô? ———————

Cháu thân mến!

Cô cũng như dư luận, xót xa nhưng vẫn trách cứ người phụ nữ ấy. Sao không bỏ đi, hoặc ly dị mà phải hại cả con mình như vậy? Sao phụ nữ trẻ bây giờ xem cái nư mình lớn hơn sinh mạng của con cái mình, đốt con, hạ độc con và kéo con vào chuyện quyên sinh thảm sầu. Cháu và chồng cùng làm ở xã, giờ là thị trấn, cả hai đều có hiểu biết, sao ngay từ đầu không hình dung cảnh tam đại đồng đường giờ nó lạc hậu, nó lỗi thời thế nào. Tránh trước là đại may, còn để lỡ xây cái nhà to đùng mà trong đó mọi thành viên đều lóp ngóp bực bội thì ai cũng tổn thọ sớm. Cô hình dung được cảnh trăm dâu đổ đầu tằm.

Mẹ chồng yếu thế, các chị dâu sanh nạnh hoặc ghê gớm, cháu út ít, “ma mới” so với các chị “ma cũ”, ôi thôi rồi, coi như những năm hậu hôn nhân của cháu chắc nước mắt chan cơm. Nhưng mà cháu ơi, không có cảnh nào tồi cả, cảnh nào rồi cũng có lối ra. Nhất định phải chịu đựng. Con nhỏ, chồng theo đuôi bố, cháu cần âm thầm chiến đấu với hai sự gia trưởng của hai người đàn ông chi phối gia đình này. Cháu đừng tham thừa kế, cháu không thiết gì nhà bốn tầng, cháu nhìn ra bên ngoài và chuẩn bị ra riêng, được không? Không sớm được nhưng nhất định anh cả phải ôm bố mẹ già, con trai út ít trách nhiệm hơn, con út tự do hơn.

Các anh chị có thể nghĩ các cháu bám tài sản. Cháu làm cho chồng hiểu thừa hưởng nhiều thì trách nhiệm nặng, mình nhảy sang một bên cho hai anh chị rộng đường có được không? Phải cho họ thấy mình không tham, mình thanh thản và họ không đối phó nữa. Thời gian sẽ ủng hộ cháu và chồng cháu tách ra. Chỉ có tách ra thì mọi người mới yên.

Cháu cứ một mực tách thì chồng cháu sẽ cân nhắc và biết đâu, thương con nên thương vợ, sẽ nghe theo. Không chừng bố đã chuẩn bị cho con út phần nào, cộng với giúp đỡ của bên cháu nữa xem sao. Phải thóat ra đường hoàng, từ từ và sáng sủa, không được manh động hay sai lầm trong việc này, cháu nhá.

Theo DẠ HƯƠNG/ NongNghiep.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc