Tuổi thơ luôn thích nghịch với những sắc màu. Ông mặt trời, chú bộ đội, khu vườn, con trâu, khuôn mặt ba mẹ… hiện lên qua lăng kính trẻ thơ đầy sinh động và ngộ nghĩnh. Những bức vẽ đẹp được nhà thiết kế Sĩ Hoàng thử nghiệm trên tà áo dài. Và thật bất ngờ, khi bộ sưu tập áo dài thiếu nhi đáng yêu ấy lưu diễn ở Pháp, Nhật, Mỹ, bạn bè quốc tế đã thực sự ngỡ ngàng trước sức sáng tạo của trẻ em Việt Nam.

Dạy… thai nhi biết “vẽ”
Kết thúc Trại Sáng tạo hè “Tư duy vượt giới hạn” tại nhà vườn Long Thuận diễn ra vào đầu tháng 6, cậu bé, cô bé nào cũng hào hứng đăng ký tham gia Trại Sáng tạo đợt hai diễn ra vào ngày 26-27-28/6. Hè này, ngoài Trại Sáng tạo còn rất nhiều chương trình vui chơi khác như: “Chinh phục mặt trời”, “Xì Trum – nhỏ mà không nhỏ”… Em Nguyễn Tấn Phúc, học sinh lớp 6 trường THCS Tân Bình cho biết, đến với các trại hè em rất vui vì tại đây em được tham gia nhiều trò chơi thú vị như: thiết kế thời trang, vẽ tranh, sáng tác nhạc, làm mô hình bơi thuyền, thi văn nghệ… “Tụi em không chỉ được chơi mà còn làm quen với rất nhiều bạn mới. Lúc đầu em rất sợ thuyết trình trước đám đông về bức vẽ của mình. Nhưng được thầy cô khuyến khích nên bây giờ em đã mạnh dạn hơn”.

