Gặp, trò chuyện với Nguyễn Hà Cẩm Tú – cô phóng viên trẻ có vóc người bé nhỏ của báo Pháp luật TP HCM- mới thấy việc cô tằn tiện để dành tiền cho những chuyến đi không chỉ là để thỏa mãn niềm đam mê của riêng cá nhân cô mà còn với tâm thế của một người làm báo, nói như nhà báo Đức Hiển, là “lang thang có trách nhiệm”. Từ những chuyến đi như tới Nepal, “chạm mặt” với thảm họa động đất khủng khiếp tại đất nước này hồi cuối tháng 4 vừa qua, dường như đã là những cảm xúc và trải nghiệm quý giá cho cuộc đời làm báo của Cẩm Tú.
Nepal, chuyến đi đọng nhiều suy nghĩ!
+ Liệu những trải nghiệm khủng khiếp trong chuyến đi leo núi tại Nepal vừa qua có khiến chị cảm nhận về mình, công việc của mình, và cuộc sống xung quanh khác đi không?
– Ngoài “cuộc đối đầu bất đắc dĩ” với trận động dất 7,8 độ richter, thì việc tiếp cận được cung Annapurna Circuit- được hiểu nôm na là đi vòng quanh núi Annapurna như kiểu hình xoắn ốc từ thấp lên cao, được chọn là cung đường mạo hiểm được yêu thích nhất ở Nepal- là một trải nghiệm đáng nhớ của Tú trong chuyên đi Nepal vừa qua. Cung này có một điểm nhấn đặc biệt là đèo Thorong La cao đến 5.416m. Không chỉ về độ cao mà sự nguy hiểm ở đèo này là một điều mà mọi trekkers đều lo lắng. Nhất là khi năm vừa qua 39 người leo núi chết ở đây do một trận bão tuyết và mới tuần rồi lại thêm 4 người nữa. Nhưng không đi qua đèo này thì không thể xem là đi Annapurna Circuit. Em biết nó nguy hiểm nhưng không ngờ nó quá sức tưởng tượng và quá sức em. Trượt một bước chân thôi là ngã xuống vực sâu chôn vùi trong tuyết. Nên khi hoàn thành em vẫn không tin được. Có lẽ đó là thử thách lớn nhất mà Tú đã làm được.
Chuyến đi này đọng lại cho Tú nhiều suy nghĩ. Thứ nhất là con người rất nhỏ bé trước thiên nhiên, con người thuộc về thiên nhiên chứ không phải thiên nhiên thuộc về con người. Dù cho tài giỏi như thế nào, giàu có bao nhiêu, những lúc đó cũng hoàn toàn bất lực trước thiên nhiên vĩ đại. Thứ hai là về sự tử tế, những tính tốt của người Nepal lúc bình thường lẫn trong hoạn nạn dù cho họ quá nghèo. Tú cảm kích họ rất nhiều. Cuối cùng là tình cảm của mọi người dành cho Tú quá lớn lao, gia đình, bạn bè, cơ quan và cả những người không thân quen. Tú thấy mình rất được yêu thương…
Qua những trải nghiệm như trên, Tú càng thấy mình bé nhỏ. Ngạo nghễ là một điều cần tránh nhất, người ta chỉ có thể tồn tại và hạnh phúc khi sống hòa hợp cùng thiên nhiên và xử sự tử tế với nhau, em nghĩ vậy.
+ Được biết loạt bài viết “Lời kể từ Nepal” của Tú được hình thành trong điều kiện tác nghiệp vô cùng khó khăn.Tú đã vượt qua những khó khăn ấy như thế nào?
