Một thực trạng đáng báo động hiện nay là người trẻ ngày càng lười vận động. Thực trạng này không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hiện tại mà còn góp phần làm thui chột quá trình phát triển giống nòi.

To nhưng không khỏe

Tính lười vận động được hình thành từ cách nuôi dạy và giáo dục của các bậc phụ huynh. Trên thực tế, ngày nay trẻ em ở các thành phố lớn thường cha mẹ chăm rất kỹ, đến trường có người đưa đón, lên lớp, về nhà bằng thang máy, ít chơi những trò vận động mà chỉ dán mắt vào màn hình máy tính, tivi.

Nguyễn Văn Tài, sinh viên Trường ĐH Giao thông Vận tải chia sẻ: “Em trưa đi xe buýt đến trường, chiều lại xe buýt về phòng trọ. Ngoài giờ học em thường chơi game hoặc đi cà phê với bạn bè. Do đêm thức khuya nên buổi sáng đa số dùng vào việc ngủ bù”. Tài cho biết thêm, hồi mới lên Hà Nội nhập học, Tài từng lên lịch chạy bộ, tập thể hình rồi chơi bóng nhưng dần dần cái nào cũng thực hiện chỉ được vài ba ngày lại chán và bỏ giữa chừng. Tương tự, bạn Trần Quỳnh Trang (24 tuổi, nhân viên văn phòng), trước đây từng rất quyết tâm tập yoga để chấn chỉnh vòng eo, hiện đã bỏ hẳn lớp tập yoga sau hơn hai tháng luyện tập cũng vì lý do “không có bạn đi cùng nên chán”.

Khi được hỏi, có người còn cho rằng người trẻ không cần thiết phải năng vận động! “Tôi còn trẻ, không hút thuốc, ít nhậu nhẹt, sức khỏe còn không biết dùng vào việc gì… việc gì phải mất thời gian tập thể thao. Có bạn lại cho rằng, tranh thủ làm thêm để tăng thu nhập tốt hơn là đi tập thể dục. Ở cơ quan, bạn cũng như nhiều đồng nghiệp trẻ khác vẫn thường kiên nhẫn đứng đợi thang máy dẫu văn phòng nằm ở… tầng ba!

Lối sống ít vận động, dành thời gian nhiều cho xem tivi, đọc báo, làm việc bằng máy tính, nói chuyện qua điện thoại, lái xe, ăn uống, ngồi lì trong văn phòng… đang ngày càng phổ biến trong đại bộ phận người trẻ, gây ra những căn bệnh nguy hiểm. Dạo quanh các công viên trên địa bàn Hà Nội thời gian từ 5h30-7h hằng ngày, chúng ta dễ nhận thấy hầu hết người tập thể dục (đánh cầu lông, chạy bộ…) đều ở độ tuổi 40 trở lên. “Thật ra tôi cũng lười tập lắm nhưng mới phát hiện có bệnh, bác sĩ khuyên năng tập để cải thiện tình hình…”, anh Hải (28 tuổi), một trong những người trẻ hiếm hoi chạy bộ quanh hồ Bảy Mẫu bộc bạch.

Bác sĩ Nguyễn Văn Biển, Trưởng khoa Khám – Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, lớp thanh niên ngày nay thiếu ý thức tự rèn luyện mình. Trông bề ngoài to cao, nhưng sức khỏe, sức bền không bằng thanh niên xưa. Trước đây, thanh niên không được ăn uống đủ chất như bây giờ nhưng có sự rèn luyện bài bản. Người trẻ bây giờ thường chỉ đi tập thể dục khi phát hiện cơ thể có dấu hiệu không bình thường. Đó chỉ là sự đối phó tạm thời, không thể tạo nên thói quen rèn luyện cơ thể.

Luoi_van_dong (1)

Thay vì rèn luyện thể thao, nhiều bạn trẻ sử dụng thời gian rảnh rỗi vào việc chơi game

Tác hại khôn lường

Trong một nghiên cứu quốc tế đăng tải trên Tạp chí y khoa The Lancet (Anh), Việt Nam được xếp vào nhóm lười vận động nhất thế giới với chỉ hơn 15% người tập thể dục nhiều hơn 30 phút mỗi ngày, ở khu vực thành thị chiếm 35%, ở nông thôn là 25%. Độ tuổi 25-34 là độ tuổi có hoạt động thể chất thấp nhất, sau đó là độ tuổi 35-44.

Các nhà khoa học đánh giá mức độ nguy hiểm của tình trạng thiếu vận động tương đương với bệnh béo phì và nạn hút thuốc lá. Nếu thế giới giảm được 10% tỷ lệ người thiếu vận động sẽ ngăn chặn được cái chết của hơn 500.000 người/năm. Đối với những người thường xuyên làm công việc văn phòng, lười vận động còn là nguyên nhân của những chứng bệnh phổ biến như đau khớp, đau vai gáy, stress thường xuyên… dẫn đến sức khỏe suy giảm, tinh thần căng thẳng, ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống. Nhiều nghiên cứu cho thấy, lười tập thể dục là nguyên nhân chính của 25% ca ung thư, 27% đái tháo đường và 30% bệnh mạch vành.

Tại Việt Nam, theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam và Viện Dinh Dưỡng tại 8 tỉnh, thành phố, hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch (từ 25 tuổi trở lên) là 25,1%, tỷ lệ người mắc chứng béo phì là 16,3%. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, lười vận động được chứng minh là một trong những nguy cơ chính dẫn đến hai căn bệnh này và vô số các nguy cơ bệnh khác.

Người Việt nhỏ bé nhất châu Á

Viện Dinh dưỡng Quốc gia vừa công bố, chiều cao người Việt thấp nhất khu vực châu Á. Sau 10 năm, người Việt Nam chỉ cao thêm được 1cm. Hiện nay, nam giới trưởng thành chỉ cao 1,64m, nữ giới chỉ cao 1,53m. So với Nhật Bản, Hàn Quốc, chiều cao trung bình của người Việt Nam kém 8cm. Người Việt Nam kém người Trung Quốc 7cm, kém Thái Lan và Singapore là khoảng 5-6cm.

Giáo sư Dương Nghiệp Chí, Viện Khoa học Thể dục Thể thao Việt Nam – người từng nhiều năm nghiên cứu về nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt cho rằng, không lạ khi Việt Nam được xếp vào nhóm những nước lùn nhất khu vực, lười vận động nhất thế giới. Đây là hệ quả của việc thiếu vận động, coi nhẹ thể dục thể thao ở độ tuổi thanh thiếu niên. Thế hệ ông bà ta vận động để mà sống (lao động chân tay). Đến thế hệ bố mẹ (những người hiện nay dưới 50 tuổi) thường lười vận động hơn, lo kiếm sống, hưởng thụ. Trẻ học theo thế hệ trước, lại không được giáo dục để biết vận động tốt thế nào, không có thói quen luyện tập rèn thể lực từ nhỏ nên lớn lên cũng ù trệ.

Theo ông Chí, tập thể dục cũng giống như một môn thể thao, phải có bài bản, tập luyện từ nhỏ. Muốn vậy, phải xây dựng ý thức từ gia đình, nhà trường và xã hội. Ở trường học, các em có môn giáo dục thể chất, vừa là môn học vừa là cách rèn luyện thể lực. Tuy nhiên, hiện nay, giáo dục thể chất ở các trường học, từ cấp mầm non đến phổ thông, đại học, đều rất kém. Thể dục vẫn được coi là một môn phụ, mỗi lớp một tuần chỉ có 1-2 tiết thể dục, với các môn học nhàm chán không hấp dẫn được học sinh, cũng chưa được biên soạn giáo trình nhắm vào mục đích giúp các em tăng trưởng chiều cao.

Theo GS Chí, rèn luyện thể lực không chỉ nâng cao tầm vóc mà còn rèn luyện sức khỏe cho thanh thiếu niên khi bước vào tuổi lao động, đáp ứng yêu cầu công việc. Ông cho biết, vận động hợp lý giúp tăng cường sức khỏe chung, điều hòa hoạt động của hệ nội tiết, trong đó có tuyến yên, tuyến giáp. Nhờ đó hệ nội tiết tiết các kích thích tố tăng trưởng, giúp tận dụng hết tiềm năng di truyền, đồng thời kích thích sự phát triển của tế bào xương, tăng chiều dài của xương.

Ngoài ra, hoạt động thể dục thể thao giúp các cơ quan nội tạng, tinh thần tốt lên. Không những thế, trẻ tập thể dục thể thao giao tiếp tốt hơn, học cách phối hợp đồng đội, rèn luyện ý chí vươn lên, chiến thắng chính mình và chiến thắng đối thủ. Các hoạt động thể chất hoàn toàn có thể kết hợp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, giúp các em tự tin hơn trong cuộc sống.

Từ năm 1951, Nhật Bản đã có chương trình riêng, phục hồi sức khỏe và cải thiện giống nòi. Về dinh dưỡng, ngay từ những năm 1945, Chính phủ Nhật đã tổ chức bữa ăn trưa cho tất cả học sinh tiểu học, mẫu giáo. Họ tiến hành nghiên cứu để đảm bảo chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng và hướng dẫn toàn dân thực hiện theo. Ngoài ra, Nhật Bản rất chú trọng phát triển và đầu tư cao cho thể dục thể thao trường học. Để có tác dụng trực tiếp, góp phần tăng chiều cao thân thể, Nhật đã nghiên cứu và hướng dẫn những loạt bài tập thể dục đặc hiệu: Tập vừa sức, vận động toàn thân, đặc biệt vận động chi dưới, kéo dãn cơ thể.

Minh An

Nguồn: Petrotimes.vn 

Bệnh viện Hạnh Phúc