Hành trình dịch thuật của Nguyễn Hồng Nhung giúp độc giả mở ra cánh cửa của minh triết trong văn học

Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ X năm 2017 vừa diễn ra đã dành một vị trí để tôn vinh sự cống hiến của một phụ nữ ở mảng sách dịch, đó là dịch giả Nguyễn Hồng Nhung, với những cuốn sách nặng ký trong mảng văn hóa Hungary mà chị chuyển ngữ.

Đam mê và mạnh mẽ

Một trong những công trình dịch thuật của Nguyễn Hồng Nhung khiến người đọc sững sờ và mê đắm là “Minh triết thiêng liêng” của đại văn hào, triết gia Hamvas Béla. Nhưng để đến được với thành tựu của “Minh triết thiêng liêng”, Nguyễn Hồng Nhung đã phải vượt qua cả một hành trình khổ ải, từ “Những câu chuyện vô hình và đảo”, “Một giọt từ sự đọa đày”…


Dịch giả Nguyễn Hồng Nhung tại lễ trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh 2017

Dịch giả Nguyễn Hồng Nhung tại lễ trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh 2017

Nguyễn Hồng Nhung du học tại Hungary (khóa 1972-1978) chuyên ngành nghiên cứu văn học. Hiện tại, Nguyễn Hồng Nhung dạy tiếng Việt trong Viện Đông Nam Á của Trường Đại học Tổng hợp Budapest và những ngày cuối tuần, chị tham gia dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam tại cộng đồng người Việt ở Hungary.

Trong mắt bạn bè, người thân, Nguyễn Hồng Nhung là một phụ nữ duyên dáng, mẫn tiệp có sức thu hút, quyến rũ ngay lập tức với những người xung quanh. Nhưng niềm say mê của chị lại là một trong những công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ, sự kiên trì và học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ của mình: Công việc dịch thuật từ một ngôn ngữ nước ngoài ra tiếng Việt.

Bạn bè nói vui là hình như Hamvas Béla đã cứu Nguyễn Hồng Nhung vì khi bắt tay vào dịch một trong những tác giả nổi tiếng nhất của Hungary là lúc cuộc sống của chị rơi vào thời kỳ khó khăn nhất: Chồng chị mất vì bệnh tim, chị phân vân không biết nên tiếp tục cuộc sống của mình ở nước ngoài hay trở lại Việt Nam.

Nhưng cũng chính trong thời gian này, chị đã hoàn thành bản dịch tác phẩm đầu tiên của Hamvas Béla in ở Việt Nam: “Câu chuyện vô hình và đảo”. Dịch xong cuốn sách, chị quyết định quay lại định cư ở Budapest, trở lại với văn học Hungary, bất chấp đối diện nhiều khó khăn mà chị chưa lường hết.

“Văn học Hungary là một trong những nền văn học đặc sắc nhất của châu Âu, cũng như văn hóa Hungary nói chung. Với 15 giải thưởng Nobel trên mọi lĩnh vực, người Hungary đã từng được coi là cư dân từ sao Hỏa đến vì chất thiên tài xuất sắc trong những hoạt động chất xám của họ. Nhưng ở Việt Nam, người ta chưa biết nhiều về văn hóa, văn học Hungary. Đặc biệt, văn học Hungary đương đại gần như thiếu vắng trong văn học dịch ở Việt Nam. Chính vì thế, tôi muốn mang nỗ lực cao nhất để đưa những tinh hoa văn hóa Hungary về cho cộng đồng Việt” – dịch giả Nguyễn Hồng Nhung nói.

Cầu nối văn hóa

Hungary là nơi sinh ra những nhà thơ, những nhà triết học lừng danh, những nhà huyền môn, có thể thấu thị được thế giới, những người, mà theo Nguyễn Hồng Nhung, nếu đọc họ, ta có thể thay đổi chính mình.

“Tôi thích dịch Csáth Géza vào ban đêm, lúc đó tôi có cảm giác hiểu rõ những gì nhà văn muốn truyền tải, tôi “nhập” được vào tâm hồn ông và tìm ra những từ ngữ tiếng Việt thích hợp một cách dễ dàng. Cách viết tản văn, tùy bút và thơ xuôi đã giúp tôi nhiều trong việc chuyển ngữ, nhất là những truyện như “Buổi tối”, “Buổi dạ hội đêm hè”, “Tôi đã gặp mẹ”, hay một trong những truyện khó dịch nhất là “Thuốc phiện”. Dịch tập truyện ngắn này, đọc lại nó, tôi thấy cảm xúc tràn ngập tình yêu thương với một ai đấy, với một cái gì đấy trong cuộc đời đã được nhân lên rất nhiều, cùng với tình yêu văn chương” – Nguyễn Hồng Nhung tâm sự.


Những tác phẩm của Hamvas Béla được xuất bản tại Việt Nam

Những tác phẩm của Hamvas Béla được xuất bản tại Việt Nam

“Tôi đã có mặt tại đất nước tôi coi như tổ quốc thứ hai của mình vào những ngày đất nước ấy trải qua một biến động lịch sử lớn: Sự thay đổi thể chế chính trị năm 1989 tại các nước Đông Âu. Biến động lịch sử – chính trị lớn này cho phép văn hóa Hungary bộc lộ toàn bộ những gì bị cất giấu gần nửa thế kỷ không chỉ với nhân loại mà với chính nhân dân của quốc gia ấy. Những nhân vật, những cá nhân lỗi lạc của một nền văn hóa đặc biệt với một ngôn ngữ hết sức đặc thù lần lượt xuất hiện, trong đó có Hamvas Béla, người mà dân Hungary gọi là “nhà thông thái thời hiện đại của chúng ta” – Nguyễn Hồng Nhung kể về cơ duyên đến với nhà văn, nhà triết học đương thời xuất sắc nhất của Hungary.

Trước khi dịch sách của Hamvas Béla, chị đã dịch gần một chục tác phẩm của các nhà văn cổ điển cũng như hiện đại của Hungary như: Csáth Géza, Karinthy Frigyes, Marai Sándor, Kertész Imre (nhà văn được giải Nobel) và dịch thơ của một số nhà thơ Hungary nổi tiếng như Pilinszky János, Szabó Lörinc, Wass Albert nhưng chị chưa hề biết đến Hamvas Béla.

Tiểu sử cuộc đời của nhà thông thái biết 13 ngoại ngữ này ly kỳ như chính thời đại của ông. “Tôi bắt đầu biết đến Hamvas Béla từ sau khi đọc bài tiểu luận chấn động của ông nói về chính thế kỷ XXI này của chúng ta trong tập tiểu luận triết học duy nhất ông được in trong đời, tập “Câu chuyện vô hình và đảo” – Hồng Nhung nói.

Dịch xong tiểu luận xuất sắc này, Hồng Nhung đi tìm người thừa kế di sản của Hamvas Béla. Chị cho biết đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ trong suốt thời gian dịch một trong những tác phẩm cơ bản nhất của Hamvas Béla: “Minh triết thiêng liêng” – trọn bộ 3 tập.

Nguyễn Hồng Nhung dịch Hamvas Béla trong khi ăn, lúc uống trà, khi dạo bước trên phố, nghĩa là toàn bộ những thời gian không phải lên lớp. Bạn đọc sẽ ngạc nhiên vì một thứ ngôn ngữ tươi rói cảm xúc, tươi rói các trạng thái mà tác giả trải qua – có thể là một tài năng dịch thuật bẩm sinh nhưng chắc chắn đã không ngừng được nuôi dưỡng và chăm sóc.

Tại lễ trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh 2017 vừa rồi, dịch giả Nguyễn Hồng Nhung tâm sự về tầm quan trọng của Hamvas Béla và những tác phẩm của ông: “Có cảm giác mỗi ngày sống bây giờ sẽ rất thiếu thốn nếu không đọc Hamvas… Từ ngày đọc và dịch Hamvas, thấy mình thanh lọc, bớt dần những điều thừa, sửa lại những điều hiểu sai, làm sáng tỏ những điều trước kia mù mờ…”.

Một “ơn gọi” về dịch thuật

“Dịch giả Nguyễn Hồng Nhung là một trong những “ca” điển hình về việc con người ta lựa chọn dịch văn học do thúc đẩy của yêu thích và mến mộ đối với một tác phẩm, một tác giả hay một nhân vật văn học. Dịch văn học, phần nào giống như dịch kinh văn tôn giáo, không nên coi như một thứ “nghề” trong “bách nghệ” xưa nay. Nhiều người quan tâm đều đã biết Nguyễn Hồng Nhung buổi đầu âm thầm dịch sách của văn hào Hamvas Béla trong cảnh sống khó khăn, vất vả và dĩ nhiên trong cái thầm lặng có vẻ vô vọng vào lúc đó, chẳng mấy ai biết. Chị từng nói Hamvas Béla đã “cứu” chị. Nhà văn lớn của xứ Hungary có một tiểu sử đầy chất “tuẫn đạo” thật sự dâng hiến trọn đời mình cho văn chương và tư tưởng. Dịch giả Nguyễn Hồng Nhung dường như đã thấm thía trọn vẹn cái tinh thần đó từ tác giả và các tác phẩm của ông. Có thể nói, chị đã nhận được “ơn gọi” về dịch văn học – công việc đôi khi đượm màu sắc một cuộc truyền giáo thiện lành” – nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan nhận định.

 

Nguồn: HÒA BÌNH/ Người Lao động/nld.com.vn 
Bệnh viện Hạnh Phúc