-Phương tiện làm việc của Tú lúc đó chỉ là một cái điện thoại samsung không được tốt lắm để em chụp ảnh, gửi hình, viết bài. Wifi rất khó khăn chập chờn. Nhưng Tú biết mọi người đang chờ, muốn được gửi đến mọi người bên Việt Nam những hình ảnh về người Nepal lúc này nên Tú suy nghĩ mình phải cố gắng hết sức hoàn thành. Về suy nghĩ hoang mang như chị nói, dường như mình không thật sự giúp ích được cho người dân, Tú cũng đã như vậy. Tú chia sẻ suy nghĩ đó với một người bạn và được giải thích, động viên rất nhiều. Rằng, có thể không giúp được về vật chất cho họ nhiều, nhưng trong cuộc sống và những lúc khó khăn, sự chia sẻ về tinh thần, tôn trọng, yêu thương luôn có giá trị lớn lao có thể vực người ta dậy. Thế là Tú yên lòng mình đang làm những việc không vô nghĩa.
Bị lôi cuốn bởi những đề tài khó khăn, thử thách
+ Tú thích khám phá, thích những câu chuyện mạo hiểm, trong nghề báo Tú có hay đặt tiêu chí này cho mình không?
– Với trường hợp của mình, em nghĩ “nghề chọn người” và “người chọn nghề”. Em luôn thích thú và bị lôi cuốn đặc biệt với những đề tài khó khăn, thử thách, ít người làm, đòi hỏi sự linh hoạt năng động. Cũng giống như trekking Hymalaya là sự lựa chọn của không nhiều người. (Cười)
+ Cẩm Tú được bạn bè, đồng nghiệp nhận xét là lanh (nhanh nhẹn, sắc sảo…), suy nghĩ sâu sắc, Tú thấy đúng như thế không và để nhận xét về mình, Tú nói gì?
– Em cũng không biết nữa, dù rất vui khi được nhận xét như vậy. Tú nghĩ rằng mình rất may mắn khi được định hướng bởi nhiều người “lớn” xung quanh một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, đã giúp Tú trưởng thành và sâu sắc hơn rất nhiều trong cuộc sống, công việc. Còn nhanh nhẹn thì chắc là yếu tố bẩm sinh…
+ Với những cá tính này trong công việc Tú thích được lựa chọn công việc hay sẽ hoàn thành tốt những công việc được giao và làm thêm những gì mình yêu thích?
-Từ trước đến nay, Tú theo vế thứ hai: hoàn thành tốt những công việc được giao và làm thêm những gì mình yêu thích. (Cười). Tú không phải là người tham vọng trong công việc, “Sếp” từng bảo đó là khuyết điểm. Còn Tú, nghĩ đơn giản hơn, thích chọn… niềm vui.
+ Không chỉ dừng lại ở những bài báo đã được đăng tải, dường như Tú luôn đau đáu về nhân vật và câu chuyện của họ phía sau mỗi bài báo?
– Không chỉ sau bài báo mà cả trước bài báo, Tú cũng luôn muốn tìm hiểu thật kỹ, được nghe thật nhiều. Mảng của Tú viết rất phức tạp nhạy cảm, đụng chạm đến quyền lợi của người khác. Tú luôn muốn mình được thanh thản về mỗi bài báo của mình vì đã không một phía, thiếu tìm hiểu, dường như có ác ý hay xúc phạm người khác… Tú sẽ mất ăn mất ngủ nếu biết rằng mình đã làm sai điều gì đó.
+ Có bao giờ Tú ý thức về việc sẽ chú tâm làm sâu về thế mạnh của mình hay vẫn “nể nang” nhận nhiều việc, thử sức với nhiều lĩnh vực?
– Câu hỏi của chị khiến Tú rất suy nghĩ. Tú nghĩ thế mạnh của mình là khả năng phân tích tốt, có một sự tỉnh táo và yêu thích sự công bằng, đấu tranh tiêu cực của một người học luật nên lâu nay vẫn được cơ quan và đồng nghiệp, mọi người đánh giá là Tú làm tốt. Tú có thử sức thêm mảng ký sự đường xa sau những chuyến đi, cảm thấy đó là một niềm vui hơn là nhận nhiều việc. Những bài viết về ký sự đường xa của Tú cũng không phải tả cảnh, giới thiệu cách đi bụi mà những câu chuyện ý nghĩa, những triết lý sống Tú cảm nhận hoặc bắt gặp dọc đường.
Hằng Nga (Thực hiện)
Theo Nhà báo & Công luận/ Congluan.vn