giao
Các trại hè này là những hoạt động tiền đề nằm trong chương trình “giáo dục sớm” mà nhà thiết kế Sĩ Hoàng sáng lập và đang làm Giám đốc sáng tạo.
Ông Bùi Đỗ Nguyên, Giám đốc điều hành chương trình cho biết cách đây ít năm, khi về nước, nhận thấy các buổi vẽ của nhà thiết kế Sĩ Hoàng tổ chức cho thiếu nhi có tiêu chí rất phù hợp với chương trình giáo dục sớm ở các nước phương Tây nên ông đã cùng Sĩ Hoàng xây dựng Trường Creative Art nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình giáo dục sớm. “Hiện nay trường vừa hoàn tất đào tạo giảng viên và sẽ chính thức hoạt động vào thời gian tới. Trường sử dụng phương pháp sư phạm là phát huy tối ưu tư duy sáng tạo (Creative Intelligence – viết tắt là CI, được Ủy ban Lao động của Mỹ bầu chọn là kỹ năng quan trọng số 1 trong số 13 kỹ năng cần có của một người lao động trong thế kỷ XXI) và thông minh cảm xúc (Emotion Intelligence). Thông qua hội họa nói riêng và các bộ môn nghệ thuật khác, các em sẽ được rèn luyện khả năng sáng tạo, tư duy, kỹ năng giao tiếp, làm việc tập thể” – Ông Nguyên cho biết. Ngoài địa chỉ là nơi làm việc của nhà thiết kế Sĩ Hoàng, trường sẽ mở các lớp gần các trường tiểu học, THCS để tiện cho các em tham gia. Chương trình sẽ có lớp sau giờ học trên lớp của các em và lớp chuyên sâu vào ngày cuối tuần để không trùng giờ. Trước mắt chương trình dành cho những em nhỏ từ 6-15 tuổi. Về sau sẽ phát triển sang độ tuổi mẫu giáo, thai nhi và lứa tuổi THPT.
Thắc mắc về chuyện dạy… thai nhi bằng hội họa, ông Nguyên cho biết, đó là cách cho bà mẹ mang thai xem tranh và cảm nhận hội họa qua những khóa học. Thông thường người mẹ khi mang thai thường thích xem những hình em bé dễ thương, phong cảnh đẹp với mong ước cho ra đời đứa con xinh xắn, mạnh khỏe. Qua lớp học này, các bà mẹ sẽ được nâng lên một tầng cao mới trong việc cảm thụ những tác phẩm hội họa giàu giá trị nghệ thuật. Từ đó kích thích “tư duy sáng tạo” cho thai nhi.
Chương trình bắt đầu khởi động từ đầu năm 2013 với những hoạt động ban đầu cho một dự án dài hơi. Thật ngạc nhiên khi không chỉ có các em bé trên 6 tuổi tham gia lớp vẽ mà nhà thiết kế Sĩ Hoàng cũng đã từng tổ chức các buổi học vẽ cho các bé mới bi bô tập nói. Nét vẽ nghuệch ngoạc nhưng đó là một cách để bé thỏa ý thích với muôn sắc màu.
“Qua khóa học này em cảm thấy rất thú vị và học được nhiều kiến thức mới. Thầy cô dạy cho em cách tô màu, phối màu mới. Những ngày học tại đây, tiếp xúc với bạn bè, em cũng không còn nhút nhát nữa”. “Cảm ơn thầy Hoàng, thầy Vũ đã dạy cho con nhiều cách vẽ rất độc đáo. Con rất thích khi được thầy cô dạy cho cách kết cườm, làm búp bê, vẽ áo dài…” – Đó là những dòng tâm sự của các em học viên khi tham gia lớp hội họa khóa 1 thử nghiệm của trường Creative Art. Không giống như các lớp học thông thường, ở lớp học này không hề có thi cử hay chấm điểm. Cũng không có chuyện nhận xét tranh xấu hay tranh đẹp bởi giáo viên sẽ để cho các em thỏa sức sáng tạo. Những câu khích lệ, động viên của giáo viên giúp các em không e dè khi thể hiện bản thân. Lớp học chỉ khoảng 15 em. Ghé thăm một buổi học tại đây, người khác dễ lầm tưởng đây không phải là một buổi học mà là một buổi vui chơi với sắc màu.
Chơi nghệ thuật, học tư duy
Lâu nay, nhắc đến nhà thiết kế Sĩ Hoàng, người ta thường nhớ đến áo dài, tranh gốm, thảm và nhà vườn Long Thuận. Thế nhưng bây giờ, gặp Sĩ Hoàng, sẽ thấy anh hào hứng chia sẻ về chương trình giáo dục sớm. Nhiều người bảo bước chuyển này của anh khá đột ngột. Tuy nhiên Sĩ Hoàng cho biết, chương trình này anh đã ấp ủ rất lâu. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng vốn yêu trẻ con. Là giảng viên của Trường đại học Kiến trúc nên tố chất của một nhà sư phạm đã thúc giục anh cần phải làm điều gì đó trong sự nghiệp trồng người. Từ cuộc thi cắt giấy “nhà thiết kế áo dài nhí” tổ chức vào dịp 1-6 với hàng ngàn em tham gia tại sân vận động Thống Nhất; từ gian hàng xếp giấy ở phiên chợ cuối tuần tại công viên 23-9 và nhất là hội thi “Nét vẽ xanh” thi vẽ áo dài trên giấy, nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã tổ chức các buổi vui chơi sáng tạo với sắc màu cho các em thiếu nhi. Kinh ngạc trước sức sáng tạo độc đáo, vô tận của trẻ thơ, anh thấy rằng nhu cầu sân chơi hội họa của trẻ rất lớn. Những biểu hiện đầu đời của trẻ cho thấy hội họa góp phần phát triển tư duy của trẻ. Vẽ là một trong những nội dung giáo dục thẩm mỹ nhằm phát triển trẻ em về cảm giác, tri giác, khả năng cảm thụ và khả năng sáng tạo. Bồi dưỡng hội họa cần được bắt đầu khi trẻ còn nhỏ tuổi, khuyến khích trẻ quan sát xung quanh, từ đó giúp trẻ tăng khả năng hòa nhập cộng đồng và suy nghĩ cởi mở hơn. Sĩ Hoàng đã dành ra hơn 5 năm để nghiên cứu và phát triển hệ thống giáo trình “Phát triển tư duy sáng tạo và thông minh cảm xúc thông qua nghệ thuật” dành cho trẻ em từ 4 đến 14 tuổi.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng chia sẻ: “Các giáo án được thiết kế như một kịch bản của trò chơi, mang lại niềm vui cho trẻ. Do đó gọi là chương trình giáo dục sớm nhưng chương trình không nặng về vấn đề học tập, mà đó thực chất là một sân chơi, một giờ giải trí để các em giải tỏa căng thẳng sau giờ học tập trên lớp. Trẻ sẽ học thêm rất nhiều điều mới, học về kỹ năng sống, làm chủ bản thân mà không bị áp lực chuyện học thêm”.
Hỏi về chương trình này có quá mới mẻ tại Việt Nam, nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho biết hiện nay trên thế giới đã có nhiều nước tiên tiến áp dụng: “Nền kinh tế – xã hội dựa trên khả năng tư duy logic, máy móc đang dịch chuyển sang nền kinh tế – xã hội dựa trên tư duy sáng tạo nội tại của con người. Chương trình nhằm tạo dựng một con người chặt chẽ trong tư duy, khéo léo trong kỹ năng, tinh tế trong cảm xúc cho kỷ nguyên mới”.
Thật bất ngờ, từ những trại Sáng tạo và lớp học này, không chỉ khả năng hội họa mà khả năng sáng tác âm nhạc của các em cũng có những bước phát triển đáng kinh ngạc. Chỉ cần sau 2 tiếng được các nhạc sĩ hướng dẫn, các em đã có thể sáng tác một bài hát thiếu nhi trong vòng 15 phút. Những bức tranh đẹp từ các lớp học này sẽ được bán đấu giá để gây quỹ cho những trẻ em nghèo, mở lớp học cho các bé bất hạnh tham gia. Đồng thời các em có tác phẩm xuất sắc sẽ được gửi đi dự thi ở các cuộc thi lớn.
Dù rằng rất bận rộn với công việc thiết kế áo dài, các show diễn nhưng nhà thiết kế Sĩ Hoàng luôn cùng các em tham gia trại hè và lên lớp đều đặn. Sĩ Hoàng là vậy, anh luôn muốn làm hết mình với công việc. Anh bảo đây có lẽ là sự nghiệp dài hơi nhất trong cuộc đời của mình
Nguồn: Phan Thi Uyên/ http://creativeart.com.vn/

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc